Mang thai tuần 32: Sự thay đổi của mẹ và bé
Nội dung bài viết
Bạn đã sẵn sàng hay chưa? Khi mang thai tuần 32, chắc hẳn còn khoảng 8 đến 9 tuần nữa sẽ đến ngày em bé chào đời. Đừng lo lắng: bạn sẽ còn thời gian để chuẩn bị cho điều này. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về sự phát triển của bé ở tuần lễ 32, cũng như những thay đổi của mẹ.
Sự thay đổi trong cơ thể của người mẹ
Khi mang thai, bạn có thể gặp một số khó chịu như cảm giac mệt mỏi kéo dài và các triệu chứng dai dẳng khác, chẳng hạn ợ nóng, thường gặp ở tam cá nguyệt thứ ba. Điều này một phần là do tử cung của bạn đang lớn dần. Mặc dù, bạn phải chịu đựng những khó chịu, nhưng em bé của bạn được hưởng lợi từ mỗi ngày chúng ở trong bụng mẹ và chúng sẽ tiếp tục phát triển và phát triển cho đến ngày được sinh ra.
Trong tuần thứ 32 bạn có thể tăng thêm khoảng 0.5 kg. Giai đoạn này bạn nên lựa chọn thức ăn hợp lý và nhiều dinh dưỡng. Đặc biệt, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau quả tươi, thịt nạc, cá. Nên tránh xa các món chiên hoặc đồ ngọt. Bằng cách đó, bạn sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu quan trọng cho cả mẹ và bé.
Xem thêm: Tăng cân trong thai kỳ như thế nào cho hợp lý ?
Sự phát triển của bé
Sau tám tháng trong bụng mẹ, em bé không còn quá bé nhỏ nữa. Lúc này, thai nhi dài khoảng 42,5 cm, cỡ bằng một bắp xà lách. Đồng thời cân nặng khoảng từ 1,8 kg đến 2 kg.
Ngoài sự phát triển bên ngoài trẻ còn có những thay đổi đáng kể bên trong cơ thể. Phần lớn cơ thể bé nhỏ của trẻ đang gần đạt được hoàn thiện để sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài tử cung. Tuy nhiên, một số cơ quan cần được phát triển hơn nữa. Ví dụ như xương của bé đã được hình thành, nhưng xương vẫn còn khá mềm hoặc phổi của bé vẫn còn trong giai đoạn phát triển cuối cùng. Nếu bạn siêu âm thai trong tuần này, bạn có thể thấy một chút ít tóc trên đầu bé con của bạn.
Những triệu chứng trong thai kì tuần 32
Để sinh ra một đứa bé đáng yêu thật không dễ dàng chút nào, bạn có thể sẽ tiếp tục trải qua các triệu chứng mang thai cho đến khi sinh. Ở tuần 32 những triệu chứng này có thể bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Ợ nóng.
- Chảy sữa non.
- Cơn gò Braxton-Hicks.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Sưng và chảy máu nướu răng.
- Đầy bụng, khó tiêu.
- Táo bón.
- Đau đầu.
- Đau lưng.
- Chóng mặt.
- Nhiễm trùng tiểu.
- Nhiễm trùng âm đạo.
- Tóc dày và sáng hơn.
- Tay và chân bị sưng.
- Da nhờn.
Tuy nhiên, có những điều bạn có thể làm để giảm bớt khó chịu.
1. Chảy sữa non
Sữa non là một loại chất lỏng dạng kem, chảy ra từ vú trước và sau khi sinh. Sữa non đặc hơn sữa mẹ. Vì vậy bạn nên mua một miếng đệm vú bên trong áo ngực của bạn để cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Sữa non chỉ có thể chảy vào một vài thời điểm hoặc có thể không bao giờ xuất hiện trong thai kì. Cả hai tình huống đều bình thường. Chảy sữa non là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đã sẵn sàng sinh nở.
2. Cơn gò Braxton-Hicks
Trong những tháng cuối thai kỳ, thai phụ cảm thấy tử cung có những cơn gò nhẹ, một vài lần trong ngày, đó là những cơn gò sinh lý Braxton-Hicks. Những cơn gò Braxton – Hicks này không đều và không gây đau. Đây đơn giản là những cơn co thắt để giúp cơ thể của bạn “tập luyện” cho việc sinh nở.
Những cơn gò Braxton Hicks thường chỉ kéo dài khoảng 1 đến 2 phút. Tuy nhiên nếu kéo dài hơn hoặc trở nên mạnh, thường xuyên hơn. Bạn nên đến khám bác sĩ, bởi đây có thể là dấu hiệu của sinh non.
3. Táo bón
Táo bón khi mang thai cũng là một khó chịu khác mà bạn có thể phải chịu trong tuần này. Tình trạng khó chịu này chính là đau bụng, đầy hơi, đi phân cứng. Nếu bạn cần phải đi đại tiện, thì bạn hãy cứ đi ngay, vì nếu bạn cố gắng nhịn sẽ làm táo bón nặng nề thêm.
Các biện pháp có thể giúp bạn giảm táo bón như:
- Ăn nhiều chất xơ: như rau, củ, quả.
- Uống nhiều nước.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Thuốc nhuận tràng. Tuy nhiên bạn cần phải gặp bác sĩ của mình, để được tư vấn sử dụng thuốc.
4. Hay đi tiểu và cảm giác hụt hơi
Cũng khá là thông thường nếu bạn cảm thấy mình đi vào nhà vệ sinh thường xuyên hơn. Điều này là do tử cung và em bé của bạn đang gây áp lực lên bàng quang của bạn. Dó đó, bàng quang của bạn chịu kích thích thường xuyên hơn và khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Sẽ thật là khó chịu nếu bạn phải thường xuyên đi vệ sinh vào ban đêm. Bởi vì bạn vừa mệt mỏi, vừa khó có thể tìm được một tư thế ngủ thoải mái với một chiếc bụng to vào.
Tử cung đang lớn dần của bạn cũng là nguyên nhân khiến bạn khó thở nhẹ. Hãy làm mọi thứ chậm rãi và từ từ, nghỉ ngơi khi bạn có thể. Tuy nhiên, nếu bạn gặp khó thở đáng kể, nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Xem thêm: Những điều cần biết về Kegel: Bài tập luyện cơ vùng chậu cải thiện tiểu không kiểm soát.
5. Mệt mỏi
Tăng trọng lượng của em bé trở thành một vật nặng để mang và có thể khiến bạn cảm thấy khá mệt mỏi. Các cơ lưng và chân đặc biệt bị ảnh hưởng bởi trọng lượng ngày càng tăng. Mệt mỏi cũng có thể do bạn ăn uống không đầy đủ. Lượng đường trong máu thấp có thể khiến cho bạn cảm giác vừa mệt mỏi, vừa lâng lâng.
Lối sống trong tuần lễ thứ 32
Trong vòng khoảng 2 tháng nữa, lối sống của bạn sẽ xoay quanh việc chuẩn bị sinh con. Bạn nên tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng để giúp cơ thể thoải mái, tăng cường sức khỏe. Đồng thời, việc tập thể dục thường xuyên cũng giúp cho hạn chế bệnh trĩ trong giai đoạn thai kì.
Những tháng cuối thai kì, bạn không nên làm mọi việc quá tích cực và vội vã. Thay vào đó, bạn hãy làm mọi việc một cách chậm rãi và bình tĩnh hết mức có thể. Yoga và một vài liệu pháp massage có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
1. Quan hệ tình dục trong tuần 32 của thai kì
Nhiều phụ nữ vẫn thích quan hệ tình dục trong khi họ mang thai. Do đó, bạn nên tìm tư thế thoải mái cho mình khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu bạn có một số biến chứng trong thai kì, bạn nên đặt việc quan hệ sang một bên cho đến khi bạn đã sinh con. Nếu còn thắc mắc về vấn đề này, bạn có thể tham khảo tại bài viết: Quan hệ tình dục khi mang thai: Những bối rối còn để ngõ
2. Khi nào bạn nên cần khám bác sĩ
Bạn nên khám bác sĩ khi bạn có bất kì triệu chứng nào sau đây:
- Chảy máu âm đạo hoặc chảy dịch âm đạo.
- Sốt.
- Đau đầu dai dẳng.
- Đau bụng hoặc đau vùng chậu dữ dội.
- Hoa mắt, mờ mắt.
3. Những điều mẹ bầu cần lưu ý ở tuần thai 32
3.1 Tiền sản giật
Hãy cảnh giác với các triệu chứng như tăng cân đột ngột, đau đầu dai dẳng, thay đổi thị lực, đau bụng trên, sưng bọng mắt, Đây có thể là dấu hiệu của một rối loạn huyết áp tăng liên quan đến mang thai được gọi là tiền sản giật. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Tiền sản giật: Mối đe dọa cho mẹ bầu và em bé!
3.2 Đếm bé đạp
Đến số lần bé đạp để đảm bảo bé vẫn khỏe mạnh. Đếm ít nhất 2 lần một ngày, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Tốt nhất là khi bạn nằm xuống, vì trẻ có khả năng tỉnh táo hơn khi mẹ được nghỉ ngơi. Đếm bất kì chuyển động nào thậm chí là lắc hay cuộn tròn đến khi bạn đếm được 10 cái. Nếu như bạn không đạt được 10 cái trong vòng 1 giờ, thì có thể bé yêu của bạn đang nghỉ ngơi.
Vì vậy hãy ăn nhẹ và thử lại lần 2, lượng đường tăng nhanh trong máu có thể khiến cho bé “vận động” trở lại. Nếu như có ít hơn 10 chuyển động trong vòng 2 giờ, thì bạn đến bác sĩ để kiểm tra lại. Có thể bé con của bạn lúc ấy “hơi lười” và mọi chuyện vẫn ổn. Tuy nhiên, an toàn vẫn là trên hết.
Bạn đang trong thai kì tuần 32, nghĩa là còn khoảng 8 – 9 tuần nữa bạn sẽ được gặp bé yêu của mình. Trên đây là những thông tin mang tính chất tham khảo, nếu thắc mắc bạn hãy liên hệ với bác sĩ của mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
You and your baby at 32 weeks pregnanthttps://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/32-weeks-pregnant/
Ngày tham khảo: 05/06/2020
-
Week-by-week guide to pregnancyhttps://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/3rd-trimester/week-32/
Ngày tham khảo: 05/06/2020
-
32 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and Morehttps://www.healthline.com/health/pregnancy/32-weeks-pregnant
Ngày tham khảo: 05/06/2020
-
Your pregnancy at 32 weekshttps://www.babycentre.co.uk/s1001629/your-pregnancy-at-32-weeks
Ngày tham khảo: 05/06/2020