YouMed

Cách điều trị khi mắc phải tiền sản giật theo phác đồ của bác sĩ

Bác sĩ LƯƠNG SỸ BẮC
Tác giả: Bác sĩ Lương Sỹ Bắc
Chuyên khoa: Tim mạch

Thai kì là giai đoạn mẹ bầu phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Trong đó, bệnh lý nguy hiểm nhất là tiền sản giật. Tiền sản là tai biến sản khoa xảy ra sau tuần thứ 20 thai kì. Hội chứng này bao gồm nhiều rối loạn khác nhau trong cơ thể như tăng huyết áp, tiểu đạm… Nếu không được phát hiện và điều trị tiền sản giật kịp thời sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của sản phụ và thai nhi. Vì thế, hiểu rõ thông tin về bệnh lý này là điều cần thiết.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là rối loạn sinh lý nguy hiểm chỉ xảy ra trong thời kì mang thai. Hiện tại vẫn chưa giải thích được hoàn toàn nguyên nhân cũng như cơ chế của hội chứng này.

Bất thường xảy ra có thể do sự gia tăng các chất nội tiết trong thai kì. Một trong các chất chủ yếu gây nên vấn đề này là Prostagladin. Đây là chất có tác dụng tự nhiên giúp thư giãn cơ thể. Đồng thời còn có tác dụng duy trì hoạt động co bóp của các cơ trơn.

Nó đóng vai trò quan trọng trong sự vận động co mạch máu trong quá trình mang thai. Căn nguyên có thể do sự xâm nhập bất thường của nhau thai vào mạch máu tử cung của mẹ. Tuỳ vào trường hợp, có thể bác sĩ buộc phải điều trị tiền sản giật bằng cách chấm dứt thai kì sớm.

Tiền sản giật gây ra nhiều biểu hiện trên cơ thể của thai phụ. Để chẩn đoán tiền sản giật dựa vào việc tăng huyết áp xuất hiện sau tuần 20 thai kì. Bên cạnh đó, còn kèm một trong các yếu tố như sau:

  • Tiểu đạm.
  • Giảm tiểu cầu.
  • Giảm chức năng thận.
  • Giảm chức năng gan.
  • Xuất hiện triệu chứng thần kinh, thị giác.

Điểm quan trọng trong điều trị tiền sản giật là phát hiện sớm và can thiệp đúng tùy mức độ.

Tiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm trong thai kì
Tiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm trong thai kì

Tổng quan xử trí tiền sản giật

Tiền sản giật là bệnh lý có mức độ nguy hiểm cao. Do bệnh xuất hiện bất ngờ và chuyển biến xấu rất nhanh nếu không điều trị sớm. Theo dõi thai kì toàn diện từ khi mang thai, tái khám thường xuyên là cách tối ưu để tầm soát và điều trị tiền sản giật.

Nếu tình trạng sức khỏe tốt, huyết áp vẫn ổn định sản phụ vẫn chờ đến khi đủ tháng để chuyển dạ như bình thường. Còn nếu tình trạng nặng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của sản phụ các bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị khác.

Các thuốc điều trị tiền sản giật chủ yếu dự phòng các biến chứng và giảm triệu chứng. Điều trị trung tâm vẫn là cân bằng giữa việc chấm dứt sớm thai kì để bảo toàn sức khỏe mẹ và đảm bảo sự phát triển thai nhi. Nếu tiên lượng xấu thì cần phải kích thích chuyển dạ ngay khi có thể.

Theo dõi sát sức khỏe trong thai kì giúp kiểm soát tiền sản giật
Theo dõi sát sức khỏe trong thai kì giúp kiểm soát tiền sản giật

Xử trí tiền sản giật nặng

Tiền sản giật nặng phải nhập viện và theo dõi huyết áp và được điều trị tích cực. Theo dõi huyết áp, cân nặng và protein niệu hàng ngày, xét nghiệm đếm tiểu cầu, Hct, siêu âm và theo dõi tim thai liên tục. Nguyên tắc điều trị cơ bản như sau:

Điều trị nội khoa

Thai phụ cần chú ý nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc điều trị như:

  • Hạ huyết áp: Sử dụng thuốc hạ áp như đảm bảo huyết áp duy trì ở mức 130/80 – 140/90 mmHg.
  • Ngừa co giật bằng Magnesium sulfate qua đường tiêm tĩnh mạch và truyền tĩnh mạch để duy trì.
  • Thuốc an thần.
  • Thuốc giãn mạch có tác dụng làm giãn các tiểu động mạch, tăng lưu lượng máu đến tim và thận. Thuốc còn có tác dụng làm tăng lượng máu đến bánh nhau.
  • Thuốc lợi tiểu sử dụng khi có đe dọa phù phổi cấp và thiểu niệu.

Điều trị sản khoa và ngoại khoa

Tiền sản giật nặng không đáp ứng điều trị hoặc xảy ra sản giật thì chấm dứt thai kỳ ngay. Tức là ở bất kì tuổi thai nào. Trước khi chủ động chấm dứt thai kỳ, cần ổn định tình trạng bệnh nhân trong vòng 24-48 giờ. Mổ lấy thai khi có chỉ định sản khoa hoặc cần nhanh chóng chấm dứt thai kỳ.

Cần đánh giá sức khỏe thai, sự trưởng thành của thai khi có quyết định chấm dứt thai kì sớm.  Nếu thai chưa đủ trưởng thành thì có thể dùng corticoid nhằm giúp phổi thai nhi trưởng thành nhanh hơn. Điều này giúp trẻ thích nghi tốt hơn với việc sống tự lập sau khi chào đời.

Bên cạnh đó việc chăm sóc sức khỏe thai phụ toàn diện là vô cùng quan trọng trong điều trị tiền sản giật. Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, theo dõi sinh hiệu, lượng nước xuất nhập vào cơ thể.

 

Mổ lấy thai kịp thời là quan trọng trong điều trị tiền sản giật nặng
Mổ lấy thai kịp thời là quan trọng trong điều trị tiền sản giật nặng

Tiền sản giật chưa có dấu hiệu nặng và thai kỳ

Điều trị tiền sản giật tùy thuộc vào tuổi thai và tình trạng sức khỏe của mẹ. Khi thai nhi còn non tháng và nếu người mẹ có đủ kiến thức và điều kiện thì có thể điều trị ngoại trú. Tự theo dõi tại nhà theo những hướng dẫn sau:

  • Tái khám 1 tuần/lần tại bệnh viện. Thực hiện các xét nghiệm tầm soát biến chứng và kiểm soát sức khỏe, theo dõi tim thai.
  • Đo huyết áp tại nhà 2 lần/ngày vào sáng và chiều, ghi lại các thông số. Theo dõi mức cân nặng, cử động thai, nghỉ ngơi hoàn toàn và không làm việc.

Trong quá trình theo dõi tại nhà, thai phụ cần nhận biết được các triệu chứng cảnh báo chuyển nặng. Khi tình huống này xảy ra, cần phải nhanh chóng đến bệnh viện điều trị.

Thai phụ cần phải theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà
Thai phụ cần phải theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà

Quản lý trước và sau sanh trên bệnh nhân tiền sản giật

Tầm soát tiền sản giật ở quý 1

Sàng lọc quý 1 xác định thai phụ có nguy cơ cao là điều cần thiết. Có khoảng 10% thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao mắc tiền sản giật trước tuần 37. Nhóm này nên được điều trị bằng aspirin trước khi đi ngủ từ 12 đến 36 tuần. Điều này làm giảm nguy cơ tiền sản giật non tháng đến 60%.

Nhóm nguy cơ thấp mắc tiền sản giật trước 37 tuần chiếm 90% số thai phụ. Ở trường hợp này, mẹ bầu cần được đánh giá lại nguy cơ lúc 22 tuần.

Quản lý tiền sản giật quý 2

Sử dụng các xét nghiệm tầm soát tiền sản giật tại thời điểm 20-24 tuần:

  • Nhóm nguy cơ cao cần phải được theo dõi thường xuyên. Theo dõi bằng cách đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm theo dõi tốc độ tăng trưởng của thai. Các biện pháp này sẽ được tiến hành trong khoảng 24-31 tuần.
  • Nhóm nguy cơ thấp cần đánh giá lại nguy cơ lúc 36 tuần.
  • Nhóm nguy cơ trung bình chiếm <20% trong tổng số thai cần đánh giá lại nguy cơ ở tuổi thai 32 tuần.

Tuần thứ 32 của thai kỳ

  • Nhóm nguy cơ cao mắc tiền sản giật trước 36 tuần chiếm tỷ lệ 3% số thai phụ. Đối tượng này cần phải được theo dõi thường xuyên bằng cách đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm theo dõi tốc độ tăng trưởng của thai.
  • Nhóm nguy cơ thấp chiếm > 80% số thai phụ. Ở những người này thường ít có khả năng hình thành tiền sản giật <36 tuần. Tuy nhiên, cần đánh giá lại nguy cơ lúc 36 tuần.

Tuần thứ 36 của thai kỳ

  • Nhóm nguy cơ cao mắc trước 40 tuần chiếm khoảng 20% số thai cần được theo dõi sát sao.
  • Đối tượng nguy cơ thấp mắc tiền sản giật trước 42 tuần tiếp tục theo dõi để chờ chuyển dạ tự nhiên.
  • Nhóm nguy cơ trung bình chiếm 60% số thai phụ cần đánh giá lại tại thời điểm 40 tuần để quyết định thời gian phù hợp nhất cho chuyển dạ.

Kiểm soát tiền sản giật giai đoạn sau chuyển dạ

Tiền sản giật sau sinh là sự kéo dài của tiền sản giật trong thai kỳ. Về mặt cơ chế khi đã đưa thai nhi ra khỏi bụng mẹ sẽ chấm dứt nguyên nhân gây tiền giật. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhau thai còn sót lại có thể là yếu tố thúc đẩy tiền sản giật sau thai kỳ.

Tiền sản giật sau sinh sẽ được điều trị bằng thuốc chống co giật trong 24 giờ. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát huyết áp, nước tiểu và các triệu chứng khác. Thuốc huyết áp được chỉ định khi huyết áp cao không hạ sau sinh.

Dự phòng sản giật và những điều thai phụ cần lưu ý

Bên cạnh điều trị tiền sản giật thì phòng ngừa tình trạng này là điều cần thiết. Để phòng ngừa tiền sản giật phải giảm các yếu tố nguy cơ cao.

Chẳng hạn như mẹ bầu bị béo phì, có bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, mẹ lớn tuổi hoặc tăng nhiều ký trong thai kỳ… chính là yếu tố làm tăng nguy cơ tiền sản giật.

Dinh dưỡng rất quan trọng trong sức khỏe thai kỳ
Dinh dưỡng rất quan trọng trong sức khỏe thai kỳ

Vì thế, để giảm nguy cơ tiền sản giật, thai phụ cần:

  • Ăn uống dinh dưỡng đủ các nhóm chất, không ăn quá nhiều các loại thức ăn nhiều tinh bột, nhiều đường.
  • Không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích.
  • Sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức.
  • Giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái.
  • Thực hiện chăm sóc tốt giai đoạn trước sinh và khám thai định kỳ đúng hẹn để được bác sĩ, thăm khám và tư vấn đầy đủ về thai kỳ.
  • Chú ý quan sát các biểu hiện bất thường của cơ thể để có thể phát hiện và can thiệp kịp thời.

Tiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm xảy ra trong thai kì. Bệnh có thể nguy hiểm tính mạng nếu không được quản lý và can thiệp đúng đắn. Thai phụ cần theo dõi sát sức khỏe trong thai kì để có thể phát hiện sớm và điều trị tiền sản giật kịp thời. Quản lý chặt chẽ và can thiệp sớm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng của tiền sản giật.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/syc-20355745
  2. https://www.healthline.com/health/preeclampsia

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người