Hoa phấn: Loài cây đẹp và công dụng kỳ diệu
Nội dung bài viết
Hoa phấn không chỉ là loài hoa có màu sắc rực rỡ trồng làm cảnh mà còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng chữa ho, điều hòa kinh nguyệt rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
1. Giới thiệu về Hoa phấn
- Tên gọi khác: Bông phấn, Sâm ớt, Ngân chia hoa đầu, Phấn đậu hoa và Thủy phấn tử hoa…
- Tên khoa học: Mirabilis jalapa L.
- Họ khoa học: Thuộc họ Hoa giấy (Nyctaginaceae)
- Bộ phận dùng: Rễ và toàn cây – Radix et Herba Mirabitis.
Hoa phấn có điểm lạ là một cây có thể nở hoa nhiều sắc. Thậm chí hoa có thể đổi sắc. Ví dụ như cây hoa vàng, khi đã có tuổi thì thường nở hoa sắc hồng. Loại Hoa phấn có hoa trắng thì sẽ đổi thành hoa tím. Hoa phấn có mùi thơm nhẹ.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Phân bố:
Cây có nguồn gốc ở Nam Mỹ (Mexico) nhưng giờ đây có mặt khắp miền nhiệt đới và lan cả lên những vùng ôn đới. Ở những nơi có khí hậu ấm, Hoa phấn mọc quanh năm. Vùng có sương giá thì cây sẽ tàn vào mùa đông nhưng sang xuân lại đâm chồi mọc lại từ củ.
Tại Việt Nam cây được trồng chủ yếu để làm cảnh, hoặc làm thuốc. Cây ưa sáng và ưa ẩm. Có biên độ sinh thái rộng từ đồng bằng, trung du và vùng núi cao… Ra hoa quả nhiều hằng năm, tái sinh bằng hạt. Độ 4-5 tháng sau khi trồng thì có củ dùng được.
Cây không kén chọn đất. Bạn có thể trồng thành luống hoặc trong chậu và ít khi bị sâu bệnh. Nếu có đất xốp ẩm thì có nhiều củ và củ to.
Mỗi bông hoa của nó sẽ thụ phấn và kết trái có một hạt tròn, vỏ sần sùi, khi chín thì biến thành màu đen. Hạt rụng xuống rất dễ nảy mầm, mọc thành cây con.
Thu hoạch:
- Thu hái rễ quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa thu.
- Sau khi thu hái về, đem rửa sạch, cạo bỏ vỏ đen bên ngoài rồi cắt ngắn, dùng tươi hoặc đem phơi khô.
- Ngoài ra, có thể đem tẩm với nước gừng rồi sao vàng dùng hoặc tán thành bột mịn.
- Mùa hoa quả, gần như quanh năm
1.2. Mô tả toàn cây
Hoa phấn là một loại cây nhỏ, cao chừng 70cm. Thân mềm, hình trụ tròn, nhẵn, phình lên ở mấu, chia nhiều cành, hơi có lông. Có rễ phình thành củ.
Lá đơn, nguyên, mọc đối hình bầu dục, hơi thuôn hình mác, phía gốc lá hơi hình tim, đầu nhọn. Phiến lá dàí 3- 9cm, hai mặt nhẵn, cuống lá dài 1,5-3m.
Hoa xếp chành 3-6 cái mọc ở kẽ những lá cuối cùng hay ở ngọn, có cuống rất ngắn. Hoa to, đều, lưỡng tính, có 2 lá bắc nhỏ, màu lục, bao quanh và hợp ở gốc như một đài hợp. Bao hoa hình cánh, màu đỏ, trắng hay vàng, hình phễu. Nhị 5, không bằng nhau, xếp xen kẽ với phiến của bao hoa. Một lá noãn, một noãn. Chỉ nhị dính với nhau thành ống ngắn, bầu thượng.
Quả bế mang bao hoa tồn tại vỏ mỏng, nhăn nheo màu đen, chứa chất bột trắng mịn. Khi chín màu đen, mang đài tồn tại ở gốc.
1.3. Bộ phận làm thuốc-Bào chế
Bộ phận dùng làm thuốc: Rễ và toàn cây
Mô tả dược liệu:
- Rễ củ bên ngoài có màu đen, bên trong màu trắng.
- khi thái mỏng, phơi khô thì trên lát thái có những đường tròng đồng tâm.
- Mùi nhẹ hơi buồn nôn, vị nhạt, hơi ngứa cổ.
- Trong bột rễ có nhiều oxalate canxi.
1.4. Bảo quản
Bảo quản những phần dược liệu đã qua khâu chế biến trong bọc kín. Cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên đậy kín bao bì sau mỗi lần sử dụng.
Ngoài Hoa phấn, Bạch đồng nữ cũng là loài cây có tác dụng trị bệnh hiệu quả
Bạch đồng nữ: Cây hoa thơm chữa bệnh phụ nữ
2. Thành phần hóa học và tác dụng Hoa phấn
2.1. Thành phần hóa học
Rễ chứa trigonelline và một cacbohydrat khi thủy phân cho galactose và arabinose. Ngoài ra rễ củ của cây có chứa chất nhựa tẩy, 3% resin. (The wealth of India, Raw materials, 1998; Watt and Breyer-brendwijk, 1962).
Bộ phận trên mặt đất: Các chất phytoconstitu như triterpenes và flavonoid.
Hạt chứa β-sitosterol, β-amyrin và β-sitosterol-D-glucoside.
Lá chứa Tricosan-12-one, n-hexacosanal, β-sitosterol và axit tetracosanoic, flavonoids quercetin (Richardson et al 1978),
Hoa chứa miraxanthins I-III, vulgoxanthin I, indicaxanthin, betaxanthins (Escribano et al 2007).
2.2. Tác dụng Y học hiện đại
Kháng khuẩn: Cao chiết từ hạt cây hoa phấn chống vi khuẩn gram dương và âm.
Ức chế co thắt cơ trơn gây bởi acetylcholine và histamin trên hồi tràng của chuột lang.
Một số nghiên cứu dược lý sử dụng các kỹ thuật hiện đại đã xác nhận lá, hoa và hạt có tác dụng chống ung thư, chống co thắt và chống vi khuẩn tương ứng.
Ở các quốc gia trên thế giới, Hoa phấn được sử dụng rất đa dạng:
- Thuốc trị tiểu đường ở Trung Quốc (Herbal pharmacology in the people’s Republic of China, pp. 63)
- Nước sắc của toàn cây được dùng bằng đường uống để điều trị nhiễm trùng thận (Sharma và cộng sự, 2001) và tác dụng lợi tiểu (Khurian, 2003, Sharma và cộng sự, 2001).
- Thân cây được dùng làm thuốc bổ (Chetty et al 2008).
- Ở Mỹ Latinh và Nam Phi, rễ cây Mirabilis Jalapa L. theo truyền thống được sử dụng cho các đặc tính tẩy, gây nôn và xúc cảm (Chetty et al 2008; Watt và Breyer-brendwijk, 1962,).
- Nước ép từ lá được sử dụng trong điều trị dị ứng da do khó tiêu, đau tai ở trẻ em (Khurian, 2003), bôi ngoài vào vết thương, vết bầm tím (Chetty và cộng sự 2008).
- Lá được sử dụng tại chỗ để giảm sưng trong các tình trạng như gãy xương hoặc trẹo xương (Sharma và cộng sự, 2001).
- Ở phía nam Brazil, lá cũng được sử dụng trong y học dân gian truyền thống để điều trị viêm, các bệnh liên quan đến đau và làm thuốc nhuận tràng (Correa MP, 1984; Siddiqui và cộng sự 1990; Somavilla và cộng sự 1996).
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị:
- Rễ: ngọt nhạt, tính mát có vị nhạt, mùi nhẹ và hơi buồn nôn.
- Hạt: Tính lạnh
Tác dụng:
- Rễ: thanh nhiệt, lợi tiểu, khử thấp, hoạt huyết, giải độc, tiêu viêm… Ở Ấn Độ người ta cho rằng rễ kích dục, lọc máu; còn lá làm dịu, giảm niệu.
- Hạt: Có tác dụng trừ ban nốt ruồi trên mặt…
- Bột từ quả của Hoa phấn có màu trắng và được sử dụng lên mặt để trang điểm.
Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, viêm đường tiết niệu và bệnh viêm họng, đau nhức xương khớp, nhức đầu. Đắp ngoài chữa viêm tuyến vú, đập đánh bị tổn thương, lở loét, đinh nhọt, mụn vảy nhỏ, bệnh ngứa.
3. Cách dùng và liều dùng của Hoa phấn
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Hoa phấn thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, tán bột đắp ngoài…
Liều dùng:
- Dùng rễ 15-20 g dạng thuốc sắc.
- Hoặc dùng 6-16g bột.
- Nghiền cây tươi để đắp ngoài, hoặc đun sôi lấy nước rửa, không kể liều lượng.
Kiêng kỵ:
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
- Không sử dụng dược liệu này cho phụ nữ mang thai.
- Tránh nhầm lẫn với vị thuốc thiên hoa phấn.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm từ Hoa phấn
4.1. Chữa phát ban (Thanh nhiệt, hóa ban thang)
Rễ Hoa phấn 12g, Huyền sâm 30g, Xuyên quy 10g, Thăng ma, Phục thần mỗi vị 8g. Hoàng liên, Kinh giới, Cam thảo mỗi vị 4g. Sắc uống.
4.2. Chữa viêm amidan
Lá tươi rửa sạch rồi giã lấy dịch và đắp trực tiếp vào chỗ đau.
4.3. Chữa chứng kinh nguyệt không đều
Ngải cứu 25g, Ích mẫu 30g và Hoa phấn 20g. Đem rửa sạch rồi sắc uống ngày dùng 1 thang liên tục trong 5 – 7 ngày.
Hoặc Cỏ xước, Ngải cứu và Cam thảo nam mỗi vị 12g, rễ Củ gai và Ich mẫu mỗi vị 16g, Hoa phấn 20g. Đem dược liệu sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang. Nên sử dụng trước kỳ kinh 5 ngày và uống liên tục trong vòng 3 ngày.
4.4. Chữa bệnh viêm họng
Cam thảo đất 12g, Kim ngân hoa 12g, Bồ công anh 15g, Hoa phấn 20g. Sắc uống ngày dùng 1 thang, sử dụng liên tục trong vòng 5 – 7 ngày.
Hoa phấn không chỉ là loài cây làm cảnh mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học
Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội
Manjit Singh el at. Mirabilis Jalapa-A Review. International Journal of Pharmaceutical, Medical and Applied Sciences.
Aoki A, Cortes AR, Ramifrez MC, Hernandez MG, Lopez-Munoz FJ 2008. Pharmacological study of anti-spasmodic activity of Mirabilis jalapa Linn. Flowers. Journal of Ethnopharmacology. 116, 96-101. Lai GF, Luo SD, Cao JX, Wang YF 2008. Studies on chemical constituents from roots of Mirabilis jalapa. Zhongguo Zhong Yao Za Zhi. 33(1), 426.