Làm sao để giải quyết lo lắng khi miệng có vị kim loại? (Phần 2)
Nội dung bài viết
Ở phần trước, chúng ta đã được giới thiệu về cấu tạo và cơ chế hoạt động của vị giác. Đồng thời, YouMed cũng đã giới thiệu và giải thích về 14 nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng miệng có vị kim loại. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ tìm hiểu các triệu chứng đi kèm với tình trạng này. Liệu sự thay đổi vị giác này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và đời sống? Làm thế nào để nhận biết rối loạn này và cách điều trị hiệu quả nhất là gì?
Miệng có vị kim loại có đi kèm triệu chứng nào không?
Đầu tiên, chúng ta đều biết: miệng có vị kim loại nghĩa là chúng ta đang có sự rối loạn về vị giác. Sự biến đổi vị giác này xuất hiện khi bạn đang ăn uống hoặc thậm chí lúc miệng rỗng. Điều này có thể khiến bạn trở nên chán ăn và thậm chí là buồn nôn.
Khi có rối loạn vị giác dẫn đến vị kim loại trong miệng, các triệu chứng đi kèm có thể xuất hiện. Các triệu chứng này có thể liên quan hoặc không liên quan đến nguyên nhân gây biến đổi vị giác.
- Hôi miệng;
- Nghẹt mũi;
- Đau họng;
- Buồn nôn;
- Đau dạ dày;
- Đau đầu;
- Mệt mỏi;
- Sốt;
- Khô miệng;
- Đau bên trong miệng.
Trong một số trường hợp, miệng có vị kim loại có thể báo hiệu tình trạng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Bạn cần liên hệ khẩn cấp cơ sở y tế khi có các triệu chứng đi kèm sau:
- Thay đổi ý thức, biểu hiện trạng thái sợ sệt, cảnh giác hoặc nhầm lẫn.
- Mất khả năng nuốt.
- Sốt cao (cao hơn 38°C).
- Liệt hoặc rủ mặt xuống.
- Có các vấn đề về hô hấp như: thở từng cơn ngắn, khó thở, thở nặng nhọc, thở khò khè, không thở được hoặc nghẹt thở.
- Nói lắp.
- Sưng miệng, môi hoặc lưỡi đột ngột.
Miệng có vị kim loại có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Các biến chứng liên quan đến miệng vị kim loại thay đổi tùy theo nguyên nhân. Mùi vị kim loại có thể là biểu hiện của một bệnh lý khác. Do đó, nếu không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng và tổn thương vĩnh viễn. Điều quan trọng là bạn cần thăm khám bác sĩ ngay khi có những thay đổi vị giác khác thường. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
Các biến chứng có thể xảy ra do tình trạng miệng có vị kim loại:
- Trầm cảm do giảm khả năng thưởng thức đồ ăn.
- Mất cảm giác ngon miệng và thay đổi thói quen ăn uống.
- Suy dinh dưỡng do chán ăn.
- Khả năng ăn nhầm thực phẩm hư.
- Sụt cân.
Rối loạn vị giác xảy ra trong thời gian ngắn có thể dẫn đến chán ăn, sụt cân. Phụ nữ mang thai giai đoạn đầu thường sụt cân trong thời gian ngắn do đổi vị giác. Tuy nhiên, ở người khỏe mạnh, cân nặng sẽ phục hồi sau khi triệu chứng biến mất. Ở những bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tiêu hóa, đột quỵ, thay đổi vị giác có thể gây suy dinh dưỡng. Một số người thay đổi vị giác dẫn đến thay đổi thói quen ăn những đồ không tốt cũng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Làm cách nào để chẩn đoán được tình trạng miệng có vị kim loại?
Mùi vị kim loại trong miệng sẽ biến mất ngay khi nguyên nhân được loại bỏ vì đây chỉ là triệu chứng tạm thời. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài dai dẳng, bạn cần thăm khám bác sĩ tai mũi họng ngay.
1. Thăm hỏi bệnh sử, tiền sử
Để chẩn đoán nguyên nhân của mùi vị kim loại, bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi về các triệu chứng của bạn. Cung cấp các thông tin chính xác sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân của miệng có vị kim loại:
- Vị kim loại xuất hiện lần đầu tiên khi nào?
- Mô tả bất kỳ thay đổi khác trong cấu trúc lưỡi hay cảm nhận hương vị. Bạn có thấy sưng lưỡi, loét miệng hay bất kỳ tổn thương nào khác?
- Mô tả tất cả các bệnh sử, tiền sử y khoa, nha khoa của bạn.
- Liệt kê tất cả các loại thuốc, chất bổ sung và thuốc thảo dược bạn đang dùng.
- Bạn có hút thuốc không?
- Gần đây bạn có tiếp xúc với bất kỳ chất hóa học hay môi trường bất thường nào không? Chẳng hạn như hóa chất, thuốc trừ sâu hoặc thực phẩm nóng và cay.
- Mô tả bất kỳ tình trạng sức khỏe gần đây, chẳng hạn như sốt, nhiễm trùng đường hô hấp trên, chấn thương miệng hoặc lưỡi hoặc các tình trạng khác của miệng, họng hoặc mũi.
2. Thử nghiệm kiểm tra
Bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra vị giác để giúp xác định nguyên nhân và mức độ của rối loạn vị giác. Các thử nghiệm về vị giác là để đo lường phản ứng với những hóa chất khác nhau.
3. Chụp phim X quang
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp phim để đánh giá các xoang.
Mất hoặc thay đổi vị giác là một vấn đề nghiêm trọng. Vị giác giúp bạn cảm nhận thức ăn và nhận biết no. Sự biến đổi vị giác có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm cân, tăng cân hoặc trầm cảm.
Đối với những người phải tuân theo một số chế độ ăn kiêng nhất định, chẳng hạn như người mắc bệnh tiểu đường, mùi vị bị thay đổi có thể khiến việc ăn các loại thực phẩm trở nên khó khăn. Nó cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh như Parkinson và Alzheimer.
Làm cách nào để ngăn tình trạng miệng có vị kim loại?
Tùy thuộc vào nguyên nhân sẽ có những phương pháp khác nhau nhằm cải thiện và giải quyết tình trạng này. Việc điều trị vị kim loại ở miệng cần kết hợp nhiều biện pháp.
Nếu bạn bị thiếu hụt dinh dưỡng thì cần phải được khắc phục ngay. Có một vài phương pháp điều trị có thể giúp giảm cảm giác biến dạng vị giác của bạn. Quan trọng là bạn cần điều trị nguyên nhân gây ra rối loạn vị giác.
1. Dinh dưỡng
Thông thường, thiếu hụt vitamin và khoáng chất có thể được điều trị bằng các chất bổ sung. Nếu thiếu hụt nhiều, bạn cần có sự hướng dẫn kê đơn của bác sĩ.
Bạn có thể hấp thu thêm vitamin bằng thuốc như viên sủi Berroca. Tìm hiểu thêm: Berocca (vitamin B, C và các khoáng chất): Nguồn bổ sung năng lượng cho cơ thể và những điều cần lưu ý.
2. Che đậy và làm giảm vị giác
Nếu đang điều trị bệnh hay mang thai, bạn có thể dùng các biện pháp che đậy vị giác sau:
- Nhai kẹo cao su không đường hoặc kẹo bạc hà không đường.
- Đánh răng sau bữa ăn.
- Thử nghiệm với các loại thực phẩm, gia vị khác nhau.
- Sử dụng các món ăn, đồ dùng và dụng cụ nấu ăn không chứa kim loại.
- Uống nhiều nước.
- Tránh hút thuốc lá.
- Một số bác sĩ và nha sĩ đề nghị sử dụng thêm các sản phẩm nước bọt nhân tạo.
3. Tăng cường vệ sinh răng miệng
Đôi khi, vệ sinh răng miệng tốt, bao gồm dùng chỉ nha khoa, đánh răng và sử dụng nước súc miệng thường xuyên, có thể làm giảm bớt triệu chứng. Nhất là khi nguyên nhân là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn ở miệng. Việc khám nha định kỳ sẽ giúp bạn tạo động lực để duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt hơn.
4. Chế độ ăn
Bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn giúp giảm bớt mùi vị kim loại khó chịu trong miệng. Ví dụ: một số chuyên gia khuyên bạn nên ăn thực phẩm với một vài thành phần để mùi vị không bị trộn lẫn với nhau. Điều này giúp giảm khả năng gây ra hiệu ứng khó chịu. Thực phẩm ngọt, chất bảo quản và thực phẩm nhiều gia vị có thể để lại vị khó chịu trong miệng của bạn. Vì vậy, bạn nên tránh những sản phẩm này.
5. Điều trị nguyên nhân gây miệng có vị kim loại
- Các tình trạng thay đổi vị giác do mang thai, cảm lạnh sẽ hồi phục khi bạn trở lại trạng thái sinh lý bình thường.
- Nếu thói quen hút thuốc của bạn là nguyên nhân gây ra vị kim loại thì việc cai thuốc lá có thể giúp ích.
- Khi thay đổi vị giác do nhiễm trùng xoang: nhiễm trùng được giải quyết, vị giác sẽ hồi phục.
- Nếu sự biến dạng vị giác là do thuốc gây ra, có thể đề nghị bác sĩ thay đổi loại thuốc.
- Các tình trạng như chứng mất trí nhớ Alzheimer không thể điều trị được. Do đó, các vấn đề với khẩu vị thay đổi cần được giải quyết một cách hiệu quả nhất có thể để giúp cải thiện sự thèm ăn và dinh dưỡng.
Tình trạng miệng có vị kim loại thường nhẹ. Tuy nhiên, rối loạn vị giác thường đi kèm với các triệu chứng khó chịu khác. Do đó, nó sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống và làm thay đổi chất lượng cuộc sống. Việc điều trị phù hợp và đúng đắn sẽ giúp cải thiện tình trạng. Bạn cần duy trì lối sống khỏe mạnh, phát hiện những nguy cơ sớm để bệnh có thể được điều trị triệt để.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
An overview of dysgeusiahttps://www.verywellhealth.com/dysgeusia-4764585
Ngày tham khảo: 14/05/2020
-
What Causes a Metallic Taste in My Mouth?https://www.healthline.com/health/metallic-taste-in-mouth
Ngày tham khảo: 14/05/2020
-
Metallic Taste in Your Mouth? Here Are 9 Possible Reasons Whyhttps://www.prevention.com/health/a22663898/metallic-taste-in-mouth/
Ngày tham khảo: 14/05/2020
-
9 Reasons You Have a Metallic Taste in Your Mouthhttps://www.thehealthy.com/dental/reasons-metallic-taste-in-mouth/
Ngày tham khảo: 14/05/2020