Hội chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da (Calciphylaxis)
Nội dung bài viết
Hội chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da (calciphylaxis): Là hội chứng hiếm gặp và có tỷ lệ tử vong cao. Calciphylaxis gây ra sự tắc nghẽn mạch máu và viêm loét da. Thậm chí, bệnh này có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng người mắc. Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu thêm về căn bệnh này và cách phòng ngừa bệnh nhé!
1. Tổng quan về hội chứng Calciphylaxis
Calciphylaxis là một bệnh hiếm gặp và rất nặng. Nguyên nhân do sự tích tụ calci vào mạch máu nhỏ trong mô dưới da và mô mỡ. Calciphylaxis gây ra sự tắc nghẽn mạch máu và viêm loét da. Thậm chí điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng và đe dọa tính mạng. Người bị calciphylaxis thường do suy chức năng thận và phải chạy thận hoặc thay thế thận. Tuy nhiên tình trạng này vẫn có thể gặp ở người không bị bệnh thận.
Xem thêm: 8 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận bạn cần biết
2. Triệu chứng bệnh gồm những gì?
Triệu chứng bệnh Calciphylaxis gồm:
- Mảng xanh tím dạng lưới trên da.
- Một khối gồ lên trên da, rất đau và có thể loét. Sau loét có đóng mài nâu đen trên bề mặt và khó lành. Thường thấy vết loét ở vùng da nhiều mỡ như đùi, nhưng cũng có thể thấy ở mọi vị trí.
- Nhiễm trùng vết thương khó lành.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh này vẫn chưa rõ. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy nó có liên quan đến sự bất thường đông cầm máu. Chính những bất thường này dẫn đến mạch máu nhỏ dễ bị tắc nghẽn hơn bình thường.
Các yếu tố nguy cơ bệnh gồm những gì?
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên Calciphylaxis. Một số yếu tố nguy cơ khác:
- Nữ giới
- Béo phì
- Đái tháo đường
- Bất thường đông cầm máu
- Chạy thận dài ngày và cần phải thay thế thận
- Nồng độ Calci, Phospho và Al (nhôm) trong máu ở mức không cân bằng
- Sử dụng một số loại thuốc cũng gây nên chứng bệnh trên. Ví dụ như warfarin (Coumadin, Jantoven), thuốc làm tăng nồng độ Calci máu hoặc Corticosteroids.
- Tăng nồng độ hormon PTH như trong bệnh cường tuyến cận giáp. Nó làm mất cân bằng nồng độ Calci và phosphat trong cơ thể.
- Tăng ure huyết, đây là một tình trạng nguy hiểm. Nguyên do là sự tích tụ quá mức các chất vốn dĩ bình thường được thải qua nước tiểu. Từ đó gây nên sự tích tụ calci và phospho trong cơ thể.
3. Một số biến chứng thường gặp
Các biến chứng thường gặp của calciphylaxis gồm
- Vết loét rất đau đớn.
- Vết loét sâu, rộng và khó lành.
- Nhiễm trùng huyết.
- Tử vong, do nhiễm trùng và suy đa cơ quan.
Việc phát hiện sớm bệnh này kết hợp với xử trí kịp thời có thể giúp ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng nặng.
4. Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám lâm sàng để chẩn đoán xác định liệu rằng bạn có mắc chứng Calciphylaxis hay không. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm sau:
- Sinh thiết da. Để chẩn đoán calciphylaxis, bác sĩ sẽ sinh thiết một mẫu mô ở vùng da bị loét để xem xét.
- Xét nghiệm máu. Nhờ đó, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bất thường nồng độ các chất trong cơ thể. Nó bao gồm Calci, phosphat, PTH (hormon tuyến cận giáp), yếu tố đông cầm máu, Al (nhôm), BUN, Creatinine máu, Albumin Huyết thanh… Ngoài ra, bác sĩ còn cần xét nghiệm đánh giá chức năng gan và thận của bạn.
- Chẩn đoán hình ảnh. Xquang có thể giúp phát hiện sự calci hóa thành mạch máu. Đây là tình trạng thường gặp ở bệnh calciphylaxis và các bệnh lí thận khác.
5. Phương pháp điều trị
Có rất nhiều liệu pháp điều trị bệnh Calciphylaxis, bao gồm:
5.1. Tái lập tuần hoàn mạch máu dưới da
- Một số loại thuốc có thể được dùng để ngăn ngừa huyết khối như apixaban (Eliquis).
- Ngoài ra có thể dùng liệu pháp oxy cao áp. Liệu pháp này giúp gia tăng nồng độ oxy trong máu đến toàn bộ cơ thể. Đặc biệt, bác sĩ còn dùng thuốc TPA liều thấp nhằm li giải huyết khối trong mạch máu dưới da.
5.2. Giảm nồng độ Calci trong máu
- Chạy thận. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn chạy thận nhân tạo thường xuyên kết hợp dùng một số thuốc
- Thay đổi thuốc đang dùng. Bác sĩ sẽ xem xét liệu thuốc bạn đang dùng có là nguyên nhân gây ra bệnh không. Một số loại như warfarin, corticosteroids, sắt hoặc thuốc chứa vitamin D
- Sử dụng thêm một số thuốc. Ví dụ như nhóm sodium thiosulfate sẽ giúp giảm lượng calci trong thành mạch. Nó thường được tiêm mạch 3 lần mỗi tuần, lúc bệnh nhân đang chạy thận. Ngoài ra, thuốc khác như cinacalcet (Sensipar) giúp kiểm soát nồng độ hormon PTH trong cơ thể bạn. Một số loại thuốc khác được dùng giúp cân bằng lượng calci và phosphat trong cơ thể
- Phẫu thuật. Nếu nguyên nhân bệnh là cường tuyến cận giáp thì bạn cần phải phẫu thuật một phần hay toàn bộ tuyến cận giáp.
5.3. Chăm sóc vết loét
Để vết loét được lành lại, các mô hoại tử ở chỗ loét cần được cắt lọc. Ngoài ra, bác sĩ sẽ dùng thêm thuốc kháng sinh để điều trị và dự phòng nhiễm trùng vết loét. Bạn có thể cần dùng thêm thuốc giảm đau trong thời gian chờ vết loét được lành lại
Tóm lại, Hội chứng calci hóa mạch máu và hoại tử da (Calciphylaxis) là một hội chứng hiếm gặp và tỷ lệ tử vong cao. Ngay khi bạn có các triệu chứng như những vết loét trên da lâu lành, bạn nên đi khám bạn sĩ ngay. Bác sĩ sẽ chẩn đoán liệu bạn có mắc hội chứng Calciphylaxis không và đưa ra hướng xử trí tốt nhất cho bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/calciphylaxis/symptoms-causes/syc-20370559