Dung dịch sát khuẩn Betadine 10%: Công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Thuốc Betadine là gì? Thuốc Betadine được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên tìm hiểu về thuốc Betadine trong bài viết được viết dưới đây nhé!
Thành phần hoạt chất: povidon-iod.
Thuốc có thành phần hoạt chất tương tự: Povidine, Povidon,…
Betadine là thuốc gì?
Thành phần trong công thức của thuốc
Hoạt chất
- Povidon-Iod 10% kl/tt.
Tá dược
- Glycerol.
- Nonoxynol 9.
- Dinatri hydrogen phosphate (anhydrous), Citric acid (anhydrous), Natri hydroxide, Kali iodate.
- Nước tinh khiết.
Công dụng của povidon-iod
Povidon-iod là một hỗn hợp trùng hợp polyvinylpyrrolidone với iod (povidon-iod) mà sau khi sử dụng sẽ tiếp tục giải phóng ra iod.
Từ lâu nguyên tố iod (I2) là một chất sát trùng có hiệu quả cao như diệt nhanh vi khuẩn, virus, nấm và một số động vật nguyên sinh invitro.
Thuốc hoạt động theo 2 cơ chế tác dụng bao gồm:
- Iod tự do diệt vi trùng và trong khi đó iod gắn kết trong chất trùng hợp là nguồn dự trữ. Khi thuốc tiếp xúc với da và màng nhầy, iod mỗi lúc lại tách ra từ chất trùng hợp.
- Iod tự do phản ứng với nhóm -SH hoặc -OH có thể oxy hóa được của các amino acid trong các enzyme và cấu trúc protein của vi sinh vật, do đó mà bất hoạt và tiêu diệt các enzyme và protein đó.
Hầu hết các vi sinh vật đang trong quá trình sinh dưỡng đều bị tiêu diệt chỉ trong thời gian dưới một phút in vitro với rất nhiều bị tiêu diệt chỉ trong 15 – 30 giây.
Trong quá trình này, iod bị mất màu; theo đó có thể thấy mức độ tác dụng của thuốc qua độ đậm nhạt của màu nâu. Liều nhắc lại có thể được đề nghị khi mất màu. Sự kháng thuốc chưa được thấy báo cáo.
Chỉ định của thuốc Betadine
Thuốc Betadine được dùng để diệt mầm bệnh ở da, vết thương và niêm mạc. Cụ thể:
- Sát khuẩn da và niêm mạc trước khi mổ.
- Ngăn ngừa nhiễm khuẩn vết thương sau khi phẫu thuật.
- Dự phòng nhiễm khuẩn khi bỏng, vết rách nát, vết mài mòn. Điều trị những trường hợp khác nhau về nhiễm khuẩn, vi rút, đơn bào, nấm ở da, như tinea, tưa miệng, chốc lở, herpes simplex, zona.
- Tiệt khuẩn tay để làm vệ sinh hoặc trước khi mổ.
- Để sát khuẩn và giúp vệ sinh cá nhân tốt hơn.
Trường hợp không nên dùng thuốc Betadine
Không dùng thuốc khi được biết có mẫn cảm với iod hoặc povidon.
Nếu người bệnh có sự hoạt động quá mức của tuyến giáp (tình trạng tăng năng tuyến giáp). Hoặc các bệnh lý rõ ràng khác của tuyến giáp, cũng như trước và sau khi trị liệu iod phóng xạ.
Ngoài ra, được dùng thuốc này trước khi làm nhấp nháy đồ iod phóng xạ hoặc điều trị iod phóng xạ trong ung thư biểu mô tuyến giáp.
Không những vậy, không nên dùng thuốc cho trẻ sơ sinh có cân nặng nhỏ hơn 1.5 g.
Cách dùng thuốc Betadine hiệu quả
1. Cách dùng
- Phết dung dịch mẹ (không pha loãng) dàn đều vào nơi cần điều trị.
- Sau khi để khô, sẽ tạo được một lớp phim thông khí, rất dễ rửa sạch bằng nước.
- Có thể bôi thuốc nhiều lần trong ngày.
2. Liều dùng
Quy trình để diệt khuẩn tay như sau:
- Nếu dùng tiệt khuẩn vệ sinh tay: 3 ml – bôi thuốc trong 1 phút.
- Tiệt khuẩn để phẫu thuật: 2 x 5 ml – bôi thuốc trong 5 phút
Một số quy trình để tiệt khuẩn da như sau:
1. Qui trình để tiệt khuẩn da có ít tuyến bã nhờn:
- Trước khi tiêm, chích hoặc phẫu thuật, bôi dung dịch ít nhất trong 1 phút.
2. Qui trình để tiệt khuẩn da có nhiều tuyến bã nhờn:
- Trước mọi ca phẫu thuật, cần bôi thuốc ít nhất 10 phút, luôn luôn để cho da ẩm.
- Để tiệt khuẩn da trước phẫu thuật, tránh tạo các nơi đọng dung dịch thuốc dưới cơ thể người bệnh (vì có thể kích ứng da).
Tác dụng phụ
Hiếm khi xảy ra các phản ứng mẫn cảm da (các phản ứng dị ứng tiếp xúc kéo dài, mà có thể xuất hiện duới dạng ngứa, ban đỏ, vết bỏng giộp nhỏ hoặc các biểu hiện tuơng tự).
Đã có trường hợp báo cáo đơn lẻ, phản ứng dị ứng cấp tính kèm theo hạ huyết áp và/hoặc khó thở (phản ứng phản vệ).
Điều trị dài ngày dung dịch povidon-iod trong điều trị vết thương và vết bỏng trên diện rộng da có thể dẫn đến hấp thu iod rõ rệt. Trong một vài trường hợp cá biệt, những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tuyến giáp có thể tiến triển tăng năng tuyến giáp (gây ra do iod), thỉnh thoảng xuất hiện các triệu chứng như mạch nhanh hoặc không ngừng.
Sau khi hấp thu lượng lớn povidon-iod (ví dụ trong điều trị bỏng), thấy xuất hiện mất cân bằng điện giải gia tăng và nồng độ Osmol trong máu bất thường, suy chức năng thận với suy thận cấp tính và nhiễm axit chuyển hóa đã được đề cập đến khi dùng các sản phẩm có iod.
Tương tác xảy ra khi dùng thuốc Betadine
Phức hợp PVP-iod có tác dụng với độ pH từ 2.0 – 7.0. Có khả năng rằng phức hợp này sẽ phản ứng lại với protein và các hợp chất hữu cơ chưa bão hòa khác, dẫn đến sự giảm sút tác dụng của phức hợp
Sử dụng đồng thời các chế phẩm chứa thành phần enzyme, hydrogen peroxide, bạc và taurolidine làm cho hiệu quả điều trị của cả hai chế phẩm yếu đi. Sử dụng Povidon-Iod có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm hoặc chức năng của tuyến giáp và không thể tiến hành điều trị bệnh lý tuyến giáp bằng iod. Sau khi ngưng sử dụng Povidon-Iod, cần ít nhất 1 – 2 tuần mới được thực hiện nhấp nháy đồ.
Povidon-Iod có thể làm cho kết quả xét nghiệm tìm máu trong phân hoặc máu trong nước tiểu dương tính giả.
Những lưu ý khi dùng thuốc Betadine
Thuốc chỉ dùng tại chỗ. Khi sát khuẩn tiền phẫu thuật, tránh tạo các nơi đọng dung dịch thuốc dưới cơ thể người bệnh. Quá trình chờ dung dịch ướt cho tới lúc khô có thể gây ra kích thích da hoặc hiếm khi có các phản ứng da nghiêm trọng. Có thể xảy ra các vết bỏng hóa học ở da do sự đọng vũng. Trong trường hợp gặp kích ứng da hoặc viêm da tiếp xúc hoặc mẫn cảm thì ngừng sử dụng thuốc. Không làm nóng thuốc trước khi bôi. Giữ xa tầm tay trẻ em.
Những bệnh nhân bị bướu cổ, bướu nhỏ tuyến giáp, hoặc các bệnh lý tuyến giáp khác có nguy cơ phát triển tăng năng tuyến giáp khi dùng liều cao iod. Đối với đối tượng bệnh nhân này, không được dùng dung dịch povidon-iod trong giai đoạn kéo dài và bôi trên diện rộng da trừ khi được chỉ định chặt chẽ. Thậm chí cho đến lúc kết thúc điều trị vẫn cần quan sát các triệu chứng sớm có thể xảy ra của tăng năng tuyến giáp và nếu cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ chức năng tuyến giáp.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao về phát triển tăng năng tuyến giáp khi dùng liều cao iod. Vì ở những bệnh nhân này có khả năng ngấm qua da tự nhiên và tăng mẫn cảm với iod, vì thế nên dùng povidon-iod ở liều tối thiểu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có thể phải kiểm tra chức năng tuyến giáp ở trẻ (ví dụ chỉ số T4 và chỉ số TSH). Cần tránh tuyệt đối bất cứ khả năng nào có thể xảy ra việc trẻ nhỏ nuốt povidon-iod vào bụng.
Các đối tượng sử dụng đặc biệt
1. Lái xe và vận hành máy móc
- Thuốc không gây tình trạng đau đầu, chóng mặt hoặc buồn ngủ.
- Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng khi dùng thuốc trên những đối tượng đòi hỏi sự tập trung cao độ khi làm việc này.
2. Phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ
- Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, chỉ dùng dung dịch povidon-iod khi có chỉ định chặt chẽ và dùng với liều tối thiểu. Vì có khả năng iod có thể ngấm vào nhau thai và có thể được tiết vào sữa mẹ, và do có sự tăng mẫn cảm iod đối với thai và trẻ sơ sinh, không nên dùng liều cao povidon-iod trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
- Hơn nữa, iod được tập trung trọng sữa mẹ, tương đương như trong huyết thanh. Povidon-iod có thể gây ra thiểu năng tuyến giáp thoáng qua với việc tăng TSH ở bào thai hay trẻ sơ sinh. Có thể cần phải kiểm tra chức năng tuyến giáp ở trẻ nhỏ. Cần tránh tuyệt đối bất cứ khả năng nào có thể xảy ra việc trẻ nhỏ nuốt povidon-iod vào bụng.
Xử trí khi quá liều thuốc Betadine
- Độc tính cấp của iod biểu hiện bởi triệu chứng đau bụng, bí tiểu, xẹp tuần hoàn, phù thanh quản dẫn đến khó thở, phù phổi và chuyển hoá bất thường.
- Tập trung điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Xử trí khi quên một liều thuốc Betadine
- Dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều.
- Nếu liều đã quên kề với liều kế tiếp. Bỏ qua liều đã quên và dùng theo đúng lịch trình dùng thuốc.
- Không dùng gấp đôi liều với mục đích bù vào liều đã quên.
Cách bảo quản
- Để thuốc Betadine tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc Betadine ở những nơi ẩm ướt.
- Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là < 30 ºC.
Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc Betadine. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tờ hướng dẫn dùng Betadine 10% https://drugbank.vn/thuoc/Betadine-Antiseptic-Solution-10%25w-v&VN-19506-15
Ngày tham khảo: 22/10/2020
- Dược thư quốc gia 2018, trang 1166.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=1166