YouMed

Một số lưu ý trước và sau tiêm phòng cho trẻ em

Bác sĩ ĐOÀN THỊ HOÀI TRANG
Tác giả: Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Trang
Chuyên khoa: Nhi

Tiêm phòng là một trong những biện pháp y tế cộng đồng để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Tiêm vắc – xin là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, giảm tỷ lệ tử vong đáng kể. Nhờ tiêm phòng rộng rãi, bệnh đậu mùa đã được xóa sổ, và nhiều bệnh khác gần như đã được phòng ngừa hiệu quả.

Tuy nhiên sau khi tiêm phòng, trẻ có các biểu hiện như sốt nhẹ, chán ăn, sưng, đau, quấy khóc nên tâm lý các bố mẹ ngần ngại khi quyết định cho con tiêm phòng. Bố mẹ nên biết đó là phản ứng rất bình thường. Tiêm phòng thực sự cần thiết và quan trọng để giúp cho trẻ tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chính vì thế, thay vì ngần ngại vấn đề tiêm phòng, bố mẹ hãy cập nhật kiến thức về các phản ứng thường gặp của vắc – xin cũng như cách giảm đau, hạ sốt an toàn, hiệu quả.

1. Vắc – xin là gì?

Vắc – xin là sản phẩm được sản xuất từ ​​các chủng virus hoặc vi khuẩn đã chết hoặc vẫn còn sống. Những virus, vi khuẩn được làm suy yếu sử dụng để gây miễn dịch chống lại các bệnh truyền nhiễm.

vaccine

2. Tiêm phòng để làm gì?

Trong vài năm đầu đời, trẻ sẽ cần được tiêm chủng để bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng nhất.

Vắc – xin giúp tạo khả năng miễn dịch bằng cách bắt chước một bệnh nhiễm trùng. 

Các loại virus hay vi khuẩn gây bệnh tiếp xúc hàng ngày với chúng ta ở nhiều môi trường khác nhau. Ví dụ như tại trường học, chợ, trung tâm mua sắm, …

Trong quá trình tiếp xúc này, các mầm bệnh rất dễ lây truyền.

Số lượng người tiêm chủng càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh và lây truyền bệnh sang người khác càng ít.

3. Danh mục bệnh truyền nhiễm và vắc – xin bắt buộc

Danh mục bệnh truyền nhiễm và vắc – xin bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bao gồm: Viêm gan B, Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Bệnh do Heamophilus Inffluenzae týp B, Sởi, Viêm não Nhật Bản, Rubella.

Nếu chưa tiêm chủng đúng lịch thì tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải bảo đảm phù hợp với hướng dẫn của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

4. Đường tiêm chủng các loại vắc – xin

  • Uống: OPV, rotarvirus, tả.
  • Hít: cúm sống giảm độc lực.
  • Tiêm trong da: BCG (lao), dại.
  • Tiêm dưới da: Sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản.
  • Tiêm bắp: cúm, viêm gan A-B, não mô cầu, phế cầu, DPT (Bạch hầu, ho gà, uốn ván), Td (Uốn ván, bạch hầu), uốn ván, dại, HPV, thương hàn.

Trẻ dưới 12 tháng không tiêm bắp tại vùng cơ delta.

5. Một số trường hợp tạm hoãn tiêm phòng

  • Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…). Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
  • Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
  • Sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).
  • Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B): tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
  • Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥ 2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày: tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
  • Trẻ có cân nặng dưới 2000g: cần khám và tiêm chủng tại bệnh viện.
  • Có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vắc xin (ví dụ: lần đầu không sốt, lần sau sốt cao trên 39°C…): chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
  • Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư chưa ổn định: cần khám và tiêm chủng tại bệnh viện.
  • Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

6. Tâm lý trước khi tiêm phòng

Phụ huynh:

Không cần quá lo lắng vì những phản ứng sau tiêm phòng hầu hết nhẹ và thoáng qua. Phản ứng nặng có tỷ lệ rất thấp.

Cần duy trì trạng thái thoải mái vì trẻ rất dễ nhận thấy bạn đang lo lắng.

Cần đảm bảo tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định, bình thường bao gồm:

  • Thân nhiệt.
  • Tri giác.
  • Các bệnh lý về tim, phổi.
  • Phát hiện các bất thường khác.

Nếu trẻ có một trong các biểu hiện bệnh lý thì phải trì hoãn lịch tiêm cho đến khi trẻ, hết sốt hoặc khỏi bệnh.

Nếu trẻ có các phản ứng nặng sau tiêm ở các lần tiêm trước thì sẽ ngưng tiêm các mũi tiếp theo (nếu có).

Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ (người chăm sóc) cần mang đầy đủ sổ/phiếu tiêm chủng. Thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe, các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ theo dõi và đưa ra lịch tiêm chủng hợp lý, tránh bỏ sót hay nhầm lẫn.

Tâm lý trước khi tiêm phòng

7. Tại sao có hiện tượng sốt sau tiêm phòng?

Tiêm chủng bảo vệ con bạn chống lại các bệnh bằng cách sử dụng cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể – phản ứng miễn dịch.

Điều này bảo vệ con bạn khi tiếp xúc với các chủng bệnh đó một lần nữa trong môi trường tự nhiên.

Chính phản ứng miễn dịch gây ra hiện tượng sốt nhẹ, sưng đỏ ở trẻ. Tại vị trí tiêm sẽ gây đau, trẻ sẽ có xu hướng sợ tiêm những lần tiếp theo. Đó là các phản ứng sau tiêm thường gặp nhất. Vì đau nên trẻ thường quấy khóc và có thể bỏ bú, chán ăn, mệt mỏi, lười vận động.

Tiêm phòng giúp cho cơ thể nhận biết các bệnh nhiễm trùng mới. Nó kích thích cơ thể tạo kháng thể chống lại các kháng nguyên của mầm bệnh. Đồng thời cơ thể sản sinh các tế bào miễn dịch để ghi nhớ các loại kháng nguyên gây nhiễm trùng. Điều này cho phép cơ thể đáp ứng nhanh hơn với chính bệnh đó ở những lần tiếp xúc mầm bệnh sau đó.

8. Một số phản ứng thường gặp sau thường gặp cụ thể từng loại vắc – xin

a. Vắc – xin phòng lao (BCG)

Tại chỗ tiêm: đau, sưng, nóng.

Toàn thân: Trẻ sốt nhẹ, quấy khóc, bú kém, thường hết sau một vài ngày.

Thông thường sau khi tiêm BCG, xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau 30 phút. Theo dõi trẻ khoảng 3 – 4 tuần sau khi tiêm sẽ thấy có một nốt sưng nhỏ. 10 – 15 ngày sau sẽ rò dịch vài tuần rồi kín miệng, làm vảy. Khi vảy rụng sẽ để lại một sẹo khoảng 5 mm tồn tại trong nhiều năm.

Nếu trong thời gian đó nổi hạch: hạch cổ, hạch nách, hạch dưới xương đòn trái, nốt mủ quá to tại chỗ tiêm (đường kính trên 1 cm) cần đến cơ sở y tế khám lại ngay.

Xem thêm: Vắc-xin lao (BCG): Những điều bạn cần biết

b. Vắc – xin viêm gan B, Adacel (Bạch hầu, ho gà, uốn ván), Phế cầu (viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa), Bệnh cúm, Viêm não Nhật Bản B, Viêm gan A, Uốn ván

Tại chỗ tiêm: đau, sưng nhẹ, đỏ.

Toàn thân: sốt nhẹ, trẻ quấy khóc.

Các triệu chứng thường hết sau vài giờ đến 1 – 2 ngày.

c. Vắc – xin Infanrix Hexa (6 trong 1: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, hib, viêm gan B)

Tại chỗ tiêm: sưng đỏ, đau từ 1 – 3 ngày. Có thể nổi cục cứng sau khoảng 1-3 tuần sẽ tự khỏi.

Toàn thân: Trẻ có thể sốt, quấy khóc, nôn, tiêu chảy, bú kém.

Xem thêm: Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix hexa của Bỉ

d. Vắc – xin Pentaxim (5 trong 1: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib)

Tại chỗ tiêm: nốt quầng đỏ, nốt cứng lớn hơn 2 cm. Các triệu chứng trên thường gặp trong 48 giờ sau khi tiêm và có thể kéo dài 48 – 72 giờ.

Toàn thân: trẻ có thể sốt, quấy khóc, tiêu chảy, nôn, chán ăn, buồn ngủ, phát ban.

Các mũi tiêm sau, trẻ thường có phản ứng sau tiêm mạnh hơn so với những lần tiêm trước. Nguyên nhân do đã có miễn dịch trước đó. Cụ thể như sốt nhiều hơn, tại chỗ tiêm có thể đỏ, sưng nhiều hoặc lan ra toàn bộ tay chân bên tiêm. Thường tự khỏi trong vòng 3-5 ngày.

Xem thêm: Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim của Pháp

e. Vắc – xin Tetraxim (4 trong 1: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt)

Tại chỗ tiêm: đỏ, sưng (có thể hơn 5cm) hoặc lan ra toàn bộ chi bên tiêm. Xảy ra trong vòng 24 – 72 giờ sau khi tiêm vắc xin và tự khỏi trong vòng 3-5 ngày.

Toàn thân: sốt, tiêu chảy, kém ăn, quấy khóc.

Xem thêm: Vắc-xin 4 trong 1 Tetraxim 0.5 ml (Pháp)

f. Vắc – xin phòng tiêu chảy do Rota virus

Toàn thân: rối loạn tiêu hóa và thường tự khỏi sau vài ngày.

Nếu đi ngoài phân nước nhiều lần, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước nên khám lại ngay tại cơ sở y tế.

g. Vắc – xin phòng bệnh sởi, quai bị, Rubella

Tại chỗ tiêm: đau tại nơi tiêm trong một thời gian ngắn.

Toàn thân: sốt, mề đay, phát ban nhẹ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

9. Theo dõi sau khi tiêm chủng

Ngay tại cơ sở tiêm chủng

Trẻ cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng.

Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường: nôn trớ, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ,… cần báo ngay cho nhân viên y tế tại đó.

Tại nhà

Trẻ em cần tiếp tục được theo dõi trong 24 – 48 giờ sau khi tiêm:

  • Thân nhiệt, nhịp thở.
  • Sự tỉnh táo (chơi đùa), tinh thần, ăn, ngủ, thở.
  • Quan sát da toàn thân và vùng tiêm (sưng, mẩn đỏ, phát ban).

Thông báo nhân viên y tế nếu có bất thường.

Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

  • Mặc quần áo thoáng mát.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn.
  • Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm. Không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm. Vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.

Sau khi tiêm, trẻ có thể sốt nhẹ – khoảng 38 độ C và kéo dài khoảng 1 – 2 ngày. Trường hợp này, ba mẹ cần lưu ý một số cách giảm đau/hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm:

  • Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5 độ C, quấy khóc.
  • Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ.
  • Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
  • Lau mát cho trẻ bằng nước 37 – 38 độ C, nên dùng nhiệt kế thủy ngân để đo chính xác nhiệt độ nước. Tập trung lau mát tại 2 nách và vùng bẹn, vì ở đây tập trung các mạch máu lớn, thoát nhiệt nhanh hơn.

Nếu có các biểu hiện như sốt cao > 39 độ C, co giật, khóc thét, khóc dai dẳng không dứt, khò khè, khó thở, tím tái, nổi mẫn đỏ, sưng to nơi tiêm hay phản ứng thông thường > 24h. Hãy đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để được chăm sóc điều trị. Thông báo cho cơ sở đã tiêm vắc – xin về trường hợp phản ứng này.

Tiêm vắc – xin phòng bệnh rất cần thiết cho trẻ. Vắc – xin giúp bảo vệ trẻ tránh những tác nhân nhiễm trùng, giảm tỷ lệ tử vong. Có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm phòng, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể chăm sóc và giảm nhẹ các triệu chứng này cho trẻ. Bên cạnh đó, hãy luôn theo dõi, cần phân biệt được các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến gặp bác sĩ và cơ quan y tế gần nhất giúp kịp thời xử lý.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Quyết định số 2470/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em

  2. Immunisationhttps://www.healthywa.wa.gov.au/Healthy-living/Immunisation

    Ngày tham khảo: 23/07/2020

  3. What to do if your child has discomforthttps://www.immunize.org/catg.d/p4015.pdf

    Ngày tham khảo: 23/07/2020

  4. Parents Can Help Reduce Pain And Anxiety From Vaccinationshttps://www.npr.org/sections/health-shots/2016/07/12/485140592/parents-can-help-reduce-pain-and-anxiety-from-vaccinations

    Ngày tham khảo: 23/07/2020

  5. Vaccination (Overview)https://ec.europa.eu/health/vaccination/overview_en

    Ngày tham khảo: 23/07/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người