Lỡ dùng thuốc kháng sinh khi mang thai phải làm gì?
Nội dung bài viết
Hiện nay, việc dùng thuốc kháng sinh trở nên phổ biến nhằm điều trị các bệnh nhiễm khuẩn ở tất cả các đối tượng từ trẻ nhỏ tới người già và phụ nữ có thai. Vậy trong trường hợp không biết có thai uống thuốc kháng sinh thì mẹ bầu cần phải xử trí ra sao? Hãy cùng Youmed tìm hiểu qua bài viết dưới đây bạn nhé!
1. Điều trị kháng sinh khi mang thai ảnh hưởng như thế nào?
Thai nhi rất dễ bị tổn hại nếu mẹ bầu không biết cách dùng thuốc sao cho an toàn.
- Giai đoạn 3 tháng đầu thai kì là giai đoạn phát triển phôi thai, tạo hình tượng và biệt hoá các bộ phận của bào thai. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng có thể gây ra quái thai hay dị tật bẩm sinh.
- Tháng thứ 4 trở đi là giai đoạn phát triển nhau thai. Sử dụng kháng sinh trong thời gian này có thể ảnh hưởng xấu đến các cơ quan sau này của trẻ do độc tính của thuốc với các mô.
Một số loại thuốc có thể vô hại cho thai nhi, song một số kháng sinh lại có thể gây ra dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, đặc biệt khi không biết có thai uống thuốc kháng sinh. Ảnh hưởng của kháng sinh lên bào thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, gồm:
- Loại kháng sinh
- Liều lượng
- Tác dụng phụ
- Thời điểm của thai kì
- Thời gian dùng kháng sinh
2. Sử dụng kháng sinh trong thai kì
Không biết có thai uống thuốc kháng sinh gây ra cho mẹ bầu nhiều lo lắng về sự an toàn của thai nhi. Chính vì thế, câu hỏi kháng sinh nào dùng được cho phụ nữ có thai được nhiều người quan tâm. Dưới đây là 3 nhóm kháng sinh với chỉ định, chống chỉ định và dùng thận trọng với phụ nữ có thai. Tuy nhiên cần lưu ý, việc uống thuốc kháng sinh phải thật sự cần thiết và có chỉ định tư bác sĩ, bạn không nên tuỳ ý sử dụng kháng sinh trong thời kì mang thai nhé.
2.1. Nhóm kháng sinh có thể dùng (chỉ định)
Kháng sinh nhóm Beta – lactam và Macrolid an toàn khi sử dụng cho phụ nữ có thai.
- Kháng sinh nhóm Beta – lactam
- Penicillin
- Ampicillin
- Amoxicillin/acid clavuclanic
- Cephalexin
- Cefaclor
- Cefpodoxime
- Kháng sinh nhóm Macrolid
- Erythromycin
- Clarithromycin
- Spiramycin
- Azithromycin
- Roxithromycin
2.2. Nhóm kháng sinh không thể dùng (chống chỉ định)
Sau đây là một số kháng sinh không thể sử dụng cho phụ nữ mang thai:
- Kháng sinh nhóm Phenicol có thể gây suy tuỷ, giảm bạch cầu và hội chứng Xám ở trẻ em
- Cloramphenicol
- Thiamphenicol
- Kháng sinh nhóm Cyclin ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và răng, cụ thể gây vàng răng ở trẻ em.
- Tetracyclin
- Doxycycline
- Minocyclin
- Kháng sinh nhóm Aminoglycosid có thể gây điếc bẩm sinh cho thai nhi do hư hại dây thần kinh thính giác.
- Streptomycin
- Gentamycin
- Kanamycin
- Kháng sinh nhóm Quinolon gây tổn thương thoái hoá khớp cho trẻ
- Ciprofloxacin
- Ofloxacin
2.3. Nhóm kháng sinh cần dùng thận trọng
Sau đây là một số kháng sinh cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai:
- Kháng sinh không nên dùng trong 3 tháng đầu thai kì: Rifamycin
- Kháng sinh không nên dùng cuối thai kì: Nitrofuran, Acid Nalidixic
- Kháng sinh không nên dùng trong giai đoạn đầu và cuối thai kì: Metronidazole, Trimethoprim, Sulfamid
3. Lưu ý xử trí khi lỡ dùng thuốc kháng sinh khi mang thai
- Bước 1: Tìm cách lưu giữ lại tên thuốc kháng sinh đã dùng
- Trong trường hợp không biết có thai uống thuốc kháng sinh, mẹ bầu nên xác định rõ loại thuốc mình đã uống bằng cách giữ lại vỏ thuốc. Nếu mua thuốc tại nhà thuốc, bạn có thể liên hệ nhân viên bán thuốc để biết rõ tên thuốc kháng sinh mình đã sử dụng.
- Bên cạnh đó, bạn nên xác định liều lượng đã dùng, số lần dùng.
- Bước 2: Đến cơ sở y tế chuyên khoa Sản
- Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, liên hệ ngay với bác sĩ Sản khoa để nhận được sự tư vấn tốt nhất từ bác sĩ.
4. Cần chú ý khi sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình mang thai
Mặc dù thuốc kháng sinh mang lại hiệu quả điều trị cao với các bệnh nhiễm khuẩn, mẹ bầu chỉ nên sử dụng kháng sinh với sự cho phép của bác sĩ vì 2 lý do chính:
- Tác dụng phụ có hại thường gặp như dị ứng ở mẹ và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết có thể vô tình tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi cho cơ thể.
- Việc lạm dụng kháng sinh có thể gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh, khiến việc điều trị bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là ở phụ nữ có thai càng khó khăn. Bạn cần thăm khám và tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ Sản khoa.
Mặc dù có một số loại thuốc kháng sinh an toàn trong giai đoạn thai kì, việc tham khảo ý kiến bác sĩ là vô cùng quan trọng. Bạn vẫn cần thăm khám và nhận được sự tư vấn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kì.
Cần lưu ý dùng đủ liều và thời gian dùng thuốc theo toa bác sĩ để phòng tránh việc kháng thuốc ngoài mong muốn.
Thông báo ngay với bác sĩ khi phát hiện tác dụng phụ không mong muốn và tái khám đúng thời gian quy định.
Bên trên là một số thông tin về các thuốc kháng sinh an toàn hoặc có thể gây rủi ro cho thai nhi. Bạn cần chủ động tham khảo ý kiến bác sĩ khi không biết có thai uống thuốc kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong thời kì mang thai nhé!
DS. Hoàng Thuỷ Tiên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/antibiotics-and-pregnancy/faq-20058542
- https://www.healthline.com/health/pregnancy/category-c-drugs
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/san-phu-khoa-va-ho-tro-sinh-san/dung-khang-sinh-khi-mang-thai-nao-cho-toan/
- http://tudu.com.vn/vn/tin-tuc-su-kien/thong-tin-thuoc/thuoc-khang-sinh-cho-phu-nu-co-thai/