Mang thai tuần 26: Những điều cần biết
Nội dung bài viết
Bạn đã đi được 2/3 chặng đường của thai kỳ. Mặc dù bụng của bạn đã tương đối to, nhưng nó hoàn toàn có thể to hơn nữa. Đứa bé có thể cử động mạnh mẽ hơn và tai bé có thể nhận thấy âm thanh một cách dễ dàng hơn. Những tế bào thần kinh của trẻ đã phát triển hơn, đứa bé có thể cử động nhịp nhàng, phối hợp với nhau. Hãy cùng nhau tiếp tục tìm hiểu về thai kỳ của bạn một cách trực quan, chi tiết và nhiều thông tin có ích nhé.
1. Sự phát triển của trẻ
1.1 Da, lông, tóc
Lông mày và lông mi của trẻ đã có hình dạng nhất định rồi đấy. Tóc của trẻ cũng bắt đầu xuất hiện và nhiều dần từ lúc này. Em bé ở tuần thứ 26, dù đã có sự lắng đọng của mỡ dưới da tương tự tuần 25, nhưng em bé vẫn có màu đỏ và da nhăn nheo. Như đã nhắc ở tuần 25, mỡ dưới da lắng đọng có chức năng vật lý là làm thay đổi màu da, cũng như làm da trẻ căng bóng, và chức năng chuyển hoá thành năng lượng và tạo nhiệt cho trẻ, giữ ấm sau khi sinh ra.
Sự xuất hiện của mỡ sẽ ngày càng nhiều hơn.
Dấu vân tay và, vân chân đã được hình thành. Xem thêm: Mang thai tuần 25: Sự tò mò của trẻ.
1.2 Mắt và hệ thần kinh của trẻ
Mắt của trẻ cũng đã được cấu tạo hoàn chỉnh, nhưng trẻ vẫn chưa mở mắt ra đâu nhé.
Ở tuần 26 này, thông thường trẻ nặng khoảng 700 gram – 900 gram.
Sự phát triển các dây thần kinh của trẻ tăng hơn so với tuần thứ 25 đã làm tay trẻ với được các ngón chân. Cũng như bàn tay trẻ sẽ thường xuyên sờ nắn khuôn mặt, đặc biệt là môi.
Não là một cơ quan rất phức tạp. Trong suốt thai kỳ, não của trẻ không chỉ lớn dần lên mà còn trưởng thành nữa (có nhiều chức năng hơn). Điều này xảy ra do các tế bào thần kinh bắt đầu liên kết với nhau nhiều hơn. Những tế bào thần kinh này phát triển từ hơn 12 tuần trước, đến nay đã hoàn thiện. Tuy nhiên còn một chặng đường để phát triển nữa. Bề mặt não của trẻ lúc này khá trơn láng. Đến khi các tế bào thần kinh trong não phát triển hơn nữa, các nếp gấp não mới bắt đầu rõ ràng hơn.
Dịch não tuỷ là một loại dịch nằm trên trong xương sọ. Loại dịch này có nhiều chức năng. Một trong số đó là đệm cho mô não không bị dập khi đụng vào xương sọ khi có va đập.
1.3 Tuyến thượng thận của trẻ
Là một cấu trúc hình tam giác, nằm ngay trên thận. Điều đặc biệt là tuyến thượng thận của trẻ to gấp 20 lần ở người lớn.
Đây là một tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể. Chúng gồm 2 lớp tế bào, bên trong và bên ngoài. Các tế bào bên ngoài gọi là vỏ. Và các tế bào bên trong tiết ra Adrenaline và Noradrenaline.
Adrenaline còn được gọi là hormon giúp cơ thể đáp ứng với kích thích từ môi trường ngoài. Chúng làm tăng nhịp tim ở trẻ, tăng đường huyết, duy trì hoặc làm tăng huyết áp. Đây là hoạt chất giúp trẻ tự điều hoà cơ thể để phản ứng lại các kích thích bất lợi từ môi trường kể cả trong tử cung hay để sẳn sàng chào đời – một môi trường hoàn toàn lạ lẫm với trẻ.
>>> Xem thêm: Những vấn đề thường gặp khi mang thai
Còn các tế bào vỏ, chúng giúp trẻ điều chỉnh sự phát triển và trưởng thành. Bao gồm các chất điều hoà cân bằng muối, điều chỉnh nồng độ đường, mỡ, đạm trong máu, và hormon đặc trưng cho giới tính ở trẻ.
Chính vì những vai trò quan trọng này mà chúng có kích thước rất to từ bào thai đến vài tuần sau sinh. Sau đó kích thước tuyến thượng thận sẽ trở lại bình thường.
2. Một số thay đổi ở cơ thể của bạn
2.1 Hệ tim mạch
Huyết áp của bạn tăng dần lên và giảm dần sau khi sinh.
Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy tim đập nhanh. Điều này có thể xảy ra vì tử cung đè ép vào các tĩnh mạch lớn ở bụng, làm giảm lượng máu về tim, do đó, tim sẽ đập nhanh hơn để bơm đủ máu ra các cơ quan xung quanh.
Hiện tượng tim đập nhanh thường không gây ra rối loạn nguy hiểm nào và thường sẽ đập chậm lại sau khi sinh. Do đó, nếu bạn vẫn còn có giảm giác này sau sinh, hãy nói với bác sĩ chăm sóc cho bạn, đặc biệt khi bạn cảm thấy đau ngực hay khó thở.
2.2 Hệ hô hấp
Dung lượng – hay nói cách khác là khả năng chứa khí của phổi của bạn sẽ tăng dần từ tuần 25 trở đi, điều này do Progresterone – hormone sinh lý của thai kỳ gây nên. Điều này giúp máu của bạn mang nhận được nhiều oxy hơn để nuôi thai nhi và cơ thể bạn. Cũng như đào thải nhiều CO2 (sản phẩm đào thải của cơ thể) ra ngoài. Chính điều này có thể làm bạn sẽ thở nhanh hơn thông thường, cũng như dễ cảm thấy thở mệt hơn.
2.3 Hệ tiêu hoá
Sự di chuyển của thức ăn trong ruột sẽ chậm lại do lượng máu tới ít, cũng như progresterone làm các cơ này giãn ra. Ngoài ra, việc tử cung tăng kích thước theo thời gian dẫn đến nó sẽ đè ép lên các quai ruột này. Do đó, một điều khó tránh rằng thức ăn sẽ bị ứ đọng lại, hoặc gây ra trào ngược dạ dày thực quản (nóng rát giữa ngực, ợ chua, ợ hơi), hoặc táo bón hoặc cả 2 hiện tượng này).
3. Vấn đề của cơ thể bạn
Khi tử cung căng to, khung xương sườn bị đẩy ra phía trước. Điều này được lý giải đơn giản do sự đè ép các cấu trúc khác trong bụng. Khung xương sườn ngay phía trước bụng sẽ bị đẩy ra ngoài. Cũng chính nguyên nhân này, thai phụ có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu. Vị trí đau ở các khung sườn cuối cùng.
Điều này không thường xuyên xảy ra. Chỉ khi cơ thể của bạn nhỏ người so với dân số chung hoặc chính xác hơn là nhỏ tương đối so với thai nhi. Ví dụ : Một phụ nữ cao 1.7m, nặng 60kg mang thai đứa bé 1kg sẽ không cảm thấy đau xương sườn. Còn một phụ nữ cao 1.5m nặng 40kg mang thai đứa bé 1kg có thể khó chịu, đau xương sườn. Ngoài ra, việc sinh đôi, ba sẽ dễ dàng gây ra triệu chứng này hơn.
Triệu chứng đau trằn bụng từng cơn có thể xuất hiện. Điều này do không gian bên trong tử cung của bé bị khung sườn giới hạn. Đầu bé bị cấn bởi xương sườn. Điều này sẽ làm trẻ khó chịu và dùng chân đá vào thành tử cung của mẹ, gây ra đau đột ngột, tăng nhiều.
Tình trạng đau xương sườn sẽ tăng hơn khi ngồi xuống. Do ở tư thế này thể tích bụng mẹ sẽ nhỏ hơn các tư thế khác.
Do đó, khi xuất hiện triệu chứng này, hãy cố gắng đứng, đi lại hoạt động phù hợp, hạn chế ngồi.
4. Chuẩn bị gì để chào đón trẻ bây giờ ?
Chỉ còn khoảng 100 ngày nữa thôi, gia đình bạn sẽ chào đón thêm một thành viên mới. Chuẩn bị cho trẻ bây giờ là thời gian tương đối hợp lý.
Tuy nhiên, nên chú ý vào số tiền gia đình của bạn mà cân đo đong đếm cho hợp lý nhất nhé. Dưới đây là một số vật dụng mà bạn cần chuẩn bị:
Sữa
Sữa mẹ là miễn phí và tốt nhất cho trẻ mới sinh và trẻ nhỏ. Nếu bạn nuôi trẻ bằng sữa bình, hãy chuẩn bị vài chiếc bình sữa cho trẻ. Lựa chọn loại sữa theo hướng dẫn của bác sĩ và một bộ vệ sinh bình sữa.
Tã giấy
Bận sẽ cần lựa chọn loại tả dùng 1 lần hay tả có thể tái sử dụng hoặc kết hợp cả hai. Và dù là loại nào bạn cũng cần mua khăn giấy ướt để lau cho trẻ nhé.
Những vật dụng khác
- Nôi hoặc giường nhỏ dành cho trẻ.
- Quần áo. Trẻ sẽ lớn rất nhanh, do đó quần áo sẽ nhanh chóng chật đi. Do đó, đừng mua quá nhiều quần áo cùng một kích cỡ nhé.
- Xe nôi.
5. Kết luận
Tuần 26 đánh giá mốc trưởng thành của thai nhi về lông tóc móng, sự trưởng thành của thần kinh.
Một số triệu chứng có thể xuất hiện như đau khung xương sườn do sự lớn dần của tử cung so với bụng của người mẹ.
Hãy chuẩn bị những vật dụng cần thiết để đón em bé ra đời như tả giấy, quần áo, nôi từ bây giờ.
Trong thời điểm này. Chính bản thân mẹ, ngoài tử cung thì hệ tim mạch, hô hấp hay tiêu hoá cũng có thay đổi. Và chính những sự thay đổi này có thể làm người mẹ cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.
Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.