Mang thai tuần 13: Và những điều mẹ cần biết
Nội dung bài viết
Bạn đã gần hoàn thiện tam cá nguyệt (3 tháng) đầu tiên của quá trình mang thai. Đây sẽ là tuần cuối cùng trước khi bạn bước vào tam cá nguyệt thứ 2, tỉ lệ sẩy thai cũng sẽ giảm đi đáng kể. Thời điểm này trẻ sẽ hình thành một đặc điểm sinh trắc học quan trọng, không bao giờ thay đổi – đó chính là vân tay. Những thông tin về tuần thai thứ 13 sẽ được Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam chia sẻ trong bài viết sau đây.
Những thay đổi của cơ thể người mẹ khi mang thai tuần 13?
Tuần này đôi khi còn được gọi là thời kỳ vàng của thai kỳ. Bởi vì các triệu chứng ốm nghén như: buồn nôn và mệt mỏi đã giảm bớt. Thêm vào đó, nguy cơ sảy thai của bạn bây giờ giảm đi rất nhiều. Bạn sẽ có những trải nghiệm mới khi qua tam cá nguyệt thứ 2.
Ở thời điểm này, nồng độ hormone của bạn tiếp tục tăng. Điều này góp phần đến sự tăng trưởng của em bé. Và ảnh hưởng đến mọi hệ thống cơ quan trong cơ thể bạn.
Tim và hệ tuần hoàn
Hệ thống tuần hoàn lúc này tiếp tục mở rộng nhanh chóng. Tình trạng này góp phần là làm giảm huyết áp của cơ thể. Trong 24 tuần đầu tiên của thai kỳ, huyết áp của bạn có thể sẽ giảm từ 5 đến 10 mmHg so với bình thường.
Hãy lưu ý rằng bạn có thể bị chóng mặt hoặc ngất xỉu trong thời tiết nóng hoặc khi tắm nước nóng. Bởi vì nhiệt độ cao sẽ làm cho các mạch máu nhỏ trong da giãn ra. Tình trạng này tạm thời làm giảm huyết áp và làm chậm máu quay trở lại tim.
Hệ hô hấp
Nhờ sự kích thích của nội tiết tố progesterone, phổi của bạn đã lấy không khí nhiều hơn. Trên thực tế, bạn có thể hít vào và thở ra nhiều hơn 30 – 40% không khí so với trước đây. Những thay đổi này cho phép máu cơ thể mang một lượng lớn oxy đến nhau thai và em bé. Đồng thời loại bỏ nhiều carbon dioxide khỏi cơ thể hơn bình thường.
Bạn có thể nhận thấy rằng bạn đang thở nhanh hơn những ngày này so với trước khi bạn có thai. Bạn cũng có thể bắt đầu cảm thấy khó thở. Tình trạng này thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 13 của thai kỳ.
Hệ thống tiêu hóa
Tăng nội tiết tố progesterone và estrogen còn có có xu hướng làm giãn các cơ ở đường tiêu hóa. Kết quả là hệ thống tiêu hóa của bạn làm việc chậm hơn so với bình thường. Việc nuốt thức ăn từ thực quản xuống dạ dày chậm hơn và cũng giảm bớt nhu động ruột. Điều này góp phần làm cho các chất dinh dưỡng có nhiều thời gian hơn để được hấp thụ vào máu, và đến nuôi em bé.
Một điều không hay là khi sự thay đổi của tình trạng tiêu hóa kết hợp với tử cung mỗi ngày một to ra làm lấn át cơ quan lân cận. Kết quả là làm bạn sẽ hay ợ nóng và táo bón.
Đây cũng là hai trong số những dấu hiệu phổ biến và khó chịu nhất của thai kỳ.
Ngực
Ngực trở nên lớn hơn, quầng vú thâm, và nổi các hạt li ti xung quanh quầng vú. Tình trạng này là do các ống tuyến vú phát triển và dãn ra, chuẩn bị cho việc tiết sữa. Ngoài ra, sữa non bắt đầu hình thành trong tam cá nguyệt thứ hai. Đây là giai đoạn đầu tiên sữa mẹ được tạo thành. Sữa sẽ tiết ra một chút khi mẹ mát xa vú và đầu vú.
Đường tiết niệu
Sự kích thích nội tiết tố progesterone sẽ phần nào làm giãn ống dẫn nước tiểu. Ngoài ra, tử cung càng lớn sẽ càng làm cản trở sự di chuyển của dòng nước tiểu.
Những thay đổi này, kết hợp với việc bài tiết nhiều glucose trong nước tiểu, có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng bàng quang và thận.
Hãy đến cơ sở Sản phụ khoa hoặc thăm khám bác sĩ đang quane lý thai nghén của bạn khi bạn có nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu. Với các dấu hiệu như: Sốt, cảm thấy nóng rát khi đi tiểu, tiểu són, tiểu lắt nhắt, đau bụng, đau 2 bên hông lưng,…
Nhận biết và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu đặc biệt quan trọng trong thai kỳ. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ sinh non trong thai kỳ.
Những thay đổi của em bé khi bước sang tuần thai thứ 13
Ở thời điểm này, đầu của em bé là bộ phận lớn nhất trên cơ thể, khoảng 1/3 cơ thể. Với độ dài gần 9,5 cm và nặng khoảng 30 gram.
Thận và đường tiết niệu đã phát triển hoàn chỉnh. Bé bắt đầu uống nước ối và bài xuất nước tiểu. Tiếp tục tạo thành chu kỳ uống và tiểu.
Mắt và tai của bé giờ đây có thể nhận dạng rõ ràng.Mặc dù mí mắt vẫn còn nhắm chặt để bảo vệ đôi mắt đang phát triển. Bé sẽ bắt đầu mở mắt và biết nhìn xung quanh ở khoảng tuần 28 đến 30 thai kỳ.
Mô xương đang phát triển ở đầu, tay và chân bé. Nếu bạn lén nhìn trộm em bé trong tuần này, bạn có thể thấy một số xương sườn nhỏ của bé.
Em bé của bạn giờ đây có thể cử động, di chuyển mạnh hơn, biết cong tay và còn biết đá chân. Tuy nhiên, bạn sẽ có thể không cảm nhận được những chuyển động này cho đến khi em bé lớn hơn một chút.
Bé có thể đưa ngón tay cái lên miệng. Tuy nhiên cơ ở vùng miệng mặt vẫn chưa phát triển nhiều, nên bé vẫn chưa tập được phản xạ mút.
Điều đặc biệt, ở tuần thứ 13, sẽ có sự xuất hiện và hình thành vân tay trên các ngón tay của bé. Vân tay sẽ tồn tại vĩnh viễn và không bao giờ thay đổi.
Kế hoạch cho tuần thứ 13 của thai kỳ
Có nên quan hệ khi mang thai?
Khi phụ nữ kết thúc tam cá nguyệt đầu tiên, có thể cảm thấy ham muốn tình dục tăng lên. Thông thường các cặp vợ chồng tự hỏi liệu quan hệ tình dục trong khi mang thai có an toàn?
Trên thực em bé được bảo vệ bởi nước ối trong bụng mẹ, và bởi nút nhầy giúp đóng chặt cổ tử cung. Bên cạnh đó, thai vẫn chưa quá lớn. Vì thế quan hệ tình dục vẫn an toàn ở thời điểm này. Tuy nhiên, tình dục nên tránh nếu có:
- Tiền sử sinh non.
- Tiền sử sảy thai.
- Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân.
- Nhau tiền đạo hoặc nhau thai bám thấp.
- Hở eo tử cung.
- Nghi ngờ hoặc có viêm nhiễm đường sinh dục.
>> Xem thêm: Quan hệ tình dục khi mang thai: Những bối rối còn để ngõ
Vết rạn da xuất hiện ở ngực và bụng
Gần 90% phụ nữ mang thai sẽ xuất hiện các vết rạn da. Biểu hiện là các vệt hồng hoặc đỏ chạy dọc ở bụng. Một số người còn có thể gặp ở ngực.
Việc tăng cân với tốc độ an toàn có thể làm giảm khả năng xuất hiện vết rạn da. Ngoài ra, quản lý mức độ tăng cân còn giúp tốt cho sức khỏe của cả mẹ và thai.
>> Xem thêm: Thai to liệu có phải là tốt?
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các loại kem có chứa vitamin E và axit alpha hydroxy (AHA) để phòng ngừa rạn da. Sau khi áp dụng, nếu như sự rạn da vẫn tiếp tục, bạn cũng đừng nên lo lắng. Bởi vì các vết rạn này sẽ mờ dần sau khi sinh.
Một điều lưu ý, nếu bạn có sử dụng bất kỳ thuốc bôi nào. Hãy nên tham khảo ý kiến bác sĩ Sản khoa trước khi sử dụng. Bởi vì một số loại kem có thể hấp thu qua da và vào máu mẹ. Điều này có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Những lưu ý trong tuần thai thứ 13
Nếu bạn có tiền sử hở eo tử cung, bác sĩ Sản khoa có thể sẽ tư vấn với bạn về biện pháp khâu eo tử cung trong khoảng thời gian từ bây giờ đến tuần thứ 14 của thai kỳ. Đây được coi là khung thời gian lý tưởng để thực hiện thủ thuật, giúp phòng ngừa sẩy thai ở lần thai kỳ này.
Tập thể dục: Ở thời điểm này tập thể dục vẫn được khuyến khích. Các bài tập thể dục nhẹ như đi bộ, bơi lội, chạy bộ mức độ trung bình, yoga và tạ nhẹ đều là những lựa chọn tuyệt vời. Tập thể dục không chỉ tăng cường sức khỏe của mẹ và thai nhi, mà còn giúp tăng sức chịu đựng khi mẹ vào bồn sinh.
Một điều lưu ý, trọng lượng ngày càng tăng từ tử cung của bạn có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim. Điều này sẽ khiến bạn dễ thấy mệt, tức ngực và hụt hơi trong lúc tập. Vào lúc này, bạn nên nghỉ ngơi, uống nước, điều chỉnh lại thời gian và phương pháp tập thể dục hợp lý với thể trạng của bạn.
Khám thai ở tuần thai thứ 13
Thông thường, bác sĩ sẽ hẹn bạn tái khám khi ở tuổi thai từ 11 – 14 tuần. Nếu bạn bỏ lỡ tái khám theo lịch bác sĩ ở tuần 11 và 12, bạn cần đến khám thai trong tuần này. Vì ở lần khám thai này, mẹ sẽ cần làm một số xét nghiệm quan trọng. Bao gồm đo độ mờ da gáy, và douple test giúp phát hiện bé có nguy cơ cao mắc hội chứng Down, và các dị tật bấm sinh khác.
>> Xem thêm: Khám thai như thế nào để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh?
Một tin vui với người mẹ là chỉ còn vài ngày nữa thôi, mẹ sẽ bước sang tam cá nguyệt thứ 2. Với tỷ lệ sảy thai giảm đáng kể sau ba tháng đầu tiên sẽ giúp mẹ bớt nỗi lo hơn. Hãy giữ cho mình chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng thiết yếu. Bên cạnh đó người mẹ đừng quên cần duy trì tập thể dục để thúc đẩy thai kỳ thật khỏe mạnh. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về mang thai tuần 13 nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Mayoclinic (2018), Chapter 7 Month 4: Weeks 13 to 16. Guide to a Healthy Pregnancy, Second Edition.
-
Pregnancy Week 13https://americanpregnancy.org/week-by-week/13-weeks-pregnant/
Ngày tham khảo: 04/05/2020
-
You and your baby at 13 weeks pregnanthttps://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/13-weeks-pregnant/
Ngày tham khảo: 04/05/2020
- Guideline Bộ Y tế (2017), "Hướng dẫn quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú", Ban hành kèm theo Quyết định số 776/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.