YouMed

Tiêu chảy cấp ở trẻ: Một số vấn đề phụ huynh cần biết

Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Anh
Chuyên khoa: Nhi

Ngày nay, kinh tế phát triển và mỗi gia đình có ít con hơn. Phụ huynh có thể quan tâm đến sức khỏe các bé một cách kĩ càng hơn. Một trong những vấn đề thường thấy gây lo lắng cho các bậc cha mẹ là chuyện bé yêu đi tiêu lỏng nhiều lần trong ngày. Đó có phải là tiêu chảy cấp ở trẻ em không? Ảnh hưởng như thế nào đến bé? Chăm sóc bé bị tiêu chảy tại nhà như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết của Bác sĩ chuyên khoa Nhi Phạm Thị Mỹ Anh nhé.

Làm sao để biết bé yêu đang bị tiêu chảy cấp hay không?

Tiêu chảy cấp được định nghĩa là đi tiêu phân lỏng nước và tăng số lần đi tiêu (từ 3 lần trở lên trong 24 giờ). Ngoài ra có thể kèm theo sốt, nôn, buồn nôn hoặc đau bụng. Tiêu chảy cấp thường diễn ra trong một thời gian ngắn, thường là dưới 7 ngày và không quá 14 ngày.

Tuy nhiên, giải thích này không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp, vì số lần đi tiêu và tính chất phân thay đổi tùy vào từng lứa tuổi và thức ăn của trẻ:

  • Trong tuần tuổi đầu, bình thường, mỗi ngày, hầu hết trẻ đi tiêu khoảng 4 lần mỗi ngày, phân mềm hoặc lỏng. Một vài bé có thể tiêu tới 10 lần. Có bé ăn xong là poo-poo liền. Bé khác thì đi tiêu vào các khoảng thời gian khác nhau.
  • Dưới 3 tháng tuổi, vài trẻ có số lần đi tiêu nhiều hơn 2 lần mỗi ngày. Có trẻ lại chỉ đi tiêu 1 lần mỗi tuần. Bé dưới 1 tuổi, đặc biệt ở những trẻ bú mẹ, thường có phân mềm, màu vàng, xanh lá hoặc nâu, có thể có các hạt nhỏ màu trắng trong phân.
  • Từ 1 đến 2 tuổi, đa số trẻ đi cầu ít nhất 1 lần mỗi ngày với phân mềm (xốp) và thành khuôn.

Như vậy, tiêu chảy cấp ở trẻ em được nhận biết dễ dàng hơn khi thấy trẻ thải phân lỏng hoặc nhiều nước hơn, nhiều lần hơn so với bình thường.

  • Ở trẻ dưới 1 tuổi, tiêu chảy là khi trẻ đi tiêu gấp đôi số lần đi tiêu bình thường.
  • Ở trẻ lớn, tiêu chảy là khi trẻ tiêu phân lỏng nước từ 3 lần trở lên mỗi ngày. 

Tại sao bé yêu bị tiêu chảy cấp?

Nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm siêu vi (vi-rút). Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tính mạng trẻ em dưới 2 tuổi. 

Các tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em thường lây qua đường miệng. Trẻ bị tiêu chảy khi ăn uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

Hầu hết các đợt tiêu chảy xảy ra trong 2 năm tuổi đầu đời. Vì vào lứa tuổi ăn dặm, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn khi trẻ tập bò và cho tay vào miệng.

Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ mắc tiêu chảy. Các đợt tiêu chảy kéo dài hơn, nặng hơn so với trẻ khỏe mạnh.

Chăm sóc tại nhà cho trẻ bị tiêu chảy cấp như thế nào?

Bố mẹ cần hiểu về bệnh để không quá lo lắng, và nhận ra những biến chứng do bệnh gây nên một cách kịp thời.

1. Nếu trẻ bị sốt

Làm gì nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, hoặc trẻ có biểu hiện khó chịu, quấy khóc khi sốt?

Ba mẹ có thể cho con uống thuốc hạ sốt là paracetamol (còn gọi là acetaminophen). Ba mẹ nên xem kĩ thành phần thuốc. Trẻ em chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt chỉ chứa 1 thành phần. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc giảm đau hạ sốt kết hợp 2 – 3 thuốc với nhau. Lưu ý rằng thuốc hạ sốt paracetamol có nhiều hàm lượng nên cần sử dụng paracetamol đúng hàm lượng cho trẻ nhỏ. 

2. Nếu trẻ bị nôn

Khi trẻ buồn nôn hoặc nôn, cha mẹ cần cho trẻ ăn, uống chậm lại. Ăn lượng ít và ăn thức ăn loãng dễ tiêu sẽ làm giảm nôn cho trẻ. Cách làm là dùng thìa cà phê nhỏ đút trẻ uống từng muỗng. Đút một cách từ từ, chậm rãi và liên tục.

3. Cho trẻ tiêu chảy ăn uống thế nào?

Các sai lầm trong kinh nghiệm dân gian để trị tiêu chảy cấp ở trẻ em, ví dụ như:

  • Uống nước gạo rang, hoặc các loại lá
  • Kiêng ăn thịt
  • Kiêng ăn đồ tanh như tôm cá
  • Kiêng ăn các đồ ăn có nhiều nước.

Làm theo những điều trên có thể làm cho trẻ bệnh nặng nề hơn. Thậm chí khiến trẻ suy dinh dưỡng sau khi khỏi bệnh.

Cần cho trẻ bị tiêu chảy ăn gì, uống gì?

  • Trẻ em bị tiêu chảy và chưa mất nước nên tiếp tục ăn một chế độ ăn bình thường. Trẻ đang bú sữa mẹ nên tiếp tục bú mẹ như vậy.
  • Trẻ bị mất nước đòi hỏi phải bù lượng nước trong phân đã thải ra. Vì vậy cần cho trẻ uống nhiều nước. Sau khi được bù đủ nước có thể tiếp tục chế độ ăn bình thường.
  • Hầu hết trẻ bị tiêu chảy cấp có thể dung nạp được các sản phẩm từ sữa bò. Không cần phải pha loãng hoặc tránh các sản phẩm sữa, ngoại trừ ở trẻ bị dị ứng với sữa bò đã biết.
  • Có thể kết hợp tinh bột (gạo, khoai, bánh mì), thịt nạc, trái cây và rau quả. Thực phẩm giàu chất béo khó hấp thụ hơn và nên tránh.
  • Nên tránh đồ uống có quá nhiều đường (nước ngọt có gas). Nước trái cây nguyên chất cũng chứa nhiều đường. Vì vậy nếu muốn cho trẻ uống nước trái cây cần pha loãng 1 phần nước chín với 1 phần nước trái cây.

Không dùng oresol pha sẵn vì nguy cơ rối loạn điện giải nhiều hơn

Xem thêm: Nên dùng thuốc nào khi bị tiêu chảy cấp?

Cần theo dõi biểu hiện gì của trẻ bị tiêu chảy cấp?

Quan trọng nhất trong theo dõi tiêu chảy cấp ở trẻ em là theo dõi và phát hiện kịp thời tình trạng mất nước và rối loạn điện giải.

Các dấu hiệu và triệu chứng của mất nước bao gồm:

  • Trẻ quấy khóc nhiều.
  • Miệng khô, khát nước tăng và đòi uống nước liên tục.
  • Lượng nước tiểu giảm (tã không ướt từ 4 – 6 tiếng ở trẻ nhỏ, ở trẻ lớn hơn không đi tiểu trong khoảng 6 – 8 tiếng).
  • Thiếu nước mắt khi khóc và mắt trũng.

Trẻ nên được nghĩ đến rối loạn điện giải khi: trẻ mệt mỏi nhiều hơn, đừ, giảm vận động, bụng chướng tăng kèm giảm đi tiêu đột ngột khi trước đó đang tiêu lỏng nhiều, ói nhiều hơn…

Hạ đường huyết cũng cần được nhận biết kịp thời ở trẻ nôn nhiều và không ăn uống được gì trong 1 khoảng thời gian, trẻ lả người và vã mồ hôi.

Dấu hiệu mắt trũng ở trẻ mất nước
Dấu hiệu mắt trũng ở trẻ mất nước.

Phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ: Lời khuyên từ bác sĩ

Rửa tay là một cách thiết yếu và rất hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng. Cần chú ý đặc biệt đến móng tay, giữa các ngón tay và cổ tay. Phải rửa tay sau khi thay tã, đi vệ sinh hoặc chạm vào bất kỳ vật dụng bẩn nào và trước khi nấu thức ăn và cho trẻ ăn.

Đảm bảo vệ sinh ăn uống là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh.

Chủng ngừa Rotavirus theo hướng dẫn của bác sĩ.

Khi nào cần cho trẻ đi khám bác sĩ?

Tuy tiêu chảy cấp có thể theo dõi và chăm sóc tại nhà, tuy nhiên có một số trường hợp mà bố mẹ cần đưa bé đi gặp bác sĩ.

  • Những trẻ có nguy cơ bị tiêu chảy cấp nặng: trẻ dưới 6 tháng, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có suy giảm miễn dịch (bé vừa mới mắc sởi trước đó, hoặc HIV/AIDS).
  • Trẻ nôn nhiều và không ăn uống được gì, dù đã cho ăn uống chậm lại.
  • Nôn ra dịch mật.
  • Trẻ quấy khóc nhiều hoặc than đau bụng.
  • Phân có máu.
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước.
  • Trẻ tiêu lỏng quá nhiều và ba mẹ cảm thấy không thể bù đủ nước cho trẻ.
  • Trẻ mệt nhiều hơn hoặc li bì, lừ đừ.
  • Co giật.
  • Tiêu chảy quá 7 ngày không giảm.

Tóm lại, các đợt tiêu chảy cấp ở trẻ em là thường gặp nhưng có thể tự khỏi với sự chăm sóc khoa học của ba mẹ. Tuy nhiên bệnh có thể trở nặng và có biến chứng dù đã chăm sóc rất kĩ càng. Qua bài viết trên, hi vọng các bậc phụ huynh có thêm hiểu biết về bệnh và đưa bé yêu đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể khi cần thiết nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cinical Management of Acute Diarrhoeahttps://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/68627/WHO_FCH_CAH_04.7.pdf;jsessionid=E235FE0B1E620FFCEAACECD989F87C87?sequence=1

    Ngày tham khảo: 04/01/2020

  2. Gastroenteritis in Childrenhttps://www.aafp.org/afp/2019/0201/p159.html

    Ngày tham khảo: 04/01/2020

  3. Patient education: Acute diarrhea in children (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/acute-diarrhea-in-children-beyond-the-basics

    Ngày tham khảo: 04/01/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người