Lá thúi địch: loại dược liệu với tên gọi ấn tượng
Nội dung bài viết
Lá thúi địch là một loại rau gia vị ăn kèm khá phổ biến trong đời sống. Thường dùng để ăn kèm với các thực phẩm chứa nhiều protein. Đây không chỉ là loại rau ăn kèm mà còn là thảo dược hay trồng trong vườn nhà. Cây có công dụng tốt với nhiều loại bệnh khác nhau. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về cây và lợi ích đối với sức khỏe.
Giới thiệu chung
Lá thúi địch còn có tên khác là dây mơ lông, ngưu bì đống.
Tên nước ngoài: King’s tonic, stinky opal berry (Anh).
Tên khoa học Paederia foetida L. “Foetida” theo tiếng La tinh nghĩa là mùi hôi hoặc bốc mùi. Thuộc họ Cà phê Rubiaceae.
Mô tả cây
Đây là dây leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Thân màu lục hoặc tím đỏ.
Lá thúi địch mọc đối, hình trứng hay bầu dục, dài 5-10 cm, rộng 2-4 cm. Gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành xim. Hoa màu trắng điểm tím nhạt.
Quả hình trứng, dẹt, nhẵn màu nâu bóng.
Toàn cây có lông mềm, nhất là thân, cành và lá non. Lá vò nát, có mùi khó ngửi nên dân gian gọi là “Thúi địch”.
Phân bố, sinh thái
Cây phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới, nhiệt đới châu Á và Nam Mỹ. Ở Việt Nam, có 5 loài, Paederia foetida là loài phổ biến nhất.
Cây có ở nhiều nơi trong nước ta, thường mọc hoang trên những hàng rào. Cây thuộc loài nhiệt đới, ưa sáng và ẩm, chịu bóng râm.
Bộ phận dùng
Thu hái là tươi khi cần dùng. Có thể sử dụng toàn cây.
Thành phần hóa học
Lá thúi địch chứa protein 44,6 % gồm:
- Argenin.
- Histidin.
- Lysin.
- Tyrosin.
- Tryptophan.
- Phenylalanin.
- Cystin.
- Methionin.
- Threonin.
- Valin.
Ngoài ra còn chứa:
- Tinh dầu mang mùi hăng của disulfua carbon. Và mùi thối là của methyl mercaptan.
- Acid béo.
Tác dụng dược lý
Theo Y học hiện đại
Hoạt tính chống viêm của lá thúi địch
Chiết xuất từ lá thúi địch có tác dụng kháng viêm trên chuột. Hoạt tính kháng viêm do khả năng ức chế di chuyển bạch cầu và hóa chất trung gian của viêm. Đồng thời có tác dụng kháng viêm mạn thông qua ức chế hình thành mô hạt ở chuột cấy viên cotton.
Dịch chiết của lá cho thấy khả năng kháng viêm tương tự cơ chế của DMARD – Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Kết quả này hứa hẹn mang lại lợi ích cho các bệnh nhân viêm khớp trong tương lai.
Lá thúi địch có tác dụng chống vi khuẩn lỵ
Lỵ là một nhiễm trùng tiêu hóa nghiêm trọng gây ra tiêu chảy, phân lỏng kèm nhầy máu. Việc đi ngoài thường xuyên gây mất nước, rối loạn điện giải, nặng hơn là suy thận, nhiễm trùng huyết.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy lá thúi địch có khả năng ức chế sự phát triển của:
- Shigella flexneri.
- Entamoeba histolytica.
Đây là một trong những tác nhân gây ra các triệu chứng của lỵ. Chiết xuất từ lá cây giúp làm giảm nhu động đường tiêu hóa, tăng hấp thu nước và điện giải. Từ đó tạo cơ sở cho việc ứng dụng chiết xuất này trở thành thuốc chống tiêu chảy.
Chiết xuất lá thúi địch có tác dụng giảm đường huyết
Đường máu cao kéo dài là nguyên nhân gây ra các biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường. Các biến chứng này sẽ xuất hiện ở các cơ quan như não, mắt, tim, thận… Chiết xuất của lá Paederia foetida L. cho thấy tác dụng hạ đường huyết thông qua cơ chế kích thích tụy sản xuất insulin ở chuột. Đồng thời còn giúp làm giảm lipid máu xấu, hỗ trợ làm chậm các biến chứng của tiểu đường.
Khả năng chống giun sán của lá thúi địch
Nhiễm giun sán là một trong những bệnh nhiễm kí sinh trùng phổ biến trên thế giới. Bệnh lây qua trứng có trong phân người. Từ đó làm ô nhiễm đất ở những khu vực kém vệ sinh.
Chiết xuất nước đường uống của lá có hiệu quả cao chống lại giun lươn Trichostrongylus và giun tròn Haemonchus spp. Đồng thời, có hiệu quả vừa phải đối với giun móc Bunostomum và sán dây Monezia spp.
Theo Y học cổ truyền
Lá thúi địch có vị hơi đắng – mặn, mùi hôi. Tính mát.
Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Thường được dùng để chữa các chứng phong thấp, đau nhức, đau bụng, kiết lỵ, đầy bụng, chậm tiêu.
Theo kinh nghiệm dân gian, công dụng của lá này giúp thanh nhiệt, sát khuẩn và trị các bệnh về đường tiêu hóa.
Kiêng kị, lưu ý khi dùng
Liều dùng 20 – 30g/ngày, có thể dùng đến 50g vẫn an toàn. Nếu ăn ít, với tính cách như rau thơm thì lá thúi địch có tác dụng thanh nhiệt và chống dị ứng.
Nên dùng đúng liều lượng được khuyến cáo hoặc theo hướng dẫn của thầy thuốc
Không dùng nếu bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của loại lá này.
Sử dụng lá để làm thuốc. Dù ăn sống, đắp ngoài hay sắc nước uống cũng nên ngâm với nước muối khoảng 20 phút để khử khuẩn.
Các bài thuốc chứa lá thúi địch
Chữa kiết lỵ
Lá thúi địch tươi (30- 50g) trộn đều với trứng gà sống. Sau đó, bọc hỗn hợp này bằng lá chuối, đem nướng chín hoặc dùng chảo (không dầu) đun vàng hai mặt.
Lấy ra ăn ngày 3 lần, liên tục vài ngày.
Chữa ăn khó tiêu, sôi bụng do thức ăn sống lạnh
Lấy một nắm lá thúi địch tươi, rửa sạch giã nát lấy nước uống hoặc có thể ăn cùng với thức ăn.
Ăn liền 2 – 3 ngày.
Trị giun kim và giun đũa
Lá thúi địch giã nhỏ, cho ít muối ăn sống hoặc vắt lấy nước uống, uống liền 3 buổi sáng vào lúc đói.
Trị đau nhức xương khớp, phong thấp ở người già
Nấu thân và lá thúi địch lấy nước uống vài lần trong ngày.
Làm mau lành vết thương ngoài da
Dùng vài lá thúi địch giã nát và đắp trực tiếp vào khu vực tổn thương mỗi ngày 2 lần. Trước khi dùng lưu ý rửa kỹ lá với nước muối để diệt khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng cho vết thương.
Lá thúi địch là loại rau thường dùng kèm trong các món ăn của người Việt. Mặc dù lá có mùi hăng như tên gọi nhưng lại có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của dược liệu đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Paederia Foetida - Health Benefits, Medicinal Properties, Uses, Dosage
http://www.krishnaherbals.com/paederia-foetida.html
Ngày tham khảo: 18/05/2021
- Afroz S, Alamgir M, Khan M, Jabbar S, et al, (2006), "Antidiarrhoeal activity of the ethanol extract of Paederia foetida Linn.(Rubiaceae)", Journal of Ethnopharmacology, 105 (1-2), pp. 125-130.
- De S, Ravishankar B, Bhavsar G, (1994), "Investigation of the anti-inflammatory effects of Paederia foetida", Journal of ethnopharmacology, 43 (1), pp. 31-38.
- Kumar V, Anwar F, Ahmed D, Verma A, et al, (2014), "Paederia foetida Linn. leaf extract: an antihyperlipidemic, antihyperglycaemic and antioxidant activity", BMC complementary and alternative medicine, 14 (1), pp. 1-16.
- Khushbu C, Anar P, Mayuree P, Carol M, et al, (2010), "Paederia foetida Linn. As a potential medicinal plant: A Review", Journal of Pharmacy Research, 3 (12), pp. 3135-3137.