Mách bạn thuốc nhỏ mắt trị viêm giác mạc hiệu quả
Nội dung bài viết
Viêm giác mạc là những tổn thương của giác mạc do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy để tìm hiểu kĩ hơn vấn đề này nhé!
Viêm giác mạc là bệnh gì? Có lây không ?
Định nghĩa
Viêm giác mạc là tình trạng sưng viêm của mắt, nguyên nhân có thể có hoặc không liên quan đến nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân
Viêm giác mạc không do nhiễm khuẩn có thể do chấn thương tương đối nhỏ. Điển hình là đeo kính áp tròng quá lâu hoặc do dị vật trong mắt. Đây là con đường thuận lợi cho vi sinh vật xâm nhập vào tổ chức giác mạc, gây tổn thương hoại tử tổ chức dẫn đến nhiễm khuẩn giác mạc.
Vi khuẩn (như tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh,… và virus (như adeno virus, ban đầu gây viêm kết mạc cấp, nếu sau 7-10 ngày chưa khỏi thì dễ dẫn đến tổn thương giác mạc; virus herpes) là những tác nhân điển hình thường gặp trong viêm giác mạc nhiễm khuẩn.
Triệu chứng
Khi bị viêm, mắt sẽ xuất hiện các triệu chứng chảy nước mắt nhiều, đổ ghèn, ngứa,… Ngoài ra, phần dịch keo dần trở nên nhày, dai chắc, sung huyết kết mạc. Tình trạng sợ ánh sáng, khó chịu càng tăng khi đứng trước gió, quạt, khói, bụi,… gia tăng và phần tròng trắng của mắt sẽ trở nên viêm đỏ.
Đây là một bệnh rất nguy hiểm. Nếu không được điều trị hoặc nếu nhiễm trùng trở nên nặng nề hơn, viêm giác mạc có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và có thể làm hỏng thị lực của bạn vĩnh viễn.
Đường lây truyền
Đối với viêm giác mạc tổn thương do dị vật, tùy theo mức độ của tổn thương mà có những hướng xử trí thích hợp. Vì những tổn thương do cơ học, không có tác nhân vi sinh vật, nên trường hợp này không lây nhiễm cho người xung quanh.
Đối với viêm giác mạc nhiễm trùng, nó có thể lây trực tiếp hoặc gián tiếp. Người bệnh thường lây bệnh qua việc dụi mắt, sau đó tiếp xúc dịch tiết với người hoặc vật xung quanh. Viêm giác mạc cũng có thể lây khi người bệnh rửa mặt hoặc lau mặt, rồi khăn mặt hoặc khăn tắm được người khác dùng lại.
Thuốc nhỏ mắt trị viêm giác mạc
Đối với viêm giác mạc không do nhiễm trùng
Việc lựa chọn thuốc nhỏ mắt viêm giác mạc sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Ví dụ, với sự khó chịu nhẹ do trầy xước giác mạc, bạn chỉ cần dùng thuốc nhỏ chứa nước mắt nhân tạo. Tuy nhiên, nếu viêm giác mạc gây chảy nước mắt và đau nhiều, có thể cần phải dùng miếng dán mắt 24 giờ và những thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ tùy tình trạng của bệnh nhân.
Một số thuốc nhỏ mắt trị viêm giác mạc có thể dùng trong trường hợp này:
1. Thuốc nhỏ mắt Systane Ultra 5 ml: có chứa thành phần chính Propylene Glycol, Polyethylene Glycol. Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng rát và kích ứng mắt. Giá tham khảo: 64.000 đồng/chai.
2. Thuốc nhỏ mắt Refresh Liquigel chai 15 ml: làm giảm tạm thời cảm giác nóng, kích ứng và khó chịu của mắt. Thuốc có thể được dùng như một chất bảo vệ tránh kích ứng mắt thêm nữa. Giá tham khảo: 86.000 đồng/chai.
3. Thuốc nhỏ mắt Vismed 0.3 ml hộp 20 ống: Điều trị khô mắt và có thể cải thiện tổn thương bề mặt của mắt. Ngoài ra, thuốc còn dùng để điều trị viêm giác mạc nông, hội chứng Sjogren hoặc hội chứng khô mắt tiên phát. Làm giảm tạm thời cảm giác khô mắt, nóng rát và mỏi mắt như do khói bụi, nhiệt khô, máy điều hòa nhiệt độ,…. Giá tham khảo: 224.000 đồng/hộp.
Đối với viêm giác mạc do nhiễm trùng
Trên nguyên tắc khi bị nhiễm trùng, cần phải làm kháng sinh đồ để định danh tác nhân nhiễm khuẩn. Từ đó, tùy vào kết quả mà bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ đưa ra chỉ định kháng sinh cho từng loại vi khuẩn khác nhau.
Nếu nguyên nhân dẫn đến viêm giác mạc là do virus hay nấm, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc nhỏ mắt viêm giác mạc thích hợp.
Bạn nên lưu ý rằng, việc điều trị muộn hoặc điều trị sai cách sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là mù lòa. Chính vì vậy, bạn không được tự ý mua thuốc để điều trị mà không thông qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Viêm giác mạc bao lâu khỏi?
Tùy vào mức độ của bệnh mà thời gian khỏi cũng khác nhau:
- Đối với viêm giác mạc không do nhiễm trùng, nếu nhỏ thuốc đều đặn kết hợp với tịnh dưỡng cho mắt thì sau 3-5 ngày, các tổn thương sẽ hồi phục hoàn toàn.
- Còn đối với viêm giác mạc do nhiễm trùng, tùy vào tác nhân gây bệnh và mức độ tuân thủ điều trị. Nếu tuân thủ tốt, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 7-10 ngày.
Viêm giác mạc kiêng ăn gì?
- Bạn nên kiêng ăn những đồ ăn dầu mỡ, cay nóng để không làm nặng thêm tình trạng viêm.
- Bạn cũng nên tránh những loại đồ uống có cồn, chất kích thích. Những điều này làm kéo dài thời gian điều trị.
- Ngoài ra, để nhanh khỏi bệnh, bạn nên giữ vệ sinh cho mắt. Khi di chuyển ngoài đường bạn nên mang theo kính để bảo vệ mắt viêm tránh khói bụi, ánh sáng. Đồng thời, bạn cũng có thể bổ sung thêm vitamin A vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Điều này là cần thiết ngay cả khi đã khỏi bệnh, để giúp cho đôi mắt sáng khỏe hơn.
Viêm giác mạc là một bệnh về mắt nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời và dứt điểm. Biến chứng nghiêm trọng có thể gặp phải đó chính là loét giác mạc dẫn đến mù lòa. Vì vậy, khi vừa khởi phát, bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, thuốc nhỏ mắt trị viêm giác mạc phải được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Viêm loét giác mạc nhiễm khuẩn: Nguy cơ cao gây mù lòahttps://suckhoedoisong.vn/viem-loet-giac-mac-nhiem-khuan-nguy-co-cao-gay-mu-loa-n180969.html
Ngày tham khảo: 18/01/2021
-
Viêm giác mạc có chữa khỏi?https://suckhoedoisong.vn/viem-giac-mac-co-chua-khoi-n61253.html
Ngày tham khảo: 18/01/2021
-
Keratitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/keratitis/symptoms-causes/syc-20374110
Ngày tham khảo: 18/01/2021