Hạ canxi máu có chữa được không và lời giải đáp của bác sĩ
Nội dung bài viết
Canxi là một khoáng chất quan trọng tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Cơ thể cần một lượng canxi đủ để cơ tim cũng như một số cơ quan khác hoạt động bình thường. Vậy tình trạng thiếu canxi thì có nguy hiểm không? Hay nói cách khác nếu hạ canxi máu thì có chữa được không? Bài viết sau đề cập đến chủ đề này, mời các bạn cùng bác sĩ tìm hiểu.
Khái quát tình trạng hạ canxi máu là gì?
Trước khi tìm hiểu hạ canxi máu có chữa được không thì chúng ta cần tìm hiểu tình trạng hạ canxi máu là gì.
Khi cơ thể không nhận đủ lượng canxi cần thiết thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
- Bệnh loãng xương.
- Bệnh thiếu xương
- Hạ canxi máu.
Trẻ em không được cung cấp đủ canxi có thể chậm phát triển chiều cao.
Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu có giá trị thấp hơn giới hạn bình thường. Giới hạn bình thường của canxi toàn phần trong máu là 8.5 – 10.3 mg/dL. Trong đó, canxi ion hóa thường lớn hơn 4.6 mg/dL.
Hạ canxi máu được định nghĩa khi nồng độ canxi toàn phần trong huyết thanh thấp hơn 8.5 mg/dl với điều kiện protein huyết tương bình thường. Hay nồng độ canxi ion hóa dưới 4.6 mg/dL
Hạ canxi máu có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Triệu chứng hạ canxi máu có thể khác nhau ở hai nhóm đối tượng này.
Lượng canxi hàng ngày cần được bổ sung được khuyến nghị đối với từng nhóm đối tượng. Cụ thể:
- Trẻ em từ 0 – 6 tháng tuổi cần 200 mg/ngày.
- Trẻ em từ 7 – 12 tháng tuổi cần 260 mg/ngày.
- Trẻ em từ 1 – 3 tuổi cần 700 mg/ngày.
- Trẻ em từ 4 – 8 tuổi cần 1000 mg/ngày.
- Trẻ em từ 9 – 18 tuổi cần 1300 mg/ngày.
- Người lớn từ 19 – 50 tuổi cần 1000 mg/ngày
- Người lớn trên 51 tuổi cần khoảng 1000 – 1200 mg/ngày.
Nguyên nhân gây hạ canxi máu là gì?
Việc điều trị hạ canxi máu phụ thuộc vào nguyên nhân hạ canxi. Vì vậy, bên cạnh vấn đề hạ canxi máu có chữa được không, người ta cũng cần quan tâm đến các nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ canxi là suy tuyến cận giáp. Đây là tình trạng xảy ra khi cơ thể sản xuất hormone tuyến cận giáp (PTH) ít hơn lượng trung bình.
PTH tham gia trong quá trình chuyển hóa canxi trong cơ thể. PTH thấp dẫn đến lượng canxi cũng bị giảm đi. Suy tuyến cận giáp có thể do di truyền hoặc là kết quả sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Các nguyên nhân khác gây hạ canxi bao gồm:
- Thiếu canxi hoặc vitamin D trong chế độ ăn.
- Bệnh lý nhiễm trùng.
- Dùng một số loại thuốc như phenytoin (dilantin), phenobarbital và rifampin, các thuốc điều trị tăng canxi máu.
- Căng thẳng, lo lắng.
- Mức magiê hoặc phosphat máu không ổn định.
- Bệnh thận mạn.
- Tiêu chảy, táo bón hoặc các rối loạn tiêu hóa khác ngăn cơ thể hấp thụ canxi.
- Khối ung thư đang lan rộng.
Hạ canxi máu có chữa được không?
Hạ canxi máu có chữa được không là câu hỏi nhiều người quan tâm. Việc chữa hạ canxi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, sự hiện diện và mức độ phát triển của các triệu chứng trên người bệnh
Hạ canxi máu thường là kết quả của một quá trình bệnh lý có sẵn khác. Đa số các trường hợp hạ canxi máu thường không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Nhưng đôi khi, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến co giật, hạ huyết áp, loạn nhịp tim.
Chữa hạ canxi máu cấp
Cơn hạ canxi máu cấp cần phải được điều trị hỗ trợ. Tức là phải bù dịch cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch, thở oxy, theo dõi trước khi chỉ định điều trị hạ canxi.
Cần lưu ý rằng cơn hạ canxi cấp có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, cần kiểm tra nồng độ canxi ion hóa và các xét nghiệm sàng lọc khác cho bệnh nhân.
Tiêm canxi đường tĩnh mạch được chỉ định trong trường hợp hạ canxi có triệu chứng hoặc hạ canxi kèm theo rối loạn nhịp tim.
Bệnh nhân rối loạn nhịp tim hoặc đang điều trị bằng digoxin cần theo dõi điện tâm đồ (ECG) của người bệnh liên tục trong quá trình truyền canxi. Vì tiêm canxi sẽ làm tăng độc tính của digitalis.
Chữa hạ canxi máu mãn tính
Người mắc suy tuyến cận giáp có thể bổ sung canxi đường uống.
Ở bệnh nhân suy cận giáp nặng, có thể phải điều trị bằng bổ sung vitamin D. Hiệu quả nhất là bổ sung 0,5 – 2 mcg calcitriol hoặc 1-alpha-hydroxyvitaminD3.
Bệnh nhân có chạy thận nhân tạo và tăng canxi máu thì nên bổ sung canxi qua đường uống. Chẳng hạn như calcitriol uống giữa các bữa ăn để canxi không liên kết với phosphat.
Trường hợp thiếu vitamin D có thể uống bổ sung 400 – 1000 đơn vị /ngày.
Phòng ngừa hạ canxi
Nhiều trường hợp hạ canxi được điều trị dễ dàng bằng cách thay đổi chế độ ăn uống. Uống bổ sung canxi, vitamin D, magiê hoặc ăn các loại thực phẩm có chứa những chất này có thể giúp cải thiện nồng độ canxi trong máu.
Tuy nhiên cần cẩn thận với các thực phẩm có hàm lượng canxi cao. Chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa vì nó có thể chứa hàm lượng chất béo chuyển hóa và bão hoà cao, gây tăng nồng độ cholesterol. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Bạn cũng có thể bổ sung vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh mặt trời nhiều hơn. Lượng vitamin D cần thiết ở mỗi người là khác nhau. Nếu không cải thiện, bác sĩ có thể khuyến cáo bạn cần xây dựng một chế ăn uống giàu canxi để điều trị bệnh.
Trên đây là bài viết giải đáp cho câu hỏi hạ canxi máu có chữa được không. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về tình trạng hạ canxi cũng như kiến thức về nguyên nhân và cách chữa hạ canxi. Khi thấy người thân có triệu chứng hạ canxi máu cấp, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hypocalcemia Treatment & Managementhttps://emedicine.medscape.com/article/241893-treatment
Ngày tham khảo: 19/07/2021