Giục sinh tự nhiên: Nên hay không?
Nội dung bài viết
Giục sinh hay còn gọi là khởi phát chuyển dạ, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dạ xảy ra nhanh chóng. Khi nào cần giục sinh? Có những loại giục sinh tự nhiên nào? Cách làm và hiệu quả thật sự của chúng? Bài viết này sẽ mô tả từng phương pháp giục sinh tự nhiên với các bằng chứng y khoa hiện đại. Tất cả những phương pháp này đều chỉ có giá trị tham khảo. Mọi hành động giục sinh của thai phụ đều phải được hướng dẫn trực tiếp từ bác sĩ sản phụ khoa có chuyên môn.
1. Thế nào là giục sinh?
Đầu tiên, ta cần phải hiểu về chuyển dạ. Chuyển dạ là quá trình có 3 giai đoạn.
Chuyển dạ giai đoạn 1
Cổ tử cung mở ra.
Những cơn co tử cung này báo hiệu giai đoạn chuyển dạ đầu tiên đã bắt đầu. Giai đoạn này có một tên gọi khác là xoá – mở cổ tử cung.
Trong quá trình chuyển dạ, cổ tử cung của bạn sẽ mềm ra, rút ngắn lại và mở ra. Các nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ thăm khám, xác định cổ tử cung đã mở “trọn” chưa (thông thường cổ tử cung có thể mở đến 10cm) để đầu thai nhi có thể xuống âm đạo được (kích thước đầu thai ước tính là 9 – 9.5cm).
Cổ tử cung mở trọn đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn này. Thông thường, đây cũng là giai đoạn dài nhất trong quá trình chuyển dạ.
Chuyển dạ giai đoạn 2
Khi cổ tử cung đã mở trọn, em bé của bạn sẽ di chuyển từ tử cung vào âm đạo.
Khi em bé đã ra hoàn toàn bên ngoài cơ thể mẹ thì giai đoạn 2 kết thúc. Quá trình này thường kéo dài 15 – 75 phút, tuy nhiên nó cũng có thể kéo dài 2 – 3 giờ.
Chuyển dạ giai đoạn 3
Sổ hoàn toàn bánh nhau ra ngoài tử cung của mẹ. Thường diễn ra nhanh chóng, chỉ kéo dài khoảng 30 phút.
Chuyển dạ thường tự bắt đầu từ tuần 37 đến 42 của thai kỳ. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ quyết định “gây ra” chuyển dạ. Để thực hiện việc này, bác sĩ sẽ đặt thuốc vùng âm đạo, đặt ống thông hoặc dùng thuốc tạo cơn gò. Thuốc để bắt đầu các cơn co thắt được truyền vào máu.
Ngoài ra còn có một số thao tác khác sẽ được nhắc ở một bài viết khác. Các bác sĩ chỉ gây ra chuyển dạ trước dự sinh nếu có vấn đề nào đó xảy ra. Thông thường, các vấn đề này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai phụ hoặc thai nhi nếu không sinh sớm.
>> Mẹ có thể tham khảo thêm: Bí quyết giúp mẹ bầu sinh thường dễ dàng.
Cơn gò tử cung
Như đã biết, cơn gò tử cung là bước đầu tiên, cũng là nguồn lực chủ yếu quan trọng nhất để chuyển dạ bắt đầu. Khởi phát chuyển dạ hay giục sinh là tất cả những biện pháp nhằm làm xuất hiện cơn gò tử cung.
Nguyên nhân gây ra chuyển dạ chưa thật sự được hiểu rõ. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, chuyển dạ có sự tham gia của các nội tiết tố trong cơ thể thai phụ, thậm chí là thai nhi hay bánh nhau.
2. Khi nào cần giục sinh tự nhiên?
Khởi phát chuyển dạ được chỉ định khi nó mang lại nhiều lợi ích hơn cho mẹ hoặc trẻ so với việc tiếp tục giữ lấy thai trong tử cung mẹ. Tất nhiên, ngoài khởi phát chuyển dạ thì sinh mổ cũng là một biện pháp để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, nếu không thật sự cần thiết hoặc xác định mẹ có thể sinh trẻ qua ngã âm đạo được thì bác sĩ sẽ không mổ lấy thai.
Thông thường, các chỉ định giục sinh bao gồm:
- Vỡ ối sớm dù chưa chuyển dạ.
- Mẹ mắc phải các bệnh lý huyết áp thai kỳ.
- Thiểu ối (nước ối ít).
- Tim thai ghi nhận những điều bất thường.
- Thai quá ngày dự sinh (thường là quá tuần 40 – 41).
- Một số bệnh lý ở mẹ khác (tăng huyết áp, đái tháo đường).
3. Giục sinh theo quan điểm y học hiện đại
Đầu tiên đó là làm “chín” cổ tử cung. Cổ tử cung là cửa ngõ đầu tiên của trẻ trước khi ra sinh ra đời. Ở những thai phụ cần được giục sinh tự nhiên, thông thường cổ tử cung vẫn chưa được chuẩn bị tốt.
Để có thể sinh em bé ra ngoài, cổ tử cung cần thoả mãn các điều kiện:
- Mở ra.
- Rút ngắn.
- Mềm hơn.
- Một số yếu tố khác.
Khi thoả mãn các yếu tố này, cổ tử cung được coi là “chín” – đã sẳn sàng. Tuy nhiên, thông thường, khi cổ tử cung sẵn sàng thường kéo theo chuyển dạ cũng đã bắt đầu.
Nếu chuyển dạ chưa bắt đầu hoặc cơn gò tử cung còn thiếu, bác sĩ sẽ dùng thuốc để tăng số lượng cơn gò lên.
4. Các phương pháp giục sinh tự nhiên
Giục sinh bằng châm cứu
Một nghiên cứu tổng hợp từ Cochrane library, với 14 nghiên cứu nhỏ và 2.220 thai phụ tham gia cho thấy rằng việc châm cứu có thể đẩy nhanh quá trình “chín” của cổ tử cung so với không can thiệp gì hết. Tuy nhiên, khi so sánh với các phương pháp hiện nay được thực hiện trong bệnh viện thì kết quả là tương đương.
Một điểm cộng đáng nói là châm cứu giục sinh gần như không mang lại một tác hại nào cho cả thai phụ và em bé.
Tuy nhiên, do đây hoàn toàn là một thủ thuật y khoa truyền thống, do đó, khó mà đảm bảo được sự giống nhau về phương thức thực hiện giữa từng khu vực với nhau.
Giục sinh bằng châm cứu là khả thi, đặc biệt nếu bạn không muốn thực hiện nó tại bệnh viện. Bạn nên đến cơ sở y tế đông y lớn, uy tín để được châm cứu một cách chuẩn xác nhất.
Trà lá mâm xôi giúp cơn gò thai phụ đều đặn hơn
Bằng chứng cho vấn đề này thật sự còn quá nhiều mơ hồ. Mọi nghiên cứu y khoa liên quan đều có số lượng thai phụ tham gia rất ít. Cũng như bằng chứng chủ yếu lại đến từ những nghiên cứu từ động vật – chuột.
Thậm chí, có bằng chứng cho thấy chuột con được sinh ra sau khi chuột mẹ dùng trà lá mâm xôi trước sinh bị dậy thì sớm.
Cây thiên ma đen và xanh
Thực tế, không có một nghiên cứu nào trên người được thực hiện đối với 2 loại cây này. 4 nghiên cứu nhỏ lẻ trên động vật được quan sát và cho ra một số kết quả:
- Cây thiên ma xanh có thể khởi phát chuyển dạ trên động vật, tuy nhiên lại làm xuất hiện dị tật bẩm sinh ở thai.
- Ngoài ra, cây này còn gây độc cho thai và tim của thai.
Do đó, hãy thật thận trọng và khôn ngoan trước khi quyết định lựa chọn loại thảo dược này cho mục đích giục sinh tự nhiên.
Nếu bạn đã lỡ dùng, hãy đến bệnh viện có chuyên khoa sản. Việc theo dõi tim thai và tình trạng mẹ liên tục là bắt buộc.
Ăn quả chà là thúc đẩy giục sinh?
Một nghiên cứu nhỏ với sự tham gia của 114 thai phụ cho thấy nhóm ăn quả chà là có cổ tử cung “chín” hơn so với nhóm không ăn. Tỉ lệ chuyển dạ tự phát cao hơn đáng kể trong nhóm thai phụ ăn quả chà là so với nhóm không ăn.
28% phụ nữ trong nhóm ăn trái cây ít cần sử dụng thuốc tăng gò hơn so với 43% của nhóm không ăn. Giai đoạn đầu chuyển dạ ngắn hơn 38% ở nhóm ăn chà là so với nhóm không ăn.
Kết quả này khá tương tự với một số nghiên cứu nhỏ lẻ khác. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rõ, các nghiên cứu này tuy cho kết quả khả quan nhưng chúng không áp dụng ở đối tượng mắc phải đái tháo đường thai kỳ.
Có một số yếu tố không khách quan đã được ghi nhận như:
- Không biết được các chế độ ăn uống, chăm sóc của tất cả thai phụ.
- Các thai phụ có thể bắt chước nhau cùng ăn quả chà là.
Do đó, còn cần nhiều nghiên cứu có giá trị mạnh hơn để ủng hộ loại thực phẩm này.
Xoa nhũ hoa để kích thích chuyển dạ
Một nghiên cứu tổng hợp về phương pháp này được Corchran library tổng hợp từ 719 thai phụ trong 6 nghiên cứu khác. Kết quả cho thấy kích thích vú có vẻ thúc đẩy quá trình chuyển dạ liên quan đến các thai phụ không tự chuyển dạ sau 72 giờ so với nhóm thai phụ không được can thiệp gì hết. Nó cũng giúp giảm tỉ lệ chảy máu sau sinh.
Tuy nhiên, phương pháp này mang lại khá nhiều cảm giác khó chịu cho thai phụ. Đồng thời không có sự khác biệt giữa tỉ lệ mổ lấy thai, thời gian chuyển dạ… khi so với nhóm dùng thuốc giục sinh.
Đây vốn là một phương pháp vật lý cơ học đã được chứng minh từ lâu và lợi ích của nó tương đối rõ ràng. Không có biến chứng nào được ghi nhận. Dù vậy thì nó có thể mang lại nhiều cảm giác khó chịu ở ngực cho thai phụ.
Uống dầu thầu dầu
Uống dầu thầu dầu đã được Cochran tổng hợp từ 3 nghiên cứu nhỏ lẻ. Kết quả là dầu thầu dầu không gây hại gì cho thai nhi. Tuy vậy, nó cũng không giúp ích gì.
Vấn đề chủ yếu ở đây là 100% thai phụ khi uống dầu thầu dầu đều cảm thấy… buồn nôn.
Uống tinh dầu hoa anh thảo (Evening Primrose Oil)
Có rất hiếm nghiên cứu nói về tác dụng của loại tinh dầu này. Và hầu hết đều có kết quả là: Nó không có tác dụng gì, dùng cũng không gây hại cho thai phụ và thai nhi. Duy chỉ có một nghiên cứu ở Philippines cho rằng tinh dầu hoa anh thảo uống 3 lần 1 ngày, trong liên tục một tuần có thể:
- Làm “chín” cổ tử cung.
- Tăng cường khả năng sinh thường thành công của thai phụ.
Đó chỉ là một nghiên cứu nhỏ lẻ, có nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện. Liệu có nên sử dụng tinh dầu hoa ảnh thảo hay không vẫn là ẩn số. Với tinh thần an toàn là trên hết thì nó vẫn chưa nên được sử dụng ở thời điểm này.
Khóm
Hay còn gọi là trái thơm. Hiện nay, hoàn toàn không có căn cứ nào ủng hộ việc ăn khóm giúp giục sinh tự nhiên thành công. Nếu bạn không ăn quá nhiều thì khóm cũng không gây hại gì.
Quan hệ vợ chồng
Người ta hoàn toàn không thể chắc chắn là quan hệ vợ chồng ở những tuần cuối cùng của thai kỳ có thể giúp giục sinh hay không.
Tác giả của một số nghiên cứu nhỏ cho rằng điều này là phù hợp sinh lý. Các thay đổi nội tiết tố ở nữ, sự kích thích cổ tử cung… trong quá trình quan hệ có thể khởi phát chuyển dạ.
Tuy nhiên, hoàn toàn không có một chuẩn mực nào cho việc này. Quan hệ bao lâu? Có dùng bao cao su hay không? Mạnh hay nhẹ? Không ai có thể khẳng định về vấn đề này.
Ngược lại, cũng không có hại gì cho thai nhi nếu quá trình quan hệ không quá “bạo lực”.
5. Kết luận
Giục sinh chỉ nên được thực hiện khi việc sinh em bé ra đời có lợi ích vượt trội so với việc tiếp tục trong tử cung của mẹ. Có 2 bước ở quá trình giục sinh là làm “chín” cổ tử cung và tạo cơn gò chuyển dạ.
Ngày nay, có một số phương pháp giục sinh tự nhiên được đề ra. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về các phương pháp này còn quá ít. Ngoài châm cứu và xoa nhũ hoa mang lại lợi ích khá rõ ràng thì các phương pháp khác vẫn có thể chứa nguy hiểm tiềm ẩn.
Để mang thai an toàn, thai phụ nên tuân thủ ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa sản phụ trước khi thực hiện một biện pháp giục sanh tự nhiên nào.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Section 7: Labor, Chapter 21: Physiology of Labor, William’s Obstetrics 25th EDITION 2018.
- Section 7: Labor, Chapter 26: Induction and Augmentation of Labor, William’s Obstetrics 25th EDITION 2018.
- Acupuncture for Induction of Labour, Caroline A Smith 1, Caroline A Crowther, Suzanne J Grant, Cochrane Database Syst Rev . 2013 Aug 15;(8):CD002962.
- Burn, J. H., & Withell, E. R. (1941). A PRINCIPLE IN RASPBERRY LEAVES WHICH RELAXES UTERINE MUSCLE BY. The Lancet, 238(6149), 1–3.
- Raspberry leaf tea: a new aspect to an old problem, Br J Pharmacol. 1970 Sep; 40(1): 161P+.
- JOURNAL ARTICLE Pharmacological Effects of the Aqueous Extract of Caulophyllum thalictroides (Blue Cohosh) on Isolated Mus musculus Uteri, Bios Vol. 79, No. 3 (Sep., 2008), pp. 103-114.
- The effect of late pregnancy consumption of date fruit on labour and delivery, Journal of Obstetrics and Gynaecology, January 2011; 31(1): 29–31.
- Castor Oil, Bath and/or Enema for Cervical Priming and Induction of Labour, Cochrane Database Syst Rev . 2013 Jul 24;2013(7):CD003099.
- Ty-Torredes, K. A. (2006). The effect of oral evening primrose oil on bishop score and cervical length among term gravidas. American Journal of Obstetrics and Gynecology, 195(6), S30.
- Sexual Intercourse for Cervical Ripening and Induction of Labour, Cochrane Database Syst Rev. 2001;2001(2):CD003093.