Glutathione dưỡng da: Cách dùng và tác dụng phụ cần lưu ý
Nội dung bài viết
Glutathione có nhiều tác dụng dưỡng da và hiện được sử dụng khá phổ biến. Bài viết là những chia sẻ của ThS.DS Trương Văn Đạt về những điều cần biết về Glutathione, hãy cùng tìm hiểu.
Glutathione là gì? Cơ chế hoạt động của Glutathione
Glutathione là tripeptide nội sinh được tổng hợp từ 3 axit amin cysteine, glutamic và glycine. Chất này có sẵn trong cơ thể người với rất nhiều lợi ích tăng cường sức khỏe. Chúng tham gia vào nhiều quá trình bao gồm hình thành, sửa chữa mô; tổng hợp chất và protein cần thiết cho cơ thể và hệ thống miễn dịch.
Đây được coi là chất chống oxy hóa mạnh nhất cơ thể, có khả năng trung hòa gốc tự do. Có thể nói Glutathione giúp tái tạo các phân tử không ổn định, trả lại sự hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả cho cơ thể. Ngoài ra chúng còn giúp đào thải độc tố hấp thụ qua da, đường thở hoặc thực phẩm để bài tiết ra ngoài.
Tuy nhiên, khi tuổi tác tăng, thiếu hụt dinh dưỡng cộng thêm những tác động môi trường như ô nhiễm, stress, tia cực tím,… sẽ khiến Glutathione tự nhiên bị sụt giảm.
Khi đó cơ thể sẽ quá tải độc tố và mất cân bằng, gây nhiều tác hại với sức khỏe cơ thể. Do đó cần có biện pháp bổ sung Glutathione hợp lý và an toàn.
Glutathione có 2 dạng tồn tại là dạng khử (GSH) và dạng oxy hoá (GSSH). Bổ sung với mục đích làm đẹp da, làm trắng toàn thân, y học thường sử dụng L-Glutathione.
L-Glutathione là dạng khử của Glutathione và cũng là nguyên liệu tổng hợp Glutathione. Khi được hấp thu vào cơ thể thì L-Glutathione chỉ cần trải 1 giai đoạn tổng hợp để chuyển thành Glutathione. Sau đó chất này phân bố khắp cơ thể và thể hiện những vai trò kể trên.
Glutathione có công dụng gì với làn da?
Giúp làm trắng da
Cơ chế làm trắng da của Glutathione được giải thích như sau: Melanin là yếu tố quyết định tông màu da, nó tồn tại ở 2 dạng là Eumelanin (hắc sắc tố) và Pheomelanin (sắc tố sáng). Nếu Pheomelanin tăng và giảm Eumelanin thì làn da sẽ trắng lên từ bên trong, đây cũng là cơ chế làm trắng da của Glutathione.
Quá trình tổng hợp các hắc sắc tố melanin cần enzym Tyrosinase. Trong khi Glutathione dạng khử có tác dụng ức chế hoạt động của enzym này. Nhờ đó da trở nên trắng sáng, đều màu hơn. Nhưng nếu Glutathione này bị oxy hóa thì tác dụng ức chế này sẽ không rõ ràng.
Ngoài ra Glutathione còn có tác dụng tái tạo vitamin C và E trong cơ thể. Do đó có tác dụng chống oxy hóa, vô hiệu hóa gốc tự do độc hại, chống lão hóa da. Đồng thời chất này cũng giúp bảo vệ da khỏi tia UV, loại bỏ sạm đen, thâm nám, tàn nhang.
Chống lão hóa
Nhờ khả năng oxy hóa mạnh và trung hòa gốc tự do nên Glutathione giúp trì hoãn các dấu hiệu của tuổi già. Nó giúp chống lại tác hại bức xạ có thể xảy ra ở da, võng mạc, giác mạc,… Nhờ đó duy trì làn da giảm nếp nhăn, tăng sự trẻ trung, đầy sức sống.
Giúp đào thải độc tố, tăng cường hệ miễn dịch.
Theo các chuyên gia, khi thiếu hụt Glutathione sẽ khiến bạn dễ mắc bệnh thông thường (cúm, ho, nhiễm khuẩn, virus,…); các bệnh mạn tính (tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư). Glutathione được chứng minh còn ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tuổi như Alzheimer.
Glutathione là công cụ chính bài tiết chất độc, gốc tự do và kim loại nặng ra khỏi cơ thể. Nhờ đó giúp cải thiện sức khỏe và cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Và một giấc ngủ tốt sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho làn da.
Cách dùng Glutathione dưỡng da đúng cách
Glutathione không được hấp thu tốt qua đường uống do bị phân hủy nhanh chóng bằng các enzym tiêu hóa. Do vậy, làm trắng da bằng viên uống Glutathione không phải cách hiệu quả. Trong khi dùng Glutathione dạng tiêm truyền để làm đẹp bị cấm ở Việt Nam do nguy cơ gây sốc phản vệ. Vì vậy các chuyên gia đã tìm ra cách bổ sung tối ưu Glutathione từ dạng khử của nó (L-Glutathione).
Cách dùng này vừa an toàn nhưng vẫn đảm bảo có thể hấp thu tốt hoạt chất. Do đó bản chất viên uống trắng da Glutathione trên thị trường là bổ sung L-Glutathione. Khi lựa chọn các sản phẩm viên uống dưỡng da bạn nên đọc thật kỹ thành phần để sử dụng hiệu quả nhất nhé.
Liều dùng Glutathione để dưỡng da
Để dưỡng da, bạn có thể sử dụng khoảng 1000-2000 mg Glutathione đường uống trong 3 tháng đầu. Tháng tiếp theo giảm xuống còn 500 mg mỗi ngày.
Theo chuyên gia khuyến cáo, không nên uống quá 2000 mg Glutathione mỗi ngày. Bạn cũng không nên sử dụng chất này trong thời gian dài. Vì chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ra ngộ độc và các biến chứng nguy hiểm khác.
Tác dụng phụ của Glutathione
Dùng glutathione hoặc các tiền chất của nó với lượng hợp lý hoặc bổ sung qua thực phẩm nhìn chung khá an toàn và không gây ra bất kỳ rủi ro nào cho sức khỏe. Tuy nhiên, ở một số người có thể gặp một số tác dụng phụ như:
- Phản ứng dị ứng, phát ban, mẩn ngứa. Nhất là những người sẵn bị dị ứng với protein, sữa và những người bị suy giảm miễn dịch.
- Chuột rút cơ bụng.
- Đầy hơi.
- Khó thở, co thắt phế quản.
Nếu gặp phải các tác dụng phụ trên, bạn nên gặp bác sĩ để tư vấn sử dụng, chỉnh liều hay ngưng thuốc.
Bổ sung Glutathione tự nhiên qua thực phẩm
Tuy là chất tổng hợp nội sinh nhưng bạn hoàn toàn bổ sung Glutathione qua một số thực phẩm hàng ngày. Ví dụ như quả bơ, tỏi, hành, nghệ, quế, một số loại rau như bông cải xanh, cải bruxen, cải bắp, rau chân vịt và các loại thịt,… Tuy nhiên so với viên uống L-Glutathione thì bổ sung qua thực phẩm sẽ không đáp ứng nhanh được nhu cầu của những người bị thiếu hụt chúng.
Glutathione mang đến rất nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe và đặc biệt rất tốt cho làn da. Trên thực tế, Glutathione được bổ sung để làm trắng da thường ở dạng L-Glutathione. Dạng này sẽ giúp hấp thu tốt và mang lại hiệu quả dưỡng da tốt hơn. Vì vậy khi lựa chọn các sản phẩm trên thị trường bạn cần đọc kỹ thành phần để mang lại tác dụng tốt nhất cho làn da nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Glutathione: New Supplement on the Block https://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=50746
Ngày tham khảo: 03/10/2021