Gãy xương: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí sao cho hợp lí?
Nội dung bài viết
Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, gãy xương là tình trạng rất thường gặp có thể do tai nạn giao thông, sinh hoạt, thể dục, thể thao…Hơn nữa, tình trạng loãng xương cũng khiến xương rất dễ bị gãy. Nếu không điều trị đúng sẽ gây biến dạng xương, tổn thương thần kinh, mạch máu. Từ đó, chất lượng cuộc sống giảm sút. Vì vậy, trang bị những kiến thức cơ bản về triệu chứng và cách sơ cứu là vô cùng quan trọng. Hãy cùng Youmed tìm hiểu những kiến thức đó trong bài viết sau đây nhé!
1. Dấu hiệu nhận biết bị gãy xương
Những triệu chứng thay đổi tùy theo cơ địa mỗi người . Điều này phụ thuộc vào vị trí xươngg độ của chấn thương, tuổi, tình trạng sức khỏe của bạn… Nhìn chung, các triệu chứng của có thể là:
- Sưng hoặc bầm tím vùng xương bị chấn thương
- Biến dạng chân hoặc tay
- Đau vùng bị chấn thương. Đặc biệt, đau tăng dữ dội khi di chuyển hoặc đè ép lên vùng đó
- Mất chức năng vùng bị chấn thương
- Không có khả năng chịu lực lên chân, cổ chân… bị ảnh hưởng
- Khi chấn thương hở, bạn có thể thấy đầu xương lộ ra ngoài da
Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu nghi ngờ trên, đây có thể là một trình trạng cần cấp cứu.
2. Các biến chứng có thể gặp khi bị gãy xương
2.1. Sốc do mất máu và do đau
Đây là một biến chứng khá nặng nề, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Xương được cấp máu nuôi dồi dào nên có thể làm chảy máu và mất lượng máu đáng kể.Nếu chẳng may gãy xương chậu có thể gây mất 1.5 lít máu, xương đùi có thể mất khoảng 1 lít máu. Vì vậy, cần phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm vùng xương gãy.
2.2. Tổn thương các cơ quan nội tạng
Gãy xương sọ có thể gây dập não, xuất huyết não, xương sườn có thể gây tổn thương tim, phổi, xương chậu có thể vỡ bàng quang, chấn thương đường tiểu…
2.3. Tổn thương mạch máu, thần kinh
Đầu xương gãy có thể tổn thương mạch máu và thân kinh lân cận. Nếu không điều trị kịp thời, biến chứng này có thể dẫn đến liệt, mất chức năng hoặc phải cắt cụt chi.
2.4. Rối loạn phát triển xương
Gãy xương dài ở trẻ em nơi vị trí đầu xương dễ làm rối loạn tăng trưởng xương. Về sau, việc phát triển chiều dài xương có thể bị ảnh hưởng.
2.5. Cần làm gì khi bị gãy xương?
Sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Điều này còn hỗ trợ cho việc điều trị và lành xương sau này.
Có thể xảy ra ở bất cứ vùng nào trên cơ thể. Mỗi vùng xương gãy sẽ có những cách sơ cứu chuyên biệt. Tuy nhiên, với những người không chuyên, nắm được nguyên tắc cơ bản là quan trọng.
Nguyên tắc cơ bản khi sơ cứu là phải bất động, cố định vùng xương gãy. Vì di động nơi xương gãy gây đau, gây chảy máu và tổn thương mô mềm, thần kinh, mạch máu hơn nữa. Điều này có thể làm việc điều trị trở nên phức tạp hơn.
Một số gợi ý sơ cứu khi bị gãy xương là:
- Điều đầu tiên là bạn cần lấy lại bình tĩnh, trấn an tinh thần. Bấm 115 để gọi cấp cứu. Kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh là rất cần thiết. Trong thời gian chờ cấp cứu, có thể sơ cứu vùng xương gãy đơn giản.
- Không di chuyển bệnh nhân khi chưa có phương tiện an toàn. Ví dụ như xương sọ, gãy đốt sống, xương chậu…
- Chú ý các trường hợp có vết thương chảy máu. Dùng băng gạc sạch ấn chặt vào vùng vết thương đang chảy máu. Khi vết thương hết chảy máu thì băng vết thương lại.
- Không được tự ý kéo thẳng chi gãy.
- Xương gãy cần được cố định, nâng đỡ để hạn chế di động ổ gãy. Dụng cụ sử dụng để cố định xương có thể là thanh gỗ, bìa cứng, bao cát… Thường phải cố định cả hai khớp phía trên và phía dưới vùng xương gãy.
- Trong trường hợp gãy xương đòn, xương vai, có thể chỉ cố định đơn giản bằng dây đeo cổ.
- Nếu được, ổ gãy nên để cao hơn vị trí trái tim để hạn chế mất máu.
- Có thể chườm lạnh để giảm đau và giảm sưng vùng xương gãy. Không được chườm đá trực tiếp lên da. Hãy bọc đá trong một chiếc khăn hoặc mảnh vải rồi chườm lên da.
- Không được ăn uống gì cho đến khi gặp bác sĩ vì có khi cần phải mổ cấp cứu.
Gãy xương là tình trạng cần đến cấp cứu y tế. Các triệu chứng cũng rất đa dạng. Việc phát hiện, sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin cơ bản về các dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu .Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Bác sĩ : Nguyễn Thanh Xuân
Có thể bạn quan tâm :
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Webmd (2020), Understanding Bone Fractures — Symptoms, https://www.webmd.com/a-to-z-guides/understanding-fractures-symptoms, truy cập vào 09/02/2020.