YouMed

Giấc ngủ kinh hoàng ở con trẻ có thật sự kinh hoàng?

bác sĩ lê hoàng ngọc trâm
Tác giả: Bác sĩ Lê Hoàng Ngọc Trâm
Chuyên khoa: Tâm thần

Chắc hẳn trong chúng ta ai có con nhỏ cũng đã từng ít nhất một lần chứng kiến con mình đang ngủ mà bật dậy khóc thét, giẫy giụa và cực kì hoảng sợ. Điều này làm cho các bậc cha mẹ rất hoang mang vì không biết các bé đang trải qua điều gì. Bài viết này sẽ giúp bạn làm rõ các tình trạng trên.

1. Giấc ngủ kinh hoàng (night terror) là gì?

Đây là một tình trạng xảy ra vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ sóng chậm (NREM), thường sẽ xuất hiện khoảng 2-3 tiếng sau khi bé bắt đầu ngủ (trung bình khoảng 90 phút sau khi bé ngủ). Biểu hiện của giấc ngủ kinh hoàng là các biểu hiện như:

  • Trẻ đang ngủ đột ngột khóc thét và sợ hãi tột độ;
  • Bé đấm đá khắp giường và giãy giụa
  • Trẻ ngồi dậy và chạy ra khỏi giường, đổ mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh, lơ mơ và không định hướng được xung quanh.

Điểm đặc biệt là trẻ vẫn có thể mở mắt nhưng hầu như không đáp ứng với việc đánh thức hay dỗ dành và buổi sáng sau khi thức dậy trẻ hoàn toàn không nhớ gì về việc này cả. Thời gian của giấc ngủ kinh hoàng kéo dài có thể từ vài phút đến 30 phút. Độ tuổi xảy ra thường từ 3-12 tuổi.

Trẻ đang ngủ đột ngột khóc thét và sợ hãi tột độ là một trong những biểu hiện của giấc ngủ kinh hoàng

2. Giấc ngủ kinh hoàng có phải là cơn ác mộng?

Vậy giấc ngủ kinh hoàng có phải là cơn ác mộng không? Câu trả lời rằng hai tình trạng này hoàn toàn khác nhau. Như đặc điểm nêu trên, giấc ngủ kinh hoàng xuất hiện vào thời điểm khoảng 2-3 tiếng sau ngủ.

Tuy nhiên đối với cơn ác mộng thì lại xuất hiện vào thời điểm giấc ngủ sóng nhanh (REM) và hay xuất hiện vào lúc gần sáng. Trong giấc ngủ kinh hoàng thì chúng ta không thể nào đánh thức được bé và khi thức dậy bé hoàn toàn không nhớ gì cả. Nhưng trong cơn ác mộng chúng ta có thể đánh thức được bé và sau đó bé tường thuật được lại giấc mơ của mình.

Giấc ngủ kinh hoàng (night terror)  Cơn ác mộng (nightmare)
  • Xuất hiện vào thời điểm khoảng 2 – 3 tiếng sau ngủ.
  • Không thể đánh thức được bé.
  • Bé hoàn toàn không nhớ gì cả khi thức dậy.
  • Giấc ngủ sóng nhanh (REM); lúc gần sáng.
  • Có thể đánh thức được bé.
  • Bé tường thuật được giấc mơ của mình.
Giấc ngủ kinh hoàng và ác mộng là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau

3. Nguyên nhân của giấc ngủ kinh hoàng

Hiện tại nguyên nhân chính xác của giấc ngủ kinh hoàng vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên người ta thấy một số yếu tố đóng góp như: Thiếu ngủ, mệt mỏi, sốt, một số loại thuốc, hội chứng chân không yên, hội chứng ngưng thở khi ngủ,… Đặc biệt là trong tiền sử gia đình trẻ có người cũng bị giấc ngủ kinh hoàng.

4. Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Điều trước tiên khi trẻ xuất hiện tình trạng này lần đầu, ắt hẳn cần phải phân biệt liệu có phải do một bệnh lý cấp tính nào gây ra như là: nhiễm trùng thần kinh trung ương, động kinh,… Nếu do các bệnh lý này thì chắc chắn trẻ sẽ có triệu chứng khác của bệnh kèm theo và phải tới gặp bác sĩ sớm nhất.

Nếu xác định không do một tình trạng bệnh lý cấp tính nào và giấc ngủ kinh hoàng chỉ xảy ra từ 1-2 lần trong một tháng thì không cần phải điều trị. Theo nghiên cứu, khi trẻ đến 6 tuổi thì tình trạng này sẽ ổn định và hết hẳn khi trẻ dậy thì.

Trong những tình huống sau đây thì khuyên bạn nên đưa bé tới gặp bác sĩ:

  • Diễn ra thường xuyên hơn.
  • Gây gián đoạn giấc ngủ của trẻ và các thành viên trong gia đình nhiều lần.
  • Trong cơn bé thường giãy giụa nhiều gây thương tích nhiều.
  • Giảm chất lượng ngủ vào ban đêm nên ban ngày gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ và gia đình trẻ.
  • Tình trạng này vẫn diễn ra mặc dù bé đã vào tuổi dậy thì.
Tình trạng trẻ có giấc ngủ bất ổn diễn ra thường xuyên thì hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ

5. Cần xử trí như thế nào trong giấc ngủ kinh hoàng?

Điểm quan trọng là bạn hãy giữ bình tĩnh và đừng cố gắng đánh thức bé dậy, không lay người hay vỗ vào bé để đánh thức bé vì làm vậy em bé sẽ càng khó chịu và sợ hãi hơn. Cất hết tất cả những vật dụng nguy hiểm xung quanh bé (như bàn, ghế, ly nước,đồ chơi,…tốt nhất xung quanh giường ngủ của bé nên để khoảng nệm rộng rãi để bé có thể giãy giụa mà không bị thương). Khi xoay chuyển tư thế của bé bạn cũng nên nhẹ nhàng.

6. Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu tình trạng giấc ngủ kinh hoàng này diễn ra thường xuyên và bạn xác định được thời điểm mà con bạn bị trong đêm, bạn có thể đánh thức bé dậy 30 phút trước đó và sau một khoảng thời gian cho bé ngủ lại. Điều này làm giảm thiểu tình trạng này đáng kể.

Thay vì điều trị bằng thuốc, bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp đơn giản để cải thiện tình trạng bệnh của con

Một số phương pháp hỗ trợ khác:

  • Cho bé ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc. Trẻ từ 3-5 tuổi nên ngủ từ 10-13 tiếng/ngày (bao gồm giấc trưa). Trẻ trên 5 tuổi ngủ từ 9-12 tiếng. Khi bắt đầu vào tuổi teen thì nên từ 8-10 tiếng.
  • Thiết lập thời gian ngủ. Bạn nên tập cho bé ngủ đúng khung giờ mỗi ngày, tránh sự xáo trộn.
  • Tạo không gian yên tĩnh và tối. Nếu con bạn sợ tối, bạn có thể sử dụng đèn ngủ với ánh sáng nhẹ. Tránh coi ti vi và hoạt động quá nhiều trước khi ngủ.
  • Không mang TV vào phòng ngủ.

Qua bài viết này, mong rằng các bậc phụ huynh nhận ra rằng giấc ngủ kinh hoàng “không kinh hoàng” như cái tên của nó, và có thể giúp ích cho các bạn bình tĩnh hơn trong việc xử trí tình trạng này.

>> Ngủ ngáy xảy ra ở trẻ sơ sinh có gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ không? Tìm hiểu ngay nhé: Ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh có đáng lo ngại?

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sleep-terrors/symptoms-causes/syc-20353524
  2. https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=nightmares-and-night-terrors-90-P02257
  3. Kaplan and sadock's synopsis of psychiatry, chapter 16: Normal Sleep and Sleep – Wake Disoders

  4. Uptodate: Patient education: Night terrors, confusional arousals, and nightmares in children (The Basis)

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người