Ho khi mang thai phải xử trí như thế nào?
Nội dung bài viết
Ho khi mang thai là một trong những vấn đề mà thai phụ cảm thấy lo lắng. Động tác ho không những ảnh hưởng đến người mẹ mà còn ảnh hưởng cả thai nhi trong bụng. Có khá nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng ho của thai phụ. Vậy đó là những nguyên nhân nào? Biện pháp điều trị ra sao để an toàn cho cả mẹ và bé? Tất cả sẽ được Ths. BS Phan Lê Nam giải đáp qua bài viết sau đây.
Ho khi mang thai do những nguyên nhân nào?
Bà bầu bị ho là một trong những triệu chứng khá thường gặp ở các thai phụ. Triệu chứng ho có thể là ngứa họng gây ho khan thông thường. Cũng có thể là những triệu chứng nặng hơn. Bao gồm ho có đàm, khó thở, đau ngực, thậm chí là ho ra máu.
Ho khi mang thai có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
Do nhiễm các tác nhân vi sinh vật hoặc tình trạng dị ứng
- Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu, tụ cầu, liên cầu, virus hợp bào hô hấp.
- Viêm họng do vi khuẩn hoặc virus. Trường hợp này thường gây triệu chứng ho khan.
- Dị ứng với các dị nguyên đường hô hấp.
Do mắc phải một số bệnh lý
- Bệnh cảm cúm hoặc cảm lạnh.
- Mắc bệnh ho gà.
- Hen phế quản. Tình trạng hen có thể trở nên nặng hơn khi mang thai.
- Suy tim.
- Viêm phế quản cấp tính hoặc mạn tính.
- Khí phế thủng.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Ít gặp hơn là bệnh lao phổi, ung thư phổi, ung thư phế quản.
- Bệnh bụi phổi do nhiễm hóa chất, kim loại nặng.
- Bị trào ngược dạ dày thực quản có thể kèm theo triệu chứng ho.
Vì sao chị em phụ nữ dễ bị ho khi mang thai?
Những chị em phụ nữ rất dễ bị ho khi mang thai bởi vì:
- Thứ nhất là do sức đề kháng của thai phụ thường bị suy giảm. Song song với tình trạng đó là sự thay đổi các hormon trong cơ thể khi mang thai. Tất cả đều tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Từ đó gây nên những bệnh lý ở bà bầu.
- Hai là: Do mẹ bầu rất dễ nhạy cảm với những đôi thay của thời tiết. Mang thai vào thời điểm giao mùa. Nhất là mùa thu đông, đông xuân. Chính sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, mưa gió cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng ho.
- Thứ ba: Trong lúc mang thai, tử cung sẽ tạo áp lực lên ổ bụng. Tình trạng đó gây nên trào ngược dạ dày thực quản. Đây đồng thời cũng có thể là một nguyên nhân gây ho ở thai phụ.
- Thứ tư: Mẹ bầu thường đi khám thai ở những bệnh viện, phòng khám chuyên khoa Sản. Đó là những nơi đông người nên rất dễ bị lây nhiễm bệnh lý đường hô hấp từ những người khác.
- Thứ năm: Do đường hô hấp của phụ nữ khi mang thai rất nhạy cảm. Chính vì vậy, nó rất dễ bị kích ứng bởi một số tác nhân từ môi trường bên ngoài. Chẳng hạn như khói thuốc lá, bụi bẩn, mùi hương lạ, lông chó mèo,…
Mẹ bầu bị ho có nguy hiểm hay không?
Theo các bác sĩ chuyên khoa Sản, triệu chứng ho thông thường của mẹ bầu không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi trong bụng. Trong trường hợp cơn ho kéo dài và mạnh mà không kiềm chế được, mẹ bầu hãy dùng tay đỡ dưới bụng. Như thế sẽ hạn chế sự tác động đến thai nhi.
Tuy nhiên, nếu ho kéo dài, ho do nhiễm khuẩn thì cần phải điều trị. Bởi vì không uống thuốc thì bệnh sẽ ngày càng nặng hơn. Không những bệnh ảnh hưởng đến người mẹ mà còn ảnh hưởng cả em bé trong bụng.
Mẹ bầu bị ho nhiều kèm theo ăn uống kém, thiếu chất dinh dưỡng thì sẽ càng nguy hiểm hơn. Vì không những không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Tình trạng ho kéo dài có thể gây mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, suy nhược cơ thể,… và ảnh hưởng đến phần nào sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Một số biến chứng nặng có thể xuất hiện của bệnh cảnh ho khi mang thai
- Co thắt tử cung dẫn đến nguy cơ sảy thai, sinh non.
- Bệnh viêm phổi, viêm phế quản sẽ tiến triển nặng hơn nếu không điều trị.
- Nguy cơ bị bệnh trĩ cao hơn.
- Lây nhiễm từ người mẹ sang thai nhi. Dẫn đến thai kém phát triển, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu,…
Chính vì vậy, các bác sĩ khuyên: Nếu triệu chứng ho kéo dài hơn 2 ngày mà không giảm thì mẹ bầu nên đi khám để được điều trị kịp thời.
Điều trị ho khi mang thai như thế nào?
Những biện pháp không dùng thuốc
Trước tiên, mẹ bầu nên áp dụng những biện pháp không dùng thuốc. Đó chính là những biện pháp dân gian. Cách này được áp dụng trong những trường hợp cảm lạnh, ho do nhạy cảm với thời tiết. Bao gồm:
- Uống mật ong.
- Sử dụng trà gừng ấm.
- Uống nước ấm thay cho nước đá, nước lạnh.
- Dùng lê hấp đường phèn.
- Ngậm viên Strepsils, viên Eugica.
- Xông hơi giải cảm bằng các loại lá có chưa tinh dầu. Chẳng hạn như: Bưởi, sả, cam, quýt, me, ổi,…
Biện pháp dùng thuốc
Một khi ho đã trở nặng, kéo dài. Mẹ bầu đã áp dụng những phương pháp dân gian vẫn không thuyên giảm. Lúc này, thai phụ nên đến khám tại bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc an toàn cho thai phụ và em bé. Bạn hãy nhớ rằng không nên tự ý mua thuốc uống nhé. Một số loại thuốc trị ho an toàn cho bà bầu mà bạn có thể tham khảo bao gồm:
- Viên uống ho dầu Eugica.
- Thuốc Paracetamol (hay Acetaminophen) để trị sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể.
- Codeine liều thấp và Dextromethorphan thường có thể được sử dụng để ức chế cơn ho.
- Một số thuốc kháng sinh trị viêm phổi như: Amoxicillin, Ampicillin, nhóm Macrolide, nhóm Cephalosporin.
- Thuốc kháng histamin làm giảm các triệu chứng dị ứng. Chẳng hạn như: Loratadin, Cetirizin.
Những biện pháp phòng bệnh
Như bài viết đã cung cấp, ho khi mang thai có thể từ nhẹ đến nặng. Mức độ nguy cơ cũng thay đổi và không lường trước được. Chính vì vậy, tốt nhất là mẹ bầu nên phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Những biện pháp phòng bệnh bao gồm:
- Duy trì lối sống lành mạnh. Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý khi mang thai.
- Tránh làm việc quá sức. Ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày.
- Hạn chế thức khuya.
- Tăng cường vitamin C để nâng cao sức đề kháng. Chẳng hạn như ăn cam, quýt, bưởi, ổi, nho, lê, đu đủ,… Hoặc uống nước ép trái cây.
- Tập thể dục nhẹ và đều đặn hàng ngày.
- Bổ sung những viên uống như sắt, axit folic, canxi, magie,… theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Hạn chế đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết.
- Chế độ ăn giàu dinh dưỡng như: Thịt nạc, sữa tươi, trứng, ngũ cốc, rau củ,…
- Giữ ấm cơ thể khi trái gió trở trời như lúc giao mùa, vào mùa mưa.
- Súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn vùng miệng, họng. Tránh sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài vào đường hô hấp.
Vấn đề tiêm chủng
Nguyên nhân gây ho khi mang thai có thể bao gồm cả bệnh ho gà, viêm phổi, cảm cúm. Chính vì vậy, để phòng bệnh khi mang thai, mẹ bầu nên đi tiêm ngừa.
Những loại văc xin mà chị em phụ nữ nên tiêm ngừa nếu như có ý định mang thai bao gồm:
- Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván (Adacel hoặc Boostrix – Tiêm ngừa trước khi mang thai).
- Văc xin phòng bệnh thủy đậu (Varivax, Varilrix, Varicella – Tiêm ngừa trước khi có thai ít nhất 3 tháng).
- Phòng bệnh Sởi – Quai bị – Rubella (Vắc xin MMR II hoặc MMR – Tiêm ngừa trước khi có thai ít nhất 3 tháng).
- Văc xin phòng bệnh viêm phổi do phế cầu (Prevenar 13).
- Phòng bệnh viêm gan B (Engerix, Euvax, Hepavax).
- Văc xin phòng bệnh cảm cúm. Bao gồm văc xin có thể tiêm lúc mang thai như Vaxigrip, Influvac. Văc xin tiêm trước khi mang thai như: GC Flu, Ivacflu S.
- Phòng bệnh uốn ván (Văc xin V.A.T – Tiêm 2 mũi, mũi 1 tiêm vào 3 tháng giữa. Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 4 tuần và phải trước ngày dự sinh ít nhất 4 tuần).
Việc tiêm ngừa trước khi mang thai và trong lúc mang thai rất có lợi cho chị em phụ nữ:
- Phòng một số bệnh lây nhiễm thường gặp ở thai phụ, trong đó có bệnh cảnh ho khi mang thai.
- Không lây nhiễm bệnh cho thai nhi.
- Hạn chế nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai, sinh non, sinh nhẹ cân.
Hy vọng với những thông tin mà bài viết của Ths. BS Phan Lê Nam đã cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về triệu chứng ho khi mang thai. Từ đó, chị em sẽ có những biện pháp phòng bệnh cũng như điều trị hợp lý nhất. Đồng thời hạn chế được những nguy cơ nhất định cho chính mình và sự phát triển của thai nhi.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Dry Cough During Pregnancyhttps://parenting.firstcry.com/articles/dry-cough-pregnancy-causes-symptoms-treatment/
Ngày tham khảo: 19/07/2020
-
Cough and Cold During Pregnancyhttps://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/cough-cold-during-pregnancy/
Ngày tham khảo: 19/07/2020
- Goodnight, W. H., & Soper, D. E. (2005), Pneumonia in pregnancy, Critical Care Medicine, 33(10 Suppl.), pp 390 - 397.