YouMed

Dưa gang tây: Không chỉ là sinh tố giải khát

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Dưa gang tây là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng thanh nhiệt, giải khát, an thần rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

1. Giới thiệu về Dưa gang tây

  • Tên gọi khác: Dưa tây, Chùm hoa dưa, Lạc tiên bốn cạnh
  • Tên khoa học: Passiflora quadrangularis L.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Lạc tiên – Passifloraceae

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Phân bố: 

  • Nguồn gốc ở Châu Mỹ, phân bố ở nhiều nơi từ Mexico, Brazil, Peru đến Việt Nam, Malaysia, Thái Lan… Ở nước ta, cây được nhập trồng ở các vườn gia đình ở các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam. Cây thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm hoặc hơi khô.
  • Là cây ưa ẩm, ưa sáng. Cây trồng phải có giàn leo mới ra nhiều hoa quả, vừa có thể tạo bóng mát, làm cảnh. Loài này ra hoa quả nhiều trồng được cả bằng hạt và các đoạn thân.

 Thu hoạch:

  • Rễ, quả và hạt Dưa gang tây được ứng dụng để làm dược liệu.
  • Rễ cây có thể thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc khô đều được.
  • Quả thường thu hái khi đã chín (khoảng tháng 8 – 11), thường được dùng tươi để làm thực phẩm hoặc chế biến thành thức ăn.
  • Mùa hoa tháng 4-7, mùa quả tháng 8-11.
 Dưa gang tây được trồng để làm thức ăn, vừa có thể tạo bóng mát, làm cảnh
Dưa gang tây được trồng để làm thức ăn, vừa có thể tạo bóng mát, làm cảnh

1.2. Mô tả toàn cây

Dưa gang tây thuộc loài thân leo bằng cuống, dài hàng mét. Thân cành vuông mềm, mép có cánh. Gốc thân hóa gỗ, có thể phát triển đến 10-15m.

Lá mọc so le chia 3-5 thùy, thùy giữa lớn hơn, gốc hình tim, đầu nhọn mép khía răng và lượn sóng, mặt trên nhẵn bóng. Phiến lá dài 10-12 cm, ngang 8-15 cm, màu xanh bóng. Gân lá hình chân vịt, cuống lá dài có đôi tuyến mật. Lá kèm hình sợi.

Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, màu tím, cuống dài, rất lớn, đường kính có thể đến 13 cm, kèm theo 3 lá bắc. Mùi thơm đặc trưng và đẹp. Không có tổng bao, dài 5 răng hẹp nhọn, tràng 5 cánh rời nhau, xếp xen kẽ với lá đài. Tràng phụ có 2 vòng, vòng ngoài gồm những phiến xoăn hình sợi màu trắng tím xen kẽ nhau, vòng trong ngắn hơn. Cuống nhụy thành cột mang 5 nhị ngắn và bầu cao hơn. Bầu 1 ô nhiều noãn.

Quả mọng hình trứng hoặc hình tròn, dài 20-25 cm, khi chín màu vàng. Vỏ mỏng, dưới lớp vỏ có một phần cùi thịt dày chừng 2-4 cm, chắc, màu trắng hay hồng nhạt. Phần ruột của quả là  một khối nhão  màu  trắng nhạt hay vàng  nhạt có dạng nhày như keo, bở, hơi chua, thơm dễ chịu. Bên trong  có nhiều hạt nhỏ. Hạt màu đen hoặc nâu tím, có áo và vỏ cứng, chiều dài khoảng 1-1,5 cm.

1.3. Bảo quản

Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao. Ngoài ra, quả Dưa gang tây có mùi thơm nhẹ nên thường thu hút côn trùng, kiến. Do đó người dùng nên tránh lưu trữ quả ở nơi có nhiều côn trùng nhỏ.

Ngoài Dưa gang tây, Cà na cũng là loài cây quen thuộc có tác dụng trị bệnh:

Cà na: Tác dụng kỳ diệu từ loài cây tuổi thơ

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học của Dưa gang tây gồm:

  • Toàn thân chứa một chất acaloid là passiflorine.
  • Lá, da bên ngoài của vỏ và hạt non có chứa glycoside cyanogenic (có thể tạo HCN). Chất này và passiflorine nếu sự dụng quá mức sẽ có tính độc, có thể gây nghiện, làm tăng khả năng buồn ngủ quá mức và tác động xấu đến sức khỏe.
  • Quả chứa chất có tác dụng gây ngủ nếu ăn nhiều.
  • Rễ được coi là độc.
  • Lá  của P.  quadrangularis còn có  một  saponin  phức  tạp  loại hemolysin có tác dụng sát trùng và diệt tế bào ung thư (Brazilian Journal of Medical and Biological Research Số 38-2005).

Phần ruột (sau khi bỏ vỏ) có thể chia thành 2 phần là lớp cùi cứng dưới da và khối nhão có chứa hạt. 100 gram phần ăn được chứa :

  • Phần cùi cứng dưới da: Độ ẩm (Nước) 94.4g, Chất đạm 0.112g, Chất béo 0.15g, Chất xơ 0.7g, Canxi 13.8 mg, Phospho 17.1 mg, Sắt 0.8 mg…
  • Khối nhão có hạt: Độ ẩm (Nước) 78.4g, Chất đạm 0.299g, Chất béo 1.19g, Chất xơ 3.6g, Canxi 9.2 mg, Phospho 39.3 mg, Sắt 2.93 mg…
  • Ngoài ra cả 2 phần còn chứa nhiều vitamin khác như A, B, C… alkaloids  (harmin,   harmol, harmaline.. passiflorine), các flavonoids (api genin, ), các glycosides

>>> Xem thêm: Dưa bở: loại quả thơm ngon với công dụng chữa bệnh tuyệt vời

2.2. Tác dụng

Theo y học hiện đại, Dưa gang tây được sử dụng để điều trị một số bệnh lý như:

Rễ cây: Lợi tiểu, an thần, gây nôn. Được sử dụng để làm thuốc điều trị giun hoặc đắp ngoài điều trị các bệnh lý ngoài da như mụn nhọt, bệnh ghẻ, viêm da. Liều cao gây độc (gây ngủ, gây mê mạnh).

Lá: Được dùng để làm dịu các bệnh lý về gan, điều trị đái tháo đường và cao huyết áp. Nước nấu từ lá có tác dụng trừ giun sán, có thể đun thành nước tắm trị ngứa ngoài da.

Hạt: Có tác dụng điều trị sán đường ruột.

Vỏ quả: Tác dụng an thần, hỗ trợ điều trị mất ngủ, đau đầu, suy nhược thần kinh, hen suyễn, đau đầu, tiêu chảy và kiết lỵ.

Quả: được dùng  tại các quốc gia nhiệt đới như một loại thuốc bổ mát, giúp kiện vị.  Tại Ba Tây, phần cùi được dùng để làm thuốc trấn an, trị các chứng nhức đầu, thần kinh bứt rứt, suyễn, tiêu chảy, mất ngủ.

Làm tăng hoạt động làm loãng máu của thuốc chống tiểu cầu và thuốc chống đông máu.

Chứa nhiều chất chống oxy hóa nên có tác dụng tốt đến làn da, ngăn ngừa khô da, giảm nguy cơ xuất hiện các nếp nhăn và làm chậm quá trình lão hóa. Góp phần hỗ trợ chữa lành vết thương hở, hạn chế sẹo.

Hỗ trợ điều trị bệnh Gout: Nguồn vitamin C dồi dào trong Dưa tây có thể giảm sự tích tụ Axit Uric và ngăn ngừa bệnh Gout.

 Do chứa nhiều chất chống oxy hóa nên Dưa gang tây làm chậm quá trình lão hóa
Do chứa nhiều chất chống oxy hóa nên Dưa gang tây làm chậm quá trình lão hóa

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau và liều lượng cũng không giống nhau. Dưa gang tây có thể dùng tươi hoặc chế biến thành thực phẩm đều được.

Quả có thể dùng nấu canh như đu đủ. Hoặc quả chín có thể dùng làm sinh tố giải khát, dưa dầm hoặc thái lát ăn kèm sữa hoặc đường.

Lá và rễ cây có thể dùng hãm trà hoặc sắc thành thuốc, dùng uống.

Kiêng kỵ:

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
  • Trong vỏ quả, hạt non và lá Dưa gang tây có chứa chất gây nghiện, gây độc, tăng cảm giác buồn ngủ và tác động tiêu cực đến sức khỏe. Rễ cây thô, chưa được chế biến được cho là có thể gây nghiện và gây ngộ độc.
  • Tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều bao gồm buồn nôn, nôn, nhịp tim nhanh và buồn ngủ.
  • Phụ nữ mang thai không nên sử dụng vì cây có chứa các hợp có thúc đẩy sự co bóp ở tử cung.
  • Hoa Dưa gang tây có thể gây buồn ngủ mạnh.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Làm nước giải khát, nâng cao sức khỏe

Dùng 200 g thịt Dưa gang tây rửa sạch, ép lấy nước hoặc xay thành sinh tố. Thêm sữa đặc, sữa tươi và đá lạnh, khuấy đều, dùng uống để giải khát, thanh nhiệt và hỗ trợ cải thiện sức khỏe.

 Dưa gang tây có thể làm sinh tố vừa giải khát vừa bổ dưỡng cho sức khỏe
Dưa gang tây có thể làm sinh tố vừa giải khát vừa bổ dưỡng cho sức khỏe

4.2. Hỗ trợ an thần, cải thiện giấc ngủ

Sử dụng một lượng nhỏ rễ Dưa gang tây phơi khô, rửa sạch, hãm với nước sôi trong 10 phút. Dùng uống trước khi đi ngủ 30 phút để giúp ngủ sâu hơn.

Dưa gang tây không chỉ là thức uống giải khát mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. 

Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội G. Ingale and A. U. Hivrale. Pharmacological studies of Passiflora sp. and their bioactive compounds. African Journal of Plant Science Vol. 4(10), pp. 417-426, October, 2010 Yuldasheva LN, Carvalho EB, Catanhoand MTJA, Krasilnikov OV (2005). Cholesterol dependent hemolytic activity of Passiflora quadrangularis leaves,  Biniological Res., 38: 1061-1070

 

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người