YouMed

Ợ nóng: Nguyên nhân, điều trị, cách phòng ngừa

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú THÁI VIỆT NGUYÊN
Tác giả: ThS.BS Thái Việt Nguyên
Chuyên khoa: Nội tiêu hóa

Ợ nóng (ợ chua) là một tình trạng thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đa phần ợ nóng không quá khó chịu và có thể dễ dàng kiểm soát được. Chính vì vậy mà mọi người thường bỏ qua, không mấy để tâm đến tình trạng này. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Vậy làm cách nào để nhận biết sự nguy hiểm của nó để đi khám kịp thời? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Thế nào là ợ nóng?

Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở vùng ngực, ngay sau xương ức. Đa số mọi người sẽ thỉnh thoảng có một cơn ợ nóng mà không có triệu chứng báo trước. Tình trạng này thường gặp và không mấy nguy hiểm. Hầu hết sẽ được kiểm soát dễ dàng bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc không kê đơn.

Tuy nhiên, ợ nóng đôi khi xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Điều này có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe thực sự, cần được chăm sóc y tế.

ợ nóng

Vì sao xảy ra ợ nóng?

Ợ nóng xảy ra khi dịch dạ dày trào ngược vào thực quản.

Bình thường, thực quản cấu tạo như một đường ống nối từ miệng đến dạ dày, giúp lưu thông thức ăn. Ở phần nối thực quản – dạ dày có một lớp cơ co thắt với tác dụng đóng mở. Tên gọi của nó là cơ vòng thực quản dưới. Lớp cơ này mở rộng để thức ăn đi qua và khi đã xuống dạ dày thì đóng lại. Nhờ vậy mà khi dạ dày co bóp, dịch dạ dày không bị trào ngược lên thực quản.

Dịch chứa trong dạ dày gọi là dịch vị chứa acid giúp tiêu hóa thức ăn. Nếu dịch vị trào ngược lên thực quản, tính acid của nó có thể tổn thương niêm mạc thực quản. Từ đó gây ra triệu chứng ợ nóng kèm theo.

Vai trò chủ yếu tránh trào ngược thuộc về cơ vòng thực quản dưới. Bất kì nguyên nhân nào làm yếu cơ này hoặc cản trở hoạt động của nó đều có thể gây ra trào ngược.

Ợ nóng do trào ngược dịch vị lên thực quản
Ợ nóng do trào ngược dịch vị lên thực quản

Những ai dễ bị ợ nóng?

Các yếu tố nguy cơ của ợ nóng khá đa dạng. Có thể là các loại thực phẩm hoặc các tình trạng sau:

  • Thức ăn cay.
  • Các loại hành.
  • Thức ăn, đồ uống chế biến từ trái cây họ cam, chanh, quýt.
  • Thực phẩm chế biến từ cà chua (sốt cà chua,…).
  • Thực phẩm chiên hoặc chứa nhiều dầu mỡ.
  • Ăn quá no.
  • Bạc hà.
  • Sô cô la.
  • Rượu, đồ uống có ga, cà phê hoặc đồ uống có chứa caffein khác.
  • Người bị thừa cân hoặc mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ợ nóng.
  • Stress, lo lắng, bất ổn tâm lí kéo dài.
  • Vận động mạnh, tập thể dục ngay sau khi vừa ăn no.
Ợ nóng ở thai phụ
Ợ nóng ở thai phụ

Các dấu hiệu thường gặp

Triệu chứng của ợ nóng bao gồm

  • Một cơn đau rát ở ngực thường xảy ra sau khi ăn. Đôi khi cơn ợ nóng xảy ra vào ban đêm.
  • Vị đắng hoặc chua trong miệng. Vì vậy mà ợ nóng còn được gọi là ợ chua.
  • Ợ nóng thường nặng hơn sau bữa ăn. Tư thế nghiêng hoặc cúi người về phía trước cũng làm trầm trọng hơn tình trạng này.

Một số triệu chứng kèm theo

Bạn cũng có thể cảm thấy các dấu hiệu sau bên cạnh cơn ợ nóng:

  • Trớ. Là hiện tượng thức ăn chưa tiêu hoặc dịch vị trào ngược lên cổ họng, miệng. Thường xảy ra ngay sau ăn. Khác với nôn, trớ thường chỉ làm trào ra ngoài lượng nhỏ thức ăn và không có co thắt cơ ở vùng bụng.
  • Ho hoặc nấc cục.
  • Khàn giọng.
  • Hôi miệng.
  • Đầy hơi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu báo động

Các dấu hiệu dưới đây gợi ý một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn chứng ợ nóng thông thường. Hãy liên hệ bác sĩ ngay nếu bạn có:

  • Ợ nóng xảy ra hơn hai lần một tuần.
  • Các triệu chứng vẫn tồn tại mặc dù đã sử dụng thuốc không kê đơn.
  • Khó nuốt. Là cảm giác khó chịu khi nuốt thức ăn. Có thể là đau, nghẹn ở cổ hong và ngực khi nuốt. Cảm giác thức ăn xuống chậm hơn.
  • Buồn nôn hoặc nôn kéo dài.
  • Sụt cân vì chán ăn, ăn không ngon. Hoặc do khó nuốt và buồn nôn khiến bạn ăn không được.

Phân biệt chứng ợ nóng và đau thắt ngực

Đôi khi cơn ợ nóng dễ bị nhầm lẫn với một cơn đau thắt ngực do vấn đề tim mạch. Hai tình trạng này đều có cảm giác khó chịu ở ngực và có thể rất khó phân biệt. Nhưng hậu quả của đau thắt ngực nặng nề hơn rất nhiều. Dưới đây là một số đặc điểm khác nhau:

Ợ nóng Đau ngực
Khởi đầu với cảm giác nóng rát từ bụng di chuyển lên ngực Cảm giác đau ngực như thắt lại hoặc nặng ngực. Đặc biệt khi lan lên hàm, cánh tay hoặc lan ra sau lưng.
Thường xảy ra sau khi ăn, trong khi nằm hoặc đang cúi xuống Có thể xảy ra sau khi gắng sức như lao động mạnh,… Đôi lúc xảy ra khi nghỉ ngơi trên những bệnh nhân có bệnh tim mạch.
Thường đáp ứng tốt với các thuốc kháng acid. Cơn ợ nóng sẽ giảm trong vòng 15 phút sau khi dùng thuốc. Thường xảy ra trên những người có vấn đề tim mạch, đái tháo đường,…
Thường đi kèm cảm giác dịch trào ngược lên cổ họng, kèm vị chua hoặc đắng. Các triệu chứng đi kèm khác: khó thở, vã mồ hôi lạnh, hoa mắt chóng mặt đột ngột,..

Nếu các triệu chứng xảy đến mơ hồ và bạn không thể phân biệt được thì hãy gọi cấp cứu ngay. Một cơn đau tim không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề. Hậu quả xấu nhất có thể là tử vong.

Hậu quả nếu không điều trị đúng cách

Chứng ợ nóng kéo dài thường do trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản không được kiểm soát tốt. Tình trạng này được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Đây là một bệnh tiêu hóa mạn tính. Nếu không được điều trị tốt, GERD có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề:

  • Viêm thực quản, loét thực quản do tổn thương kéo dài vì acid trong dịch vị.
  • Hẹp thực quản.
  • Thay đổi lớp niêm mạc thực quản theo chiều hướng xấu. Tăng nguy cơ ung thư thực quản. (Barret thực quản).

Làm thế nào để chẩn đoán các tình trạng gây ợ nóng?

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh để xác nhận lại các triệu chứng bạn mắc phải. Nổi bật là ợ nóng và trớ. Các triệu chứng đi kèm khác như: ho, khàn giọng, nấc cục, đau ngực,… Mô tả cảm giác, hoàn cảnh xuất hiện, kéo dài bao lâu, những thuốc hoặc biện pháp đã dùng để làm giảm khó chịu,… Tất cả sẽ giúp ích cho chẩn đoán.

  • X-quang: để quan sát hình dạng của thực quản và dạ dày.
  • Nội soi sẽ được chỉ định khi có các dấu hiệu báo động. Thường gặp là nuốt khó, nuốt đau, đầy bụng, sụt ký, chảy máu từ đường tiêu hóa (ói máu, đi tiêu ra máu,…). Nội soi dạ dày – thực quản – tá tràng giúp quan sát toàn bộ đường tiêu hóa trên. Bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết (lấy mẫu mô từ niêm mạc thực quản) trong khi nội soi. Từ đó giúp phát hiện thêm các triệu chứng và góp phần chẩn đoán nguyên nhân.
  • Điều trị thử với thuốc PPI.
  • Đo hàm lượng acid trong thực quản.

Điều trị chứng ợ nóng ra sao?

Nhiều loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm chứng ợ nóng:

  • Thuốc kháng acid, giúp trung hòa acid dạ dày. Tác dụng của chúng là giúp giảm đau nhanh chóng. Nhưng không thể chữa lành các tổn thương thực quản.
  • Thuốc đối kháng thụ thể H2, có thể làm giảm acid dạ dày. Chúng không tác dụng nhanh như thuốc kháng acid, nhưng có thể giúp giảm đau lâu hơn.
  • Thuốc PPI, cũng có thể làm giảm acid dạ dày.

Nếu các phương pháp điều trị không kê đơn không hiệu quả hoặc phải dùng kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ. Bạn có thể cần thuốc theo toa và các xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Các phương pháp phòng ngừa

Thay đổi lối sống có thể giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa ợ nóng.

  • Duy trì cân nặng hợp lí. Thừa cân béo phì sẽ tạo áp lực lớn lên ổ bụng, đẩy dạ dày lên và khiến dịch vị trào ngược vào thực quản.
  • Mặc quần áo vừa vặn. Mặc quá chật cũng sẽ tạo áp lực lên ổ bụng.
  • Tránh những thực phẩm dễ gây ợ nóng: đồ cay, chiên xào, cà chua,…
  • Tránh nằm xuống ngay sau ăn. Tốt nhất là đợi khoảng ba tiếng đồng hồ sau ăn.
  • Tránh những bữa ăn tối quá muộn.
  • Nâng đầu giường nếu bạn thường ợ nóng vào ban đêm trong khi ngủ. Chú ý nâng đầu giường với một mặt phẳng cứng. Chỉ nâng bằng gối mềm thường không hiệu quả trong tình trạng này.
  • Tránh thuốc lá và rượu bia.

Ợ nóng là triệu chứng phổ biến ở nhiều người. Nó có thể thoáng qua và không nguy hiểm. Nhưng khi ợ nóng thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến những hậu quả xấu. Các triệu chứng chính là cảm giác nóng rát sau xương ức và trớ. Mấu chốt trong phòng ngừa ợ nóng là kiểm soát cân nặng, cẩn trọng trong các thói quen ăn uống. Hãy liên hệ bác sĩ khi ợ nóng thường xuyên kèm theo các dấu hiệu bất thường khác đế được chẩn đoán chính xác.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Heartburnhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heartburn/symptoms-causes/syc-20373223

    Ngày tham khảo: 20/03/2020

  2. Heartburn and acid refluxhttps://www.nhs.uk/conditions/heartburn-and-acid-reflux/

    Ngày tham khảo: 20/03/2020

  3. Bài giảng "Triệu chứng cơ năng tiêu hóa", sách "Triệu chứng học nội khoa ĐH Y Dược TP HCM", trang 111.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người