Viêm kết mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Viêm kết mạc là gì? Nguyên nhân nào gây ra bệnh? Bệnh có triệu chứng gì? Điều trị như thế nào? Viêm kết mạc có liên quan đến đại dịch COVID-19 như thế nào? Cùng theo dõi những vấn đề trên qua bài viết dưới đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo nhé!
Viêm kết mạc là gì?
Viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm mô kết mạc, sung huyết mạch máu, phù nề, đau và thường kèm theo tiết dịch. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhân khẩu học hoặc tình trạng kinh tế – xã hội.
Về dịch tễ học, tỷ lệ đau mắt đỏ thay đổi theo độ tuổi, giới tính và thời gian trong năm. Ở khoa cấp cứu, chẩn đoán viêm kết mạc cấp tính:1
- Tỷ lệ chẩn đoán nữ giới cao hơn nam giới.
- Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất xảy ra ở độ tuổi từ 0 đến 4 tuổi và chủ yếu vào tháng 3 còn các nhóm tuổi khác vào tháng 5.
- Có 15 – 40% dân số và thường xảy ra nhất vào mùa xuân và mùa hè.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn cao nhất từ tháng 12 đến tháng 4.
Triệu chứng viêm kết mạc
Thông thường, khi kết mạc bị viêm nhiễm, các mạch máu bên trong sưng và giãn rộng khiến cho phần tròng trắng của mắt có những đường màu đỏ.
Ngoài ra, mỗi nguyên nhân gây bệnh sẽ có những triệu chứng riêng biệt.
1. Viêm kết mạc do vi khuẩn2
- Mắt cảm giác cộm như có sạn, bỏng rát. Khó mở mắt vào buổi sáng khi ngủ dậy đổ ghèn, xuất hiện ở một bên mắt và sau đó lan sang mắt thứ 2;
- Mi mắt sưng nề và đóng vảy khô do tiết tố bám;
- Kết mạc cương tụ đỏ rõ nhất ở cùng đồ và nhạt dần khi ra đến vùng rìa. Trong trường hợp nặng có thể xuất hiện màng giả trên kết mạc.
2. Viêm kết mạc do virus Adenovirus2
- Giai đoạn 1: Trong 7 ngày sau khi bệnh khởi phát: giác mạc xuất hiện những chấm viêm biểu mô tỏa lan, thường khỏi sau khoảng 2 tuần;
- Giai đoạn 2: Sau khi bệnh khởi phát 1 tuần, biểu hiện bởi viêm giác mạc đốm tạm thời;
- Giai đoạn 3: Xuất hiện các ổ thẩm lậu giác mạc dạng đốm dưới biểu mô. Sau đó, các ổ viêm này sẽ tồn tại lâu dài và sau gây giảm thị lực.
3. Viêm kết mạc do virus herpes2
Da mi và da vùng quanh mi mắt xuất hiện những nốt mụn phỏng, phù đỏ vùng da xung quanh, tiết tố kết mạc loãng như nước, kết mạc cùng bên cương tụ, có phản ứng hột.
4. Viêm kết mạc do dị ứng2
- Viêm kết mạc dị ứng theo mùa hoặc quanh năm: Tình trạng dị ứng xảy ra nặng hơn theo mùa hoặc có thể xuất hiện quanh năm kèm theo viêm mũi dị ứng.
- Viêm kết mạc dị ứng mùa xuân: thường ở trẻ trai từ 5 – 7 tuổi, có tiền sử bị chàm, dị ứng trong gia đình. Bệnh này có thể gây tổn thương giác mạc và gây ảnh hưởng thị lực.
- Dị ứng kết – giác mạc: thường ở người trưởng thành, có tiền sử mắc bệnh chàm, hen suyễn. Thể này biểu hiện quanh năm, ngoài kết mạc, gây ra tổn thương mi mắt và giác mạc kèm theo làm giảm thị lực.
5. Viêm kết mạc – giác mạc do Chlamydia2
Đỏ mắt, cộm xốn, chảy nước mắt, tiết mủ nhầy, hột kết mạc ở người trưởng thành, lây theo đường sinh dục ít nhất 50% nhiễm khuẩn đường sinh dục kín mà không có triệu chứng, ít gặp lây theo đường tiếp xúc mắt sang mắt.
Nguyên nhân đau mắt đỏ
Nguyên nhân gây ra viêm kết mạc là:3
- Nhiễm trùng: virus (phổ biến nhất), vi khuẩn.
- Không nhiễm trùng: dị ứng và độc tố (phổ biến nhất), chất kích thích tại chỗ.
- Trong đó, 80% viêm kết mạc cấp tính là do virus như adenovirus, herpes simplex, herpes zoster và enterovirus, nhưng chủ yếu là adenovirus (chiếm 65% -90%).
Đối với trẻ em thì đau mắt đỏ do vi khuẩn phổ biến hơn so với người lớn:3
- Trẻ em: bệnh thường do H. influenza, S. pneumoniae và Moraxella catarrhalis.
- Người lớn: Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae.
- Các nguyên nhân vi khuẩn khác: Neisseria gonorrhoeae, chlamydia trachomatis và corynebacterium diphtheria. Trong đó Neisseria gonorrhoeae là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm kết mạc do vi khuẩn ở trẻ sơ sinh và người trưởng thành có hoạt động tình dục.
Viêm kết mạc và COVID-2019
Một nghiên cứu đã đánh giá quá trình lâm sàng của bệnh nhân mắc COVID‐19 và có hay không tình trạng đau mắt đỏ:4
- Tỷ lệ viêm kết mạc chung là 1,1% và 0,7% ở bệnh nhân COVID‐19 nặng và không nặng. Phân tích tổng hợp cho thấy những bệnh nhân bị nhiễm COVID‐19 nặng, khi nhập viện, tỷ lệ mắc đau mắt đỏ tăng lên.
- Tóm lại, kết quả của phân tích tổng hợp này cho thấy viêm kết mạc có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng COVID‐19.
Viêm kết mạc có nguy hiểm không?
Viêm kết mạc là bệnh không nguy hiểm, có thể điều trị dễ dàng và thường lành tính. Hầu hết các trường hợp bệnh đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, bệnh ở dạng cấp tính vẫn có thể gây ra một số biến chứng, mặc dù tình trình này rất hiếm gặp:
- Đau mắt đỏ do HZV (herpes zoster) có nguy cơ biến chứng cao nhất. Khoảng 38,2% bệnh nhân mắc HZV bị biến chứng giác mạc và 19,1% bị viêm màng bồ đào (là viêm mống mắt, thể mi, hắc mạc). Cần gặp bác sĩ nhãn khoa để đánh giá lại chặt chẽ.5
- Đau mắt đỏ do Neisseria gonorrhoeae gây tổn thương giác mạc và thủng giác mạc thứ phát, viêm màng não và nhiễm trùng huyết và có thể đe dọa tính mạng.3
- Đau mắt đỏ do Chlamydia ở trẻ sơ sinh có thể gây viêm phổi và/hoặc viêm tai giữa.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nên liên hệ bác sĩ để được thăm khám nếu bị viêm kết mạc cùng với bất kỳ điều nào sau đây:6
- Đau trong mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc nhìn mờ không cải thiện khi dịch tiết chảy ra từ mắt.
- Đỏ nhiều trong mắt.
- Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc không cải thiện.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu. Ví dụ: do nhiễm HIV, điều trị ung thư hoặc các điều kiện hoặc phương pháp điều trị y tế khác.
- Riêng trẻ sơ sinh khi có triệu chứng bệnh nên được bác sĩ thăm khám ngay.
Cách điều trị
Tùy vào nguyên nhân gây đau mắt đỏ mà phương pháp điều trị có thể khác nhau:6
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: dùng kháng sinh (ở dạng dung dịch nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt); có thể giảm cộm dưới mí mắt bằng cách chườm ấm. Giảm triệu chứng trong vòng 48 giờ sau điều trị và thường sẽ khỏi trong 1 tuần.
- Viêm kết mạc do virus: kháng sinh sẽ không có tác dụng. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhỏ mắt giúp tăng độ ẩm trong mắt kết hợp chườm ấm để giảm sưng. Thường được khỏi trong 1–2 tuần hoặc có thể kéo dài hơn.
- Viêm kết mạc dị ứng: chỉ định thuốc nhỏ mắt có hoạt chất kháng histamin để giảm viêm, phối hợp cùng thuốc trị nghẹt mũi để giảm các triệu chứng dị ứng. Có thể chườm mát để giảm bớt cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Cách phòng ngừa viêm kết mạc
Viêm kết mạc do virus và vi khuẩn có thể lây lan và rất dễ lây lan từ người này sang người khác. Bạn đọc có thể giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác bằng cách làm theo một số bước đơn giản để giữ vệ sinh tốt.
1. Về phía người bệnh7
Nếu bị đau mắt đỏ, bạn có thể hạn chế sự lây lan sang người khác bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây. Đặc biệt là trước và sau khi làm sạch mắt, nhỏ thuốc hoặc bôi thuốc mỡ vào mắt bệnh. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng chứa ít nhất 60% cồn để làm sạch tay.
- Tránh chạm tay vào mắt hoặc dụi mắt. Điều này có thể làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn hoặc lây lan sang mắt còn lại.
- Lau sạch dịch tiết xung quanh mắt nhiều lần trong ngày bằng khăn sạch, ướt hoặc bông gòn sạch. Rửa tay sạch trước khi lau. Vứt bỏ bông gòn sau khi sử dụng, giặt khăn đã sử dụng bằng nước nóng và chất tẩy rửa, sau đó rửa tay lại bằng xà phòng và nước ấm.
- Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt cho mắt bệnh và bên mắt còn lại.
- Giặt vỏ gối, khăn trải giường, khăn mặt và khăn tắm thường xuyên bằng nước ấm và chất tẩy rửa. Rửa tay sau khi giặt xong.
- Ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi khỏi bệnh hoặc có sự cho phép của bác sĩ.
- Lau sạch kính đeo mắt.
- Làm sạch, bảo quản và thay thế kính áp tròng theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân. Chẳng hạn như: gối, khăn lau, khăn tắm, thuốc nhỏ mắt, đồ trang điểm mắt hoặc mặt, cọ trang điểm, kính áp tròng, hộp đựng kính áp tròng hoặc kính đeo mắt.
- Không nên đến bể bơi trong thời gian bị bệnh.
2. Về phía người khỏe mạnh7
Nếu thường ở gần người bệnh, bạn có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách làm theo các bước sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước ấm, hãy sử dụng chất khử trùng chứa ít nhất 60% cồn để làm sạch tay.
- Rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc đồ vật mà người đó sử dụng.
- Tránh chạm vào mắt nếu chưa rửa tay sạch.
- Không dùng chung đồ dùng của người bị nhiễm bệnh.
3. Các biện pháp tránh bị lây bệnh lại7
- Nếu đã mắc và đã khỏi bệnh viêm kết mạc, bạn đọc có thể thực hiện một số bước để tránh tái nhiễm:
- Vứt bỏ và thay thế đồ trang điểm mắt, trang điểm mặt đã sử dụng khi bị nhiễm bệnh.
- Vứt bỏ kính áp tròng dùng một lần, hộp đựng, dung dịch rửa kính áp tròng đã sử dụng khi mắt bị bệnh.
- Làm sạch mắt kính nếu đã sử dụng trong khi bị nhiễm bệnh.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh viêm kết mạc. Tuy không nguy hiểm nhưng bệnh vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Do đó, cần phòng ngừa để tránh nhiễm bệnh nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Epidemiology of Conjunctivitis in US Emergency Departmentshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5773254/
Ngày tham khảo: 28/05/2023
-
Nhận dạng các thể viêm kết mạc thường gặphttps://tytphuong9qgv.medinet.gov.vn/phong-chong-benh-lay-truyen/nhan-dang-cac-the-viem-ket-mac-thuong-gap-c16737-86306.aspx
Ngày tham khảo: 28/05/2023
-
Conjunctivitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4049531/
Ngày tham khảo: 28/05/2023
-
Conjunctivitis and COVID‐19: A meta‐analysishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7264785/
Ngày tham khảo: 28/05/2023
-
Ocular manifestations in Herpes Zoster Ophthalmicushttps://www.nepjol.info/index.php/NEPJOPH/article/view/5271
Ngày tham khảo: 28/05/2023
-
Conjunctivitis (Pink Eye) - Treatmenthttps://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/treatment.html
Ngày tham khảo: 28/05/2023
-
Conjunctivitis (Pink Eye) - Preventionhttps://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/prevention.html
Ngày tham khảo: 28/05/2023