YouMed

Mang thai tuần 39: Sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Mang thai tuần 39 là một trong những thời điểm rất ý nghĩa đối với hầu hết thai phụ. Trong tuần mang thai này, rất nhiều khả năng mẹ bầu sẽ chuyển dạ. Vậy thì trong tuần lễ này, mẹ bầu nên chú ý những điều gì? Em bé trong bụng có gì thay đổi so với tuần 38 hay không? Hãy cùng ThS.BS Phan Lê Nam đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

Mang thai tuần 39 có gì đặc biệt?

Mang thai tuần 39 là một trong những khoảnh khắc cuối cùng của thai kỳ. Lúc này đây, em bé trong bụng đã phát triển hoàn thiện. Tất cả các cơ quan trong cơ thể của bé đã được định hình hoàn chỉnh. Vì thế, bé có thể tồn tại độc lập với môi trường bên ngoài.

Tỉ lệ thai phụ sinh em bé đúng ngày dự sinh chỉ vào khoảng 4% đến 5% vì thế mẹ bầu không nên chủ quan. Mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến những dấu hiệu khởi phát chuyển dạ vì em bé sẽ ra đời bất cứ lúc nào trong tuần này đấy!

Quá trình chuyển dạ của mẹ bầu báo hiệu em bé sắp chào đời. Bạn có thể tìm hiểu thêm: Quá trình chuyển dạ và sinh nở diễn ra như thế nào?

Tuy nhiên, vẫn có không ít các trường hợp em bé muốn nán lại trong bụng mẹ một thời gian nữa. Vì thế, mẹ bầu có thể mang thai đến tuần lễ thứ 40. Thế nhưng, mẹ bầu không cần phải vì vậy mà lo lắng. Bạn nên cố gắng giữ tinh thần lạc quan để sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ của mình nhé!

Mang thai tuần 39
Mang thai tuần 39

Đặc điểm của em bé khi mẹ bầu mang thai tuần 39

Lớp chất lipid của thai nhi

Khi mẹ bầu mang thai tuần 39, về mặt thể chất, lúc này thai nhi đã phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên, bé vẫn tiếp tục phát triển. Một lớp mỡ bao phủ hầu khắp cơ thể của bé được tích tụ dày hơn. Nó có vai trò giữ ấm cho bé sau khi ra đời, giúp ổn định thân nhiệt của trẻ.

Não của thai nhi

So với tuần thứ 38, cơ thể bé vẫn không có gì thay đổi nhiều. Tuy nhiên, bộ não của bé vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ khá nhanh. Chỉ trong vòng 4 tuần qua, não của bé đã tăng trưởng thêm 1/3.

Trong vòng 3 năm đầu, não của bé vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng như thế này. Nhờ sự phát triển nhanh chóng ấy, bé sẽ có điều kiện thuận lợi để học hỏi và tiếp thu về thế giới đa dạng xung quanh.

Hiện tượng thai nhi khóc trong bụng mẹ

Một hiện tượng mà khoa học vẫn chưa giải thích được đó là thai nhi sẽ có thể khóc trong bụng mẹ. Mẹ bầu thỉnh thoảng có thể nghe được tiếng khóc của em bé trong bụng lúc yên tĩnh hoặc vào ban đêm. Qua hình ảnh siêu âm, mẹ bầu có thể thấy bé lấy tay dụi mắt như hành động khóc khi bé ở bên ngoài.

Da của thai nhi

Da trẻ sơ sinh thường có màu đỏ hồng là do những mạch máu dưới da hiện rõ qua lớp da mỏng manh của bé. Những em bé mũm mĩm hơn thường có làn da màu trắng vì độ dày của lớp mỡ dưới da lớn hơn.

Tuy nhiên, da của em bé trong bụng cũng có thể tím tái hoặc xanh xao. Nguyên nhân chính là vì hệ tuần hoàn chưa thật sự hoạt động mạnh mẽ. Khi ấy, bé vẫn còn thiếu máu nuôi dưỡng cũng như khí oxy.

Da của thai nhi trong bụng mẹ
Da của thai nhi trong bụng mẹ

Sau khi sinh, dưới sự tác động môi trường bên ngoài, da của bé sẽ được hình thành hoàn chỉnh. Da có thể có màu sáng hơn hoặc sậm hơn. Những bé sơ sinh thường có hiện tượng vàng da sinh lý. Nếu vàng da nhiều và kéo dài thì đó là bệnh lý và cần được điều trị kịp thời.

Cử động của thai nhi khi người mẹ mang thai tuần 39

Thai nhi khi người mẹ mang thai 39 tuần sẽ thường cử động và đạp nhiều. Em bé sẽ khá tăng động từ thời điểm này cho đến lúc sinh. Vì vậy, sự giảm rõ các cử động của thai nhi có thể là triệu chứng của một vấn đề bất thường. Khi ấy, mẹ bầu nên báo ngay với bác sĩ chuyên khoa nhé!

Sự xoay đầu của thai nhi

Hấu hết các thai có ngôi bình thường (ngôi đầu). Khi ấy, em bé sẽ xoay đầu xuống phía vùng chậu của người mẹ. Có một số trường hợp bé không xoay đầu hoặc xoay không hoàn toàn. Chẳng hạn như ngôi ngang, ngôi mông. Lúc này, mẹ bầu thường không thể sinh qua ngả âm đạo mà phải sinh mổ.

Kích thước và trọng lượng của thai nhi

Thai nhi khi người mẹ mang thai tuần 39 sẽ có kích thước tương đương một quả mít chín. Chiều dài trung bình của bé là 50 cm và trọng lượng vào khoảng 2,8 kg đến 3,2 kg. Một số bé có thể có trọng lượng lớn hơn.

Thai nhi khi người mẹ mang thai 39 tuần
Thai nhi khi người mẹ mang thai 39 tuần

Những thay đổi trên cơ thể mẹ bầu mang thai tuần 39

Các cơn co Braton Hicks

Mẹ bầu mang thai tuần 39 thường xuất hiện những cơn gò chuyển dạ giả (hay còn gọi là cơn co Braxton Hicks, cơn co sinh lý). Để phân biệt với chuyển dạ thật, mẹ bầu có thể dựa vào các đặc điểm sau đây:

  • Các cơn co Braton Hicks thường tập trung ở vùng bụng dưới và vùng háng. Trong khi đó, cơn co chuyển dạ thật phần lớn xuất hiện ở vùng lưng dưới và thường lan ra toàn bộ vùng bụng.
  • Cơn co của chuyển dạ thật sẽ diễn biến ngày càng tăng nhiều hơn theo thời gian. Nó đồng thời không giảm hoặc mất đi khi sản phụ ăn, thay đổi tư thế hay nghỉ ngơi.
Cơn co Braxton Hicks thường xuyên xuất hiện
Cơn co Braxton Hicks thường xuyên xuất hiện

Lưu ý những dấu hiệu khởi phát chuyển dạ

Nói chung, mẹ bầu mang thai tuần 39 vẫn không có gì thay đổi nhiều so với tuần thứ 38. Ngoại trừ một vấn đề mà mẹ bầu nên quan tâm nhiều nhất đó chính là những dấu hiệu của sự khởi phát chuyển dạ. Chúng bao gồm:

  • Chảy nhớt hồng âm đạo.
  • Xuất hiện các cơn co của chuyển dạ. Cơn co ngày một dày hơn, mạnh hơn và thường xuyên hơn.
  • Sự thành lập đầu ối tại cổ tử cung.

Khi xuất hiện những dấu hiệu này, mẹ bầu nên đến ngay cơ sở y tế để sinh em bé nhé! Tốt nhất là bạn nên đăng ký sinh từ trước tại cơ sở y tế nào mà mình ưng ý nhất.

Những triệu chứng xuất hiện ở thai phụ khi mang thai 39 tuần

So với tuần thứ 38, những triệu chứng xuất hiện ở mẹ bầu khi mang thai tuần 39 không có gì khác biệt nhiều. Những triệu chứng ấy bao gồm:

  • Cảm giác nặng ở vùng bụng dưới rốn.
  • Đau thắt lưng, đau thần kinh tọa.
  • Vết rạn da vùng bụng xuất hiện nhiều và rõ hơn ở một số thai phụ.
  • Ngực to hơn và sẵn sàng cho chức năng tiết sữa.
  • Mệt mỏi thường xuyên.
  • Đau đầu, xây xẩm, chóng mặt, có thể hạ huyết áp khi thay đổi tư thế đột ngột.
  • Rối loạn đi tiêu như tiêu chảy, táo bón, mót rặn. Thậm chí có thể tiêu ra máu do bị trĩ trong thời gian mang thai.
  • Cảm giác mắc tiểu thường xuyên. Nhiều trường hợp bị bí tiểu do thai to chèn ép vào bàng quang.
  • Chảy dịch âm đạo, đôi khi có lẫn máu.
  • Giảm cảm giác khó thở do thai đã di chuyển xuống thấp.
  • Khó ngủ, mất ngủ do lo lắng, hồi hộp chờ đợi đến giây phút chuyển dạ.
Khó ngủ khi mang thai
Khó ngủ khi mang thai

Lời khuyên của các chuyên gia

Khi mang thai 39 tuần, các chuyên gia khuyên mẹ bầu nên:

  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
  • Không nên quá lo lắng vì sẽ dẫn tới mất ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, mẹ bầu sẽ không đủ sức để vượt cạn thành công,
  • Tự chăm sóc da mặt tại nhà. Chẳng hạn như sử dụng kem dưỡng da, đắp mặt nạ trái cây. Việc làm này có tác dụng giúp mẹ bầu thư giãn. Đồng thời, nó giúp hạn chế tình trạng nám da, thâm da do thai kỳ.
  • Duy trì thói quen vận động nhẹ, tập những bài thể dục nhẹ. Theo khoa học và quan niệm dân gian thì vận động nhẹ lúc sắp sinh sẽ giúp mẹ bầu “dễ đẻ” hơn.

Lựa chọn các bài tập thể dục phù hợp trong thai kỳ sẽ giúp ích cho mẹ khi sinh em bé. Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn bài tập thể dục cho bà bầu đơn giản, hiệu quả.

  • Chế độ ăn uống đa dạng các chất và thành phần. Mục đích là để người mẹ có đủ năng lượng cho quá trình vượt cạn.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày, trung bình 1,5 đến 2 lít nước để ổn định thai nhi và phòng chống táo bón.
Mẹ bầu mang thai tuần 39 nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng
Mẹ bầu mang thai tuần 39 nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng

Với những thông tin trên đây, hy vọng bạn đọc nhất là các mẽ bầu sẽ hiểu rõ hơn về thời điểm mang thai tuần 39. Từ đó, các bạn sẽ yên tâm hơn, đồng thời có kế hoạch sinh em bé chu đáo nhất để sẵn sàng chào đón thiên thần nhỏ ra đời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. 39 Weeks Pregnanthttps://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-39.aspx
  2. Week 39 of Your Pregnancyhttps://www.verywellfamily.com/39-weeks-pregnant-4159263

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người