Tác dụng của vị thuốc Phòng phong
Nội dung bài viết
Phòng phong là một vị thuốc thuộc nhóm Tân ôn giải biểu. Nghĩa của tên thuốc: Phòng nghĩa là phòng bị, phong nghĩa là gió. Phòng phong là vị thuốc chuyên trị các bệnh ngoại cảm do gió.
Thực tế, Phòng phong gồm nhiều vị thuốc khác nhau được thu hái và sử dụng. Nước ta chưa thấy mọc loại cây này, hiện nay vẫn đang nhập khẩu từ Trung Quốc. Tại Trung Quốc Xuyên phòng phong và Vân phòng phong chủ yếu được trồng tại Tứ xuyên, Quý Châu, Vân Nam. Phòng phong chủ yếu được trồng tại Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Đông, Nội Mông.
1. Bộ phận dùng, thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: rễ của cây Phòng phong.
Thu hái vào mùa xuân, thu. Đào lấy rễ, cắt bỏ phần trên, rửa sạch rồi phơi và sấy. Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
2. Công dụng trong y học cổ truyền
Phòng phong có vị cay ngọt, hơi ấm. Quy kinh Bàng Quang, Can và Tỳ.
2.1. Tác dụng
Trị cảm lạnh mà ra mồ hôi không dứt, trị đau do phong thấp, đau cơ khớp khi thay đổi thời tiết, ngứa toàn thân (phong), chống co giật do bệnh uốn ván, cầm đi lỏng.
2.2. Liều dùng
Liều dùng từ 4 – 12g tùy từng loại bệnh.
2.3. Chỉ định
Chứng cảm cúm do gió lạnh: đau nhức đầu, đau nhức mình mẩy, sợ gió lạnh. Thường kết hợp với các vị thuốc như Kinh giới, Khương hoạt hay Độc hoạt.
Chứng cảm cúm do phong thấp: đau nhức đầu, đau nhức tay chân, người nặng nề. Thường kết hợp với các vị thuốc Khương hoạt, Cảo bản (như bài Khương hoạt thắng thấp thang).
Các chứng đau nhức khi thay đổi thời tiết: gây đau nhức các khớp, các khớp sưng nề và biến dạng, co duỗi khó khăn. Thường kết hợp với Khương hoàng, Khương hoạt, Quế chi (Như bài Quyên tý thang).
Chứng co cứng do uốn ván thường phối hợp với Thiên ma, Thiên nam tinh, Bạch phụ tử ( Bài Ngọc châu tán).
Phòng phong sao cháy có thể dùng để điều trị đi tiêu ra máu.
3. Một số bài thuốc
Chữa cảm phong thấp gây đau nhức mình mẩy, các khớp: Phòng phong 12g, Độc hoạt 10g, Tang ký sinh 12g, Tần giao 12g, Hương phụ chế 8g, Xuyên khung 8g, Hà thủ ô 12g, Quế chi 8g, đổ ngập nước sắc còn khoảng 200ml.
Chữa đau nửa đầu: Phòng phong, Bạch chỉ lượng bằng nhau, tán mịn, hòa với mật làm thành viên to bằng quả táo nhỏ, mỗi lần ngâm một viên với nước trà rồi uống.
Trị co giật do uốn ván (Ngoại khoa chính tông): Nam tinh, Phòng phong, Bạch chỉ, Thiên ma, Khương hoạt, Bạch phụ tử lượng bằng nhau, tán mịn. Lần dùng 6 – 12g chế với rượu nóng để uống.
Trị ngứa thường dùng với các thuốc trị phong khác như Kinh giới, Bạc hà, Kim ngân hoa…
Điều trị đau bụng tiêu chảy: Trường hợp tiêu chảy kèm sôi bụng, đau bụng. Dùng bài cổ phương “Thống tả yếu phương” (Cảnh nhạc toàn phương). Gồm Bạch truật 12g, Bạch thược 12g, Phòng phong 8g (sao), Trần bì sao 6g. Đem sắc với khoảng 600ml nước, sắc còn 200ml là có thể dùng.
4. So sánh với các vị thuốc trị phong khác trong Y học cổ truyền
Khương hoạt và Phòng phong: Phòng phong tác dụng trung bình, Khương hoạt tác dụng mạnh. Phòng phong trị phong toàn thân trong khi đó Khương hoạt trị phong từng vùng (Đông dược học thiết yếu)
Quế chi và Phòng phong: Quế chi trị sợ gió, lạnh sau lưng, Phòng phong chủ trị về sợ gió lạnh ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể (Đông dược học thiết yếu).
Kinh giới và Phòng phong: đều có vị cay, tính ấm, có tác dụng trị cảm khi phong vào phần huyết, có khả năng cầm máu. Nhưng Kinh giới có tác dụng làm cho ra mồ hôi mạnh, có thể trị phong ở phần đầu, mắt, thông cổ họng, đẩy nhanh ban chẩn, cầm máu mà tiêu ứ trệ. Còn Phòng phong có tác dụng khu phong, thắng thấp, giảm đau, cầm máu, cầm băng huyết.
5. Tác dụng dược lý
Phòng phong chứa các tinh dầu bay hơi có tác dụng giảm sốt, chống viêm, giảm đau, chống co rút. Nước sắc Phòng phong có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng chống dị ứng và nâng cao miễn dịch của cơ thể.
6. Nghiên cứu khoa học
Thành phần chủ yếu của Phòng phong là Mannitol và Phenol.
Năm 1942, báo cáo của Trung Xuyên Công Hải đã nêu lên tính hạ sốt của Phòng phong. Họ cho thỏ đã được gây sốt uống chất chiết của vị thuốc này, kết quả thỏ có hạ sốt. (Trung Hoa dân quốc y học nội).
Năm 1956, thực nghiệm trên thỏ đã được gây sốt bằng cách tiêm tĩnh mạch vacxin thương hàn của Tôn Thế Tích cho thấy, Phòng phong (Siler divaricatum) sắc thuốc 20% (trọng lượng trên thể tích) và thuốc ngâm liều 10mg trên 1kg trọng lượng đều có tác dụng hạ sốt sau nửa giờ uống. Nhưng thuốc sắc có tác dụng lâu hơn, tác dụng hạ sốt kéo dài trên 2 giờ rưỡi. Còn thuốc ngâm chỉ kéo dài khoảng 2 giờ thì sốt lại. Ông cho rằng tác dụng hạ sốt của Phòng phong không cao lắm. (Trung Hoa y học tạp chí, 10: 964-968).
Ngâm cùng cồn làm tăng ngưỡng đau của chuột khi dùng bằng đường uống hoặc đường chích. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm Cốt toái bổ: Vị thuốc quý bổ gân cốt.
7. Lưu ý
Các trường hợp huyết hư sinh phong hoặc sốt cao co giật, ra mồ hôi trộm, tự chảy mồ hôi đầm đìa, phụ nữ sau sinh, trẻ nhỏ co giật khi bị tiêu chảy nặng không dùng.
Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích cho độc giả về Phòng phong, loại dược liệu – gia vị thông dụng của mọi nhà. Mong quí độc giả có những góp ý, trao đổi để cùng chúng tôi phát triển hơn về dược liệu Y học cổ truyền. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- GS.BS Trần Văn Kỳ (2013). Dược học cổ truyền. Nhà xuất bản Đà Nẵng.
- Nghiêm Chính Hoa. Trung dược học (tiếng hoa). Nhà xuất bản Vệ sinh Nhân dân xuất bản năm 1991.
- Trung Hoa y học tạp chí, 10: 964-968