Mang thai tuần 27: Sự phản kháng của trẻ!!!
Nội dung bài viết
Ở giai đoạn này, tử cung bắt đầu trở nên nhỏ bé hơn… với đứa trẻ, sự phát triển của tử cung đã bắt đầu không theo kịp sự trưởng thành của bé. Khi không gian của tử cung ngày càng hẹp, đứa trẻ bắt buộc phải thay đổi tư thế thường xuyên để trở nên thoải mái hơn. Bé đôi khi sẽ đấm hoặc đá vào tử cung của mẹ. Thật thú vị khi bạn nằm trên giường hay trong bồn tắm và ngắm nhìn bụng của mình, bạn có thể thấy nó cử động và thay đổi hình dạng một chút đấy!!!
1. Những thay đổi của trẻ
Từ vẻ bề ngoài, em bé lúc này là một phiên bản thu nhỏ của chính nó khi đủ tháng chào đời. Sự khác biệt là bé sẽ thon gọn hơn, nhưng cũng đỏ hơn so với 37 hoặc 38 tuần.
Phổi, gan, và hệ miễn dịch của bé vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành nhưng cũng đã mang những vai trò quan trọng nhất định. Ở tuần thai này, với một hệ thống chăm sóc hoàn thiện, hiện đại thì dù mẹ bị sinh non, khả năng sống còn cũng đã đạt 94%. Tuy nhiên, sinh non ở độ tuổi này vẫn mang lại cho bé nhiều bệnh tật, như khó khăn để thở, do tim phổi vẫn chưa hoàn thiện, thiếu máu…
Bé đã có thể mở mắt ra, tuy nhiên, nó vẫn chưa thể nhìn thấy gì đâu. Không phải vì trong tử cung quá tối hay không có gì thú vị trong tử cung để nhìn. Mà bởi vì thị lực của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ. Đương nhiên, bé có thể chớp mắt rồi đấy.
Có bao giờ bạn lo lắng, việc sờ nắn lung tung của tay bé sẽ va chạm vào mắt hay không?
Câu trả lời là không!!! Như đã nói ở tuần thứ 26, việc vận động của bé đã trở nên linh hoạt hơn, cũng như phối hợp tốt hơn. Do đó, khi sờ chạm tới vùng mặt thì bé sẽ tự biết nhắm mắt lại.
Khả năng nghe của bé đã hoàn thiện hơn, nghe rõ giọng nói của bạn hơn. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài để có thể nghe tốt như người lớn.
Chiều cao của bé lúc này đã đạt gấp 4 lần so với lúc 12 tuần thai rồi đấy!!!
2. Những sự thay đổi của mẹ
2.1 Vú
Bạn đã có thể phát hiện những sự nhô ra của các tuyến vú ở phần núm vú. Sự phát triển của các tuyến vú tạo tiền đề để mẹ tạo sữa, sẵn sàng cho trẻ bú.
2.2 Tử cung
Sự nhô cao của tử cung đã đạt đến vị trí rất cao. Sự phình ra của tử cung những tuần sau đó bắt đầu chuyển sang chiều ngang. Bề cao lúc này của tử cung thường nằm vào khoảng giữa 2 bầu vú và rốn của mẹ. Đôi khi có thể chạm đến khung xương sườn của mẹ. Nếu điều này xảy ra thì có gây ra triệu chứng đau ngực.
Như đã nói từ trước, giai đoạn này bạn sẽ cảm nhận nhiều hơn về các cử động của bé, ví dụ như: thụi, đạp…Ở đa số trẻ, khả năng vận động liên tục này thường rơi vào tuần thai 27 – 32. Khi thai lớn hơn nữa thì bé sẽ bị ép chặt trong tử cung do tử cung khó mà lớn nhanh như thai. Nói cách khác bé khó mà cử động mạnh được nữa.
Đôi khi các cử động của bé gây ra một số phiền phức nhất định. Đầu tiên là cảm giác đau, mệt mỏi. Thứ hai là sự lầm tưởng đến các cơn gò chuyển dạ sinh. Cơn gò Braxton Hicks là thuật ngữ xuất hiện lúc này.
Khác biệt với cơn gò chuyển dạ sinh, cơn gò Braxton Hicks do cử động thai có 2 đặc điểm mà thai phụ cần nhớ:
- Xuất hiện không đều. Muốn xảy ra bất kỳ lúc nào cũng được, do đó không thể dự đoán được. Ở cơn gò chuyển dạ, cơn gò lúc đầu thưa, và càng ngày càng đều đặn.
- Mức độ trằn bụng, đau bụng rất thay đổi. Triệu chứng lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc dài, lúc ngắn. Còn cơn gò chuyển dạ thì càng lúc càng mạnh, càng lúc càng kéo dài.
>> Xem thêm: Cơn gò khi mang thai: Làm sao để phân biệt cơn gò thật và giả?
Tuy nhiên, việc đau trằn bụng dưới ở thai phụ thường mang lại nhiều lo âu cho cả người mẹ lẫn gia đình. Cũng như thật sự khó khăn để phân biệt cơn gò Braxton Hicks – sự quấy phá của trẻ hay cơn gò chuyển dạ – sự chào đón trẻ ra đời. Do đó, khi nghi ngờ chuyển dạ sinh thì bạn nên đến khám ở cơ sở y tế gần nhất nhé.
2.3 Hệ tiết niệu
Thông thường, sự co thắt của các cơ niệu quản, bàng quang sẽ giúp thải nước tiểu từ thận ra bên ngoài. Nước tiểu chảy nhanh chóng đóng góp một vai trò quan trọng trong việc rửa sạch vi khuẩn khỏi bề mặt của niệu quản cũng như bàng quang. Điều này không khác gì rửa vết thương dưới vòi nước đang chảy mạnh.
Tuy nhiên ở những tháng mang thai cuối cùng này, tốc độ chảy của nước tiểu từ thận sẽ trở nên chậm đáng kể. Nguyên nhân thứ nhất có thể là do tử cung quá to, đè ép bàng quang và niệu quản.
Nguyên nhân thứ 2 là do hormone thai kỳ (progresterone) làm giãn tử cũng cũng như làm giãn cả niệu quản lẫn bàng quang. Hệ lụy cuối cùng là làm tăng khả năng nhiễm trùng đường tiểu của thai phụ.
Thông thường, nhiễm trùng tiểu ở thai phụ không có triệu chứng gì. Nhưng sẽ mang lại nguy cơ nhiễm trùng cho thai nhi lúc bé sinh ra. Điều này dễ hiểu vì lỗ tiểu phụ nữ và âm đạo nằm gần nhau!!!
Do đó, thông thường ở tuần 35 thì các bác sĩ sẽ đề nghị việc kiểm tra nước tiểu và hậu môn của thai phụ để hạn chế việc bé bị nhiễm trùng.
Các triệu chứng khi bị nhiễm trùng tiểu
Thai phụ sẽ tiểu lắt nhắt thường xuyên hơn, có cảm giác rát, buốt khi tiểu, cảm giác mót tiểu (tiểu xong vẫn còn cảm giác muốn đi tiểu tiếp). Lúc này hãy gặp bác sĩ của bạn để tiếp nhận điều trị tốt nhất.
3. Tầm soát bệnh lý đái tháo đường thai kỳ
Thời điểm này bạn sẽ được bác sĩ sản phụ khoa đề nghị thực hiện kiểm tra đường huyết bằng một phương pháp mang tên: Nghiệm pháp dung nạp Glucose.
3.1 Nghiệm pháp dung nạp glucose
Phương pháp này thường được thực hiện vào tuần lễ mang thai 24 – 28. Đây chủ yếu là thời điểm xuất hiện những bất thường đầu tiên của đái tháo đường thai kỳ.
Vấn đề này khởi phát bởi một hormone tiết ra sinh lý trong thai kỳ, hormone này làm các tế bào của mẹ ít hấp thụ đường hơn, làm tăng đường huyết.
Tuy nhiên, ta thấy rằng không phải thai phụ nào cũng bị đái tháo đường thai kỳ. Do đó một số nghiên cứu y khoa ghi nhận rằng trong các trường hợp có đái tháo đường thai kỳ thì tuyến tụy (cơ quan tiết insulin – hormone đưa đường vào trong tế bào) của người mẹ đã bị tổn thương hoặc có thiếu hụt từ trước khi mang thai. Việc này dẫn đến Insulin tiết ra không đủ.
Thông thường đái tháo đường thai kỳ chỉ xảy ra khi có 2 vấn đề này cùng lúc.
>> Xem thêm: Tất tần tật những điều cần biết về tiểu đường trong thai kỳ
3.2 Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ
- Tiền căn đái tháo đường.
- Tăng huyết áp.
- Bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Gia đình có người thân bị đái tháo đường tuýp 2.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Thừa cân, béo phì.
- Người Mỹ gốc Phi, người Mỹ Latinh, người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Á, người đảo Thái Bình Dương.
- Từng sinh con to trên 4kg.
- Sẩy thai không rõ lý do.
- Hơn 25 tuổi.
Nghiệm pháp này hơi khó chịu. Chủ yếu là do mẹ phải uống một lượng nước đường tương đối nhiều và khó uống. Do đó nếu không thực hiện được thì bác sĩ sẽ xét nghiệm bằng phương pháp khác. Tuy nhiên độ chính xác sẽ giảm đáng kể.
4. Kết luận
Mang thai tuần thứ 27 đánh một mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của thai nhi. Trẻ sẽ cử động nhiều hơn, linh hoạt hơn. Những điều này cũng sẽ mang lại nhiều phiền toái cho người mẹ. Một số hệ cơ quan của mẹ phải thay đổi để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, cũng như chuẩn bị để chào đón trẻ ra đời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Pregnancy Day by Day. Your 27th week.
- Mayo Clinic Guide to a Healthy Pregnancy. CHAPTER 10 Month 7: Weeks 25 to 28.