Glaucoma: Bệnh cườm nước và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Bệnh Glaucoma là một trong những bệnh lí về mắt rất thường gặp. Ở Việt Nam, bệnh này quen thuộc hơn với các tên gọi “bệnh cườm nước” hay “thiên đầu thống”. Glaucoma được xếp vào những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới. Vì sự phổ biến và mối nguy hiểm của nó, chúng ta nên có những hiểu biết cơ bản về glaucoma. Nguyên nhân của nó ra sao, nhận biết như thế nào, cách điều trị và ngăn ngừa hiệu quả,… Hãy cùng bác sĩ tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Thế nào là bệnh glaucoma?
Mắt của chúng ta được liên kết với não bộ thông qua thần kinh thị giác. Thông tin về sự vật trước mắt ta sẽ được truyền từ mắt lên não theo dây thần kinh này. Sau đó trở thành hình ảnh mà ta nhìn thấy. Bệnh glaucoma chính là tình trạng tổn thương dây thần kinh thị giác. Hậu quả của tình trạng này khá nặng nề. Tầm nhìn (thị trường) của chúng ta dần thu hẹp. Thị lực cũng từ từ suy giảm khiến ta khó nhìn rõ các chi tiết. Tình trạng này nếu không được can thiệp sẽ tăng dần theo thời gian và không thể phục hồi. Hậu quả xấu nhất có thể xảy đến là mù lòa vĩnh viễn.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh glaucoma?
2.1 Tăng nhãn áp kéo dài
Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh glaucoma vẫn chứa nhiều ẩn số. Trong đó, tăng nhãn áp là một trong những lí do chiếm đa số và được quan tâm nhiều nhất.
2.1.1 Tăng nhãn áp là gì?
Nhãn áp nghĩa là áp lực trong mắt. Mắt chúng ta như một quả cầu chứa đầy dịch bên trong. Bình thường, lượng dịch này tạo một áp lực phù hợp lên mắt. Áp lực này góp phần giữ cho mắt có được cấu trúc ổn định. Nhờ vậy mà các chức năng của mắt diễn ra suôn sẻ. Tăng nhãn áp là tình trạng áp lực bên trong vượt quá mức chịu đựng của mắt. Các cấu trúc nằm bên trong quả cầu mắt như mạch máu, thần kinh bị chèn ép. Tình trạng chèn ép kéo dài sẽ làm chết các tế bào thần kinh thị giác. Hậu quả là ảnh hưởng lên chức năng của mắt.
2.1.2 Vì sao xảy ra tình trạng tăng nhãn áp?
Có nhiều nguyên nhân gây tăng nhãn áp đã và đang được nghiên cứu. Như vừa đề cập, nhãn áp được hình thành từ lượng dịch nằm bên trong mắt, gọi là thủy dịch. Bình thường, thủy dịch sẽ lưu thông liên tục từ trong mắt ra bên ngoài. Quá trình này diễn ra suôn sẻ nhờ hệ thống kênh và đường ống nhỏ trong mắt. Nhờ vậy mà lượng thủy dịch được giữ ở một mức độ ổn định. Và nhãn áp sẽ ở mức trung bình.
Khi lượng thủy dịch tăng cao do được sản xuất quá mức thì nhãn áp cũng tăng theo. Hoặc lượng thủy dịch được tiết ra vẫn bình thường nhưng hệ thống kênh và đường ống bị hẹp hay tắc nghẽn. Do đó, thủy dịch không thoát ra ngoài được và gây tăng nhãn áp.
2.2 Thiếu máu nuôi thần kinh thị giác
Các vấn đề về mạch máu, thiếu máu,… cũng có thể tổn hại thần kinh thị giác. Trong trường hợp này, một người có thể có bệnh glaucoma trong khi nhãn áp vẫn ở mức trung bình.
3. Phân loại bệnh glaucoma
Trên thực tế, bệnh glaucoma là tập hợp một nhóm bệnh. Điểm chung đặc trưng của chúng là tăng nhãn áp và tổn thương thần kinh thị không phục hồi. Vì vậy mà bệnh glaucoma khá phức tạp. Nó gồm nhiều thể bệnh khác nhau. Mỗi thể bệnh có thể có nhiều giai đoạn khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm phân chia bệnh glaucoma như sau:
3.1 Theo diễn tiến bệnh
Glaucoma cấp tính |
Còn gọi là cơn glaucoma cấp, triệu chứng xuất hiện nhiều và nặng nề |
Glaucoma bán cấp |
Tương tự cơn glaucoma cấp nhưng mức độ nhẹ hơn, xuất hiện từng đợt, có thể nặng dần thành cơn cấp. |
Glaucoma mạn tính |
Bệnh diễn ra âm thầm, có thể không có triệu chứng gì cho đến khi bệnh nhân cảm thấy nhìn mờ. |
3.2 Theo nguyên nhân gây bệnh
Glaucoma nguyên phát |
Nguyên nhân gây glaucoma xảy ra ngay tại mắt. Chưa tìm thấy mối liên quan với cơ quan khác hoặc một tình trạng bệnh lí đã biết. |
Glaucoma thứ phát |
Bệnh Glaucoma là hậu quả của một bệnh khác: đục thủy tinh thể (cườm khô), đái tháo đường, các tình trạng viêm, sau chấn thương, tai biến sau phẫu thuật,… |
Glaucoma bẩm sinh |
Một dạng của glaucoma nguyên phát, xuất hiện ở trẻ sơ sinh |
4. Những triệu chứng thường gặp của bệnh glaucoma
Vì là một nhóm bệnh nên triệu chứng của glaucoma rất đa dạng và không cố định. Tùy thuộc từng nguyên nhân, thể loại và từng giai đoạn mà triệu chứng sẽ xuất hiện tương ứng.
4.1 Bệnh glaucoma bẩm sinh
Triệu chứng của glaucoma bẩm sinh khá khác biệt, sẽ được đề cập trong một bài viết khác.
4.2 Bệnh glaucoma mạn tính
Đối với bệnh glaucoma mạn tính, các dấu hiệu xuất hiện cực kì ít và mơ hồ. Suốt giai đoạn đầu, người bệnh có thể không cảm thấy gì bất thường. Đến khi nhìn mờ, tầm nhìn và thị lực suy giảm thì bệnh đã đến giai đoạn nặng. Vì vậy mà dạng bệnh này còn được gọi là “kẻ trộm lén tầm nhìn”.
4.3 Glaucoma cấp tính
Các triệu chứng thường gặp của cơn glaucoma cấp và bán cấp:
Người bệnh có thể nhận biết được: |
Cần bác sĩ thăm khám: |
Nhức mắt |
Tăng nhãn áp |
Đỏ mắt |
Giác mạc mờ |
Nhìn mờ. Có thề tăng dần, đột ngột hoặc mất hoàn toàn thị lực sau cơn cấp |
Giãn đồng tử. Mất phản xạ đồng tử. |
Đau đầu. |
Các thay đổi cấu trúc trong mắt |
Buồn nôn, nôn ói |
|
Mi mắt sưng phù |
|
mắt nhắm nghiền, sợ ánh sáng |
|
Trong cơn cấp, các triệu chứng xuất hiện cùng lúc và nặng nề. Đặc biệt, khi đột ngột đau đầu dữ dội, nhìn mờ hẳn đi và nhức mắt, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ. Cơn glaucoma cấp dễ bị nhầm lẫn với tăng huyết áp vì cũng có đau đầu và buồn nôn. Nên đôi khi khá khó để chẩn đoán kịp thời. Điều nguy hiểm là nếu không can thiệp đúng lúc, thị lực sẽ càng lúc càng giảm và không thể phục hồi. Do đó, với những người có nguy cơ cao mắc bệnh glaucoma, thăm khám mắt thường xuyên giúp chẩn đoán sớm và chính xác. Từ đó sẽ điều trị hiệu quả.
5. Những ai dễ mắc bệnh glaucoma?
Bệnh glaucoma có thể gặp ở nhiều đối tượng, mọi lứa tuổi, giới tính cùng các đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các đối tượng sau có nguy cơ cao hơn:
- Trên 40 tuổi. Càng lớn tuổi càng dễ mắc nhiều bệnh và thần kinh thị cũng dễ tổn thương hơn.
- Gia đình có người mắc bệnh glaucoma. Vì glaucoma có tính di truyền.
- Thị lực kém
- Sử dụng lâu dài một số loại thuốc có thành phần steroid.
- Từng bị chấn thương mắt.
- Có giác mạc mỏng hơn bình thường.
- Bị huyết áp cao, bệnh tim, tiểu đường hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm. (Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một bệnh di truyền. Bệnh nhân có hồng cầu bị biến dạng vì vậy không cung cấp đủ oxy cho cơ thể.)
- Bị cận thị hoặc viễn thị
- Là người Mỹ gốc Phi, Nga, Nhật Bản, Tây Ban Nha,..
6. Chẩn đoán bệnh glaucoma được thực hiện như thế nào?
Vì biểu hiện rất đa dạng, cần lưu ý nhận biết các triệu chứng thường gặp trong cơn cấp tính. Mô tả đầy đủ các dấu hiệu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nhanh hơn, tránh nhầm lẫn. Với bệnh glaucoma mạn tính, người bệnh gần như không thể tự nhận biết đến khi nhìn mờ hẳn đi. Vậy nên thăm khám thường xuyên hỗ trợ rất nhiều trong việc chẩn đoán.
Một số biện pháp kiểm tra khi khám bệnh glaucoma:
- Đo nhãn áp
- Kiểm tra thị trường: xem xét mức độ suy giảm tầm nhìn
- Kiểm tra thị lực
- Soi đáy mắt: kiểm tra sự tổn thương của thần kinh thị giác
- Thăm khám giác mạc. (Giác mạc là lớp màng mỏng trong suốt nằm phía trước nhãn cầu.)
7. Các phương pháp điều trị glaucoma
7.1 Nguyên tắc điều trị
Tổn thương thần kinh thị giác trong bệnh glaucoma là không hồi phục. Mục đích của việc điều trị là làm chậm lại quá trình tổn thương, tránh các hậu quả nặng nề. Trong đó, giảm nhãn áp là một trong những yếu tố chủ chốt.
7.2 Một số cách thức điều trị glaucoma
- Thuốc nhỏ mắt theo toa. Chúng có thể làm giảm sản xuất thủy dịch. Hoặc tăng lưu thông thủy dịch, đẩy lượng dư thừa ra ngoài
- Thuốc uống với tác dụng tương tự.
Lưu ý: Thông thường bác sĩ sẽ phối hợp các loại thuốc khác nhau. Những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ như: dị ứng, đỏ, cảm giác châm chích, mờ mắt,…. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nhịp tim. Nên hãy cẩn trọng trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh và các thuốc bạn đang dùng.
- Các phương pháp phẫu thuật. Cách này giải quyết những vấn đề tắc nghẽn, sửa chữa hệ thống ống dẫn trong mắt. Từ đó cải thiện lưu thông thủy dịch, làm giảm nhãn áp.
Khi phát hiện sớm và can thiệp đúng, hiệu quả điều trị sẽ rất cao và ngăn chặn được những biến chứng nguy hiểm. Đối với bệnh glaucoma xuất hiện vì bệnh lí khác (glaucoma thứ phát), cần điều trị ổn bệnh gốc.
Những loại bệnh glaucoma khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau. Khi không được chữa đúng cách glaucoma có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Vì vậy, quan trọng nhất là không nên lơ là và tự ý điều trị. Người mắc bệnh glaucoma cần điều trị kéo dài suốt đời để ngăn ngừa hậu quả. Dù không thể phục hồi thương tổn nhưng tuân thủ đúng và kiên trì theo trị liệu sẽ giúp giữ lại mức thị lực hiện có.
8. Làm sao để phòng ngừa bệnh glaucoma?
8.1. Theo dõi thường xuyên
Quan trọng nhất trong việc phòng ngừa bệnh glaucoma là thường xuyên theo dõi. Vì dạng bệnh mạn tính tiến triển thầm lặng, thăm khám theo lịch là cơ hội để chẩn đoán sớm. Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên khám mắt toàn diện với lịch trình như sau:
Dưới 40 tuổi |
Mỗi 5 đến 10 năm/ lần |
Từ 40 đến 54 tuổi |
Mỗi 2-4 năm/ lần |
Từ 55 đến 64 tuổi |
Mỗi 1-3 năm/ lần |
Trên 65 tuổi |
Mỗi 1-2 năm/ lần |
Với những người có nguy cơ cao, cần bác sĩ tư vấn một lịch trình thăm khám thường xuyên hơn. |
8.2. Các biện pháp khác
- Lưu tâm đến sức khỏe của gia đình vì bệnh glaucoma có tính di truyền. Nếu gia đình bạn có người xuất hiện triệu chứng, bên cạnh chấn đoán cho họ, những người còn lại cũng cần được tư vấn và thăm khám sàng lọc bệnh.
- Tập thể dục. Vận động thường xuyên, vừa phải có thể giúp giảm áp lực mắt. Từ đó ngăn ngừa tăng nhãn áp dẫn đến glaucoma. Hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn một chế độ tập thể dục phù hợp.
- Đối với những người đang mắc bệnh tăng nhãn áp nhưng chưa tiến triển thành glaucoma, thuốc nhỏ mắt có thể là một cách phòng ngừa. Cần dùng dưới sự chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất và tránh tác dụng phụ.
- Đeo kính bảo hộ để tránh chấn thương mắt khi lao động,…
Bệnh glaucoma là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới. Tăng nhãn áp là yếu tố quan trọng gây ra tình trạng này. Vì biểu hiện đa dạng, không cố định nên chẩn đoán sớm glaucoma vẫn còn nhiều khó khăn. Một khi bệnh trở nặng thì không thể lấy lại thị lực đã mất. Tuy nhiên, vẫn có thể ngăn chặn được hậu quả bằng cách thường xuyên theo dõi và thăm khám. Tuân thủ điều trị giúp giữ được thị lực còn lại, cải thiện đời sống bệnh nhân.
Tác giả: Lê Dương Linh
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.