Mang thai tuần 20: sự phát triển của thai nhi và những thay đổi ở mẹ
Nội dung bài viết
Bé yêu của gia đình đã đi được một nửa hành trình phát triển trong bụng mẹ. Mang thai tuần 20 quả thật diệu kì khi mẹ cảm nhận sự hiện diện rõ ràng nhất của con. Mẹ vui biết bao khi đặt tay lên bụng và nghe được cử động con quẫy đạp. Mẹ chắc hẳn cũng rất háo hức để xem con yêu của mẹ tuần 20 đã lớn thêm thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!
Sự phát triển của thai nhi tuần 20
1. Hình thể
Bé yêu vẫn còn tí hon dù hình thể đã nhìn từa tựa như một em búp bê. Lúc này, thai nhi nặng khoảng 0.28 đến 0.39 kg và dài khoảng 15 – 20 cm hoặc hơn chút.
2. Da
Từ tuần 19, da của bé giống như có một lớp phủ trơn, màu trắng, được gọi là chất gây. Lớp chất này giúp bảo vệ làn da mỏng manh của bé. Hơn nữa, chất gây giữ cho da bé không bị nứt nẻ, trầy xước. Vì vậy, thai nhi di chuyển qua cổ tử cung và âm đạo dễ dàng hơn khi sinh thường.
Đến tuần 20, chất gây này tiếp tục phát huy vai trò bảo vệ da bé trong môi trường nước ối ngày càng nhiều. Da của bé lúc này bao gồm 4 lớp. Lớp da của bé cơ bản đã thành hình. Thai nhi 20 tuần tuổi phát triển lớp mỡ dưới da dày hơn. Do thế, da bé trông không còn “trong suốt” như cách đây vài tuần.
3. Tóc và móng
Tóc và móng tay em bé tiếp tục phát triển. Tưởng tượng mà xem, trong bụng mẹ hẳn là một em bé đáng yêu với đôi chân mày, lớp tóc tơ và đôi tay chân liên tục ngọ nguậy.
4. Não bộ và thần kinh
Thời điểm này là nửa cuối thai kì. Não tăng 6 lần cả về kích thước lẫn khối lượng. Tế bào não hình thành những kết nối phức tạp hơn. Tốc độ hoàn thiện về cấu trúc và chức năng cũng nhanh hơn.
5. Hệ tiêu hóa
Lúc này, hệ tiêu hóa của bé cũng bắt đầu hoàn thiện. Một bước tiến đáng kể là bé bắt đầu có những hoạt động đầu tiên tại ruột. Biểu hiện của sự phát triển này là sản xuất phân su. Đây là chất dính màu đen/xanh đậm được thải một phần vào nước ối và tích lũy tại đường tiêu hóa của bé con trong tuần này.
6. Giác quan
Ở thai tuần thứ 20, mí mắt của bé vẫn còn nhắm chặt. Thế nhưng, bé có thể phân biệt được sáng tối. Gần cuối kì mang thai, bé sẽ bắt đầu mở mắt. Mắt bé sẽ hoạt động nhiều để chuẩn bị làm quen với môi trường bên ngoài khi chào đời. Vị giác của bé cũng thay đổi. Thậm chí bé có thể nuốt được cơ đấy.
Sự thay đổi của mẹ khi mang thai tuần 20
1. Bụng bầu
Bụng mẹ vẫn đang to dần lên. Đến tuần thứ 20, tử cung đã phát triển đến tầm ngang rốn. Từ đây, bụng bạn sẽ càng ngày càng to lên nhanh chóng. Đến cuối thai kì, bạn sẽ cảm nhận bụng bầu to đến tận đáy lồng ngực của mình. Trừ khi mẹ quá cao, còn lại hầu hết trường hợp mẹ đều nhìn thấy bụng mình “to ra trông thấy”.
Chính vì bụng to lên, trọng tâm của mẹ sẽ dời ra phía trước. Cách bạn đứng, cử động hay đi bộ chắc chắn cũng thay đổi. Đôi khi bạn thấy ôi sao bản thân thật vụng về. Đôi khi, bạn thấy mình lúc nào cũng như muốn chúi ngã về trước. Bạn cũng có thể trải qua những cơn đau nhức liên tục, đặc biệt là vùng lưng và bụng dưới.
2. Cân nặng
Trong tháng thứ 5 này, mỗi tuần trung bình mẹ bầu sẽ tăng khoảng gần nửa lạng. Đến tuần 20, trung bình thai phụ tăng khoảng 5 kg.
3. Da
Da mặt bạn có thể xuất hiện vài vết sạm nhẹ. Tương như vậy, xung quanh núm vụ có thể sạm da đi một chút. Hầu hết những thay đổi này không có gì đáng lo ngại. Nốt ruồi cũng có thể thay đổi trong thai kì. Tuy nhiên, nếu bạn xuất hiện nốt ruồi mới hoặc nốt ruồi cũ đột nhiên thay đổi đáng kể về kích thước, hình dạng, bạn nên đi khám bác sĩ.
4. Cử động thai
Một trong những cảm giác diệu kì nhất trong thai kì chính là lúc mẹ nhận ra con biết đạp. Khoảnh khắc ấy thật an tâm khi từ đây, bạn nhận thức rất rõ sự tồn tại của bé yêu. Trải qua ba tháng đầu vất vả với thai nghén chỉ toàn nôn ói, cuối cùng bạn cũng đã thấy hạnh phúc và dễ chịu.
Thai máy hay cử động thai là khi thai nhi có những cử động như xoay trở mình, tay chân mà người mẹ cảm nhận được. Bà bầu sẽ bắt đầu cảm nhận được những cử động của thai nhi vào tuần lễ thứ 20 của quá trình mang thai.
Lúc đầu, bạn có thể không nhận ra cử động của bé. Một số phụ nữ mô tả các chuyển động có cảm giác giống như bướm bướm trong bụng hoặc dạ dày thấy nôn nao. Thường trong ba tháng giữa này, cử động của thai nhi thường không đều đặn. Nhưng, càng về sau, thai máy càng đều đặn hơn. Mẹ đặt tay lên bụng, cảm nhận những cử động nhẹ nhàng, tự hỏi liệu rằng bé yêu có nghe được tiếng mẹ. Điều đó khó mà biết được.
Tuy vậy chắc chắn rằng, kể từ lúc này, bố mẹ nào cũng sẽ thích thủ thỉ với con, cho bé nghe những bản nhạc yêu thích. Một số nghiên cứu còn chỉ rằng, bắt đầu “thai giáo” từ thời điểm này có thể giúp giảm sự căng thẳng và nỗi sợ khi sinh con ở mẹ, đồng thời tăng sự kết nối với em bé.1
5. Ăn uống
Chứng khó tiêu và ợ nóng tiếp tục tái phát do tác động của nội tiết tố giới tính duy trì thai, làm giãn các dây chằng ở khung xương chậu. Nội tiết tố này cũng làm giãn cơ thành ruột. Hệ quả, hoạt động của hệ tiêu hóa sẽ gặp khó khăn hơn thường ngày.
6. Phù chân giãn tĩnh mạch
Những tuần trước, các triệu chứng này có thể đã xuất hiện. Tuy nhiên mức độ triệu chứng sẽ đáng kể hơn vào tuần 20 này. Sự phát triển của thai nhi càng tăng tốc, càng có sự gia tăng áp lực lên các mạch máu ở chân mẹ, đồng thời mức progesterone cao càng làm tình trạng xấu đi. Mẹ có nhiều khả năng bị giãn tĩnh mạch nếu tình trạng này đã từng xảy ra với các thành viên khác trong gia đình.
Đồng thời, tình trạng có thể tệ hơn trong những lần mang thai tiếp theo và khi mẹ đã có tuổi.
Lời khuyên cho mẹ khi mang thai tuần 20
1. Khám thai khi mang thai tuần 20
Nếu tuần 18 và tuần 19 bạn vẫn chưa sắp xếp được công việc để gặp bác sĩ thì không còn gì thích hợp hơn tuần 20 này. Mọi thông tin về cân nặng, huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác sẽ được kiểm tra lại để đảm bảo thai kì vẫn khỏe mạnh.
Thậm chí, bác sĩ có thể đã hướng dẫn bạn về thai máy. Đặc biệt nhất, siêu âm vào tháng này đã có thể nhận biết được giới tính em bé. Nhưng nên nhớ, giới tính thai nhi là một bí mật!
2. Trang phục
Có thể thấy chân và mắt cá chân của bạn đã bắt đầu sưng lên khi mang thai tuần 20. Hiện tượng phù nề cũng xảy ra khi bạn đứng lâu. Lời khuyên cho bạn lúc này là chọn những đôi giày thoải mái, hơi rộng để dễ xỏ vào chứ không kích chân. Chỉ vài tuần nữa thôi, bạn sẽ thấy rằng mình thật sáng suốt vì đã chọn giày rộng hơn.
Kể từ lúc này, bạn dường như cũng không còn nhiều quần áo phù hợp trong tủ đồ vì cơ thể thai phụ phát triển nhanh chóng. Tậu đồ mới thôi! Dù là mẹ bầu, thì xinh đẹp cũng khiến tâm trạng phấn chấn lên đấy.
3. Thể dục – vận động
Mẹ sẽ cảm thấy khá thoải mái khi mang thai tuần 20 vì vẫn chưa quá nặng nề và hầu hết những khó chịu ở giai đoạn đầu của thai kì đã qua. Hãy tranh thủ thư giãn và tận hưởng trước khi giai đoạn cuối đến gần, mẹ nhé.
Đừng đứng suốt cả ngày khi mẹ mang thai tuần 20. Hãy chịu khó đi bộ những đoạn đường ngắn xung quanh nhà hay nơi làm việc.
Bên cạnh đó, mẹ cũng phải cần tránh hoạt động gây đau lưng, chẳng hạn như khom lưng cúi xuống. Tư thế tốt cho cột sống là ngồi xổm xuống, uốn cong đầu gối nhưng vẫn giữ thẳng cột sống lưng. Khi ngủ cố gắng nằm nghiêng về một bên.
Ngoài ra, mẹ nên dùng 1 đến 2 chiếc gối để kẹp giữa hai chân hoặc đặt dưới bụng. Mục đích nhằm hỗ trợ tốt nhất cho tư thế ngủ, tránh ảnh hưởng đến cột sống lưng. Nếu nệm giường của bạn đã bị lõm, không tạo cảm giác thoải mái và không giúp giữ thẳng cột sống của bạn thì hãy mạnh dạn thay nệm mới tốt hơn.
Xem thêm: Đau lưng khi mang thai và những điều mẹ bầu cần phải biết
4. Dinh dưỡng
Mẹ cần bổ sung đủ vitamin và dưỡng chất như sắt; vitamin A, B1, B2…; DHA; Choline… Trong khi đang mang thai, sản phụ cần đảm bảo lượng sắt hàng ngày từ 27 đến 30 mg. Nguồn sắt tốt từ thực phẩm bao gồm:
- Thịt heo.
- Thịt bò.
- Ngũ cốc bổ sung sắt.
- Các loại đậu.
- Cháo bột yến mạch.
- Cải bó xôi.
- Chocolate đen.
5. Lên kế hoạch cho thiên thần nhỏ
Lên kế hoạch cho việc sinh nở sớm sẽ cho bạn nhiều thời gian hơn để suy nghĩ. Nhờ vậy, bạn dễ có những lựa chọn phù hợp nhất cho cả mẹ và bé. Hãy dành thời gian để thảo luận một cách chi tiết cho kế hoạch sinh nở của bạn với chồng, bác sĩ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bây giờ đã là tháng thứ 5 và hành trình nửa chặng đường cuối cùng sẽ qua nhanh hơn bạn nghĩ đấy.
6. Bạn biết gì về “baby brain” – não em bé?
Chính vì đây là thời điểm nhận thức rất rõ có 1 sinh linh bé bỏng đang hiện diện và lớn lên trong bụng mình, mẹ bầu sẽ có những thay đổi cảm xúc rõ rệt. “Baby brain” hay não em bé là thuật ngữ dùng để mô tả những ảnh hưởng đến tâm lí, trí nhớ, khả năng suy nghĩ của người phụ nữ trong và sau thời gian mang thai.
Dựa trên kết quả nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018 của Đại học Deakin (Melbourne, Úc) và thực tế thăm khám, nhiều mẹ than phiền rằng bắt đầu giai đoạn này mình đặc biệt dễ quên, cảm thấy vụng về, tâm lí bất chợt như 1 đứa nhỏ.2 Điều này hoàn toàn bình thường, đừng quá bận tâm về nó. Nguyên do có thể là vì sự thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, thiếu ngủ hay mất cân bằng giữa đảm bảo công việc và chăm sóc thai kì. Bởi vậy, giữ cho tinh thần lạc quan cực kì quan trọng. Bạn cần tập trung vào khía cạnh tích cực của thai kì để có thể sẵn sàng cho hành trình làm mẹ rất dài phía trước.
Những ngày tháng mang thai là cả một hành trình tuyệt vời đối với các ông bố bà mẹ, tuy hạnh phúc nhưng cũng lắm thử thách. Trong đấy, mang thai tuần 20 chắc hẳn là một cốc mốc đáng nhớ khi thiên thần nhỏ đã có những cú quẫy đạp đầu tiên trong đời. Tuy vậy, đừng quá lo lắng nếu ở tuần này, mẹ bầu vẫn chưa thấy bé yêu của mình có động tĩnh gì. Có thể tuần 21 mới xuất hiện điều kì diệu đó, cùng đón chờ nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
The effect of haptonomy applied to pregnant women on perceived stress, fear of childbirth, and prenatal attachment: randomized controlled experimental studyhttps://link.springer.com/article/10.1007/s12144-022-03388-1
Ngày tham khảo: 19/05/2023
-
Cognitive impairment during pregnancy: a meta-analysishttps://www.mja.com.au/journal/2018/208/1/cognitive-impairment-during-pregnancy-meta-analysis
Ngày tham khảo: 19/05/2023