Điều trị tiểu đường thai kỳ, biến chứng và tầm soát kịp thời
Nội dung bài viết
Tiểu đường là tình trạng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Kể cả phụ nữ mang thai. Khi mang thai mắc bệnh tiểu đường được gọi là tiểu đường thai kỳ. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng cho cả mẹ và bé nếu không được kiểm soát tốt. Vậy cách điều trị tiểu đường thai kỳ ra sao và phòng tránh như thế nào. Mời bạn cùng ThS. BS. Phan Lê Nam tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây.
Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ
Trước khi tìm hiểu vấn đề điều trị tiểu đường thai kỳ, chúng ta cần tìm hiểu quá trình chẩn đoán bệnh ra sao.
Thời điểm thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ lần đầu ở giai đoạn tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với phụ nữ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
Các giá trị chẩn đoán có thể đọc kết quả sau 1 giờ, 2 giờ hoặc 3 giờ tùy theo hướng dẫn chuẩn của Bộ Y tế. Các xét nghiệm phổ biến là:
Xét nghiệm thử glucose sau một giờ
Xét nghiệm này đánh giá mức độ phản ứng của cơ thể với glucose để kiểm tra bạn có mắc bệnh tiểu đường hay không.
Bạn sẽ được cho uống dung dịch glucose dạng siro. Một giờ sau sẽ đo lượng đường trong máu. Glucose máu trên 190mg/dL (10,6mmol/L) là ngưỡng chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Đây là chỉ số tiểu đường thai kỳ tiêu chuẩn.
Test dung nạp glucose
Xét nghiệm này cũng tương tự như xét nghiệm trên. Khác biệt ở chỗ dung dịch cho uống ngọt hơn và nhiều đường hơn. Và bạn sẽ được đo mức đường huyết mỗi giờ trong vòng 3 giờ. Lưu ý bạn ngần nhịn đói ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm này.
Ngoài ra có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm glucose lúc đói.
- Xét nghiệm glucose máu vào thời điểm bất kỳ.
- Xét nghiệm HbA1C.
Nếu ít nhất hai trong số các xét nghiệm cao hơn giá trị bình thường, bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Điều trị tiểu đường thai kỳ
Các phương pháp điều trị tiểu đường thai kỳ bao gồm:
- Thay đổi lối sống.
- Theo dõi lượng đường trong máu.
- Dùng thuốc nếu cần.
Thay đổi lối sống
Tiểu đường là một bệnh lý chuyển hóa. Bệnh có đặc điểm là không lây. Nhưng có xu hướng tăng theo sự phát triển của cuộc sống. Vì có liên quan đến chuyển hóa nên việc điều trị tiểu đường thai kỳ chủ yếu là thay đổi lối sống và điều chỉnh dinh dưỡng. Các bác sĩ không khuyên bạn nên giảm cân trong khi mang thai. Vì lúc này, cơ thể cần làm việc chăm chỉ để hỗ trợ thai nhi phát triển. Nhưng bác sĩ có thể sẽ đặt mục tiêu tăng cân khi mang thai dựa trên cân nặng của bạn trước khi mang thai.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Như đã nói ở trên, một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện mức đường huyết. Đây là một trong các phương pháp điều trị tiểu đường thai kỳ chính yếu. Thai phụ bị tiểu đường nên được bổ sung nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt. Ăn thực phẩm ít chất béo và calo, hạn chế carbohydrate, kể cả đồ ngọt.
Bạn có thể tìm đến chuyên gia dinh dưỡng để giúp bạn lập một kế hoạch ăn uống dựa trên tình trạng hiện tại của bạn. Ví dụ như cân nặng hiện tại, mục tiêu tăng cân khi mang thai, mức đường huyết, thói quen tập thể dục, sở thích ăn uống và ngân sách…
Duy trì hoạt động thể chất phù hợp trong thai kỳ
Hoạt động thể chất đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch điều trị tiểu đường thai kỳ. Không chỉ vậy, nó cũng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của mọi phụ nữ trước, trong và sau khi mang thai. Tập thể dục làm giảm lượng đường trong máu, giúp giảm một số khó chịu thường gặp khi mang thai. Ví dụ như đau lưng, chuột rút cơ, táo bón, khó ngủ…
Bạn nên tập thể dục vừa phải 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần. Nếu bạn chưa có thói quen này, hãy bắt đầu từ từ và xây dựng dần dần. Đi bộ, yoga nhẹ nhàng là những lựa chọn tốt khi mang thai.
Thuốc
Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục không đạt mục tiêu điều trị tiểu đường thai kỳ. Bạn có thể được chỉ định tiêm insulin để giảm đường huyết. Có khoảng 10 – 20% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần insulin để điều trị.
Biến chứng tiểu đường thai kỳ nếu không điều trị đúng cách
Việc điều trị tiểu đường thai kỳ rất quan trọng. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
Đối với thai phụ
Các biến chứng có thể gặp đối với thai phụ là:
- Cao huyết áp. Tăng huyết áp vốn được biết đến là “kẻ giết người thầm lặng”. Với mẹ bầu có tiểu đường thai kỳ, đây có thể là khởi đầu của nhiều vấn đề nguy hiểm khác. Chẳng hạn như tiền sản giật, tai biến mạch máu não…
- Sinh non, sảy thai, thai chết lưu.
- Nhiễm trùng tiết niệu.
- Đa ối.
- Các ảnh hưởng lâu dài. Tiếp diễn thành tiểu đường type 2 trong tương lai. Ngoài ra, một số biến chứng trên tim mạch, thận cũng được lưu ý.
Đối với thai nhi
- Tăng trưởng quá mức nên cân nặng khi sinh lớn (có thể lên tới 4.5 kg). Điều này làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ sau này.
- Bệnh lý đường hô hấp: hội chứng suy hô hấp, hội chứng ngưng thở khi ngủ…
- Khả năng tử vong ngay sau khi sinh cao hơn trẻ bình thường.
- Vàng da sơ sinh.
- Các tác hại khác như: rối loạn tâm thần – vận động.
Tầm soát và phòng ngừa tiểu đường thai kỳ
Để giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ bạn cần chăm sóc sức khỏe và có mục tiêu cân nặng trước và trong khi mang thai.
Nếu đang thừa cân, bạn nên làm các bước sau để chuẩn bị cho kế hoạch mang thai:
- Cải thiện chế độ ăn uống, ăn những thực phẩm lành mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Cân nhắc giảm cân.
Sau khi mang thai, đừng cố giảm cân trừ khi được bác sĩ đề nghị. Tìm hiểu cách giảm cân an toàn nếu bạn bị béo phì và đang mang thai. Nếu đã từng bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó. Và bạn đang có ý định mang thai lại, hãy nói với bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ thực hiện sàng lọc sớm để xác định các yếu tố nguy cơ và theo dõi sát để đảm bảo bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Trên đây là bài viết về điều trị tiểu đường thai kỳ cũng như một số vấn đề liên quan. Hy vọng qua bài viết này, mẹ bầu đã biết cách phòng ngừa cũng như hiểu rõ hơn một số phương pháp điều trị. Khi có bất lo lắng hoặc dấu hiệu bất thường khi mang thai, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và phát hiện vấn đề sớm nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gestational diabetes and pregnancy https://www.cdc.gov/diabetes/managing/eat-well/meal-plan-method.html
Ngày tham khảo: 20/04/2021
-
Diabetes meal planninghttps://www.cdc.gov/pregnancy/diabetes-gestational.html
Ngày tham khảo: 20/04/2021
-
Gestational diabetes (Diagnosis and Treatment)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/diagnosis-treatment/drc-20355345
Ngày tham khảo: 20/04/2021
-
How can I lower my risk of gestational diabetes?https://www.healthline.com/health/pregnancy/preventing-gestational-diabetes#prevention
Ngày tham khảo: 20/04/2021