YouMed

Khi ăn cá sống, bạn có nguy cơ mắc những loại sán lá nào?

Bác sĩ ĐOÀN THỊ HOÀI TRANG
Tác giả: Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Trang
Chuyên khoa: Nhi

Các bệnh sán lá có tỉ lệ mắc tương đối cao ở những nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Vòng đời của các loài sán đã được nghiên cứu một cách rõ ràng. Môi trường nước ngọt như ao hồ sông suối ở nước ta thuận lợi để nhiều loại ấu trùng sán phát triển.

Khi ăn các thực vật thủy sinh còn sống hoặc chưa nấu chín như: củ ấu, bèo, ngó sen, rau muống… chúng ta có nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn (Fasciola gigantica) hoặc sán lá ruột lớn (Fasciolopsis buski). Ở Việt Nam, loài Paragonimus heterotremus chủ yếu là nguyên nhân gây sán lá phổi. Trong khi đó, các loài cá nước ngọt là trung gian của những loài sán lá gan nhỏ và sán lá ruột nhỏ. Bài biết này chỉ đề cập đến bệnh sán lá truyền qua cá sống.

1. Dịch tễ sán lá

Tại Việt Nam, cho đến nay đã xác định có ít nhất 32 tỉnh mắc bệnh sán lá truyền qua cá, trong đó có: 

  • 24 tỉnh mắc bệnh sán lá gan nhỏ.
  • 18 tỉnh có bệnh sán lá ruột nhỏ lưu hành.

Tại những tỉnh này, người dân vẫn sử dụng phân người tươi để nuôi cá, làm trang trại hoặc phóng uế bừa bãi xuống ao hồ.

Điều đáng chú ý là nếu nhiễm sán lá gan nhỏ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, gây nhiễm độc và dẫn đến xơ gan, ung thư đường mật…

Sán lá
Sán lá

Tuy vậy, kể từ khi nhiễm đến khi xuất hiện các triệu chứng bệnh lý là cả một thời gian dài không có triệu chứng lâm sàng hoặc các triệu chứng không rõ ràng.

Trong khi đó, sán lá ruột nhỏ sẽ gây các triệu chứng về đường ruột như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy… Những triệu chứng này thường bị lầm lẫn với các bệnh khác như viêm dạ dày ruột.

>> Giun đũa là một trong những loài giun tròn phổ biến và có mặt trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đây là loại ký sinh trùng gây bệnh hàng đầu trong các loài giun sán đường ruột. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu kỹ hơn về giun đũa ký sinh trên người tại đây nhé.

2. Sán lá gan nhỏ

2.1. Phân bố

Sán lá gan gây bệnh ở người gồm 12 loài thuộc 3 họ sán lá ký sinh ở ống mật và túi mật của gan, bất thường ký sinh ở ống tụy.

Ở Việt Nam đã xác định sự có mặt của 2 loài sán lá gan nhỏ truyền qua cá, đó là:

  • Clonorchis sinensis có ở miền Bắc.
  • Opisthorchis viverrini ở miền Nam và miền Trung thuộc họ Opisthorchiidae.

2.2. Chu trình phát triển

Nguồn bệnh là các động vật nuôi như: chó, mèo, lợn… và con người nhiễm bệnh thải phân ra ngoài môi trường nước.

Đường lây truyền là do ăn cá chưa nấu chín dưới các hình thức như: gỏi cá, lẩu cá, cá nướng, cá hấp, cá om dưa…

Vật chủ trung gian thứ nhất là ốc Bithynia mang ấu trùng đuôi.

Vật chủ trung gian thứ hai là các loài cá nước ngọt (mè, trôi, chép, trắm, diếc, rô phi) mang ấu trùng nang.

Khối cảm thụ là các động vật cũng như nguồn bệnh.

Vòng đời cụ thể
Vòng đời cụ thể

Chu trình cụ thể:

(1) Sán trưởng thành ký sinh ở đường mật, sán đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoại cảnh.
(2) Nếu trứng rơi xuống môi trường nước được ốc nuốt sẽ nở ra ấu trùng lông trong ốc rồi phát triển thành ấu trùng đuôi.
(3) Ấu trùng đuôi dời ốc bơi tự do trong nước.
(4) Ấu trùng đuôi xâm nhập vào cá nước ngọt, rụng đuôi và phát triển thành ấu trùng nang ở trong thịt của cá (bằng mắt thường khó nhìn thấy ấu trùng nang).
(5) Người (hoặc động vật) ăn phải cá có ấu trùng nang chưa được nấu chín.
(6) Sau khi ăn, ấu trùng này vào dạ dày xuống tá tràng rồi ngược đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành, ký sinh và gây bệnh ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng nang trong cá đến khi thành sán trưởng thành mất khoảng 26 ngày.

2.3. Chẩn đoán

  • Tiền sử: Đã từng ăn gỏi cá, ăn cá chưa nấu chín hoặc sống ở trong vùng có tập quán ăn gỏi cá.
  • Lâm sàng:
    • Đau tức vùng gan.
    • Khó tiêu, kém ăn.
    • Thường có rối loạn tiêu hoá (phân nát hoặc bạc màu, phân không thành khuôn…).
    • Đôi khi có sạm da, vàng da.
    • Có thể có dấu hiệu gan to hay xơ gan tuỳ mức độ và thời gian mắc bệnh.
  • Xét nghiệm:
    • Xét nghiệm phân có trứng sán lá gan hoặc dịch tá tràng là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định.
    • Hiện nay, có thể sử dụng phương pháp chẩn đoán miễn dịch để chẩn đoán sán lá gan nhỏ với độ chính xác cao, không có dương tính giả. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã được điều trị khỏi vẫn có kết quả dương tính, do lượng kháng thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể thêm một thời gian nữa. Có thể xảy ra dương tính chéo giữa các loài, dẫn đến chẩn đoán nhầm lẫn.
    • Siêu âm gan có hình ảnh gan tăng sáng, ống mật có thể bị giãn, thành ống mật và thành túi mật dày.

3. Sán lá ruột nhỏ

3.1. Phân bố

Trên thế giới có khoảng hơn 69 loài sán lá ruột nhỏ được biết là ký sinh ở người. Tại Việt Nam, thường gặp nhất là loài Haplorchis taichui Haplorchis pumilio.

3.2. Chu trình phát triển

Chu kỳ lây truyền của sán lá ruột nhỏ hoàn toàn giống chu kỳ lây truyền của sán lá gan nhỏ.

Vật chủ dự trữ mầm bệnh giống như với sán lá gan nhỏ. Ngoài ra còn có nhiều động vật khác như: gia cầm, chim tự nhiên… nên sự phân bố của sán lá ruột nhỏ rất rộng lớn.

Vật chủ trung gian thứ nhất là ốc, có hai loại ốc là: Pyrgostylus striatulus Melanoides tuberculatus.

Ốc Pyrgostylus striatulus
Ốc Pyrgostylus striatulus
Ốc Melanoides tuberculatus
Ốc Melanoides tuberculatus

3.3. Chẩn đoán

  • Tiền sử: Đã từng ăn gỏi cá, ăn cá chưa nấu chín hoặc sống ở trong vùng có tập quán ăn gỏi cá.
  • Lâm sàng:
    • Hầu hết bệnh nhân hoặc người nhiễm bệnh không có triệu chứng gì, nếu có chỉ là rối loạn tiêu hóa hoặc người cảm thấy mệt mỏi.
    • Đôi khi, chúng ta gặp khi người nhiễm sán lá với số lượng lớn thì có biểu hiện:
      • Đau đầu.
      • Buồn nôn.
      • Viêm ruột.
      • Tiêu chảy.
      • Sốt nhẹ.
      • Phù toàn thân.
      • Nặng hơn có thể là tắc ruột.
  • Xét nghiệm
    • Xét nghiệm phân tìm trứng sán lá ruột nhỏ.
    • Cần lưu ý phân biệt với trứng sán lá gan nhỏ và trứng giun đũa không thụ tinh.
    • Xác định trứng dưới kính hiển vi thường thấy hơn là sán trưởng thành trong phân hoặc trong chất nôn, đây cũng là chẩn đoán đặc hiệu.
    • Chẩn đoán bằng huyết thanh học: Ít sử dụng hơn.

4. Điều trị sán lá

Khi chẩn đoán xác định là nhiễm sán lá gan nhỏ hoặc sán lá ruột nhỏ, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng viên nén Praziquantel 600 mg: 25 mg/kg/lần x 3 lần/ngày, uống cách nhau 4 – 6 giờ, dùng trong 1 ngày.

  • Chống chỉ định với Praziquantel:
    • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
    • Suy gan do nguyên nhân khác.
      Đang bị bệnh cấp tính hoặc suy tim, gan, thận hoặc bệnh tâm thần…
    • Dị ứng với Praziquantel.
Viên nén Praziquantel
Viên nén Praziquantel
  • Chú ý khi uống thuốc:
    • Không cho con bú trong vòng 72 giờ sau khi uống thuốc.
    • Thận trọng với trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, người già yếu, người rối loạn tiền đình…
    • Uống thuốc sau khi ăn no.
    • Kiêng rượu, bia và các chất kích thích.
    • Khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc tối thiểu là 4 giờ.
    • Nghỉ ngơi tại chỗ, không tự đi xe, đi xa, không lao động ít nhất 24 giờ.
  • Tác dụng không mong muốn của thuốc và cách xử trí:
    • Biểu hiện:
      • Chóng mặt.
      • Nhức đầu.
      • Ngủ gà.
      • Buồn nôn.
      • Khó chịu vùng hạ vị.
      • Mẩn ngứa.
      • Có thể sốt nhẹ.
    • Xử trí:
      • Để bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường.
      • Tuỳ biểu hiện của triệu chứng mà dùng thuốc phù hợp.
      • Xử trí thích hợp và theo dõi cẩn thận.

5. Tiêu chuẩn khỏi bệnh

Khi kết quả xét nghiệm phân âm tính sau điều trị 3 – 4 tuần (xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày liên tục).

6. Phòng bệnh sán lá

Dựa vào chu trình sống, biện pháp cắt đứt đường lan truyền sán từ cá sang người là hiệu quả nhất. Chính vì vậy, bạn cần:

  • Không ăn cá chưa nấu chín như: gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức.
  • Không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước.

Ăn các loại thực phẩm sống, đặc biệt là cá nước ngọt làm chúng ta dễ mắc các bệnh sán lá. Triệu chứng khi nhiễm dễ chẩn đoán lầm với các bệnh khác. Chu trình sống, lây bệnh của sán lá gan nhỏ và sán lá ruột nhỏ tương tự nhau. Biện pháp hiệu quả nhất là không ăn các loại cá chưa nấu chín.

Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Trang

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh giun sán ở Việt Nam – Bộ Y tế 2009 – Truy cập: 23/04/2020 

2. https://www.cdc.gov/parasites/clonorchis/biology.html – Truy cập ngày: 23/04/2020

3. https://www.cdc.gov/dpdx/opisthorchiasis/index.html  – Truy cập ngày: 23/04/2020

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người