Giọng mũi và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Mỗi người sẽ có những đặc trưng về giọng nói khác nhau. Giọng cao, giọng trầm, giọng đanh thép, giọng nhỏ nhẹ là những kiểu giọng nói ta có thể gặp hàng ngày. Một số người còn có giọng nói giống như là họ đang bị nghẹt mũi vậy. Nếu bạn đang thắc mắc về kiểu giọng mũi này thì đây là bài viết dành cho bạn.
1. Các cấu trúc giúp hình thành giọng nói
Giọng nói của bạn được tạo bên bởi luồng khí đi lên từ phổi, qua hai dây thanh ở cổ và đi đến họng miệng. Tại đây, âm thanh sẽ được cộng hưởng nhờ các khoảng không ở mũi miệng tạo nên chất lượng âm thanh khi thoát ra ngoài.
Ở đây chúng ta cần chú ý đến vai trò của vùng mô mềm quanh lưỡi gà. Khi chúng ta dùng phần sau của lưỡi chạm lên phía trên thì đó là vị trí lưỡi gà. Lưỡi gà nằm ngay ở chỗ ngã ba, nơi mà không khí hoặc là đi lên mũi hoặc là đi ra miệng. Tùy vào vị trí của lưỡi gà mà không khí sẽ được cho lên mũi hoặc ra miệng, giống như hoạt động của một cái van. Nếu van này không hoạt động đúng thì nó sẽ tạo ra thay đổi trong giọng nói.
Có 2 kiểu giọng mũi:
- Giọng mũi ít (Hyponasal). Có quá ít không khí đi lên mũi khi bạn nói chuyện. Kết quả là âm thanh không có đủ cộng hưởng (độ vang).
- Giọng mũi nhiều (Hypernasal). Có quá nhiều không khí đi lên mũi khi bạn nói chuyện. Lượng khí này làm cho âm thanh bạn tạo ra có quá nhiều cộng hưởng.
Nếu bạn cần tư vấn về vấn đề giọng mũi. Đặc biệt nếu tình trạng này mới xuất hiện, hãy liên hệ bác sĩ tai mũi họng. Nhiều nguyên nhân gây ra giọng mũi có thể điều trị được.
2. Giọng mũi nghe như thế nào?
Giọng mũi ít nghe giống như khi bạn đang bị nghẹt mũi. Bạn có thể tạo âm thanh tương tự bằng cách bịt mũi lại khi nói chuyện.
Bạn có thể có những triệu chứng khác đi kèm với giọng mũi ít như:
- Nghẹt mũi, chảy mũi.
- Khó thở bằng mũi.
- Dịch chảy ra từ mũi.
- Đau họng.
- Ho.
- Mất cảm giác mùi vị.
- Đau quanh mắt, má và trán.
- Nhức đầu.
- Ngủ ngáy.
- Hơi thở hôi.
Giọng mũi nhiều nghe giống như khi bạn phát âm chữ “ng” mà không mở miệng. Lúc này lưỡi gà sẽ ép sát vào lưỡi, chặn không cho khí ra miệng mà đi lên mũi.
Bạn có thể có những vấn đề khác đi cùng với giọng mũi nhiều như:
- Khó phát âm các phụ âm cần lực hơi nhiều, như p, t, và k.
- Khí thoát ra mũi khi phát âm các âm như x, s và ch.
3. Nguyên nhân gây ra giọng mũi
Có một số yếu tố tác động đến chất lượng giọng nói. Các yếu tố này bao gồm kích cỡ và hình dạng của miệng, mũi, và họng, và sự di chuyển của không khí qua những cấu trúc này.
Giọng mũi ít thường là do tắc nghẽn ở mũi. Tắc nghẽn này có thể là tạm thời – chẳng hạn như khi bạn bị cảm lạnh, viêm xoang hay dị ứng.
Hoặc nguyên nhân có thể là do một bất thường cấu trúc chẳng hạn như:
- Amidan hoặc VA phì đại.
- Vẹo vách ngăn mũi.
- Khối polyp ở mũi.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra giọng mũi nhiều là do các bất thường ở vùng mô mềm quanh lưỡi gà. Có 3 kiểu bất thường chính:
- Bất thường cấu trúc gây ra do mô mềm quanh lưỡi gà ngắn quá.
- Mất chức năng hoạt động khi mà cái van lưỡi gà không đóng mở hoàn toàn được do vấn đề về sự di động.
- Sử dụng sai cách khi mà trẻ em không học đúng cách điều khiển cho không khí đi qua vùng mũi miệng.
Những bất thường này còn gọi là rối loạn cộng hưởng. Nguyên nhân của các bất thường này bao gồm:
- Phẫu thuật nạo VA. Đây là phẫu thuật nhằm loại bỏ khối mô nằm ở cửa sau của mũi. Vì vậy, phẫu thuật này tạo nên một khoảng không lớn hơn phía sau họng khiến cho không khí có thể thoát lên mũi nhiều hơn.
- Hở hàm ếch. Đây là một dị tật bẩm sinh xảy ra khi miệng của em không được hình thành đầy đủ trong thời kì mang thai. Phẫu thuật điều trị vấn đề này thường được thực hiện trước 1 tuổi. Tuy nhiên khoảng 20 phần trăm trẻ bị hở hàm ếch vẫn có vấn đề về giọng nói sau phẫu thuật.
- Vùng mô mềm quanh lưỡi gà bị ngắn. Điều này tạo ra khoảng không lớn ở đằng sau họng làm cho không khí dễ bị thoát qua hơn.
- Bất thường về di truyền. Một số bất thường về di truyền có thể tác động đến sự phát triển của nhiều bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là ở đầu và cổ. Điều này có thể gây ra hở hàm ếch và các bất thường khác.
- Chấn thương não hay bệnh lý thần kinh. Một bệnh lý hay chấn thương ở não như bại não có thể khiến cho vùng mô mềm quanh lưỡi gà không thể di động hợp lý.
- Sử dụng sai cách. Một số trẻ không được học phát âm đúng cách.
4. Điều trị vấn đề giọng mũi như thế nào?
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên nguyên nhân gây ra vấn đề giọng mũi.
4.1 Thuốc
Thuốc giảm nghẹt mũi, giảm dịch tiết, kháng viêm có thể làm giảm triệu chứng ở mũi do dị ứng, viêm xoang hay lệch vách ngăn. Kháng sinh có thể được dùng nếu viêm xoang không cải thiện và bị vi khuẩn tấn công.
4.2 Phẫu thuật
Nhiều bất thường cấu trúc gây ra giọng mũi có thể được sửa chữa bằng phẫu thuật:
- Cắt amiđan hay nạo VA.
- Chỉnh hình vách ngăn mũi.
- Phẫu thuật nội soi mũi xoang.
- Chỉnh hình các mô mềm ở vùng mũi họng, lưỡi gà.
- Phẫu thuật hở hàm ếch cho trẻ khoảng 12 tháng tuổi.
4.3 Trị liệu giọng nói
Bạn có thể được trị liệu giọng nói trước hay sau mổ. Cũng có khi bạn chỉ cần trị liệu giọng nói mà không cần mổ. Các chuyên gia về giọng nói – ngôn ngữ sẽ đánh giá giọng nói trước và sau đó đưa ra các điều trị tốt nhất cho bạn.
Các bài tập trị liệu giọng nói giúp bạn thay đổi cách di chuyển môi, lưỡi và hàm để phát âm chính xác. Bạn cũng sẽ được học cách kiểm soát tốt hơn vùng mô mềm quanh lưỡi gà.
Giọng nói là đặc trưng của mỗi người. Giọng mũi không phải lúc nào cũng là xấu, đặc biệt nếu nó không đi kèm bệnh lý gì cả. Nếu thực sự quá lo lắng, bạn hãy đến gặp bác sĩ để có được sự tư vấn tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What It Means to Have a Nasally Voicehttps://www.healthline.com/health/nasal-voice
Ngày tham khảo: 07/05/2020