YouMed

Liệt dây thanh: Mất giọng đơn thuần hay bệnh lý nguy hiểm?

bác sĩ đinh thị lan phương
Tác giả: ThS.BS Đinh Thị Lan Phương
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Đột ngột khàn giọng và mất tiếng, kèm khó thở, bạn lo lắng về thanh quản của mình? Vậy đây chính là bài viết bạn cần để tìm hiểu về những nguyên nhân và các triệu chứng của liệt dây thanh. Bạn hãy đọc qua bài viết dưới đây của bác sĩ Đinh Thị Lan Phương để có thêm những thông tin bổ ích nhé.

Thế nào là liệt dây thanh âm?

Liệt dây thanh âm xảy ra khi các xung thần kinh từ não đến thanh quản bị gián đoạn. Điều này dẫn đến vấn đề là các dây thanh không hoạt động được.

Liệt dây thanh có thể ảnh hưởng đến khả năng nói của bạn và thậm chí có thể tác động đến việc hít thở. Đó là bởi vì dây thanh âm có chức năng chính là giúp tạo ra âm thanh và tiếng nói. Dây thanh cũng bảo vệ đường thở bằng cách ngăn chặn thức ăn, đồ uống, hay dị vật khác và thậm chí nước bọt lọt vào khí quản và khiến bạn bị nghẹn.

Nguyên nhân có thể bao gồm tổn thương thần kinh trong phẫu thuật, nhiễm virus và một số bệnh ung thư. Điều trị liệt dây thanh âm thường là phẫu thuật. Và đôi khi cần điều trị phối hợp thêm là trị liệu bằng cách luyện thanh.

Xem thêm: Dị vật đường thở và cách xử trí an toàn và hiệu quả nhất

liệt dây thanh
Vị trí của dây thanh âm trong thanh quản

Nguyên nhân

Trong liệt dây thanh, các xung thần kinh đến thanh quản bị gián đoạn. Việc này dẫn đến sự mất vận động của các cơ vùng này. Các bác sĩ thường không biết nguyên nhân chính xác gây liệt dây thanh âm.

Các nguyên nhân thường gặp

  • Tổn thương dây thanh trong khi phẫu thuật: Phẫu thuật vùng cổ hoặc ngực trên có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh chi phối vùng này. Các phẫu thuật có nguy cơ cao như phẫu thuật tuyến giáp, cận giáp, thực quản, cổ và ngực.
  • Chấn thương cổ hoặc ngực: Chấn thương ở cổ hoặc ngực có thể làm nhiều cấu trúc lân cận. Trong đó có các dây thần kinh chi phối cho dây thanh âm hoặc chính thanh quản.
  • Đột quỵ: Đột quỵ làm giảm/mất lưu lượng máu cung cấp cho một phần não bộ. Nó có thể làm tổn thương vùng não có nhiệm vụ điều khiển thanh quản để tạo ra âm thanh.
  • Khối u: Các khối u, cả u ác và u lành, đều có thể phát triển trong hoặc xung quanh các cơ, sụn hoặc dây thần kinh kiểm soát chức năng của thanh quản. Chúng có thể gây liệt dây thanh âm.
  • Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể kể đến như bệnh Lyme, virus Epstein-BarrHerpes. Có thể gây viêm và làm tổn thương trực tiếp các dây thần kinh trong thanh quản.
  • Bệnh lý thần kinh: Nếu có một số bệnh lý liên quan đến thần kinh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng hoặc bệnh Parkinson, bạn có thể bị liệt dây thanh âm.

Xem thêm: Viêm da dạng Herpes: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị liệt dây thanh

  • Trải qua phẫu thuật cổ họng hoặc ngực: Những người cần phẫu thuật ở tuyến giáp, cổ họng hoặc ngực trên đều có nguy cơ tổn thương dây thần kinh thanh âm. Đôi khi, các ống thở được sử dụng trong phẫu thuật hoặc để giúp bạn thở nếu bạn vấn đề nghiêm trọng về hô hấp có thể làm tổn thương dây thần kinh chi phối vùng này.
  • Có một bệnh lý thần kinh: Những người có một số bệnh lý thần kinh, như bệnh Parkinson hoặc bệnh đa xơ cứng, có nhiều khả năng phát triển yếu dây thanh âm hoặc tê liệt.
liệt dây thanh
Người mắc bệnh Parkinson có hệ thần kinh bị tổn thương có nguy cơ cao bị liệt dây thanh

Triệu chứng của liệt dây thanh

Dây thanh âm của bạn là hai dải mô cơ linh hoạt nằm ở lối vào khí quản. Khi bạn nói, hai dây thanh rung lên với cường độ, tần số khác nhau để tạo ra âm thanh. Thời gian còn lại, dây thanh âm được thư giãn ở vị trí mở, do đó bạn có thể thở.

Trong hầu hết các trường hợp liệt dây thanh âm, chỉ có một dây thanh âm bị liệt. Liệt cả hai dây thanh âm cùng lúc là một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Điều này có thể gây khó khăn về khả năng nói và các vấn đề đáng kể khi thở và nuốt.

Các dấu hiệu và triệu chứng của liệt dây thanh âm

  • Giọng nói bị ảnh hưởng.
  • Khàn tiếng.
  • Thở ra tiếng. Ví dụ như thở rít.
  • Mất giọng.
  • Nghẹn hoặc ho khi nuốt thức ăn, đồ uống hoặc nước bọt.
  • Nói ngắt quãng vì cần thở giữa lúc nói.
  • Không có khả năng nói to.
  • Ho nhiều nhưng cảm giác khó chịu ở cổ, không ho hay khạc ra được.
  • Thường xuyên hắng giọng.

Xem thêm: Khó thở thanh quản: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

liệt dây thanh
Bạn có thể bị mất giọng khi bị liệt dây thanh

Nếu khàn giọng kéo dài hơn hai tuần hoặc nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi hoặc khó chịu nào về giọng nói không giải thích được, hãy liên hệ với bác sĩ.

Biến chứng

Các vấn đề liên quan đến liệt dây thanh âm có thể nhẹ đến mức bạn chỉ có giọng nói khàn. Hoặc chúng có thể nghiêm trọng đến mức đe dọa đến tính mạng.

Liệt dây thanh âm có thể khiến cho đường thở của bạn mở hoặc đóng hoàn toàn. Vì vậy, các biến chứng khác có thể gặp như nghẹt thở hoặc hít phải thức ăn hoặc chất lỏng. Hít phải dị vật dẫn đến bệnh viêm phổi nặng thì thường hiếm gặp. Nhưng vấn đề này thường nghiêm trọng và cần nhập viện để được chăm sóc.

Chẩn đoán

Bác sĩ cần thêm thông tin về các triệu chứng và sinh hoạt hằng ngày của bạn. Thêm vào đó là cần nghe giọng nói của bạn và biết bạn đã gặp vấn đề này trong bao lâu. Để đánh giá thêm những vấn đề về giọng nói, các bài kiểm tra sau có thể được thực hiện:

Nội soi thanh quản

  • Bác sĩ sẽ xem xét dây thanh âm của bạn bằng gương hoặc nội soi hoặc cả hai. Hiện nay, hầu hết các trường hợp, bạn sẽ được chỉ dẫn để đi nội soi thanh quản.
  • Đây là một xét nghiệm không xâm lấn và có giá trị rất cao trong việc chẩn đoán.
  • Các hình ảnh thu được giúp bác sĩ đánh giá cả hai dây thanh của bạn, về hình thái bên ngoài cũng như khả năng vận động, liệt một hay hai bên.
  • Ngoài ra, các cấu trúc bên cạnh cũng được ghi nhận để loại trừ những nguyên nhân khác.

Liệt dây thanh
Nội soi thanh quản – cận lâm sàng đơn giản và có giá trị trong chẩn đoán

Các xét nghiệm khác

  • Điện cơ thanh quản. Thử nghiệm này đo dòng điện trong thanh quản. Để có được các chỉ số này, bác sĩ thường đưa kim nhỏ vào cơ dây thanh âm của bạn qua da cổ. Xét nghiệm này thường không cung cấp thông tin có giá trị nhiều để thay đổi điều trị. Nhưng nó có thể cung cấp cho bác sĩ thông tin về mức độ bạn có thể phục hồi. Thử nghiệm này hữu ích nhất để dự đoán khả năng bạn sẽ phục hồi khi thực hiện trong khoảng từ sáu tuần đến sáu tháng sau khi các triệu chứng của bạn bắt đầu.
  • Xét nghiệm máu và hình ảnh học. Vì một số bệnh có thể khiến dây thần kinh bị tổn thương nên bạn có thể cần xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây tê liệt. Các xét nghiệm có thể bao gồm xét nghiệm máu, chụp X quang, chụp MRI hoặc CT.

Xem thêm: 10 chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bạn cần biết

liệt dây thanh
Hình ảnh MRI vùng cổ ghi nhận bất thường tại dây thanh âm

Điều trị liệt dây thanh âm

Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian từ khi xuất hiện triệu chứng. Các phương pháp có thể bao gồm luyện giọng, tiêm thuốc, phẫu thuật hoặc kết hợp các phương pháp điều trị.

Trong một số trường hợp, tình trạng của bạn có thể cải thiện tốt lên mà không cần phẫu thuật. Vì lý do này, bác sĩ có thể trì hoãn phẫu thuật ít nhất một năm kể từ khi bắt đầu liệt dây thanh âm. Trong thời gian chờ phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị trị liệu bằng luyện giọng. Điều này giúp bạn không sử dụng giọng nói trong khi các dây thần kinh lành lại.

Trị liệu qua luyện giọng

Các buổi trị liệu qua luyện giọng bao gồm các bài tập và các hoạt động khác để tăng cường dây thanh âm của bạn. Chúng giúp cải thiện kiểm soát hơi thở trong khi nói. Giúp ngăn chặn sự căng thẳng bất thường ở các cơ khác xung quanh dây thanh hoặc dây bị liệt. Và bảo vệ đường thở của bạn trong khi nuốt. Nếu dây thanh âm của bạn bị liệt ở một vị trí mà bác sĩ cho rằng điều trị phẫu thuật hay sử dụng thuốc là không cần thiết. Thì liệu pháp giọng nói có thể là phương pháp điều trị duy nhất bạn cần.

Phẫu thuật

Nếu các triệu chứng tê liệt dây thanh âm của bạn không tự phục hồi hoàn toàn, phương pháp điều trị phẫu thuật có thể được cung cấp để cải thiện khả năng nói và nuốt.

Lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Tái tạo hình thái dây thanh. Việc tái tạo hình thái dây thanh còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương của dây thanh của bạn. Vấn đề này cần được bác sĩ tư vấn kỹ hơn trong quá trình khám cũng như điều trị.
liệt dây thanh
Phẫu thuật tái tạo hình thái dây thanh
  • Thay thế dây thần kinh bị tổn thương. Trong phẫu thuật này, một dây thần kinh lành lặn được di chuyển từ một khu vực khác của cổ để thay thế dây thanh âm bị tổn thương. Có thể mất sáu đến chín tháng trước khi giọng nói được cải thiện. Một số bác sĩ kết hợp phẫu thuật này với các thủ thuật khác trước, trong và sau phẫu thuật.
  • Mở khí quản. Nếu cả hai dây thanh âm của bạn bị liệt và nằm sát nhau, luồng khí hít thở sẽ bị giảm. Trong trường hợp này, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thở và yêu cầu một tiểu phẫu thuật gọi là mở khí quản. Trong phẫu thuật mở khí quản, một vết mổ được tạo ra ở phía trước cổ của bạn và một lỗ mở được tạo trực tiếp vào khí quản. Một ống thở được đưa vào, cho phép không khí đi qua mà không bị tác động bởi các dây thanh âm bất động.

Phương pháp điều trị mới

Liên kết dây thanh âm với một nguồn kích thích điện khác – có thể là dây thần kinh từ một bộ phận khác của cơ thể hoặc một thiết bị tương tự như máy tạo nhịp tim – có thể khôi phục mở và đóng dây thanh âm. Các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu điều này và các lựa chọn khác.

Trên đây là bài viết tổng quan về bệnh liệt dây thanh. Các triệu chứng và nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị đã được nêu ở trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận ở dưới hoặc liên hệ trực tiếp với bác sĩ để được hỗ trợ thêm nhé.

Xem thêm: Giọng nói thay đổi: Nguyên nhân do đâu?

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vocal cord paralysishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vocal-cord-paralysis/symptoms-causes/syc-20378873

    Ngày tham khảo: 20/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người