Stress có lợi – tin được không?
Nội dung bài viết
An, nhân viên văn phòng, 24 tuổi, vừa về tới nhà sau 12 tiếng làm việc liên tục. Công ty đang trong đợt kiểm toán nên công việc liên tục được sếp giao xuống và gần như có thể chôn vùi cô.
Để nguyên bộ đồ đi làm, An nằm vật ra nệm và nhắm đôi mắt mỏi mệt. Trên màn hình điện thoại, ứng dụng mạng xã hội thông báo về những “comment” cho “status” mới nhất của cô: “Dạo này sao stress quá. Cảm thấy muốn gục ngã”.
Ai ai cũng nhận ra rằng cuộc sống ngày càng nhiều áp lực. Khắp nơi bạn trẻ than vãn với nhau về stress như một dịch bệnh. Gõ vài từ lên google là hiện ra hàng trăm ngàn bài viết chỉ người ta cách xả stress, tránh né và sợ hãi stress.
Thế nhưng, liệu rằng không còn stress nữa có phải là điều tốt? Hãy để những gì đọc được dưới đây làm bạn bất ngờ. Tác giả hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn một cách tiếp cận mới mẻ và khách quan dành cho một chủ đề tưởng chừng như đã quá quen thuộc.
Chúng ta đã hiểu được rằng stress luôn hiện diện trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Còn sống còn hít thở là còn stress.
Vì vậy tại sao chúng ta phải tránh né chúng. Hãy cũng xác định tình trạng stress của bản thân để đưa ra hướng giải quyết ngay với bài viết: Sống hòa hợp với Stress: Nhận diện người bạn đường.
Stress là gì?
Trong hiểu biết của cộng đồng, stress thường được hiểu là cảm giác mệt mỏi khi phải đối mặt với áp lực quá mức. Các áp lực thường gặp bao gồm công việc, học tập, tài chính, sức khỏe, mối quan hệ. Đây là một hiểu biết đúng, nhưng chưa đủ. Để có thể biết được bản chất của stress, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn một chút so với “định nghĩa cộng đồng” này.
Ít ai biết, stress là một từ tiếng Anh bắt nguồn từ “stringere” trong tiếng Latin, có nghĩa là “kéo căng”. Vì vậy, trong tiếng Việt, dịch “stress” là “căng thẳng” cũng là một cách dịch hợp lý. Hãy hình dung đến sợi dây thun. Khi ta kéo căng 2 đầu, sợi dây thun sẽ căng ra và mỏng dần. Nhưng mềm mỏng không có nghĩa là mỏng manh, tiềm chứa trong đó là một lực đàn hồi có thể bung ra rất mạnh bất kỳ lúc nào.
Như vậy, stress/căng thẳng là từ dùng để mô tả trạng thái đang đối mặt với áp lực. Trạng thái này có ý nghĩa trung tính, không tiêu cực một chút nào.
Cái gì gây ra stress?
Tiếp theo, điều có thể làm chúng ta bất ngờ là nguồn gây stress đa dạng hơn chúng ta từng biết rất rất nhiều lần. Có thể chia nguồn gây stress ra làm 2 nhóm lớn: tâm lý và sinh lý.
Ta có thể kể ra đây các stress sinh lý (căng thẳng, áp lực đặt trên lên cơ thể):
- Tình trạng bệnh lý (cảm cúm, nhiễm trùng, ung thư…).
- Tình trạng vận động (làm việc nặng gây stress lên cơ xương khớp, vận động quá sức đột ngột gây stress lên hệ tim mạch và hô hấp…).
- Thói quen sinh hoạt (thức khuya, uống rượu bia, tĩnh tại ít vận động, nhịn ăn để giảm cân…)
- Tình trạng của môi trường sống (ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm trong các tòa nhà cao tầng…).
Stress cũng có thể bắt nguồn từ tâm lý:
- Áp lực công việc, học tập, chức năng xã hội (làm cha mẹ cũng stress, làm con cái cũng stress, làm sếp cũng stress, làm nhân viên cũng stress,…)
- Những mâu thuẫn gia đình
- Sự rạn nứt trong mối quan hệ
- Chủ đề được quan tâm ngày càng nhiều trong thời gian gần đây là “stress hiện sinh”. Trong đó con người, đặc biệt là những người trẻ cảm thấy họ stress vì mất phương hướng, không rõ cuộc đời mình sẽ đi về đâu, không biết mục đích của cuộc đời mình.
Như vậy, đâu đâu cũng có stress, và hẳn nhiên không thể tránh né được stress.
Liệu có ai đó không bị stress không?
Một con người, từ khi sinh ra cho đến khi ngừng hít thở, không ai không phải chịu đựng stress. Cuộc sinh nở để chào đời đã là một cái stress lớn với em bé sơ sinh. Từ một không gian ấm áp dễ chịu với đầy đủ không khí và dinh dưỡng trong bụng mẹ, đột ngột em bị ép qua một đường hầm chật hẹp, bị ép chặt hộp sọ, uốn éo khung xương, rồi bị bắn ra ngoài một không gian chói lòa, khô khốc và không khí thì đặc nghẹt phải tự hít thở lấy.
Mỗi bước trưởng thành và phát triển, con người đều phải đối diện với stress. Mỗi căn bệnh nhiễm phải, mỗi bài tập trong trường lớp, mỗi nhiệm vụ nơi cơ quan đều là stress.
Như vậy, ai ai cũng bị stress, người ta chỉ khác nhau ở cách đối diện với stress mà thôi.
Mang thai là khoảng thời gian cơ thể có rất nhiều sự thay đổi. Một số mẹ có thể thích nghi rất tốt nhưng một số mẹ bầu khác lại rất lo lắng về những sự biến đổi này. YouMed đã chia sẻ những hiểu biết về stress khi mang thai giúp các mẹ vượt qua khoảng thời gian khó khăn trong bài viết: Stress khi mang thai, và mọi người có thể tham khảo.
Stress có lợi đấy – bạn có tin không?
Còn sống là còn stress, vì vậy, tốt nhất không phải là tránh né mà là học cách để sống chung với stress. Bước đầu tiên để sống hòa hợp với một điều gì đó chính là nhìn ra được lợi ích của nó.
“Stress ở một mức độ phù hợp là cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của con người.”
Điều này đúng về cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
1. Về mặt sinh lý
Bằng cách tác động lên hệ thần kinh giao cảm và các hormone của cơ thể, các nguồn gây stress đặt bạn trong trạng thái sẵn sàng để đón nhận thử thách.
- Kích thích hệ thần kinh giao cảm giúp bạn tăng sự thức tỉnh và tập trung. Tim đập nhanh hơn cung cấp nhiều máu cho não bộ và cơ bắp. Mắt mở to hơn để nhận nhiều ánh sáng. Tai nhạy cảm hơn để thu nhận nhiều tín hiệu âm thanh từ môi trường.
- Kích thích hệ hormone, đặc biệt là tuyến thượng thận tiết ra cortisol giúp bạn tăng mức đường huyết và tăng huyết áp. Cơ thể được đặt trong trạng thái sẵn sàng sử dụng năng lượng cho hoạt động trí óc và tay chân.
- Các trình trạng bệnh lý đặt áp lực lên hệ miễn dịch. Điều này kích thích cơ thể tiết ra bạch cầu và các chất kháng viêm để tự bảo vệ và tự hồi phục.
Như vậy dễ thấy rằng làm việc với vừa đủ stress giúp người ta tập trung, tỉnh táo, nhanh nhẹn, mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Các phản ứng này vốn tồn tại từ trong bản năng và quy định từ trong gen di truyền.
Nếu tổ tiên ta gặp phải một con voi Ma mút khi đang trên đường về nhà từ một buổi đi săn,…Cơ thể họ ngay lập tức kích hoạt “chuỗi phản ứng stress” để sẵn sàng “chiến đấu, bỏ chạy hay đứng im”.(phản ứng 3F: Fight, Fligt or Freeze).
Theo chọn lọc tự nhiên, những sinh vật có được phản ứng hợp lý với stress sống sót nhiều hơn so với các đồng loại không thể thích nghi và đối mặt tốt với stress. Những đặc điểm bản năng đối phó với stress được di truyền từ thế hệ này sang thể hệ kia.
Nếu như cách phản ứng với stress đã giúp tổ tiên chúng ta tồn tại và phát triển, thì ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận và sử dụng những hiểu biết về stress theo hướng có lợi cho mình.
2. Về mặt tâm lý
Cảm giác stress là một tín hiệu tâm lý quan trọng giúp con người hiểu hơn về chính mình.
Một công việc chỉ khiến bạn căng thẳng khi bạn không thể thực hiện nó một cách dễ dàng. Như một sợi dây thun cố căng ra thêm một chút, bạn cố rướn người ra cho vừa với nhiệm vụ được giao. Nhiều người sẽ than vãn, điều này dễ hiểu vì căng người ra thì hẳn nhiên là đau đớn lắm. Nhưng hãy chờ xem, sợi thun được căng ra chứa đựng trong nó nguồn năng lượng đàn hồi có thể bắn một vật đi xa.
Khi nỗ lực làm một việc đủ khó, bạn đã tự đẩy bản thân mình tiến bộ vượt qua giới hạn về kỹ năng, hiểu biết hay ý chí. Chính sự cố gắng mà người ta gọi là “dấn thân” này là thứ luôn giúp bạn phát triển. Giúp bạn ngày hôm nay giỏi hơn, tốt hơn bạn so với bạn ngày hôm qua.
Ảnh hưởng của stress lên da là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Căng thẳng hay stress phát sinh khi con người chịu áp lực về tinh thần, thể chất hoặc cảm xúc. Stress được cảm nhận bởi não và các hormone gây căng thẳng như corticotropin (CRH), glucocorticoids và epinephrine…Vậy thì cùng tìm hiểu rõ hơn cũng như các bảo vệ làn da trước Stress với bài viết: Ảnh hưởng của Stress đối với làn da.
Tôi hiểu rằng
Một sợi dây thun chùng chình lỏng lẻo đương nhiên thư thái và dễ chịu hơn nhiều. Nhưng nó không chứa đựng được sức bật để mang lại lợi ích cho cuộc sống. Nếu muốn không stress thì bạn có thể mãi mãi làm một việc nhẹ nhàng dưới sức. Nhưng nếu cứ mãi làm những việc làm dưới sức, thì bạn sẽ mãi không tiến bộ. Nếu không tiến bộ, bạn không chỉ phải chịu đựng sự ù lì, chán nản, mất động lực mà còn phải đối mặt với chúng khi chứng kiến những người khác xung quanh mình đang tiến bộ, còn mình thì dần bị loại khỏi cuộc chơi.
Một công ty sản xuất tivi ngay đúng thời điểm thị trường bùng nổ sẽ rất ăn nên làm ra. Nhưng nếu không cải tiến công nghệ mà chỉ mãi sản xuất kiểu tivi từ năm này qua năm khác, thì dần dần họ sẽ bán được ít ti vi hơn (vì người tiêu dùng mua tivi của hãng khác hiện đại hơn). Công ty này sẽ phải đối mặt với stress nhiều hơn vì gặp nhiều khó khăn hơn khi không bán được hàng.
Như vậy, về mặt tâm lý, stress chính là động lực của cuộc sống. Stress cho bạn biết mình thiếu sót điều gì để cải thiện và học hỏi thêm. Stress thúc đẩy bạn tiến về phía trước với trái tim hào hứng và tràn ngập đam mê. Stress vừa đủ mang lại hiệu suất công việc cao và cảm giác thỏa mãn cho người hoàn thành nhiệm vụ.
Trong khi cả xã hội đang dành công sức để lên án và khuyên bạn tránh xa stress thì người viết bài này đang cố thuyết phục bạn rằng: Stress, ở đúng lúc, đúng chỗ với mức độ phù hợp là một điều có lợi nên có mặt trong cuộc sống mỗi chúng ta. Stress vốn tồn tại trong mã di truyền của con người và có nhiều lợi ích về mặt cơ thể, tâm lý. Hãy đón nhận cởi mở, hòa hợp và sử dụng stress để mang lại điều tốt nhất cho mình, bạn nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Sadock, B. J., & Sadock, V. A. (2015). Kaplan & Sadock's synopsis of psychiatry: Behavioral sciences/clinical psychiatry (11th ed.). Lippincott Williams & Wilkins Publishers.
- Chade-Meng Tan. Search Inside Yourself.
-
Cách để Giải tỏa Stresshttps://www.wikihow.vn/Giải-tỏa-Stress
Ngày tham khảo: 12/12/2019