Tinh dầu hương thảo: lợi ích, cách dùng và lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Ngày nay, các khám phá từ tự nhiên rộng lớn, ghi nhận sự đa dạng các loại thực vật độc đáo, trong đó có hương thảo. Không chỉ nổi bật là gia vị quen thuộc trong nền ẩm thực khắp thế giới mà loài cây này còn là nguồn tinh dầu quý giá, mang lại vô vàng lợi ích cho sức khỏe. Sau đây, mời bạn cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu nhiều hơn về lợi ích của tinh dầu hương thảo cũng như cách sử dụng hiệu quả nhé.
Đôi nét về thực vật hương thảo
Hương thảo (tên khoa học Rosmarinus officinalis) là thực vật thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Ngày nay, loài mọc tự nhiên phổ biến ở những khu vực trên thế giới. Đặc biệt là ở khí hậu ấm áp của châu Á, Địa Trung Hải, châu Âu…
Trong ẩm thực, hương thảo là gia vị độc đáo, được ưa chuộng kể cả những người sành ăn. Bên cạnh đó, tinh dầu chiết xuất từ cây cũng được yêu thích bởi chúng mang lại đa dạng lợi ích đáng kể cho sức khỏe con người.
Tinh dầu hương thảo là gì?
Thông tin chung
Tinh dầu hương thảo (Rosemary Essential Oil) được điều chế thông qua phương pháp chưng cất bằng hơi nước từ ngọn hoa hoặc lá tươi của loài thực vật cùng tên. Một số đặc tính của tinh dầu như:
- Dung dịch màu vàng nhạt, trong suốt, kết cấu sánh nhẹ và độ tỏa hương ổn định.
- Hương thơm được mô tả là sự hòa quyện ngọt ngào và tươi mát từ hoa cỏ. Chúng mang lại cảm giác mới mẻ, thư giãn nhưng cũng tràn đầy năng lượng.
Bảo quản
- Để giữ dược tính lâu dài, nên bảo quản chiết xuất hương thảo trong lọ tối màu, kín.
- Đặt nơi khô thoáng, tránh ánh sáng mặt trời hay bụi bẩn ảnh hưởng đến tinh dầu.
- Lưu ý, sau khi dùng tinh dầu hương thảo, luôn đóng chặt nắp và để xa tầm tay trẻ em.
Thành phần hóa học
Trong thực tế, thời tiết, địa lý, thời gian thu hoạch… có thể ảnh hưởng đến hàm lượng và tỷ lệ của các thành phần của tinh dầu. Một số thành phần cơ bản như camphor, α-pinene, 1,8-cineole, camphene, borneol, β-pinene, verbenone, β-caryophyllene, limonene, α-terpineol, myrcene, p-cymene, bornyl acetate, linalool, terpinen-4-ol… (theo mẫu thực vật từ miền Nam Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ).1 2
Tinh dầu hương thảo đem lại lợi ích gì?
Cải thiện chức năng não
Dù còn phải nghiên cứu thêm nhưng một số đánh giá tích cực về tinh dầu hương thảo từ dân gian và báo cáo khoa học đối với tinh dầu hương thảo như:
- Vào thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, hương thảo và chiết xuất từ chúng được cho là có thể tăng cường trí nhớ.3 Nghiên cứu khoa học đã lý luận rằng hít tinh dầu hương thảo giúp ngăn ngừa sự phân hủy acetylcholine, một chất hóa học trong não quan trọng đối với tư duy, sự tập trung và trí nhớ.4 5
- Nghiên cứu khác ghi nhận rằng tinh dầu này còn hỗ trợ cải thiện chức năng não ở người lớn tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ, bao gồm cả những người mắc bệnh Alzheimer.6
- Bước đầu, các báo cáo thí nghiệm cũng cho thấy tiềm năng làm dịu mức độ căng thẳng của tình nguyện viên, thông qua cân bằng mức độ hormone cortisol.7
- Bên cạnh đó, vài nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng tinh dầu có thể tăng cường sự chú ý, tỉnh táo, mang đến năng lượng tích cực và cân bằng tâm trạng.8 Thế nhưng, nghiên cứu thêm trong lĩnh vực này là cần thiết để xác nhận những kết quả này.
Kích thích phát triển tóc
May mắn thay, bước đầu, nghiên cứu trên động vật đã chứng minh chiết xuất từ hương thảo có khả năng ức chế những chất tương tự như testosterone. Chúng có thể tấn công các nang tóc dẫn đến tình trạng tóc rụng. Bằng cách xoa bóp hỗn hợp chứa tinh dầu hương thảo đã pha loãng lên da đầu, sau một thời gian, chúng có thể hạn chế một số loại rụng tóc. Bao gồm chứng hói đầu và rụng tóc ở nam giới và rụng tóc từng mảng, loang lỗ.9
Thậm chí, có ý kiến còn ghi nhận độ dày của tóc được cải thiện tương tự như những người sử dụng minoxidil (Rogaine), phương pháp chữa trị mọc lại tóc phổ biến.10
Xua đuổi côn trùng
Tinh dầu hương thảo được nhận xét là giải pháp thay thế tự nhiên cho các sản phẩm hóa học chống lại côn trùng, sâu bọ… Đặc biệt, nhờ những hợp chất giá trị sinh học, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu này sẽ giúp xua đuổi một số côn trùng hút máu có thể lây lan vi rút và vi khuẩn có hại; chẳng hạn như: muỗi, bọ xít, bọ chét.11 12 13
Hạn chế các cơn đau nhức
Từ lâu, trong dân gian, tinh dầu hương thảo được biết đến như một loại thuốc giảm đau nhẹ.14 Đặc biệt là khi kết hợp với kỹ thuật xoa bóp, massage ở khu vực cần được giảm đau. Bằng các thao tác trên, vùng tại chỗ sẽ được kích thích lưu thông tuần hoàn, tăng tốc độ phục hồi, “dẫn lối” cho những hoạt chất 1,8-cineole, α-pinen, camphor… có đặc tính sát khuẩn, kháng viêm, giảm đau… đến vị trí tổn thương. Từ đó, chiết xuất được ứng dụng trị liệu đối với đau cơ, bong gân, đau khớp, đau đầu…
Ngoài ra, thí nghiệm trên động vật cũng đã xác định rằng tinh dầu thảo mộc này có thêm ưu điểm khác. Đó là hiệu quả hạn chế các cơn đau gần như tương tự với loại thuốc giảm đau phổ biến -acetaminophen. Đồng thời, chúng có thể ngăn chặn sự di chuyển của các tế bào bạch cầu đến các mô bị thương để giải phóng các hóa chất gây viêm.14
Hỗ trợ hoạt động hệ hô hấp
Theo các tài liệu, hợp chất 1,8-cineole (còn gọi là eucalyptol) và camphor có trong tinh dầu hương thảo hỗ trợ hoạt động hệ hô hấp, cũng như cải thiện vấn đề khó chịu ở cơ quan này. Trong đó, chúng giúp thông khí và giãn các phế quản phổi. Nhờ đó mà có thế cải thiện những vấn đề rối loạn như ho, sổ mũi, đau họng, cảm lạnh,…15
Phương pháp phổ biến để thực hiện trị liệu này là khuếch tán và xông hơi tinh dầu.
Lợi sức khỏe răng miệng
Các chuyên gia cho rằng, nước súc miệng chứa nửa muỗng cà phê tinh dầu hương thảo cùng 01 cốc nước có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sâu răng, viêm nướu và mảng bám tích tụ. Thậm chí, chúng còn góp phần đáng kể để loại bỏ vi khuẩn Streptococcus sobrinus. Đây là một trong nguyên nhân gây sâu răng phổ biến.16
Hỗ trợ các vấn đề về da
Nhờ các tính chất như kháng viêm, sát khuẩn, chống oxy hóa… mà tinh dầu hương thảo mang đến kết quả khả quan điều trị mụn trứng cá và ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa da, tổn thương do tia UV gây nên…17 Dù không phải liệu pháp triệt để tận gốc nguyên nhân, nhưng chúng cũng góp phần hỗ trợ lâu dài.
Cách thức sử dụng tinh dầu hương thảo đơn giản
Khuếch tán: nên dùng các thiết bị hỗ trợ như đèn xông, máy khuếch tán… để phân phối tinh dầu vào không khí xung quanh. Liệu pháp có tác động tích cực đến trí não và tâm trạng.
Xông hơi: nhỏ vài giọt tinh dầu hương thảo vào dụng cụ xông hơi (chậu nước nóng, máy xông hơi…). Sau đó, bạn chỉ cần thưởng thức các lợi ích từ hơi nước trị liệu đem lại.
Nhỏ vài giọt dầu hương thảo lên các vật dụng gần gũi như khăn vải, khăn giấy, gối, túi thơm… để lưu giữ hương thơm. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể thêm tinh dầu vào nước tắm, nước ngâm chân, nước súc miệng… để trị liệu và thư giãn.
Dưỡng tóc: tự tạo nên hỗn hợp dầu massage da dầu để làm dày tóc hơn. Công thức tham khảo:
- 20 ml dầu oliu;
- 5 giọt tinh dầu hương thảo;
- 5 giọt tinh dầu hoa oải hương;
- 2 giọt dầu sả.
Sau đó, đem thoa hỗn hợp lên thân tóc và da đầu rồi ủ khoảng 30 phút.
Sử dụng tại chỗ: sau khi pha loãng tinh dầu hương thảo với dầu vận chuyển như dầu jojoba, dầu hạnh nhân, dầu dừa… rồi thực hiện các thao tác massage, xoa bóp lên cơ thể.
Một số cách pha loãng tinh dầu, tùy theo đối tượng:
- Trẻ sơ sinh (tỷ lệ pha loãng 0,3%): 1 giọt tinh dầu trên 1 thìa cà phê (tablespoon) dầu nền (Carrier oil).
- Trẻ em (tỷ lệ pha loãng 1,0%): 1 giọt tinh dầu trên 1 thìa cà phê dầu nền.
- Người lớn (tỷ lệ pha loãng 2,0-4,0%): 3-6 giọt tinh dầu trên 1 thìa cà phê dầu nền.
Dùng tinh dầu hương thảo cần lưu ý điều gì?
Một số đối tượng nên cẩn thận
Các trường hợp sau cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng tinh dầu hương thảo:
- Phụ nữ mang thai, cho con bú;
- Trường hợp rối loạn chảy máu, người đang trong tình trạng huyết áp không ổn định, động kinh, cấp cứu…
- Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, bởi ta khó kiểm soát được nếu chúng nuốt phải tinh dầu đậm đặc.7
- Đối tượng có trạng thái mẫn cảm, dị ứng với bất kỳ dược chất nào có trong dầu hương thảo.
Tương tác thuốc cần chú ý
Tương tác sau được ghi nhận với các sản phẩm chứa chiết xuất hương thảo:16
- Thuốc chống đông máu: warfarin, aspirin, clopidogrel…
- Thuốc hạ áp ức chế men chuyển (ACEI) điều trị huyết áp cao: captopril, enalapril, lisinopril…
- Thuốc lợi tiểu (tăng sự bài tiết qua nước tiểu): hydrochlorothiazide, furosemide…
- Lithium (thường điều trị trầm cảm, giai đoạn hưng cảm): dùng chung với hương thảo sẽ gây các triệu chứng không tốt cho sức khỏe.
Lưu ý khác
Nên pha loãng tinh dầu với dầu nền, chẳng hạn như dầu jojoba, dầu oliu, dầu dừa,… Điều này giúp ngăn ngừa kích ứng có thể xảy ra trên da của bạn và hạn chế sự bay hơi tinh dầu.
Tránh thoa tinh dầu lên vùng da bị tổn thương hoặc gần các vùng nhạy cảm. Ví dụ như mắt, niêm mạc, mũi trong…
Bên cạnh đó, nếu bạn là “tín đồ” của việc pha trộn mùi hương tự nhiên với nhau thì tinh dầu hương thảo có thể phối hợp được với oải hương, nhũ hương, thảo quả, cây xô thơm, gỗ tuyết tùng, sả, hoa phong lữ, hoa cúc, bạc hà…13
Có thể làm tinh dầu hương thảo tại nhà không?
Bạn có thể tham khảo vài gợi ý sau để làm tinh dầu hương thảo tại nhà. Tuy nhiên, để thuận lợi và đảm bảo khâu sản xuất cũng như quy trình chiết xuất, bạn nên chọn các nhà sản xuất có thương hiệu và uy tín nhé. Tham khảo gợi ý sau:
Chuẩn bị:
- 01 chén lá hương thảo dạng tươi;
- 02 chén dầu nền (dầu oliu, dầu jojoba, dầu bơ, dầu dừa…) tùy theo sở thích;
- 01 miếng vải sạch;
- Nồi nấu chậm (slow cooker).
Thực hiện:
- Rửa sạch và loại bỏ tạp chất trên thực vật, sau đó đem phơi khô;
- Cho tất cả thảo dược và 2 chén dầu vào nồi;
- Điều chỉnh nhiệt độ ở mức nhỏ, nấu trong vòng 6 – 7 tiếng;
- Sau khi thu được dung dịch tinh dầu tiết ra, nên lọc qua miếng vải sạch để có thành phẩm.
Nếu không có dụng cụ nồi, bạn có thể thay thế bằng cách cho lá tươi, sạch vào lọ thủy tinh rồi để ở nơi có ánh sáng nhiều trong vòng 1 tuần.
Quả thực, hương thảo là thực vật giá trị trong nhiều khía cạnh cuộc sống được kinh nghiệm dân gian cũng như những minh chứng khoa học đánh giá tích cực. Đặc biệt, tinh dầu hương thảo đã và đang nhận được sự ưa chuộng từ đông đảo người tiêu dùng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chemical Composition and Seasonal Variations of Rosemary Oil from Southern Spainhttps://doi.org/10.1080/10412905.2003.9712248
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Chemical composition and antifungal activity of rosemary (Rosmarinus officinalis L.) oil from Turkeyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18654909/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
AN IN-DEPTH REVIEW ON THE MEDICINAL FLORA ROSMARINUS OFFICINALIS (LAMIACEAE)https://www.food.actapol.net/pub/6_1_2013.pdf
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
The role of acetylcholine in learning and memoryhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17011181/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Plasma 1,8-cineole correlates with cognitive performance following exposure to rosemary essential oil aromahttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23983963/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Effect of aromatherapy on patients with Alzheimer's diseasehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20377818/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Smelling lavender and rosemary increases free radical scavenging activity and decreases cortisol level in salivahttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17291597/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Scientia Pharmaceuticahttps://www.mdpi.com/journal/scipharm
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Promotion of hair growth by Rosmarinus officinalis leaf extracthttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22517595/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Rosemary oil vs minoxidil 2% for the treatment of androgenetic alopecia: a randomized comparative trialhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25842469/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Mosquito repellent activity of essential oils of aromatic plants growing in Argentinahttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17583499/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Efficacy and persistence of rosemary oil as an acaricide against twospotted spider mite (Acari: Tetranychidae) on greenhouse tomatohttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17195668/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Trial of a minimal-risk botanical compound to control the vector tick of Lyme diseasehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20695287/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Analgesic effects of rosemary essential oil and its interactions with codeine and paracetamol in micehttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25635991/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Pharmacology of rosemary (Rosmarinus officinalis Linn.) and its therapeutic potentialshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10641130/
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
In vitro inhibitory effects of rosemary extracts on growth and glucosyltransferase activity of Streptococcus sobrinushttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0308814606009198
Ngày tham khảo: 13/03/2022
-
Rosmarinus officinalis Extract Suppresses Propionibacterium acnes–Induced Inflammatory Responseshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3624774/
Ngày tham khảo: 13/03/2022