Khi đi khám bệnh tại bệnh viện Hùng Vương cần lưu ý những gì?
Tác giả:
YouMed
YOUMED - Ứng dụng đặt khám bác sĩ, phòng khám, bệnh viện. Giúp người dùng đi khám thuận tiện và giảm thời gian chờ đợi.
Nội dung bài viết
Tổng quan về bệnh viện Hùng Vương
1. Lịch sử hình thành
Tiền thân của bệnh viện Hùng Vương là nhà bảo sanh chợ lớn. Trước kia nơi đây còn là một khu chuyên khoa phụ sản của bệnh viện Chợ Rẫy. Vào năm 1940, sau khi xây dựng xong Bảo sanh viện Từ Dũ, thì nhà bảo sanh Chợ lớn này được sử dụng một phần làm trại trẻ mồ côi. Đến 1947, khu này được sử dụng 1 phần làm khu doanh trại của quân Nhật. Ngày 27/11/1957, Bảo sanh viện được chính thức giao cho Bộ y tế Việt Nam cộng hòa quản lý. Lúc này, bệnh viện chỉ nhận các sản phụ đẻ thường, không nhận điều trị phụ khoa. Sau đó được cho xây dựng sửa chữa lại và chính thức khánh thành ngày 23/3/1958 với tên Bảo sanh viện Hùng Vương. Lúc này, với quy mô 180 giường, bệnh viện được xếp Bảo sanh viện hạng II. Trước 30/4/1975, Bảo sanh viện được nâng lên 375 giường được xếp Bảo sanh viện hạng 1. Bệnh viện chủ yếu phục vụ người dân khu vực Chợ lớn và các tỉnh lân cận. Bảo sanh viện đơn thuần tập trung cho việc sinh đẻ, còn về phụ khoa chủ yếu là giải quyết những bệnh thông thường. Sau nhiều đợt thay đổi, 3/1978 Bệnh viện chính thức công nhận là Bệnh viện chuyên khoa Sản phụ tuyến 4 của TP.HCM. Với quy mô 400 giường, phục vụ cho 18 quận huyện nội ngoại thành, bệnh viện thực hiện các nhiệm vụ và chức năng sau:- Là tuyến cao khám và điều trị các Sản phụ và bệnh lý phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình.
- Nghiên cứu khoa học.
- Chỉ đạo tuyến – thực hiện y tế dự phòng.
- Đào tạo, huấn luyện cho sinh viên và CBCNV.
- Hợp tác quốc tế.
2. Tổng quát về bệnh viện
Hiện tại, bệnh viện có 900 giường bệnh, 100 giường cho trẻ sơ sinh. Mỗi năm nơi đây tiếp đón khoảng từ 35.000 đến 40.000 trẻ sơ sinh chào đời, từ 20.000 đến 25.000 ca phẫu thuật. Bệnh viện có 1200 nhân viên với đội ngũ y bác sĩ giỏi tay nghề và tận tình trong công tác khám chữa bệnh. Tổng cộng bệnh viện có 20 khoa lâm sàng và 10 phòng chức năng, với các lĩnh vực nổi bật như sau: Chẩn đoán trước sinh- Tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho các đôi vợ chồng chuẩn bị kết hôn và mang thai.
- Thực hiện tất cả các xét nghiệm chuyên khoa sâu để chẩn đoán sức khỏe mẹ và bé trước sinh. Trong đó nổi bật là sàng lọc bệnh Down, siêu âm 4D, sinh thiết gai nhau, chọc ối…
- Khám thai.
- Chích ngừa trong thai kỳ.
- Tầm soát và điều trị các bệnh lý thai kỳ.
- Tầm soát dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
- Sanh và mổ sanh.
- Các dịch vụ nâng cao: đẻ không đau, sanh dịch vụ gia đình…
- Khám và điều trị tất cả các bệnh phụ khoa.
- Khám và điều trị các bệnh lý tuyến vú.
- Tầm soát ung thư cổ tử cung – ung thư vú.
- Khám và tìm nguyên nhân hiếm muộn.
- Thực hiện các xét nghiệm hiếm muộn, thử tinh dịch đồ, chụp HSG.
- Điều trị hiếm muộn tùy nguyên nhân với các kỹ thuật cao cấp: phẫu thuật nội soi, IUI, IVF.
- Khám định kỳ – chích ngừa trẻ lành mạnh.
- Điều trị, khám bệnh tổng quát cho trẻ sơ sinh và trẻ lớn đến 4 tuổi.
- Theo dõi phát triển tâm thần vận động.
- Khám và điều trị bệnh lý sàn chậu – niệu phụ khoa.
- Tư vấn và truyền thông sức khỏe.
Thông tin liên hệ bệnh viện Hùng Vương
- Website: http://bvhungvuong.vn/
- Địa chỉ: 128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM.
- SĐT: (028) 3855 8532.
- Email: bv-hvuong@hcm.vnn.vn
Thời gian hoạt động của bệnh viện Hùng Vương
1. Thời gian nhận bệnh
Thời gian nhận bệnh | Khám thai và phụ khoa | Khám nhũ | Khám chuyên gia |
Thứ 2 – Thứ 6 | 5:30 – 16:00 | 6:30 – 16:00 | 6:30 – 16:00 |
Thứ 7 | 6:45 – 16:00 | 6:45 – 11:00 | Nghỉ |
Chủ nhật | 6:45 – 11:00 | Nghỉ | Nghỉ |
2. Thời gian khám bệnh
Thời gian khám bệnh | Khám thai và phụ khoa | Khám nhũ | Khám chuyên gia |
Thứ 2 – Thứ 6 | 6:00 – 17:00 | 7:00 – 11:30 và 13:00 – 16:30 | 6:30 – 16:00 |
Thứ 7 | 7:00 – 17:00 | 7:00 – 11:30 | Nghỉ |
Chủ nhật | 7:00 – 12:00 | Nghỉ | Nghỉ |
Quy trình khám bệnh tại bệnh viện Hùng Vương
Quy trình khám thai khu B được bệnh viện quy định cụ thể như sau:- Lấy phiếu thứ tự tại quầy hướng dẫn.
- Xếp hàng chờ đến số thứ tự, đến quầy thu ngân đóng tiền và hoàn thành hồ sơ khám bệnh.
- Đến phòng khám ghi trong phiếu khám bệnh chờ đến STT để vào khám.
- Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, chỉ định bạn làm các xét nghiệm, siêu âm cần thiết.
- Nếu không làm thêm các xét nghiệm, ra quầy thuốc mua thuốc và ra về.
- Nếu bạn cần làm xét nghiệm, tới bàn hướng dẫn lấy số thứ tự siêu âm, xét nghiệm. Sau đó, bạn đi đóng tiền xét nghiệm, siêu âm ở kế bên quầy nhận bệnh. Lưu ý, nếu có Bảo hiểm Y tế, bạn cần xuất trình thẻ được chi trả bảo hiểm y tế theo quy định.
- Nếu làm siêu âm, xét nghiệm hay đo nhiễm sắc thể, bạn nên tiến hành theo các bước cụ thể như sau:
- Xét nghiệm: Bạn vào phòng số 8 nộp phiếu xét nghiệm (hoặc phiếu hẹn lấy kết quả vào rổ). Cắm que huyết trắng lên giá (nếu có). Để lọ đã lấy nước tiểu vào mâm (nếu có). Sau đó ra ngoài ngồi chờ gọi tên trả kết quả.
- Siêu âm: Ngồi chờ siêu âm tại phòng 12 và 13, khi bảng điện tử trước cửa phòng siêu âm hiện đúng số thứ tự, đẩy cửa bước vào phòng siêu âm.
- Non stress test: Đây là kiểm tra đo tim thai và phản ứng của thai nhi. Bạn vào phòng số 11 nộp sổ, sau đó ra ngoài ngồi chờ gọi tên.
- Đem kết quả về phòng khám ban đầu, bác sĩ cho toa hẹn tái khám.
- Bạn ra quầy thuốc nộp sổ, mua thuốc.
- Nếu có Bảo hiểm Y tế, sau khi khám bệnh xong, bạn được hướng dẫn ngồi trước quầy nhận bệnh, chờ gọi tên đóng tiền chênh lệch (nếu có).
- Chờ nhân viên gọi tên, hướng dẫn qua phòng số 9 lãnh thuốc (nếu có thuốc). Sau đó, bạn trở lại quầy nhận bệnh chờ nhân viên gọi tên trả sổ về.
Dịch vụ “khám một cửa” tại bệnh viện Hùng Vương
Trong cuộc sống hiện đại, tấp nập, mỗi người đều bận rộn và không có thời gian để xếp hàng lấy STT khám bệnh. Do đó, Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai chương trình “ Khám bệnh 1 cửa”, giải pháp tối ưu cho người bận rộn.- Đầu tiên khách hàng đến khám sẽ được nhân viên quầy tiếp nhận hướng dẫn điền thông tin và đóng tiền tạm ứng khi khám. Sau khi đóng tiền xong, mỗi khách hàng được cấp thẻ điện tử khám chữa bệnh với số tài khoản tương ứng với số tiền đóng tạm ứng và được hướng dẫn vào phòng khám.
- Sau khi khách hàng được bác sĩ khám và cho chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng, đến lúc này khách hàng sẽ sử dụng thẻ điện tử của mình để quẹt thẻ thanh toán tại phòng khám mà không cần phải quay lại đóng tiền lần nữa.
- Khi có kết quả cận lâm sàng khách hàng quay lại phòng khám để bác sĩ xem kết quả, cho toa thuốc nếu có. Kết thúc khám khách hàng sẽ trả lại thẻ, nhận tiền dư, mua thuốc nếu có và ra về.