YouMed

Kiểm soát pemphigus (bóng nước tự miễn) trong thai kỳ

Bác sĩ VÕ THỊ NGỌC HIỀN
Tác giả: Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Chuyên khoa: Da liễu

Pemphigus là một bệnh lý không thường gặp, đặc biệt là hiếm gặp ở phụ nữ mang thai. Khi mắc bệnh lý này, trên người của bà mẹ thường sẽ nổi các bóng nước ở phần bụng hay quanh rốn trước. Sau đó các bóng nước có thể lan rộng ra toàn thân.

Ngoài ra bóng nước còn có thể gặp ở bộ phận sinh dục như âm đạo hay âm hộ. Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh pemphigus chưa được hiểu rõ nhưng các giả thiết cho rằng có liên quan đến tế bào nguồn gốc từ cha trong nhau thai và do nội tiết tố tăng cao. Vậy ảnh hưởng của bệnh pemphigus trên thai nhi như thế nào và quản lý thai kỳ ra sao? Các bạn hãy tiếp tục cùng YouMed tìm hiểu nhé!

1. Chẩn đoán bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai

Bất kỳ bệnh lý nào xuất hiện trong giai đoạn mang thai đều có thể gây nguy hiểm cho mẹ và con. Vì vậy khi trên da xuất hiện bóng nước, đặc biệt là các bóng nước lớn thì các bạn nên nhanh chóng khám bác sĩ. Khi đó, bác sĩ sẽ thăm khám và giúp bạn chẩn đoán xem có phải bạn bị mắc bệnh pemphigus hay không.

Bác sĩ da liễu sẽ thăm khám các bóng nước trên da xem chúng có những đặc điểm của pemphigus hay không. Ngoài ra bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm chuyên nghiệp hơn giúp chẩn đoán bệnh chính xác. Đó chính là xét nghiệm sinh thiết da, bác sĩ sẽ lấy mẫu bóng nước sau đó đem xét nghiệm. Đồng thời bác sĩ có thể đề nghị bạn thử máu để tìm một số kháng thể có liên quan đến bệnh pemphigus.

>>> Xem thêm: Bệnh pemphigus (bóng nước tự miễn) có nguy hiểm không?

Chẩn đoán bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai
Chẩn đoán bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai.

2. Bệnh pemphigus ảnh hưởng trên thai nhi

Kháng thể được tạo ra ở cơ thể có thể truyền qua nhau thai và gây ảnh hưởng cho con. Do kháng thể này tiêu diệt tế bào ở da nên khi trẻ sinh ra có thể bị nổi ban đỏ. Tuy nhiên không phải tất cả đứa trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh pemphigus đều bị nổi ban. Chỉ khoảng 5 – 10% đứa trẻ sinh ra từ các bà mẹ này mới bị ảnh hưởng. Khi trẻ sinh ra bị phát ban thì biểu hiện này thường tồn tại trong thời gian ngắn. Thông thường ban đỏ tồn tại trong thời gian nhỏ hơn 6 tuần. Đồng thời tình trạng ban đỏ có thể tự khỏi mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị nào.

Ngoài ra thì phụ nữ mang thai mắc pemphigus có nguy cơ cao bị sinh non. Vì bị sinh non nên em bé khi sinh ra sẽ có cân nặng thấp và dễ mắc bệnh lý ở phổi. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây lại cho thấy pemphigus không làm tăng nguy cơ sẩy thai hay thai chết lưu.

>>> Thường xuyên khám thai định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời, xem thêm: Khám thai như thế nào để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh?

3. Tiến triển bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai

Pemphigus ở phụ nữ mang thai có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên bệnh thường khởi phát ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Đặc biệt bệnh cũng có thể xuất hiện ngay cả sau khi sinh con hay trong giai đoạn hậu sản.

Hầu hết các trường hợp thì bệnh có thể tự hết trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau sinh. Một số ít trường hợp thì người mẹ vẫn bị mắc bệnh dai dẳng trong vài tháng, thậm chí vài năm.

Pemphigus thai kỳ không chỉ xảy ra ở một lần mang thai duy nhất mà nó có thể tái phát. Ở những lần mang thai tiếp theo, bệnh có thể tái phát sớm hơn. Thậm chí các biểu hiện triệu chứng của bệnh có thể trầm trọng hơn. Tuy nhiên không phải tất cả phụ nữ mắc pemphigus ở lần mang thai đầu đều tái phát bệnh trở lại ở những lần mang thai tiếp theo. Khoảng 8% số phụ nữ sẽ không mắc bệnh lý pemphigus ở những lần mang thai sau.

Tiến triển bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai

4. Điều trị bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai

Hiện nay nguyên nhân gây ra bệnh pemphigus ở phụ nữ mang thai vẫn chưa được hiểu rõ. Vì vậy chưa có phương pháp giúp chữa khỏi dứt điểm bệnh pemphigus. Khi khởi phát bệnh, cần có sự phối hợp giữa bác sĩ da liễu và bác sĩ sản khoa để đưa ra các biện pháp điều trị với mục đích:

  • Giảm ngứa, làm lành các bóng nước.
  • Ngăn ngừa hình thành bóng nước mới.
  • Hạn chế nhiễm trùng da.
  • Đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Khi nổi các bóng nước do pemphigus, phụ nữ mang thai sẽ được xử lý như sau:

  • Tắm nước ấm và sử dụng kem làm mềm da có tác dụng giảm ngứa.
  • Sử dụng thuốc sát khuẩn bôi tại chỗ đối với các vết trợt sau khi bóng nước vỡ.
  • Đối với các bóng nước lớn thì có thể chích xẹp để giảm bớt sự khó chịu.
  • Sử dụng corticoid dạng bôi tại chỗ hay uống toàn thân là phương pháp điều trị chính. Corticoid giúp kháng viêm, nhanh lành các bóng nước cũ và ngăn ngừa nổi bóng nước mới. Tuy nhiên tác dụng phụ của corticoid khá nhiều nếu sử dụng liều cao và trong thời gian dài. Trong trường hợp chỉ nổi một vài bóng nước thì dùng thuốc mỡ chứa corticoid bôi lên bóng nước. Còn đối với trường hợp nổi bóng nước khắp toàn thân thì bác sĩ sẽ kê toa thuốc corticoid uống.

>>> Corticoid có tác dụng đối với làn da như thế nào? Cùng xem thêm tại đây nhé!

  • Có thể phối hợp các thuốc kháng dị ứng để giảm nhanh tình trạng ngứa.
  • Ngoài ra cần phải phối hợp với chuyên khoa sản để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

5. Kết luận

Bệnh pemphigus gây ra một số ảnh hưởng nhất định trên cả mẹ lẫn thai nhi. Vì vậy khi khởi phát bệnh cần có chế độ chăm sóc phù hợp và theo dõi sát sao. Chế độ quản lý thai kỳ tốt giúp kiểm soát bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con. Không có cách giúp ngăn ngừa bệnh pemphigus ở lần mang thai sau. Vì vậy một khi bạn đã mắc bệnh pemphigus trong lần mang thai đầu. Thì ở những lần tiếp theo bạn cần thông báo cho bác sĩ biết để có chế độ quản lý thai kỳ phù hợp.

Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

pemphigus, https://www.healthline.com/health/bullous-pemphigoid#outlook, accessed on 2020 Apr 04

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người