Mẹo dành cho bố mẹ có bé sơ sinh có hội chứng Colic
Nội dung bài viết
Đã bao giờ bé sơ sinh nhà bạn khóc thành cơn hàng giờ liền và mặc dù bạn đã thử đủ mọi cách vẫn không thể dỗ cho bé nín khóc được không? Và bố mẹ nhận thấy những cơn khóc đó cứ lặp lại cùng 1 thời điểm vào mỗi ngày? Rất có thể bé nhà bạn đang có hội chứng Colic đấy. Chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược hội chứng Colic là gì và những mẹo mà bố mẹ nên biết để chăm sóc cho bé có hội chứng này nhé.
1/ Sơ lược về hội chứng Colic
Hội chứng Colic không phải là 1 bệnh lí. Nó là những cơn khóc dữ dội, kéo dài và thường xuyên ở bé sơ sinh khỏe mạnh. Các cơn khóc bắt đầu đột ngột không có lí do và thường xảy ra vào buổi tối.
Các triệu chứng của hội chứng Colic cũng rất đa dạng. Nguyên nhân đến hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Một số yếu tố đã được tìm thấy và được cho là nguyên nhân.
Vấn đề ở đây là không có phương pháp nào giải quyết triệt để ngoài việc chờ thời gian qua. Trong lúc đó, bố mẹ nên trang bị cho mình 1 số kiến thức và những mẹo nhỏ để có thể chăm sóc bé và vượt qua được khoảng thời gian căng thẳng này.
>> Bạn mang bé sơ sinh về nhà, và trong vài tuần đầu bé vẫn biểu hiện bình thường. Vào 1 ngày nọ, bé bắt đầu có cơn khóc kéo dài hàng giờ liền và dù bạn đã thử hết mọi cách vẫn không thể dỗ bé nín được.
2/ Chiến lược dỗ dành bé
Sẽ rất có ích nếu bố mẹ có sẵn 1 danh sách các chiến lược dỗ dành bé. Bố mẹ cần phải thử nghiệm từng cách. Có vài cách hiệu quả hơn, có cách hiệu quả 1 hoặc 2 lần còn những lần khác thì không. Các chiến lược dỗ dành gồm có:
- Sử dụng núm vú giả
- Đưa bé đi dạo bằng xe đẩy
- Bế bé đi vòng vòng hoặc đu đưa nhẹ
- Dùng chăn (mền) quấn bé lại
- Cho bé tắm nước ấm
- Xoa bụng bé hoặc đặt bé nằm sấp để xoa lưng bé
- Mở nhạc nhẹ nhàng, du dương
- Tiếng ồn trắng (âm thanh tạo ra bằng cách kết hợp nhiều loại âm thanh với tần số khác nhau). Mở máy tạo tiếng ồn trắng, máy hút bụi hoặc máy sấy quần áo ở phòng gần đó.
- Để đèn mờ mờ và hạn chế các kích thích thị giác khác
3/ Cách cho bú
Một số thay đổi trong cách cho bé bú cũng có thể xoa dịu bé. Cho bé bú bình ở tư thế thẳng đứng và ợ thường xuyên trong và sau khi bú. Sử dụng bình sữa có độ cong sẽ dễ dàng cho bé bú ở tư thế thẳng đứng.
4/ Thay đổi chế độ bú cho bé hoặc chế độ ăn cho mẹ
Nếu chiếc lược dỗ dành và thay đổi cách cho bú không hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên thử thay đổi chế độ ăn của mẹ hoặc chế độ bú cho bé. Các thay đổi bao gồm:
- Thay đổi sữa công thức. Nếu bạn đang cho bé bú sữa công thức, hãy đổi sang sữa công thức dạng protein thủy phân. Đây là loại sữa công thức chứa các protein đã được phân tách thành dạng có kích thước nhỏ hơn. Thời gian để thử nghiệm phương pháp này được các bác sĩ khuyên nên kéo dài khoảng 1 tuần.
- Thay đổi chế độ ăn của mẹ. Nếu bé đang bú mẹ, bạn nên thử chế độ ăn ít các loại thức ăn thường gây dị ứng. Các loại thức ăn dễ gây dị ứng thường gặp như trứng, lạc, lúa mì và sản phẩm từ sữa. Bạn cũng nên loại bỏ các loại thực phẩm dễ gây kích ứng như bắp cải, củ hành hoặc nước uống có caffein.
5/ Mẹo cho bố mẹ tự chăm sóc bản thân
Chăm sóc cho bé có hội chứng Colic có thể gây kiệt sức và căng thẳng cho bố mẹ. Một số mẹo sau đây có thể giúp bố mẹ tự chăm sóc cho bản thân và nhận được sự hỗ trợ của mọi người:
- Nghỉ giải lao. Chia lượt với chồng hoặc vợ hoặc nhờ 1 người bạn sang trông bé giúp trong 1 khoảng thời gian. Cho bản thân cơ hội để ra khỏi nhà khi có thể.
- Sử dụng giường cũi cho bé. Bố mẹ có thể đặt bé và cũi trong thời gian bé có cơn khóc. Như vậy, bố mẹ có thể bớt căng thẳng và tạm nghỉ ngơi.
- Chia sẻ cảm xúc của mình. Trong tình huống này, bố mẹ cảm thấy vô dụng, buồn rầu, tội lỗi hoặc giận dữ là bình thường. Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn với gia đình, bạn bè và bác sĩ của con bạn.
- Đừng tự đánh giá bản thân. Đừng đánh giá việc làm bố mẹ của mình là không thành công khi để bé khóc nhiều như vậy. Hội chứng Colic không phải là hậu quả của việc làm bố mẹ không tốt. Và việc bé khóc không ngừng không phải là dấu hiệu bé không chấp nhận bạn.
- Chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Chế độ ăn lành mạnh. Dành thời gian tập luyện thể dục, như đi bộ mỗi ngày. Nếu có thể, hãy ngủ khi bé ngủ – thậm chí là vào ban ngày. Tránh các loại rượu bia và thuốc lá.
- Hãy nhớ rằng đây chỉ là tình trạng tạm thời. Hội chứng Colic thường cải thiện sau khi bé được 3 đến 4 tháng tuổi.
- Có kế hoạch dự phòng. Nếu có thể hãy lập kế hoặc với họ hàng hoặc bạn bè giúp đỡ khi bạn bị quá tải. Nếu cần thiết, hãy liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ về mặt tâm lí.
Tóm lại, Hội chứng Colic không phải là 1 bệnh lí. Nó là những cơn khóc dữ dội, kéo dài và thường xuyên ở bé sơ sinh khỏe mạnh. Bố mẹ có thể thử các chiến lược dỗ dành, thay đổi cách bú hoặc chế độ ăn để giúp bé xoa dịu các cơn khóc. Việc chăm sóc cho bé có hội chứng Colic có thể gây kiệt sức và căng thẳng cho bố mẹ. Do đó, bố mẹ hãy thử áp dụng các mẹo trong bài để có thể chăm sóc cho bản thân. Nếu bố mẹ còn thắc mắc hoặc lo lắng gì, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của mình nhé.
>> Trẻ sơ sinh khó ngủ là một trong những tình trạng không phải hiếm gặp. Đối với trẻ sơ sinh, phần lớn thời gian trong ngày là dành cho việc ngủ. Vì vậy, tình trạng trẻ khó ngủ là một biểu hiện bất thường nào đó của sức khỏe.
Bác sĩ Đăng Hoàng Thiên
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Colleen de Bellefonds, “Colic in Babies: Signs, Causes and Tips for Parents, 31/03/2020, https://www.whattoexpect.com/first-year/health-and-safety/what-is-colic
Mayo Clinic Staff, “Colic”, 29/02/2020, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colic/symptoms-causes/syc-20371074