Lá đu đủ – những lợi ích bất ngờ về sức khoẻ
Nội dung bài viết
Lá đu đủ có chứa nhiều hợp chất flavonoid, alkaloid,… đã được chứng minh tiềm năng dược lý rộng rãi trong các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm. Nhiều loại thuốc thực phẩm chức năng dựa vào những cơ sở trên, tạo ra nhiều chế phẩm từ lá đu đủ. Điển hình như cao lá đu đủ, trà, các loại viên nén, bột khô, … Hãy cùng YouMed làm rõ hơn về nguồn gốc cũng như tác dụng của lá đu đủ.
Giới thiệu về lá đu đủ
Lá đu đủ tên khoa học là Folium Carica Papaya L., thuộc họ Đu đủ Papayaceae.
Đu đủ còn có tên là pawpaw, phan qua thụ, mắc hung (Lào), cà lào, phiên mộc. Đu đủ ắt nguồn từ Mexico. Hiện nay, đu đủ là một trong những loại cây ăn quả nhiệt đới được trồng nhiều nhất thế giới.
Cây đu đủ cung cấp nhiều bộ phận dùng làm thuốc. Quả đu đủ xanh và chín, hạt, hoa, nhựa , lá đều có nhiều tác dụng dược lý.
Thành phần hoá học
Trong lá đu đủ chứa nhiều hợp chất hoạt động như flavonoid, alkaloids, enzyme. Bên cạnh đó là nhiều caretenoid acid hữu cơ, các loại vitamin A, B, C,… Một số chất vi lượng được ghi nhận như Ca, Mg.
Trong lá, quả và hạt (chủ yếu ở lá) có một chất ancaloit đắng gọi là cacpain và chất glucoxit gọi là cacpozit. Tác dụng của cacpain gần như digitalin – là một thuốc tăng sức mạnh tim.
Thân, rễ, lá đều chứa chất latex (nhựa mủ). Một cây cho khoảng 100g nhựa trong một năm. Trong nhựa mủ có chứa men papain, chất cao su, chất nhựa, các axit amin, … Men papain có tác dụng tiêu hoá các chất protein để giải phóng acid amin.
Tác dụng của lá đu đủ
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu trên người chứng minh những lợi ích của dược liệu này. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên động vật (in vivo) và ống nghiệp (in vitro), cho thấy các thành phần hoá học có trong lá đu đủ giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh lý khác nhau. Một số ví dụ như sốt xuất huyết, đái tháo đường, rối loạn tiêu hoá, hội chứng ruột kích thích,…
Hỗ trợ điều trị một số triệu chứng bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra từ vi rút mà muỗi là vật trung gian. Người bị sốt xuất huyết có thể xuất hiện các triệu chứng giống cúm. Điển hình như sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa và phát ban trên da. Phần lớn các trường hợp gây cô đặc máu và giảm lượng tiểu cầu trong máu. Lượng tiểu cầu thấp làm tăng nguy cơ chảy máu. Ngoài ra đó, là một tiên lượng xấu cho các bệnh nhân sốt xuất huyết.
Một số nghiên cứu hiện đại cho thấy, chiết xuất lá đu đủ có khả năng hạ sốt và làm tăng số lượng tiểu cầu ở những bệnh nhân này. Tuy nhiên, vẫn chưa có một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) nào được công bố rộng rãi.
Ổn định lượng đường trong máu
Tại quê hương của đu đủ – Mexico, lá đu đủ thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị đái tháo đường týp 1 (hoặc týp 2). Tác dụng này thông qua việc cải thiện vấn đề kiểm soát lượng đường trong máu.
Các nghiên cứu trên chuột mắc bệnh tiểu đường cũng đã chỉ ra các hợp chất chiết xuất từ lá đu đủ còn có khả năng chống oxy hóa mạnh và ổn định lượng đường trong máu. Ngoài ra, các thử nghiệm in vitro cho thấy nó có khả năng kích thích và bảo vệ các tế bào beta tuyến tuỵ. Loại tế bào này có nhiệm vụ sản xuất insulin, chất làm hạ đường máu.
Hơn nữa, các hoạt chất chống oxy hoá trong lá đu đủ còn có khả năng cải thiện độ nhạy insulin. Bên cạnh việc phòng tránh các biến chứng, bệnh đồng mắc của bệnh tiểu đường. Một số ví dụ như gan nhiễm mỡ, tổn thương thận và stress oxy hóa.
Mặc dù vậy, hiện không có bằng chứng khoa học đủ chất lượng nào chỉ ra rằng những tác dụng tương tự xảy ra ở người.
Tăng cường chức năng cho hệ tiêu hoá
Trà và cao chiết xuất từ lá đu đủ thường được sử dụng để giảm bớt các triệu chứng tiêu hóa khó chịu, như đầy hơi, chướng bụng và ợ chua. Lá chứa nhiều chất xơ và một hợp chất độc đáo gọi là papain.
Chất xơ giúp kích thích tiêu hoá, tăng cường hệ vi khuẩn có lợi ở ruột. Papain nổi tiếng với khả năng phá vỡ các protein lớn thành các peptide, axit amin nhỏ hơn. Từ đó giúp dễ tiêu hoá chất đạm hơn.
Một báo cáo case lâm sàng cho thấy việc sử dụng bổ sung bột papain có nguồn gốc từ đu đủ giúp làm giảm các triệu chứng tiêu hóa tiêu cực, bao gồm táo bón và ợ chua, ở những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).
Hỗ trợ chống ung thư
Nhiều kinh nghiệm trong dân gian cho rằng, sử dụng lá đu đủ giúp phòng tránh và điều trị một số loại ung thư. Một số nghiên cứu trên ống nghiệm (in vitro) cho thấy, chiết xuất của nó có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Tuy nhiên, các thí nghiệm trên động vật và con người hiện nay đều không lặp lại kết quả này.
Mặc dù vậy, sử dụng lá đu đủ hay các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa khác có thể đóng vai trò trong việc “thu lượm” các chất gây ung, ngăn ngừa sự phát triển khổi u. Tuy vậy, chúng vẫn chưa được chứng minh là có bất kỳ khả năng điều trị một loại ung thư cụ thể nào.
Theo các bác sĩ đầu ngành, các đề tài nghiên cứu về tác dụng chữa ung thư của bài thuốc đã được triển khai cách đây nhiều năm. Tuy nhiên đều chưa có kết quả khả quan. Hiện chưa có công bố chính thức nào đủ cơ sở giải thích cho các tác dụng trên. Hiệu quả của lá đu đủ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian. Hoặc, theo các tài liệu không chính thức, các báo cáo ca lâm sàng được công bố lẻ tẻ.
Cách sử dụng lá đu đủ
Lá đu đủ có thể được dùng theo 2 cách: nước ép và thuốc sắc.
Nước ép
Nước ép là cách đơn giản nhất để thêm lá đu đủ vào chế độ ăn uống. Cho 5 – 10 lá mềm vào máy xay sinh tố. Sau đó, dùng rây để lọc nước ép đặc vào ly. Vì nước ép đu đủ khá đắng do chứa một số hợp chất alkaloid. Để dễ uống hơn, ta có thể trộn thêm một loại trái cây ngọt như cam, thơm, …
Thuốc sắc
Trà hoặc thuốc sắc được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh.
Để chuẩn bị thuốc sắc đu đủ, đun sôi 5-10 lá đu đủ trong khoảng 2 lít nước. Đun cho đến khi màu lá nhạt dần và còn lại nửa lượng nước (sôi trong khoảng 30 phút)
Nên sử dụng khoảng 25-30 ml/ngày.
Các lưu ý khi dùng
Trên thực tế, việc sử dụng lá tương đối an toàn. Một nghiên cứu trên động vật năm 2014 cho thấy lá đu đủ không có độc tính cấp khi ở liều lượng cao. Một số nghiên cứu trên người cũng chưa thấy các tác dụng phụ tiêu cực.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bị dị ứng và được khuyến cáo không nên dùng. Bên cạnh đó, không nên dùng dược liệu này khi mang thai hoặc đang cho con bú.
Lá đu đủ có chứa nhiều hợp chất chống oxy hoá độc đáo giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau. Một số phải kể đến như hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết, đái tháo đường, tăng cường chức năng hệ tiêu hoá,… Sử dụng đúng và an toàn lá đu đủ sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho sức khoẻ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Lợi, Đỗ Tất. “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.” (2004), page 360-362.
Kumar, Palanirajan Vijayaraj. “Dengue and drawbacks of marketed Carica papaya leaves supplements.” International Journal of Green Pharmacy (IJGP) 10.1 (2016).
Aumeeruddy, Muhammad Zakariyyah, and Mohamad Fawzi Mahomoodally. “Traditional herbal medicines used in obesity management: A systematic review of ethnomedicinal surveys.” Journal of Herbal Medicine (2021): 100435.
Vij, Tarun, and Yash Prashar. “A review on medicinal properties of Carica papaya Linn.” Asian Pacific Journal of Tropical Disease5.1 (2015): 1-6.