Hãy cẩn thận khi xử trí cơn hạ đường huyết!
Nội dung bài viết
Đối với người bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao luôn là một nỗi lo. Tuy nhiên lại không có nhiều người nhận thức được chính xác sự nguy hiểm của tình trạng hạ đường huyết. Nếu không được điều trị và xử trí kịp thời, chúng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người bệnh. Vậy, làm thế nào để nhận biết cũng như xử trí cơn hạ đường huyết đúng, chúng ta hãy đến với bài viết ngày hôm nay: “Xử trí cơn hạ đường huyết, chớ xem thường!”
Hạ đường huyết là gì?
Ở các thời điểm khác nhau trong ngày, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, lượng đường trong máu (còn gọi là đường huyết) sẽ thay đổi khác nhau – có thể là tăng hoặc giảm. Điều này là hoàn toàn bình thường.
Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu của bạn xuống quá thấp (thường là dưới 70 mg/dL), đòi hỏi phải xử trí cơn hạ đường huyết ngay để đưa chúng trở lại giới hạn bình thường. Nếu không, nó sẽ trở nên nguy hiểm.
Làm sao nhận biết hạ đường huyết?
Phản ứng của mỗi người đối với tình trạng hạ đường huyết là không giống nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, các bệnh lý kèm theo,… Nhưng nhìn chung thì các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến thường bao gồm:
- Lo lắng, bồn chồn, nhịp tim nhanh hoặc không đều.
- Mệt mỏi, cáu gắt.
- Da nhợt nhạt, xanh xao.
- Run, yếu cơ.
- Đổ mồ hôi.
- Có cảm giác đói.
- Tê môi, lưỡi hoặc má.
Nếu không được xử trí cơn hạ đường huyết ngay, chúng có thể trở nên nghiêm trọng hơn với các biểu hiện như:
- Lú lẫn, hành vi bất thường hoặc cả hai.
- Mờ mắt, nhìn đôi,…
- Co giật.
- Hôn mê.
Cách chắc chắn duy nhất để biết liệu bạn có đang gặp phải trình trạng hạ đường huyết hay không là thử máu (nếu có thể). Tuy nhiên, nếu không thể, hãy tiến hành các bước xử trí cơn hạ đường huyết ngay (sẽ nêu ở phần sau).
Nên dành thời gian viết ra những triệu chứng này mỗi khi nghi ngờ. Điều này có thể giúp bạn tìm hiểu được cơ thể mình phản ứng thế nào với tình trạng hạ đường huyết. Điều này sẽ khá hữu ích khi bạn gặp lại chúng ở tương lại.
Nguyên nhân
Ở người có bệnh tiểu đường
Ở người bệnh tiểu đường, quá liều các loại thuốc dùng để kiểm soát đường huyết là nguyên nhân thường gặp. Dù vậy, ngay cả với liều sử dụng hàng ngày, vẫn có thể xảy ra hạ đường huyết. Nếu đột nhiên có sự thay đổi trong chế độ ăn uống và tập luyện hàng ngày, chẳng hạn như:
- Ăn ít hơn hay tập thể dục nhiều hơn bình thường.
- Tiêm thuốc cách xa bữa ăn hơn.
Ở người không có bệnh tiểu đường
Trường hợp này ít phổ biến hơn nhiều. Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Thuốc – Một số loại thuốc có thể gây hạ đường huyết (đặc biệt là ở trẻ em hoặc người bị suy gan – thận), ví dụ như quinine (được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét) và propanolol (dùng điều trị tăng huyết áp).
- Uống rượu quá mức – làm giảm khả năng điều chỉnh đường huyết của gan.
- Các bệnh lý gan, thận – như xơ gan, ung thư gan, viêm gan siêu vi cấp hay suy thận cũng làm cho khả năng điều hòa đường huyết của cơ thể trở nên kém hơn.
- Nhịn đói kéo dài.
- Quá nhiều insulin – Một khối u của tuyến tụy làm sản xuất quá nhiều insulin sẽ dẫn đến hạ đường huyết. Tuy nhiên, một số các khối u ngoài tụy cũng có khả năng này do tiết ra các chất gần giống như insulin.
- Thiếu hụt nội tiết tố – các bệnh lý tuyến thượng thận và tuyến yên cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết do thiếu hụt các hormone điều hòa lượng glucose trong máu.
Hạ đường huyết sau bữa ăn
Thông thường, hạ đường huyết xảy ra khi bạn không ăn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đôi khi, chúng xảy ra sau một số bữa ăn nhiều đường bột. Bởi vì khiến cho cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn mức cần thiết. Đây được gọi là hạ đường huyết sau ăn (hoặc hạ đường huyết phản ứng).
Hạ đường huyết sau ăn thường gặp ở những người đã phẫu thuật cắt dạ dày hơn so với những người chưa phẫu thuật. Để hạn chế tình trạng trên, ta có thể hạn chế và xử trí cơn hạ đường huyết bằng cách chia bữa ăn thành nhiều cử nhỏ trải đều trong ngày.
Hạ đường huyết không nhận biết
Các triệu chứng hạ đường huyết thường xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 70mg/dL. Điều này báo hiệu cho chúng ta cần phải xử trí cơn hạ đường huyết ngay.
Tuy nhiên, nhiều người lại không có bất kỳ biểu hiện nào dù cho lượng đường trong máu đã xuống mức rất thấp. Tình trạng này gọi là hạ đường huyết không nhận biết. Thường xảy ra trong các trường hợp sau:
- Người bệnh thường xuyên có các đợt hạ đường huyết. Điều này làm cho cơ thể và não không còn tạo ra được các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo.
- Thời gian mắc bệnh kéo dài.
- Kiểm soát đường huyết quá nghiêm ngặt.
Chúng khiến cho người bệnh gia tăng nguy cơ gặp phải các hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như co giật, hôn mê và thậm chí là tử vong. Do đó, những bệnh nhân này cần phải được thực hiện kiểm tra đường huyết thường xuyên. Đặc biệt là trước và trong khi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như lái xe, xây dựng…
Nếu bạn nghĩ rằng mình đang gặp phải hạ đường huyết không nhận biết. Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra cách giúp cơ thể học lại cách phản ứng.
Nếu sợ gặp phải các đợt hạ đường huyết có thể khiến bạn dùng ít insulin hơn, dẫn đến bệnh tiểu đường trở nên khó kiểm soát. Điều này hoàn toàn không tốt. Hãy nói cho bác sĩ về nỗi lo lắng này. Đặc biệt, đừng tự ý thay đổi liều điều trị trước khi được cho phép nhé!
Xử trí cơn hạ đường huyết
Một cách nhớ đơn giản khi xử trí cơn hạ đường huyết đó chính là Quy tắc 15-15, nghĩa là dùng ngay 15 gram đường và kiểm tra sau 15 phút.
Nếu đường huyết vẫn còn dưới 70 mg/dL, hãy lặp lại một lần nữa như trên. Cho đến khi nào lượng đường trong máu của bạn ít nhất là 70 mg/dL. Khi chúng đã trở lại bình thường, hãy ăn một bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ để đảm bảo đường huyết không bị hạ trở lại.
Để dễ hình dung, 15 gram đường tương đương với:
- 1/2 cốc nước trái cây hoặc nước ngọt (loại thường, không phải loại dùng để ăn kiêng).
- 1 muỗng canh đườnghoặc mật ong.
- 1 viên kẹo cứng.
Cuối cùng, hãy ghi lại một cách cẩn thận, chi tiết về tất cả những đợt hạ đường huyết này. Và nói chuyện với bác sĩ điều trị của bạn về cách phòng tránh chúng trong tương lai.
Một số điểm cần lưu ý:
- Quy tắc 15-15 có thể không phù hợp với trẻ nhỏ. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
- Việc lựa chọn nguồn carbohydrate là rất quan trọng. Các loại carbohydrate phức tạp (như gạo lứt, ngô,…) hoặc carbohydrate có kèm chất béo hay đạm (như sô-cô-la, sữa tươi,..) có tốc độ hấp thu rất chậm và không nên được sử dụng.
Xử trí cơn hạ đường huyết trong các trường hợp nặng
Khi người bệnh không còn tỉnh táo và không có khả năng thực hiện quy tắc 15-15 đã đề cập ở trên, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất, đồng thời hạn chế:
- Sử dụng thêm các thuốc tiểu đường (nó sẽ làm giảm lượng đường trong máu của họ nhiều hơn).
- Không cố gắng cho người bệnh ăn hoặc uống. Hành động này có thể làm cho người bệnh bị sặc và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Điều trị tại cơ sở y tế lúc này có thể bao gồm các phương pháp như:
- Truyền tĩnh mạch dung dịch đường – để nhanh chóng đưa đường huyết về mức an toàn.
- Tiêm glucagon – glucagon là một loại hormone được sản xuất tại tụy, kích thích gan giải phóng đường dự trữ vào máu khi lượng đường huyết của bạn xuống quá thấp. Tiêm glucagon có thể được sử dụng trong trường hợp người bệnh không uống được, không truyền tĩnh mạch được và không có kèm theo bệnh gan.
8. Phòng ngừa
Kiểm soát tốt đường huyết và học cách phát hiện sớm các triệu chứng hạ đường huyết là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm và hạn chế xử trí cơn hạ đường huyết bất ngờ.
Một người càng kiểm soát tốt lượng đường trong máu thì nguy cơ hạ đường huyết càng thấp. Nếu bạn có thể, hãy kiểm tra chúng thường xuyên, đặc biệt là ở các thời điểm sau:
- Trước và sau bữa ăn.
- Trước và sau khi tập thể dục (hoặc trong khi tập, nếu đó là tập nặng hoặc kéo dài)
- Kiểm tra trước khi đi ngủ.
- Kiểm tra thêm nếu những yếu tố xung quanh bạn thay đổi, chẳng hạn như điều chỉnh liều insulin, lịch làm việc khác, tăng hoạt động thể chất,…
Hạ đường huyết là một tình trạng rất nguy hiểm gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Chúng thường có các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, vả mồ hôi,… nặng hơn có thể có co giật và hôn mê.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, cần xử trí cơn hạ đường huyết ngay các bước theo quy tắc 15-15. Trong trường hợp người bệnh không còn tỉnh táo, hãy nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.