YouMed

Nhiệt miệng (lở miệng): nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Nhiệt miệng, lở miệng hay loét áp tơ là bệnh viêm loét miệng thường gặp nhất, gây ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em. Bị loét miệng rất khó chịu và làm cho chúng ta gặp nhiều phiền phức trong ăn uống, sinh hoạt. Nhiệt miệng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh rất hay tái phát và khiến cho nhiều người trong chúng ta còn lúng túng, chưa biết cách chăm sóc sao cho bệnh mau khỏi. Bạn hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt Trương Mỹ Linh tìm hiểu nhiệt miệng là gì nhé.

Nhiệt miệng là gì?

Thuật ngữ “loét áp tơ” còn tương đối xa lạ với chúng ta, đây là từ dùng để chỉ tình trạng bị viêm loét miệng trong y văn, trong khi đó “Nhiệt miệng” là từ dân gian thường dùng để nói đến tình trạng viêm loét miệng này.

Nhiệt miệng là các vết loét hình tròn hoặc hình ovan ở trong miệng. Đáy vết loét có màu vàng hoặc màu xám, bờ rõ ràng, xung quanh có quầng đỏ, kích thước to nhỏ khác nhau, số lượng ít hoặc nhiều.

Bất kỳ vị trí nào trong miệng đều có thể bị loét miệng, nhưng hay gặp nhất là nơi có các chấn thương lặp đi lặp lại, ví dụ như vô tình cắn phải môi dưới hay đầu lưỡi khi ăn uống.

Vết loét rất đau và gây nhiều khó chịu cho người mắc phải.

nhiệt miệng
Vết lở miệng

Tại sao lại bị nhiệt miệng?

Hiện nay, nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh loét miệng vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, khoa học xác định được là bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố như gen, môi trường, chế độ dinh dưỡng, nội tiết, stress…

  • Yếu tố di truyền: cha hoặc mẹ bị nhiệt miệng thường xuyên thì con cái của họ có khả năng bị nhiệt miệng nhiều hơn. Hay người da trắng có xu hướng dễ bị nhiệt miệng hơn người da đen là những quan sát thấy được nhiệt miệng có ảnh hưởng của di truyền.
  • Các chấn thương: vô tình cắn phải môi dưới, đầu lưỡi khi ăn uống do răng sắc nhọn, sử dụng bàn chải đánh răng thô ráp hoặc các động tác tiêm tê trong nha khoa có thể làm khởi phát bệnh nhiệt miệng.
  • Dinh dưỡng kém: chế độ ăn uống kém, thiếu các chất sắt, kẽm, folate, vitamin B1, B2, B6, B12 dễ dẫn đến nhiệt miệng hơn.
  • Stress: thường xuyên bị lo lắng, trầm cảm có thể khiến cho nhiệt miệng dễ tái phát.
  • Thay đổi nội tiết: một số ít phụ nữ thường xuyên bị loét miệng trong chu kì kinh nguyệt và sẽ hết hẳn tình tình trạng này khi mang thai.
  • Nhiễm trùng: vi khuẩn, vi rút có thể góp phần gây ra nhiệt miệng.
  • Hút thuốc lá: ngạc nhiên rằng việc hút thuốc lá lại là yếu tố bảo vệ đối với bệnh, nhiệt miệng thường ít gặp hơn ở những người hút thuốc lá, trong khi đó người bỏ thuốc lá lại gặp phải những đợt loét miệng tái phát. Tuy nhiên không vì vậy, mà khuyến khích người nghiện thuốc lá tiếp tục hút thuốc, mà cần có liệu pháp nicotin thay thế cho những người đang cai thuốc lá để giảm tình trạng nhiệt miệng.

Chẩn đoán bệnh nhiệt miệng thế nào?

Nhiệt miệng rất dễ nhận biết và có thể xác định bằng mắt thường mà không cần đến xét nghiệm.

Các vết loét miệng này có thể được phân loại thành:

  • Loét miệng nhỏ: loại này rất thường gặp, vết loét có kích thước nhỏ, dưới 5 mm, loét nông, thường gặp ở môi dưới, má, mặt dưới lưỡi.
  • Loét miệng lớn: loại này ít gặp hơn, vết loét có kích thước từ 1 – 3 cm, loét sâu, có thể kèm sốt, thường gặp ở môi, vòm họng.
  • Loét dạng Herpes: loại này hiếm gặp, gồm nhiều vết loét nhỏ, nông và rất đau.

nhiệt miệng

Tuy các vết loét của bệnh nhiệt miệng rất dễ nhận biết nhưng chúng ta cần cẩn thận phân biệt với các bệnh khác gây loét miệng, đặc biệt là ung thư. Vết loét của ung thư lưỡi tương đối giống với nhiệt miệng ở giai đoạn đầu, giai đoạn bệnh phát triển thì vết loét to nhanh, hình dạng nham nhở, hoại tử có mùi hôi và dễ bị chảy máu khi có va chạm nhẹ.

Vết loét ung thư thường kéo dài, lâu khỏi và có thể kèm triệu chứng cứng hàm, khó nói và khó nuốt. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có những xét nghiệm cần thiết.

Vết loét ung thư lưỡi
Vết loét ung thư lưỡi

Điều trị lở miệng?

Vì nguyên nhân của bệnh này chưa được xác định rõ ràng nên mục đích điều trị là giảm các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa bệnh tái phát. Các cách đơn giản để giảm đau rát bao gồm:

  • Sử dụng nước súc miệng có chlorhexidine, triclosan.
  • Chườm lạnh vết loét bằng viên đá nhỏ để làm dịu cơn đau và viêm.
  • Hạn chế ăn những thức ăn chiên xào, cay, nóng để tránh tình trạng bệnh nặng hơn.
  • Trong một số trường hợp nặng như vết loét lâu khỏi, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kê toa các loại thuốc corticoid bôi cho vết loét.

Phòng ngừa bệnh nhiệt miệng?

Đối với bệnh loét áp tơ, cách tốt nhất là phòng ngừa bệnh bằng các phương pháp đơn giản như sau:

  • Chúng ta nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, acid folic, vitamin B1, B2, B6, B12, … có lợi cho sức khỏe.
  • Giảm căng thẳng bằng cách có kế hoạch làm việc, học tập, giải trí phù hợp. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng và sự dẻo dai cho cơ thể.
  • Tích cực điều trị các bệnh liên quan đến khớp cắn để hạn chế chấn thương khi ăn uống.
  • Cần có liệu pháp nicotin thay thế cho những ai đang cai thuốc lá mà thường xuyên khởi phát nhiệt miệng,

Nhiệt miệng là một bệnh lý đơn giản nhưng phiền phức! Do vậy, đây tuy là tình trạng lành tính, có thể tự khỏi mà không cần bất cứ điều trị nào nhưng nó thật sự gây nhiều khó chịu vì hay tái phát. Cùng đối phó với bệnh nhiệt miệng bằng những cách thức phòng ngừa mà YouMed đã trình bày nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Áp tơ, Phác đồ bệnh viện Da Liễu TPHCM 2017.

  2. Loét áp tơhttps://dalieu.vn/loet-ap-to/

    Ngày tham khảo: 15/08/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người