YouMed

Mẻ răng: Nguyên nhân và cách khắc phục

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Thật buồn nếu như chúng ta có bất cứ một cái răng nào bị mẻ. Nhưng sự thật là số lượng trường hợp răng bị mẻ chiếm rất nhiều trong các chấn thương răng. Nguyên nhân gây ra nó cũng rất đa dạng: từ chấn thương đột ngột cho đến mất cấu trúc do sâu răng, miếng trám hở..v.v..Bất kể lý do là gì, khi mẻ răng, đa số mọi người đều cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, mẻ răng hoàn toàn có thể phục hồi thành công nhờ các phương pháp điều trị nha khoa khác nhau.

1. Thế nào là răng mẻ?

Răng mẻ là răng bị mất đi một phần nhỏ cấu trúc răng. Vị trí mẻ thường ở vùng cạnh cắn hoặc đỉnh múi. Khi răng bị mẻ, có thể bạn không cảm thấy đau ngay hay thậm chí còn không phát hiện ra vì mảnh vỡ quá nhỏ. Có nhiều nguyên nhân và tình huống gây ra mẻ răng. Khi bạn cắn một viên kẹo cứng hoặc viên đá cũng có thể gây mẻ.

Men răng là thành phần khoáng hóa bao phủ bề mặt răng. Đây là mô cứng chắc nhất trong cơ thể. Tuy nhiên dù cứng chắc như thế nào, nó vẫn có giới hạn về sức chịu lực. Những va đập vào mặt hoặc té ngã, tất cả đều có thể gây mẻ răng. Nếu một ngày nào đó bạn chợt phát hiện ra một mảnh răng trong miệng, đừng quá lo lắng! Có rất nhiều cách để phục hồi lại răng giúp bạn.

>>> Xem thêm: Làm thế nào để ngăn ngừa mảng bám và vôi răng?

2. Nguyên nhân gây mẻ răng

Có nhiều lý do gây mẻ răng,  phổ biến gồm:

  • Cắn trúng các vật cứng như kẹo, đá lạnh,…
  • Dùng răng mở nắp chai, lọ.
  • Té ngã, tai nạn giao thông.
  • Chấn thương do chơi thể thao.
  • Nghiến răng.

mẻ răng do cắn vật cứng

3. Các yếu tố nguy cơ gây mẻ răng

Một số yếu tố góp phần làm suy yếu cấu trúc khiến răng dễ bị mẻ hơn bình thường. Các lý do đó là:

  • Sâu răng hoặc các vùng mất khoáng chớm sâu.
  • Các miếng trám lớn.
  • Nghiến răng gây mòn lớp men.
  • Thường xuyên sử dụng các thực phẩm chứa axit. Ví dụ như nước trái cây, cà phê, thức ăn cay…có thể làm mòn lớp men và bộc lộ về mặt răng.
  • Trào ngược axit dạ dày hay ợ nóng: đây là các rối loạn tiêu hóa, khiến axit từ dạ dày đi ngược lên miệng. Điều này khiến men răng bị phá hủy.
  • Rối loạn ăn uống hoặc sử dụng rượu quá mức có thể gây ói thường xuyên. Do đó có thể tạo axit gây mòn men.
  • Sử dụng các thực phẩm chứa đường tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động gây sâu răng.
  • Mòn men răng theo thời gian. Ở những người trên 50 tuổi, nguy cơ men răng suy yếu tăng. Gần 2/3 số người có mẻ răng trên 50 tuổi.

>>> Xem thêm: Trám răng và những điều cần biết

4. Những răng nào có nguy cơ bị mẻ nhiều nhất?

Bất cứ răng bị suy yếu nào đều có nguy cơ bị mẻ. Theo các nghiên cứu, răng cối dưới thứ 2 là răng có nguy cơ nhiều nhất. Vì đây là răng chịu nhiều lực trong quá trình nhai. Răng cửa cũng là vùng răng dễ bị chấn thương nhất dẫn đến gãy vỡ. Ngoài ra những răng mang miếng trám là những răng  dễ bị mẻ.

5. Các dấu hiệu của răng mẻ

Nếu vùng mẻ nhỏ và không ở phía trước, rất có thể bạn không phát hiện ra. Nhưng sẽ có một số dấu hiệu giúp bạn nhận ra điều này:

  • Cảm thấy lởm chởm, nhám trên bề mặt khi lưỡi chạm phải
  • Vùng nướu xung quanh răng mẻ bị kích thích
  • Kích thích lưỡi khi chạm phải
  • Đau khi cắn. Cảm giác đau có thể dữ dội nếu vị trí mẻ gần sát tủy.

>>> Xem thêm: 21 vấn đề và bệnh răng miệng thường gặp

6. Cách giải quyết tình trạng mẻ răng

Nên tham khảo ý kiến nha sĩ nếu bạn có răng bị mẻ hoặc gãy. Vì nếu để răng bị mẻ lâu, có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá hủy răng. Răng có thể bị nhiễm khuẩn, dẫn đến mất răng. Một số cách tự chăm sóc tại nhà bạn có thể thực hiện khi chưa thể đến nha sĩ:

  • Nếu bạn thấy đau ở răng mẻ, có thể sử dụng thuốc giảm đau. Ví dụ như: acetaminophen, ibuprofen,..v.v. Súc miệng bằng nước muối ấm cũng giúp làm giảm cơn đau.
  • Nếu cạnh mẻ sắc nhọn, có thể dùng kẹo cao su không đường hoặc miếng sáp để che phủ. Tránh cạnh cắt vào môi má.
  • Ăn thức ăn mềm, tránh nhai trên răng bị mẻ.
  • Đặt đá ở bên ngoài má nếu răng bị sứt mẻ gây kích ứng cho vùng đó.
  • Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn bị kẹt giữa răng, điều này có thể gây ra nhiều áp lực hơn cho răng bị sứt mẻ khi bạn nhai.
  • Đeo dụng cụ bảo vệ miệng khi chơi thể thao hoặc vào ban đêm nếu bạn nghiến răng.
  • Việc điều trị mẻ răng phụ thuộc vào mức độ trầm trọng của mô bị mất. Nếu vùng mẻ nhỏ có thể khắc phục trong một lần khám. Tuy nhiên nếu tổn thương lớn, quá trình điều trị có thể kéo dài hơn.

7. Các phương pháp điều trị cho răng mẻ

Sau đây là một vài phương pháp điều trị giúp phục hồi lại răng bị mẻ:

7.1 Dán lại mảnh răng mẻ hoặc trám lại răng

Nếu phần răng bị mẻ nhỏ, nha sĩ có thể phục hồi bằng cách trám lại. Với vùng răng mẻ ở các răng trước, nhu cầu thẩm mỹ cao, nha sĩ sẽ dùng phương pháp dán dính bằng các vật liệu trám có màu sắc giống màu răng như composite.

trám răng

Đây là phương pháp điều trị đơn giản, không yêu cầu phải gây tê. Bước đầu tiên sẽ xoi mòn bề mặt men răng để tạo các vi lỗ rổ giúp việc dán dính tốt hơn. Tiếp theo, một loại vật liệu dán dính sẽ được bôi lên bề mặt răng giúp composite có thể dính được. Nha sĩ sẽ dùng nhựa có màu giống màu răng để tạo lại hình dạng của răng ban đầu. Cuối cùng, sẽ sử dụng ánh sáng đèn halogen để làm cứng các vật liệu đã tạo hình.

 >>> Xem thêm: Trám răng và những điều cần biết

7.2 Phục hồi bằng mão răng

Nếu vùng bị mẻ lớn hơn và răng có sâu răng, nha sĩ sẽ loại bỏ mô sâu và sử dụng mão để phục hồi lại cấu trúc. Mão răng giúp bảo vệ các mô còn lại tốt hơn. Đồng thời nó cũng giúp thay đổi hình dạng, màu sắc của răng. Có nhiều loại vật liệu làm mão răng khác nhau như: nhựa, sứ, kim loại hay kết hợp sứ – kim loại. Mỗi loại mão có ưu điểm khác nhau. Mão kim loại có độ bền cao nhất. Mão nhựa hoặc sứ có màu sắc gần giống với răng tự nhiên.

Đặt chốt phục hồi thân răng bằng bọc mão

Trong trường hợp phần thân phía trên bị mẻ hay gãy với chân răng còn nguyên vẹn, nha sĩ có thể thực hiện lấy tủy. Đặt một chốt vào ống tủy với xi măng gắn chặt và trám tái tạo cùi răng. Sau đó phục hồi phần thân phía trên bằng bọc mão.

mão răng
Việc điều trị này có thể mất 2 – 3 lần hẹn.
  • Lần hẹn đầu:

Nha sĩ sẽ chụp phim đánh giá chân răng cùng mô xung quanh. Sau khi loại bỏ các vấn đề khác, nha sĩ sẽ thực hiện gây tê. Bước tiếp theo là mài cùi tạo dạng. Nếu mô răng mất nhiều, nha sĩ sẽ phải trám lại để cùi răng đủ sức lưu giữ mão bên trên. Sau khi lấy dấu bằng chất lấy dấu đặc biệt, nha sĩ sẽ gửi dấu đó cho labo. Công việc của labo sẽ tạo dạng mão răng theo dấu đã được lấy. Trong khi chờ có mão sau cùng, bạn sẽ được phục hồi bằng mão tạm bằng nhựa.

  • Lần hẹn tiếp theo:

Nha sĩ sẽ tháo bỏ mão tạm. Điều chỉnh mão sau cùng cho vừa khít với cùi răng. Mão sau cùng sẽ được gắn dính bằng xi măng.

7.3 Mặt dán sứ giúp phục hồi răng mẻ

Mặt dán sứ là một lớp sứ rất mỏng, có màu sắc giống răng tự nhiên. Mặt dán sứ sẽ che phủ bề mặt ngoài của răng. Tuy nhiên, trên mặt dán sứ sẽ có một vùng dày hơn giúp phục hồi phần bị mẻ. Nếu răng mẻ là các răng trước, mặt dán sứ là một lựa chọn tuyệt vời cho việc phục hồi lại hình dạng với xâm lấn tối thiểu.

mẻ răng phục hồi bằng mặt dán sứ

Để chuẩn bị cho dán mặt sứ, nha sĩ có thể không mài hoặc mài rất ít từ 0,3 – 1,2 mm bề mặt răng. Sau đó lấy dấu và gửi cho labo để thực hiện mặt dán sứ. Sau khi đã hoàn thành, mặt dán sẽ được gửi lại nha khoa. Tiếp theo, nha sĩ thực hiện xoi mòn bề mặt men răng. Một loại xi măng gắn đặc biệt sẽ được sử dụng để gắn mặt dán với bề mặt răng đã sửa soạn. Khi mặt dán được điều chỉnh đúng vị trí, cuối cùng sẽ dùng ánh sáng đặc biệt để làm đông xi măng gắn.  

7.4 Chữa tủy đối với răng mẻ

Khi răng bị mẻ quá lớn, mô tủy bị bộc lộ. Do đó nguy cơ nhiễm khuẩn có thể xảy ra. Nếu răng có đổi màu, đau hay nhạy cảm với nhiệt, đó có thể là dấu hiệu mô tủy đang bị phá hủy. Việc chết tủy có thể xảy ra và nếu không loại bỏ có thể gây nhiễm trùng. Lấy tủy là điều trị trong đó mô tủy được loại bỏ, ống tủy được tạo dạng, làm sạch và trám bít hoàn toàn.

Điều trị tủy có thể được thực hiện bởi các nha sĩ tổng quát hoặc chuyên gia nội nha. Trong quá trình điều trị tủy có thể gặp tình trạng đau trong vài ngày. Sau khi hoàn thành lấy tủy, mão răng sẽ được thực hiện để phục hồi và bảo vệ mô răng còn lại.

điều trị tủy

8. Cách chăm sóc và phòng ngừa răng sứt mẻ

  • Chăm sóc sau điều trị răng bị sứt mẻ

Điều quan trọng là phải tuân thủ vệ sinh răng miệng tốt. Đánh răng hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng thường xuyên bất kể răng có bị sứt mẻ hay không. Sau khi răng bị sứt mẻ, cần chú ý không cắn quá mạnh trên răng đó. Tùy thuộc vào số lượng răng bị sứt mẻ và phương pháp điều trị được thực hiện để khắc phục nó, nha sĩ sẽ hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi răng. Bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn.

  • Cách phòng ngừa mẻ răng

    • Hạn chế nhai các đồ ăn cứng hoặc dùng răng để mở các vật cứng như nắp chai, hộp.
    • Mang máng bảo vệ khi chơi thể thao.
    • Mang máng nhai dành cho nghiến răng ban đêm.
    • Điều trị kịp thời các tình trạng sâu răng, phục hồi sớm các răng mang miếng trám lớn bằng mão.
    • Tránh các hoạt động gây chấn thương hàm mặt.
    • Hạn chế ăn vặt giữa các bữa ăn. Ăn rau sống hoặc các loại hạt là những món ăn nhẹ tốt để giữ sạch răng. Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho hàm răng khoẻ mạnh
    • Uống soda qua ống hút để răng tránh tiếp xúc với axit.
    • Nhai kẹo cao su không đường sau khi ăn uống để trung hòa axit gây hại trong miệng.

Mẻ răng hoàn toàn là một điều không ai muốn gặp phải. Việc điều trị cũng phụ thuộc vào vị trí, loại và mức độ tổn thương mô răng. Một số điều trị thông thường là: trám răng, mặt dán sứ, mão răng. Trong một vài trường hợp có thể chúng ta phải điều trị tủy. Quan trọng nhất vẫn là điều trị kịp thời ngay khi răng bị mẻ để tránh nguy cơ răng bị phá hủy nhiều hơn.

Bác sĩ Trương Mỹ Linh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1/ Donna Christiano, “Chipped Tooth”, đăng nhập ngày 19-10-2017 tại website http://www.healthline.com

2/ Webmd team, “Repairing a Chipped or Broken Tooth” , đăng nhập tại website http://www.webmd.com

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người