Mang thai tuần 21: Bắt đầu hành trình nửa sau thai kỳ
Nội dung bài viết
Thiên thần nhỏ nay đã 21 tuần tuổi. Cảm giác gắn kết giữa bạn và bé ngày càng rõ nét hơn. Nắm bắt những đặc điểm của con khi mang thai tuần 21 rất cần thiết để các mẹ chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
1. Sự phát triển của thai nhi tuần 21
1.1. Hình thể
Bé yêu vẫn đang tiếp tục lớn lên từng ngày. Đến tháng thứ 6 này, con bạn có thể đã nặng tới 0,35 – 0,4 kg rồi đấy. Bé dài khoảng 25 cm và càng ngày càng giống với hình hài đứa trẻ sơ sinh. Thai nhi tuần 21 tuy không còn sinh trưởng với tốc độ chóng mặt như các giai đoạn trước nhưng vẫn đang trong ngưỡng phát triển nhanh. Việc hoàn thiện các cơ quan khác nhau trong cơ thể là nhiệm vụ quan trọng của bào thai ở giai đoạn này.
1.2. Hệ tiêu hóa
Hệ thống tiêu hóa của bé vẫn đang được dần hoàn thiện để chuẩn bị cho cuộc sống ở bên ngoài. Chính vì vậy, lượng phân su tăng lên đáng kể trong tuần này. Vào tuần thứ 21, bé đã bắt đầu nuốt dịch màng ối. Ruột của bé đã phát triển đủ để hấp thu một lượng nhỏ các loại đường trong chất lỏng.
Lượng đường qua hệ tiêu hóa góp một phần nhỏ trong việc cung cấp dinh dưỡng cho bé. Hầu hết dưỡng chất cho thai nhi được cung cấp thông qua nhau thai và dây rốn.
1.3. Hệ tạo máu
Cho đến thời điểm này, gan và lá lách của bé gần như đã hoàn tất vai trò của mình trong việc sản xuất tế bào máu. Kể từ đây, tủy xương dần dần hoàn thiện để thay thế vai trò của gan và lách trong quá trình hình thành tế bào máu. Đến tam cá nguyệt thứ 3 và kéo dài suốt sau sinh, tủy xương sẽ trở thành cơ quan chính sản xuất tế bào máu. Lá lách sẽ ngừng sản xuất các tế bào máu ở tuần thai kỳ thứ 30. Gan cũng sẽ kết thúc nhiệm vụ này một vài tuần trước khi sinh.
1.4. Khuôn mặt
Lúc này, tai của bé đã hoàn thiện chức năng, giúp thai nhi nghe được gần như hầu hết mọi âm thanh bên ngoài tử cung. Bé sẽ phản ứng nếu có tiếng ồn lớn đột ngột. Khi thai nhi 21 tuần tuổi, ngay khi vẫn đang còn nhắm mắt thì bé vẫn phân biệt được sáng tối. Môi, mí mắt và lông mày trở nên rõ nét hơn. Thậm chí, chồi răng tí hon bên dưới lợi cũng đã bắt đầu hình thành.
2. Sự thay đổi của mẹ khi mang thai tuần 21
2.1. Bụng mẹ bầu tuần 21
Bụng mẹ vẫn tiếp tục to lên từng ngày. Cho tới tháng 6 này, gần như bạn không thể nào giấu được việc bụng to lên nữa. Tuần thai thứ 21, cân nặng của sản phụ thường tăng thêm khoảng 4,5 – 6,3 kg.
>> Mẹ bầu cần kiểm soát tốt vấn đề tăng cân khi mang thai để tránh các nguy cơ không mong muốn. Tìm hiểu thêm: Tăng cân trong thai kỳ như thế nào cho hợp lý?
2.2. Hệ nội tiết
Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone cao hơn một chút so với estrogen. Tháng này, mức estrogen đang tăng nhanh và sẽ bắt kịp progesterone vào tuần 22. Đồng thời, da mẹ tiết nhiều dầu hơn, tạo điều kiện để mụn trứng cá ghé thăm. Trong trường hợp này, mẹ cần phải rửa sạch vùng bị mụn với xà phòng nhẹ hoặc sữa rửa mặt, đều đặn 2 lần mỗi ngày. Không nên tự ý sử dụng bất kỳ thuốc hay kem trị mụn nào.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ vì nhiều loại hóa dược phẩm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi đấy. Hệ nội tiết thay đổi cũng là lý do khiến cho mẹ bầu dễ gặp tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân trong thai kỳ.
2.3. Thai máy
Bé yêu trong tuần này đã có thể cử động được tất cả các cơ. Thậm chí, bé còn có thể thực hiện rất nhiều động tác khác nhau. Chính vì vậy, thai máy ngày càng rõ ràng hơn. Khi mang thai tuần 21, những cú đá của thiên thần nhỏ mạnh hơn nhiều so với cảm giác “bướm bay lộn xộn” trong bụng mẹ ở tháng trước. Do đó, đừng lo lắng nếu ở tuần 20, bụng mẹ bầu vẫn còn yên ắng.
Qua tháng mới, nhiều khả năng bạn sẽ vỡ òa hạnh phúc khi cảm nhận được những cú hích sôi động do bé đạp vào bụng mẹ. Hãy rủ bố cùng xoa xoa tay lên bụng mẹ để lắng nghe bé đạp. Chồng bạn sẽ phấn khích vô cùng.
3. Lời khuyên cho mẹ bầu khi mang thai tuần 21
3.1. Dinh dưỡng
Mẹ không nên uống trà, cà phê. Lý do vì nó sẽ làm hạn chế quá trình hấp thu và tiết axit của dạ dày. Thay vào đó, mẹ cần uống đủ 6 – 8 cốc nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, mẹ cần bổ sung thêm các loại hoa quả ít ngọt như cam, nước dừa… Mẹ đừng quên tiếp tục bổ sung sắt cho cơ thể nhé! Thiếu sắt, cơ thể mẹ sẽ khó sản sinh hồng huyết cầu, dẫn tới thiếu máu. Hãy nhớ, mỗi ngày mẹ cần ít nhất 30 mg sắt nhé. Mẹ cũng nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin B cần thiết cho cơ thể.
3.2. Chăm sóc da
Thai phụ nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hoặc trang điểm không chứa dầu và các chất kích thích cho da. Không nên dùng bất kỳ loại thuốc trị mụn nào qua đường uống hoặc chỉ dùng theo toa bác sĩ. Luôn nhớ, một số thuốc có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Ngoài ra, mẹ có thể bắt đầu nhận thấy những vết rạn da trên bụng do da bụng giãn ra để điều chỉnh với kích thước bé đang lớn dần. Kem chống rạn da cho bà bầu có thể bắt đầu được sử dụng rồi đấy.
3.3. Chuẩn bị cảm xúc cho mẹ bầu và gia đình
Không còn là quá sớm để bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho sự xuất hiện của 1 thiên thần nhỏ. Hãy lên kế hoạch từ việc suy nghĩ đặt tên cho đến ngân sách nuôi bé hay cần phải sắm sửa những gì. Tất cả những điều ấy cần nhiều công sức hơn bạn tưởng tượng.
Thời gian sẽ trôi đi rất nhanh khi mẹ có em bé và nuôi dưỡng chúng. Trước khi khoảng thời gian ấy vụt đi, hãy lưu giữ quá trình có thai của mẹ cho thế hệ con cháu bằng cách giữ lại các hình ảnh siêu âm. Ký ức ấy khi nhìn lại sẽ tuyệt vời lắm đấy. Bố mẹ cũng nên thường xuyên nói chuyện với con, cho con nghe nhạc không lời hay các bản nhạc nhẹ để kích thích sự phát triển tư duy của bé.
4. Bài tập thể dục cho tháng này
4.1. Tập xương chậu với bóng
Bài tập đơn giản này là một cách an toàn để củng cố cơ bụng khi mang thai.
1. Ngồi trên sàn. Lưng bạn tựa vào quả bóng tập thể dụng. Bàn chân của bạn đặt trên sàn. Hai cánh tay chống sang hai bên hông. Mông không chạm sàn.
2. Đẩy phần lưng lên trên cao một chút. Giữ trong khoảng vài giây. Sau đấy quay trở lại vị trí bắt đầu.
3. Lặp lại 5 đến 10 lần.
4.2. Bài tập Kegel
Kegel là những bài tập giúp tăng cường sự vững chắc cho các nhóm cơ che chở và hỗ trợ cho các cơ quan nằm ở vùng chậu. Hãy tập chúng ít nhất 2 lần/ngày, với 4, 5 hiệp/lần tập. Bạn có thể bắt đầu với mốc thời gian là 10 giây cho việc thít chặt cơ vùng chậu và tăng lên mỗi tuần thêm 1 giây để nâng cao hiệu quả tập luyện.
- Thắt chặt các cơ vùng chậu.
- Giữ nguyên trạng thái thắt chặt trong 10 giây.
- Thả lỏng lại bình thường.
Mẹ gặp khó khăn với Kegel? Hãy nghĩ đến lợi ích của phương pháp này là giúp mẹ có thể kiểm soát được cơ thể mình tốt hơn trong quá trình mang thai và bé sẽ chào đời thuận lợi hơn. Như vậy, mẹ sẽ có động lực để vui vẻ tập mỗi ngày.
Khoảng thời gian 21 tuần thai là giai đoạn khá thú vị cho mẹ bầu. Bụng mẹ chưa quá lớn và những khó chịu thông thường ở đầu thai kỳ trên hầu hết các bộ phận cơ thể đều biến mất. Tuy xuất hiện nhiều thay đổi nhưng đừng quá lo lắng, mẹ hãy tận hưởng thật tốt giai đoạn này đi nhé. Chỉ khi tinh thần luôn thoải mái, mẹ mới có đủ sức khỏe tận hưởng niềm vui mang bầu.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pregnancy week by week Printhttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/fetal-development/art-20045997
Ngày tham khảo: 08/07/2020
-
21 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and Morehttps://www.healthline.com/health/pregnancy/21-weeks-pregnant#call-the-doctor
Ngày tham khảo: 08/07/2020
-
21 Weeks Pregnanthttps://www.pampers.com/en-us/pregnancy/pregnancy-calendar/21-weeks-pregnant
Ngày tham khảo: 08/07/2020
-
Week-by-week guide to pregnancyhttps://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/2nd-trimester/week-21/
Ngày tham khảo: 08/07/2020