Rách sụn chêm đầu gối: Phương pháp điều trị và hồi phục tổn thương
Nội dung bài viết
Ở bài trước, chúng tôi có cung cấp thông tin về tổn thương rách sụn chêm. Vậy ở bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về quá trình phục hồi thương tổn này. Việc phục hồi, điều trị và liệu pháp mất bao lâu? Khi nào người bệnh hoạt động lại bình thường?
Vị trí thương tổn
Như đã nói ở bài trước “Rách sụn chêm: Cần lưu ý gì về loại tổn thương này?” về mặt tính chất cấp máu của sụn chêm chia thành 3 vùng.
Điều trị rách sụn chêm dựa vào hình thái, vị trí và kích thước của tổn thương.
1. Rách ở vị trí 1/3 ngoài
Do cấp máu tốt nên dễ liền. Nếu rách nhỏ tự liền. Rách lớn khâu bảo tồn qua nội soi, dễ liền. Rách dọc vị trí 1/3 ngoài là một ví dụ.
2. Rách ở vị trí 2/3 trong
Rất khó liền do cấp máu kém. Nên cân nhắc vấn đề phẫu thuật.
3. Đặc biệt rách 1/3 trong
Là dạng rách đặc biệt: tổn thương không liền. Điều trị thường cắt bỏ phần rách qua nội soi.
Các yếu tố ảnh hưởng việc điều trị
- Điều trị tổn thương sụn chêm còn dựa vào các yếu tố như tuổi, mức độ hoạt động của bệnh nhân.
- Việc điều trị cho một bệnh nhân bị rách sụn chêm thường bắt đầu với các cách bảo tồn, tùy thuộc vào loại, kích thước và vị trí của vết rách trên diện sụn.
- Trong đa số các trường hợp, vết rách trên khớp thường cải thiện theo thời gian với biện pháp điều trị như viêm khớp. Vì vậy, phẫu thuật tại thời điểm này thường không được chỉ định.
Phương pháp điều trị bảo tồn (không phu thuật)
Để bảo tồn khớp, bác sĩ sẽ đề nghị các cách thức như sau:
Nghỉ ngơi
Tránh các hoạt động làm nặng thêm cơn đau đầu gối của bạn, đặc biệt là bất kỳ hoạt động nào khiến bạn cần phải vặn hoặc xoay đầu gối. Nếu cơn đau của bạn có mức độ nghiêm trọng, nên sử dụng nạng để có thể giảm áp lực lên đầu gối, thúc đẩy quá trình chữa lành.
Chườm lạnh
Nước đá có thể làm giảm đau đầu gối và sưng viêm. Bạn có thể sử dụng một gói lạnh, một túi nước đá đông lạnh hoặc đơn giản là một chiếc khăn chứa đầy đá viên chườm tại đầu gối trong khoảng 15 phút mỗi lần; đồng thời cũng giữ cho đầu gối của bạn được nâng cao.
Lặp lại cứ sau bốn đến sáu giờ trong các ngày đầu tiên và giãn cách dần trang các ngày sau đó khi đã bớt sưng viêm.
Băng ép
Để ngăn ngừa đầu gối thêm sưng và mất máu, bạn cần mang băng ép đàn hồi.
Nâng cao chân
Để giảm sưng, khi bạn nghỉ ngơi nên nằm và đưa chân lên cao hơn tim.
Thuốc
Thuốc giảm đau, kháng viêm là hữu ích giúp thuyên giảm bớt các cơn đau đầu gối.
Thường khi chấn thương sẽ có tổn thương ngoài da. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng tổn thương. Từ đó cân nhắc có cần chăm sóc vết thương hay dùng kháng sinh hay không.
Điều trị bằng phẫu thuật
Có các phương pháp
Cắt toàn bộ sụn chêm: Sụn chêm được cắt hoàn toàn đến tận bao khớp. Phương pháp này hiện nay ít dùng.
Cắt một phần sụn chêm: Phẫu thuật cắt bỏ phần sụn chêm bị tổn thương. Chỉ định khi rách sụn chêm vùng vô mạch.
Khâu sụn chêm: nếu đầu gối của bạn vẫn đau mặc dù đã điều trị phục hồi chức năng tích cực, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Đôi khi can thiệp cần để sửa chữa phần sụn rách, đặc biệt là ở trẻ em và thanh niên.
Lưu ý
Nếu vết rách không thể được sửa chữa tối thiểu, lớp sụn có thể được phẫu thuật cắt bỏ. Thông qua các vết mổ nhỏ bằng phương pháp nội soi khớp, việc này được thực hiện dễ dàng.
Dù vậy, sau phẫu thuật, bạn vẫn cần phải thực hiện các bài tập để duy trì sức mạnh và sự ổn định của đầu gối.
Trong trường hợp rách sụn chêm do thoái hóa tiến triển, bác sĩ có thể phẫu thuật kết hợp thay khớp gối. Tuy nhiên, đối với những người trẻ tuổi, lớp sụn chêm bị rách có thể thay thế bằng sụn khớp cấy ghép hay dùng sụn hiến.
Ghép sụn chêm
Có hai kĩ thuật: mảnh ghép nhân tạo và mảnh ghép tự thân. Đây là phương pháp mới đem lại nhiều hứa hẹn.
Đặc biệt ở những bệnh nhân bị tổn thương sụn chêm nặng. Hoặc ở người lớn tuổi, sụn chêm đã bị thoái hóa toàn bộ.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa áp dụng kỹ thuật này.
Chăm sóc sau mổ
Thay băng, chăm sóc vết mổ mỗi ngày là điều bắt buộc. Chỉ khâu sẽ được cắt sau 7-10 ngày.
Sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể bó bột hoặc nẹp để cố định đầu gối trong thời gian ít nhất 3 tuần.
Nếu khâu sụn chêm, thời gian bất động sẽ lâu hơn giúp liền sụn. Đồng thời tập vận động sớm để lấy lại biên độ khớp, tập khỏe cơ chống teo cơ.
Nếu bạn đã làm thủ thuật phục hồi vết rách sụn chêm, bạn sẽ cần phải sử dụng nạng trong khoảng một tháng. Điều đó giúp giữ trọng lượng của đầu gối, giảm lực tác động lên vết mổ.
Tái khám sau phẫu thuật
Việc tái khám giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quát về việc phục hồi của bạn. Đây là việc làm cần thiết.
Khi tái khám, ngoài thăm khám bằng tay và thủ thuật, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra nếu có bất thường. Hai phương pháp thường được dùng:
- Siêu âm khớp gối
Đây là phương pháp siêu âm động khớp gối. Bác sĩ sẽ vừa di động khớp gối vừa thực hiện siêu âm. Siêu âm giúp đánh giá lượng tụ dịch sau phẫu thuật. Đồng thời cho phép xem xét vết khâu sụn chêm phục hồi như thế nào.
- MRI khớp gối
Chỉ được sử dụng nếu bác sĩ phát hiện bất thường. MRI đánh giá chính xác việc phục hồi sụn chêm. Đây cũng là phương pháp hình ảnh trung thực nhất.
Nếu không cải thiện, việc phẫu thuật lần 2 sẽ được đề nghị.
Vật lý trị liệu
- Sau khi việc điều trị hoàn thành, bác sĩ sẽ chỉ định các bài tập phục hồi chức năng. Bạn cần phải tập thể dục thường xuyên để khôi phục lại khả năng di chuyển và sức mạnh của đầu gối.
- Đây vừa là phương pháp điều trị bảo tồn không phẫu thuật, cũng vừa là phương pháp phục hồi vận động sau mổ.
- Bạn sẽ bắt đầu với các bài tập để cải thiện phạm vi chuyển động của đầu gối. Các bài tập tăng cường sẽ dần được bổ sung vào kế hoạch điều trị của bạn.
- Vật lý trị liệu đúng cách có thể giúp bạn tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh đầu gối và ở chân để giúp ổn định, hỗ trợ chức năng khớp gối.
Bài tập sau mổ
Phần lớn việc phục hồi có thể được thực hiện ở nhà, mặc dù bác sĩ có thể đề nghị phương pháp trị liệu vật lý. Thời gian phục hồi vết rách sụn chêm là khoảng 3 tháng.
Giải phẫu cắt bỏ sụn chêm sẽ mất ít thời gian để chữa lành hơn – khoảng 3 đến 4 tuần.
Các phương pháp và kĩ thuật phục hồi chức năng
Bài tập phục hồi chức năng gồm những giai đoạn sau:
Giai đoạn I: 1 tuần sau phẫu thuật
Mục tiêu:
- Kiểm soát đau và phù nề.
- Bắt đầu tập vận động khớp gối.
- Tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi.
Bài tập:
- Bệnh nhân được mang nẹp đùi cẳng chân với khớp gối duỗi hoàn toàn tránh làm ảnh hưởng tới sụn chêm được tái tạo. Nẹp được mang cả ngày và đêm.
- Có thể vận động gập duỗi gối ngay từ ngày thứ 2 sau mổ. Không được gập gối quá 90º (tháo nẹp khi tập). Gối được phép gấp khi bệnh nhân ngồi và khi bệnh nhân không đi lại.
- Tập gồng cơ đùi tư thế gối duỗi hoàn toàn, gồng 20 lần, mỗi lần giữ 5 giây, tập khoảng 3 liệu trình 1 ngày.
- Bệnh nhân tập duỗi thẳng khớp gối ở tư thế nằm hoặc ngồi cố gắng giữ ở tư thế đó trong 5 phút. Tập 3 lần/ngày.
- Đeo nẹp: Tập vận động khớp háng và khớp cổ chân
- Được sử dụng nạng khi đi bộ (mang nẹp duỗi gối hoàn toàn) chịu trọng lượng dần lên chân phẫu thuật. Bệnh nhân có thể chịu trọng lượng hoàn toàn khi bệnh nhân không thấy đau khớp gối.
Giai đoạn II: 2 đến 6 tuần sau phẫu thuật
Mục tiêu:
- Bảo vệ khớp gối tránh vận động quá mức và làm lành vết thương.
- Lấy lại tầm vận động của khớp, với giới hạn gập gối đến 90º .
- Bắt đầu tập mạnh sức cơ.
Các bài tập:
- Tập gồng cơ tứ đầu đùi, tập 20 lần, mỗi lần giữ 5 giây, ngày tập 3 liệu trình như vậy.
- Tập duỗi thẳng khớp gối, giữ mỗi lần 5 phút, 3 lần/ngày.
- Tập gập duỗi khớp gối khi tháo nẹp gấp không quá 90º, tập 20 động tác, 3 lần/ngày.
- Nằm với chân duỗi thẳng: co cơ tĩnh toàn bộ chân phẫu thuật:
- Nâng chân lên khỏi mặt giường.
- Có thể đặt một cái gối dưới khớp gối, gồng cơ nâng chân thẳng, giữ 5 giây sau đó gập gối xuống.
- Vận động khớp cổ chân.
- Dạng khép khớp háng với gối duỗi thẳng.
- Đứng : chịu trọng lượng lên chân phẫu thuật.
- Nhún chân, chịu trọng lượng lên mũi chân, giữ 1 giây, làm khoảng 20 lần.
- Bài tập xuống tấn với gối gấp 45º, giữ 5 giây sau đó từ từ đứng lên, làm như vậy khoảng 20 lần.
- Khi đi lại : Đi bộ đeo nẹp với gối duỗi thẳng, sử dụng nạng khi đi bộ, chịu trọng lượng vào chân phẫu thuật. Nếu thấy đau khớp gối, giảm trọng lượng tỳ vào chân phẫu thuật. Có thể gấp gối khi ngồi. Sau 4 tuần có thể bỏ nẹp duỗi gối khi đi lại.
Giai đoạn III: 6 đến 12 tuần sau phẫu thuật
Mục tiêu:
- Chịu trong lượng vào chân phẫu thuật .
- Lấy lại hết tầm vận động của khớp gối.
- Tập mạnh sức cơ.
Các bài tập:
- Bài tập gập duỗi khớp gối chủ động lấy lại tầm vận động bình thường của khớp gối.
- Bắt đầu bỏ nạng tập đi bộ chậm.
- Tiếp tục tập các bài tập ở giai đoạn trên.
- Tập đứng chịu lực hoàn toàn trên chân phẫu thuật.
- Tiếp tục tập xuống tấn : Gập gối đến 90º giữ 5 giây sau đó từ từ đứng lên.
- T.ập đứng lên từ tư thế ngồi trên ghế.
- Tập vận động gập duỗi gối có sức cản ( trên máy tập hoặc dụng cụ trợ giúp tránh không được xoắn vặn khớp gối).
- Bắt đầu tập lên xuống cầu thang.
- Có thể tập đạp xe đạp từ 10 tới 20 phút.
- Giai đoạn này chưa chạy và chơi thể thao.
Giai đoạn IV: Sau 4 tháng phẫu thuật
Bệnh nhân bắt đầu tập chạy.
Sau 6 tháng bệnh nhân trở lại các hoạt động thể thao.
Lưu ý
- Bệnh nhân thường hay bỏ sót những điều quan trọng trong việc tập.
- Có thể nói rằng việc tập vận động này giống như lúc bạn bắt đầu tập đi lại khi còn nhỏ. Việc tập luyện phải cẩn trọng và cường độ tùy thuộc mỗi cá nhân.
- Một số bệnh nhân than phiền việc tự tập không đem lại hiệu quả đáng kể. Và mỗi khi bắt đầu tự tập, bệnh nhân thấy cường độ hoạt động khớp gối hầu như không cải thiện.
Chìa khóa thành công
- Bạn nên biết rằng: Qúa trình phục hồi cần kiên nhẫn.
- Việc phục hồi ở khớp gối là mô sẹo, nên việc phục hồi 100% như lúc chưa tổn thương là không thể. Mọi việc chỉ có thể đưa bệnh nhân gần như mức bình thường.
- Sau phẫu thuật, chấn thương sẽ có sưng phù và xuất huyết nội khớp. Điều đó sẽ tạo nên dây dính khớp gối. Nếu không tập luyện thì việc dây dính sẽ gia tăng, dẫn đến bất hoạt khớp gối. Việc tập luyện làm bung và lỏng lẻo các sợi dây dính. Sau khi tập, nếu tập quá mức, quá trình dây dính sẽ tái diễn. Việc bạn cần làm là tập vừa sức. Tập luyện giúp cho việc khớp gối hoạt động được trơn tru, chiến thắng quá trình tái dây dính khớp gối.
- Trước khi tập luyện, bạn cần làm nóng khớp gối. Các biện pháp: đèn hồng ngoại, siêu âm khớp gối bằng sóng cao tần, xoa bóp, dầu nóng, chườm nóng… đều được.
- Tập phù hợp với sức chịu đựng của mỗi người. Không nên cố quá sức.
- Sau khi tập, nếu gối sưng phù, tụ dịch tức là bạn đã tập quá sức. Có thể chườm lạnh hoặc dùng thuốc kháng viêm để giảm phù.
Các điều trị khác
Điều trị thuốc bổ xung khi khớp gối bị sưng nề: Giảm đau, chống phù nề.
Ngừng tập vận động khớp gối, chườm lạnh, thuốc chống viêm, giảm phù nề. Khi khớp gối đỡ nề, tiếp tục tập vận động bình thường.
Chế độ sinh hoạt phù hợp cho người bị rách sụn chêm
Các lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng này như:
Tránh các hoạt động làm cơn đau đầu gối nặng hơn cho đến khi cơn đau biến mất – đặc biệt cần tránh các môn thể thao liên quan đến xoay đầu gối.
Bạn cũng có thể chườm đá và thuốc giảm đau để giảm cơn đau.
Khớp gối là một khớp quan trọng. Việc chẩn đoán, điều trị và phục hồi sau tổn thương Rách sụn chêm cần thời gian và kiên nhẫn. Bệnh nhân cần hiểu rõ và hợp tác cùng bác sĩ, kĩ thuật viên trị liệu để đạt kết quả bình phục tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cartilage damagehttps://www.nhs.uk/conditions/Cartilage-damage/
Ngày tham khảo: 25/05/2020
-
Cartilage damage (Treatment)https://www.nhs.uk/conditions/cartilage-damage/treatment/
Ngày tham khảo: 25/05/2020
-
Torn Knee Cartilage: Causes, Treatment, Recovery Period, Symptomshttps://www.epainassist.com/sports-injuries/knee-injuries/torn-knee-cartilage
Ngày tham khảo: 25/05/2020