Hội chứng đau khu vực: Triệu chứng, nguyên nhân và hướng điều trị
Nội dung bài viết
Hội chứng đau khu vực hay hội chứng đau cục bộ là một trong những bệnh lý không hiếm gặp. Bệnh này ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp và gây ra không ít phiền toái cho người bệnh. Vậy hội chứng đau này có nguy hiểm hay không? Có dễ phát hiện và chẩn đoán hay không? Hướng điều trị như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
Hội chứng đau khu vực là bệnh gì?
Hội chứng đau khu vực còn có tên gọi khác là hội chứng đau cục bộ (CRPS). Đây là một bệnh lý mãn tính khá thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến tay hoặc chân. Hội chứng đau này hiếm khi ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Bệnh được biểu hiện đầu tiên bằng dấu hiệu nóng hoặc đau dữ dội. Ngoài ra, vị trí đau có thể bị sưng, nhiệt độ thay đổi, da đổi màu, ra mồ hôi bất thường và kèm theo tình trạng quá mẫn cảm.
Bệnh này thường xuất hiện và tiến triển nặng dần sau chấn thương, phẫu thuật, tai biến hoặc nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, cơn đau không tỷ lệ với mức độ nghiêm trọng của những tổn thương ban đầu.
Nguyên nhân của hội chứng đau khu vực
Nguyên nhân của hội chứng đau cục bộ chưa được xác định rõ ràng. Điều trị hội chứng đau cục bộ sẽ có hiệu quả cao nhất nếu người bắt đầu sớm. Trong những trường hợp như vậy, tình trạng đau có thể cải thiện rất nhiều và thậm chí có thể khỏi hẳn.
Một số yếu tố nguy cơ được xác định là thuận lợi gây là hội chứng đau cục bộ bao gồm:
- Tai biến mạch máu não (đột quỵ).
- Nhồi máu cơ tim
- Đau thắt ngực do bệnh mạch vành.
- Chấn thương thần kinh, gãy xương, dập cơ,…
- Biến chứng sau phẫu thuật.
- Hội chứng Raynaud
- Tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc dãn mạch, thuốc điều trị bệnh lao
- Do uống cà phê thường xuyên, uống nhiều thức uống có cồn, hút thuốc lá,…
- Bệnh tiểu đường.
- Tăng mỡ máu.
- Căng thẳng tâm lý, stress, lo âu, mất ngủ,…
Triệu chứng của bệnh
Hội chứng đau khu vực có những biểu hiện chính sau đây:
- Đau đớn hoặc đau nhói liên tục, thường ở vị trí cánh tay, cẳng chân, bàn tay hoặc bàn chân.
- Tăng phản ứng với cảm giác nóng lạnh, sờ chạm.
- Sưng tại vị trí bị đau
- Da tại vùng đau có thể nóng, lạnh, đổ mồ hôi nhiều hơn.
- Màu da bị thay đổi, có thể là màu trắng và đốm cho đến màu xanh hoặc đỏ.
- Kết cấu da bị thay đổi: da có thể bị nhạy cảm hơn, da mỏng hoặc sáng bóng tại khu vực bị đau.
- Sự tăng trưởng của tóc và móng bị rối loạn.
- Khớp sưng, cứng và có thể bị tổn thương.
- Co thắt cơ, suy nhược cơ hoặc thậm chí teo cơ.
- Vị trí cơ thể bị ảnh hưởng sẽ giảm khả năng vận động, giảm tính linh hoạt.
Các triệu chứng trên có thể thay đổi theo thời gian và không giống nhau ở người này với người khác. Thông thường, các triệu chứng như đau, sưng, đỏ, dễ thay đổi.
>> Xem thêm: Giảm đau trong các bệnh cơ xương khớp
Tiến triển của bệnh
Theo thời gian, những tay hoặc chân bị ảnh hưởng có thể lạnh hơn và nhạt màu. Phần dưới da và móng tay có thể thay đổi cấu trúc. Các cơ bắp co thắt và đôi khi bị co cứng. Khi xảy ra những thay đổi này, tình trạng đó sẽ không thể đảo ngược.
Hội chứng đau cục bộ đôi khi lan rộng từ vị trí ban đầu đến những vị trí khác trong cơ thể, chẳng hạn như chi đối diện. Cơn đau có thể trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng hoặc lo lắng, stress, mất ngủ.
Ở một số trường hợp, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sẽ tự hết. Ở một số trường hợp khác, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Điều trị sẽ trở nên hiệu quả nhất khi khởi đầu ở giai đoạn sớm của bệnh.
Chẩn đoán hội chứng đau khu vực
Hội chứng đau cục bộ có thể được chẩn đoán thông qua việc hỏi bệnh, thăm khám các triệu chứng điển hình của bệnh. Không một xét nghiệm đơn thuần nào có thể chẩn đoán xác định bệnh. Tuy nhiên, các xét nghiệm (cận lâm sàng) sau đây có thể hỗ trợ chẩn đoán bệnh:
- Chụp xương: Giúp phát hiện những thay đổi về xương.
- Các xét nghiệm về hệ thần kinh giao cảm: Giúp tìm kiếm những rối loạn của hệ thần kinh giao cảm. Ví dụ như đo nhiệt độ da, đo lưu lượng máu của vùng chi bị ảnh hưởng.
Điều trị bệnh
Bệnh này sẽ được điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán đúng và điều trị sớm. Một số phương pháp điều trị phổ biến nhất bao gồm:
Thuốc: Có thể là một hoặc kết hợp các thuốc sau (nếu được)
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như: Aspirin, Ibuprofen, Naproxen,… giúp giảm đau và giảm viêm.
- Corticoide nếu như NSAIDs không hiệu quả.
- Paracetamol (thuốc giảm đau)
- Thuốc giãn cơ.
- Các loại thuốc giảm đau thần kinh như Carbamazepin, Gabapentin, Encorate,…
- Một vài loại thuốc điều trị loãng xương như Alendronat, Calcitonin.
Liệu pháp
- Chườm nóng kết hợp với chườm lạnh
- Vật lý trị liệu nhằm hạn chế yếu liệt cơ
- Điện kích thích thần kinh
- Kích thích tủy sống
Phòng bệnh
Các phương pháp sau đây có thể giúp phòng hội chứng đau khu vực:
- Bổ sung vitamin C sau khi bị gãy xương.
- Vận động sớm sau khi bị đột quỵ.
- Hạn chế rượu bia, thức uống có cồn.
- Từ bỏ hút thuốc lá.
- Rèn luyện cơ thể, siêng năng luyện tập thể dục thể thao.
- Chế độ ăn ít mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về hội chứng đau khu vực. Từ đó, các bạn hãy rèn luyện lối sống lành mạnh, siêng năng tập thể dục, điều trị tốt các bệnh mạn tính,… Mục đích là hạn chế mắc phải hội chứng đau cục bộ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và công việc hàng ngày của mình. Mong rằng bạn sẽ nhận được những thông tin cần thiết khi đọc xong bài viết của Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.