YouMed

Hẹp ống sống: chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng

Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị hẹp dẫn đến chèn ép tủy sống và/hoặc các rễ thần kinh. Chúng ta đã trao đổi khá chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng của hẹp ống sống trong bài viết trước. Trong bài viết này, hãy cùng Youmed tìm hiểu về cách chẩn đoán cũng như điều trị tình trạng hẹp ống sống nhé!

1.    Hẹp ống sống là gì?

Cột sống của chúng ta được cấu tạo từ các xương đốt sống xếp chồng lên nhau. Chúng tạo ra một ống sống ở giữa để bảo vệ tủy sống bên trong. Đồng thời tạo nên các lỗ liên hợp để các rễ thần kinh tủy sống thoát ra ngoài.

spinal stenosis | Front Range Spine & Neurosurgery

Hẹp ống sống là tình trạng khoảng không gian bên trong ống sống bị hẹp, có thể gây áp lực lên tủy sống và/hoặc các rễ thần kinh khi đi qua cột sống.

2.    Triệu chứng của hẹp ống sống là gì?

Triệu chứng của hẹp ống sống khá đa dạng, và khác nhau giữa người với người. Phụ thuộc vào vị trí và mức độ hẹp, mà tủy sống hoặc rễ thần kinh tủy có thể bị chèn ép và gây những triệu chứng khác nhau. Nhìn chung, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

2.1 Đau

Cơn đau thường âm ỉ, tiến triển chậm theo thời gian. Có thể chỉ giới hạn ở vùng cổ hoặc lưng, hoặc có thể là cảm giác đau lan tỏa đến cánh tay, đến vùng chân. Đau thường xảy ra trong môt số tư thế hay hoạt động nhất định, như: đứng thẳng, đi bộ hoặc đạp xe trong khi giữ đầu thẳng đứng.

Bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi nghỉ ngơi (ngồi hoặc nằm) và/hoặc bất kỳ tư thế gập người nào (gập người về phía trước).

Đau là triệu chứng thường gặp của hẹp ống sống

2.2 Tê bì

Bạn có thể thấy bị giảm cảm giác hoặc tê toàn bộ cánh tay, chân và/hoặc các vùng khác của cơ thể.

2.3 Yếu cơ

Giảm sức mạnh tay chân hoặc các vấn đề về phối hợp có thể gặp phải ở cánh tay, chân và/hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Sự chèn ép nghiêm trọng của tủy sống hoặc chùm đuôi ngựa có thể dẫn đến rối loạn chức năng ruột và/hoặc bàng quang.

Hẹp ống sống không phải lúc nào cũng gây đau. Trong trường hợp hiếm gặp, tê hoặc yếu có thể xuất hiện ưu thế hơn triệu chứng đau.

3.    Chẩn đoán hẹp ống sống bằng cách nào?

Để đưa ra một chẩn đoán hẹp ống sống chính xác thường cần một quy trình 3 bước như sau:

3.1 Hỏi bệnh sử

Bác sĩ có thể hỏi bạn về các dấu hiệu và triệu chứng, thảo luận về bệnh sử của bạn, tiền căn gia đình. Từ đó có thể khoanh vùng những vấn đề sức khỏe mà bạn có thể gặp.

3.2 Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ tiến hành quan sát và khám vùng cột sống. Ngoài ra, kiểm tra sức mạnh cơ, phản xạ hay cảm giác vùng tay, chân cũng rất quan trọng. Một số nghiệm pháp khám cũng có thể được áp dụng để xem những chuyển động hoặc vị trí nào có thể gây chèn ép dây thần kinh và làm cơn đau trầm trọng hơn. Ví dụ, nghiệm pháp Spurling có thể được thực hiện trên cổ. Thực hiện bằng cách xoay đầu về phía có triệu chứng, di chuyển đầu ra phía sau, sau đó nhẹ nhàng áp một lực lên đỉnh đầu để xem cơn đau có xuất hiện hay không.

Bạn sẽ được bác sĩ thăm khám kĩ lưỡng

3.3 Xét nghiệm hình ảnh học

Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm hình ảnh để giúp xác định nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • X-quang

Chụp X-quang có thể cho thấy những thay đổi về xương. Chẳng hạn như các gai xương có thể thu hẹp không gian bên trong ống sống.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

MRI sử dụng một nam châm mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cột sống của bạn. Xét nghiệm có thể phát hiện tổn thương đĩa đệm và dây chằng cũng như sự hiện diện của các khối u. Quan trọng nhất, nó có thể cho biết vị trí các dây thần kinh trong tủy sống đang bị chèn ép.

  • CT scan, chụp tủy cản quang

Nếu bạn không thể chụp MRI, bác sĩ có thể đề nghị chụp cắt lớp vi tính (CT). Đây là kĩ thuật kết hợp các hình ảnh X-quang được chụp từ nhiều góc độ khác nhau để tạo ra hình ảnh chi tiết, mặt cắt của cơ thể bạn. Trong chụp tủy cản quang, chụp CT được tiến hành sau khi tiêm thuốc cản quang. Nó giúp cung cấp những hình ảnh tủy sống và các dây thần kinh, cũng như các đĩa đệm thoát vị, xương và khối u.

Các chẩn đoán khác có thể được sử dụng bao gồm xét nghiệm điện cơ và tiêm chẩn đoán, có thể giúp xác định dây thần kinh cột sống cụ thể nào bị ảnh hưởng.

4.    Điều trị hẹp ống sống như thế nào?

Trên thực tế, điều trị hẹp ống sống như thế nào còn phụ thuộc vào vị trí hẹp và mức độ nặng của các triệu chứng của bạn. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để tìm ra phương án điều trị thích hợp nhất cho mình.

Nếu các triệu chứng của bạn nhẹ hoặc bạn không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào, bác sĩ có thể theo dõi tình trạng của bạn bằng các cuộc hẹn tái khám thường xuyên. Một số mẹo tự chăm sóc mà bạn có thể được áp dụng. Nếu những cách này không giúp ích, thuốc hoặc vật lý trị liệu có thể mang lại nhiều lợi ích. Cuối cùng, phẫu thuật có thể là một lựa chọn nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

4.1 Điều trị dùng thuốc hẹp ống sống

Bác sĩ thường kê cho bạn các loại thuốc giảm đau, tùy thuộc vào mức độ đau của bạn. Những loai thuốc thường gặp đó là:

  • Acetaminophen. Hoạt động thông qua hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống) để giúp giảm đau.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm viêm và đau. Bao gồm aspirin, ibuprofen, naproxen và celecoxib.
  • Opioids. Là loại thuốc liên quan đến codeine như oxycodonevà hydrocodone. Bạn cần sử dụng loại thuốc này theo đúng sử chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi chúng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm cả việc nghiện thuốc.
  • Thuốc chống trầm cảm: liều hàng đêm của thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline, có thể giúp giảm đau mãn tính.
  • Thuốc chống động kinh. Một số loại thuốc chống động kinh, chẳng hạn như gabapentin và pregabalin, được sử dụng để giảm đau liên quan đến thần kinh.

4.2 Vật lí trị liệu dành cho người hẹp ống sống

Người bị hẹp ống sống thường có xu hướng ít hoat động để tránh đau. Tuy nhiên điều này có thể dẫn đến yếu cơ, và cơn đau của bạn có thể tồi tệ hơn. Lúc này, vật lí trị liệu có thể mang lại nhiều lợi ích cho bạn, như:

  • Xây dựng sức mạnh và sức bền
  • Duy trì sự linh hoạt và ổn định của cột sống
  • Cải thiện thăng bằng của bạn
Vật lí trị liệu có thể mang lại nhiều lợi ích cho bạn

4.3 Tiêm steroid

Các rễ thần kinh có thể bị kích thích và sưng lên tại các điểm mà chúng bị chèn ép. Mặc dù tiêm thuốc steroid (corticosteroid) sẽ không chữa được chứng hẹp, nhưng nó có thể giúp giảm viêm và giảm đau. Hơn nữa, nó có thể tạo cơ hội để tiếp tục các bài tập và kéo giãn như một phần của chương trình vật lý trị liệu.

Lưu ý rằng, tiêm steroid có thể không hiệu quả với tất cả mọi người. Và việc tiêm steroid lặp đi lặp lại có thể làm suy yếu xương và mô liên kết lân cận. Vì vậy bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được nguy cơ và lợi ích của thủ thuật này trước nhé.

4.4 Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được xem xét nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Hoặc các triệu chứng của bạn gây nên sự khuyết tật, ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống. Các mục tiêu của phẫu thuật bao gồm giảm áp lực lên tủy sống hoặc rễ thần kinh của bạn bằng cách tạo thêm không gian trong ống sống. Phẫu thuật giải áp vùng bị hẹp là cách dứt điểm nhất để giải quyết các triệu chứng của hẹp ống sống.

Một số loại phẫu thuật được dùng để điều trị hẹp ống sống là:

Cắt cung sau đốt sống (Laminectomy)

Phẫu thuật này cắt bỏ phần sau (lamina) của đốt sống bị ảnh hưởng. Phẫu thuật này đôi khi được gọi là phẫu thuật giải áp vì nó làm giảm áp lực lên các dây thần kinh. Bằng cách tạo thêm không gian xung quanh chúng.

Trong một số trường hợp, đốt sống đó có thể cần được liên kết với các đốt sống liền kề. Bằng phần cứng kim loại và một mảnh xương ghép (hợp nhất cột sống) để duy trì sức mạnh của cột sống.

Hình ảnh minh họa cắt cung sau đốt sống (Laminectomy)

Phẫu thuật mở ống sống (Laminotomy)

Quy trình này chỉ loại bỏ một phần của bản sống (lamina), thường là một lỗ vừa đủ lớn để giảm áp lực tại một điểm cụ thể.

Phương pháp tạo hình bản sống (Laminoplasty)

Thủ thuật này chỉ được thực hiện trên đốt sống ở cổ (cột sống cổ). Nó mở ra không gian bên trong ống sống bằng cách tạo ra một bản lề trên lớp đệm. Phần cứng kim loại bắc cầu vào khoảng trống tại phẩn mở ra của cột sống.

Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu

Phương pháp phẫu thuật này loại bỏ xương hoặc lớp màng theo cách làm giảm tổn thương cho các mô lân cận. Vì vậy ít khi phải dùng đến thủ thuật hợp nhất các đốt sống.

Lưu ý rằng, một số ít trường hợp, các triệu chứng của hẹp ống sống vẫn giữ nguyên hoặc trở nên tồi tệ hơn sau khi phẫu thuật. Các rủi ro phẫu thuật khác bao gồm nhiễm trùng, rách màng bao bọc tủy sống, cục máu đông trong tĩnh mạch chân và suy giảm thần kinh.

5.    Lối sống và biện pháp quản lí tại nhà

Bạn sẽ phải tái khám định kỳ với bác sĩ để theo dõi tình trạng của mình. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyên bạn xây dựng những thói quen tốt để hỗ trợ trong việc điều trị bệnh, bao gồm:

Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Một số triệu chứng của bệnh hẹp ống sống cổ có thể thuyên giảm bằng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng cổ hoặc vùng lưng.

Duy trì cân nặng hợp lý

Cố gắng giữ cân nặng hợp lý. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, bác sĩ có thể khuyên bạn nên giảm cân. Duy trì cân nặng hợp lí có thể giảm đau bằng cách giảm căng thẳng cho lưng, đặc biệt là phần thắt lưng của cột sống.

Tập thể dục

Tập luyện thể dục giúp tăng cường sức bền cho cơ thể, tăng cường sức mạnh cơ, cải thiện thăng bằng. Trao đổi với nhà vật lý trị liệu hoặc bác sĩ của bạn về những bài tập an toàn để thực hiện tại nhà.

Tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe

Sử dụng gậy hoặc khung tập đi

Ngoài việc cung cấp sự ổn định, các thiết bị trợ giúp này có thể giúp giảm đau bằng cách cho phép bạn cúi người về phía trước khi đi bộ. Hơn nữa, sử dụng dụng cụ trợ giúp giúp bạn tự tin di chuyển, phòng tránh té ngã xảy ra.

Xem thêm “Thoát vị đĩa đệm: Bạn đã biết những gì?”

Tóm lại, hẹp ống sống là tình trạng khá phổ biến. Thường gây ra các triệu chứng đau, tê bì hoặc yếu cơ. Điều trị có thể là điều trị bảo tồn bằng thuốc và vật lí trị liệu hoặc điều trị bằng phẫu thuật. Bên cạnh đó, bạn cần xây dựng những thói quen khoa học tại nhà để tối ưu hóa kết quả điều trị hẹp ống sống bạn nhé! 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Mayoclinic (2020), Spinal stenosis, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/spinal-stenosis/symptoms-causes/syc-20352961, truy cập ngày 25/10/2020.
  • Spine-health (2020), What Is Spinal Stenosis?, https://www.spine-health.com/conditions/spinal-stenosis/what-spinal-stenosis, truy cập ngày 25/10/2020.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người