Miết giáp: Vị thuốc quý bổ dưỡng từ ba ba
Nội dung bài viết
Ba ba là loài động vật có ở khắp nước ta. Ngoài việc có thể sử dụng thịt ba ba làm thức ăn bổ dưỡng cho sức khỏe, dân gian còn biết dùng mai của nó làm vị thuốc để điều trị bệnh với tên gọi là Miết giáp. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.
1. Giới thiệu Miết giáp
- Tên gọi khác: Biết giáp, Cước ngư giáp, Thủy ngư giáp, Miết xác …
- Tên khoa học: Carapax Trionycis.
- Thuộc họ Ba Ba (Trionychadae).
Ba ba là loài bò sát có ba móng, sống ở nước ngọt (ao hồ, sông ngòi). Đầu tròn có mõm nhọn, cổ dài trơn nhẵn. Miết giáp chính là mai của ba ba, hình khum có khía dọc ở giữa, hằn lên những vết lục giác mờ là các vẩy dẹt cứng như sừng. Dưới bụng là một phiến giáp phẳng không liền với mai. Ba ba có 4 chân, 2 chân trước dài, 2 chân sau ngắn, không có đuôi. Thức ăn là cá, nhuyễn thể, tôm cua.
1.1. Phân bố và thu hoạch
Loài ba ba sinh sống ở nhiều nơi như Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, miền Vắc Việt Nam… Khó xác định phạm vi phân bố bản địa do loài này từ lâu đã được dùng làm thực phẩm và sau đó được lan tỏa rộng nhờ những người dân di cư.
Ba ba phần lớn thu hoạch vào mùa thu và mùa đông, sản lượng cao nhất vào tháng 5 – 7. Sau khi bắt về, cắt cổ lấy tiết hứng ngay vào ít rượu, rồi cho cả con vào nồi nước sôi, đun trong 1 – 2 giờ. Vớt ra, gỡ lấy mai, để nguyên hoặc ngâm nước phèn một đêm (20 g phèn cho 1 kg mai), rồi cạo sạch thịt và màng, phơi khô. Nếu lấy mai ở con vật còn sống thì tốt hơn (không dùng mai đã cắt nhỏ nấu ăn).
1.2. Cách bào chế dược liệu
Dùng theo các cách sau:
- Chế giấm: Ngâm mai vào nước gừng rồi phơi khô. Sao với cát nóng hoặc nướng chín đến khi mặt ngoài hơi vàng, lấy ra tẩm sơ qua với giấm (tỉ lệ 1,5 lít giấm cho 5 kg mai), rửa sạch, phơi khô. Bảo quản nơi khô ráo, tránh sâu mọt.
- Nấu cao: Ngâm mai vào nước tro bếp trong một đêm, lấy ra rửa sạch, tẩm rượu gừng (50 g gừng cho 1 lít rượu 40°). Sau đó cắt nhỏ, nấu với nước sâm sấp và sôi liên tục trong một ngày, một đêm. Chắt lấy nước thứ nhất. Thêm nước, tiếp tục nấu để được nước thứ hai, thứ ba. Gộp các nước chắt lại, lọc kỹ, cô thành cao đặc ở nhiệt độ 70° trở lên được Miết giáp cao. Cao tốt phải có hai lớp khi cắt ngang, lớp trên có màu nâu hơi vàng bóng, lớp dưới có màu nâu đen, mùi thơm, không tanh.
1.3. Mô tả dược liệu
Miết giáp hình bầu dục hay hình trứng rộng, trên dưới phẳng, dài 10 – 20 cm, rộng 8,5 – 16,5 cm, nhô dần lên ở phía giữa. Mặt lưng màu xám đen hoặc lục đen loang lổ, hơi sáng bóng, có nhiều nếp vân nhăn. Mặt bụng màu trắng đục là một khung gồm xương sống chạy dọc ở giữa, có 8 đốt, mỗi đốt mang 2 xương sườn thẳng hàng, uốn vào phía trong. Chất cứng chắc.
Phần cho vào thuốc là thứ mai to, dày, không dính thịt sót lại, mùi vị không tanh là tốt.
1.4. Bảo quản
Để nơi khô, tránh sâu, mọt, thỉnh thoảng đem phơi lại.
2. Thành phần hóa học
Trong dược liệu Miết giáp có các hoạt chất:
Colloid, Keratin, Iod, Vitamin D (Chinese Hebral Medicine), Keratin, chất đạm (Dược Liệu Việt Nam).
- Keratin chính là lớp sừng cấu tạo nên móng tay và tóc. Đây là một loại protein quan trọng trong việc hình thành và tạo nên độ chắc khỏe cho mái tóc cũng như móng tay chân.
- Vitamin D là một loại vitamin tan trong dầu, thường được sử dụng trong các trường hợp loãng xương, còi xương…
- Iod là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormone điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da – lông – tóc – móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động…
3. Công dụng
3.1. Y học hiện đại
Thuốc có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tổ chức liên kết, vì thế có tác dụng:
- Tiêu khối u.
- Làm tăng protid huyết tương, kéo dài thời gian tồn tại của kháng thể.
- An thần.
>> Nhiều loại dược liệu khác cũng được sử dụng với mục đích an thần, trong đó có Viễn chí. Đọc thêm: Viễn chí: Thảo dược giúp an thần, chữa ho.
3.2. Y học cổ truyền
Miết giáp có vị mặn, tính hàn, không độc.
Quy kinh Phế, Can, Tỳ.
Dùng trong các trường hợp:
- Bồi bổ sức khỏe, gầy yếu, nhức xương, lao lực quá độ.
- Phụ nữ kinh nguyệt rối loạn, trong bụng có khối u tích tụ.
3.3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng Miết giáp theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Sử dụng tối đa 30 g một ngày dưới dạng thuốc sắc hay sao khô tán bột.
Lưu ý: Miết giáp sống có tác dụng bồi bổ cơ thể mạnh còn Miết giáp chích giấm thì sẽ tán kết mạnh hơn.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Trị lao phổi có triệu chứng gầy yếu, nóng trong người, lúc sốt lúc không, mồ hôi trộm
Ngân sài hồ 12 g, Hồ hoàng liên 4 g, Miết giáp 20 g (sắc trước), Thạch cao 8 g, Tần giao 8 g, Địa cốt bì 12 g, Tri mẫu 12 g, Cam thảo 4 g. Sắc uống (Thanh cốt tán).
4.2. Chữa kinh nguyệt tắc do cơ thể suy nhược
Miết giáp 30 g (tán nhỏ) cho vào bụng 1 con chim bồ câu (đã làm thịt) cùng với ít rượu và gia vị. Hấp cách thủy cho chín nhừ. Ăn hết một lần trong ngày.
5. Kiêng kỵ
- Tỳ vị yếu, hay nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
- Phụ nữ có thai vì thuốc làm động thai.
- Người hư yếu mà tay chân lạnh, người sợ lạnh.
Miết giáp là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
- Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai