Mụn cóc có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Mụn cóc là loại mụn đặc biệt vì có thể lây lan. Vậy mụn cóc có nguy hiểm không và có cần thiết phải điều trị mụn cóc? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu câu trả lời cho những câu hỏi trên qua bài viết sau.
Mụn cóc là gì?
Mụn cóc là một bệnh da liễu do virus HPV (human papilloma virus) gây ra. Virus này có thể gây mụn cóc ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Ví dụ mụn cóc ở lòng bàn chân, mu bàn tay, đầu gối, mặt, cơ quan sinh dục,… Chủng HPV này khác với chủng HPV gây các bệnh nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung. Mặt khác mụn cóc có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Do đó người bệnh không cần quá lo lắng.1
Mụn cóc thường ủ bệnh vài tháng trước khi đóng vảy và biểu hiện trên da. Mụn cóc có nhiều loại như mụn cóc thông thường, mụn cóc dạng sợi chỉ, mụn cóc phẳng,…
Dấu hiệu của mụn cóc
Mụn cóc là bệnh lành tính ngoài da biểu hiện thường xuất hiện sau 2 – 3 tháng ủ bệnh bao gồm những dấu hiệu là:
- Nốt mụn giống màu da, không đều nhau từ 2 – vài chục milimet.
- Mụn thường sần sùi, cứng và nhô cao.
- Mụn thường nổi 1 vùng và dễ lan rộng nếu không xử lí tốt.
- Kèm cảm giác ngứa đau nhói.
Mụn cóc có nguy hiểm không?
Mụn cóc là bệnh da liễu lành tính và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên nó ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ của người bệnh. Nhất là các vị trí da dễ thấy như mụn cóc ở trên mặt, mụn cóc ở tay.
Và vấn đề lo ngại nhất của mụn cóc là khả năng lây lan. Mụn cóc có khả năng lây từ người này qua người khác hoặc tự lây cho chính mình từ bộ phận này sang bộ phận khác trên cơ thể. Sự lây lan chủ yếu do sự phát tán virus HPV khi vô tình tiếp xúc với loại virus này.
Mức độ lay lan nhiều hay ít phụ thuộc vào sức đề kháng và cơ địa mỗi người. Sau khi tiếp xúc, trong giai đoạn ủ bệnh, người có sức đề kháng tốt có thể không biểu hiện bệnh. Ngược lại nếu vị trí tiếp xúc là các vết thương hở, cơ địa đề kháng yếu thì mụn cóc có thể lan rộng hơn. Càng để lâu mà không có biện pháp ngăn ngừa thì virus càng có khuynh hướng lây lan nhiều hơn. Do đó cần điều trị sớm để tránh mất thẩm mỹ cũng là để bảo vệ những người xung quanh.
Một vấn đề khó chịu nữa là mụn cóc rất dễ tái phát và trở thành nỗi lo dai dẳng. Vì vậy người bệnh cần được điều trị dứt điểm và hiệu quả từ những mụn cóc nhẹ nhất. Mụn cóc thường có 2 – 3 tháng ủ bệnh không triệu chứng trước khi có dấu hiệu đặc trưng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này virus vẫn có thể lây sang người khác nên cần ngăn ngừa hiệu quả.
Khi nào cần điều trị mụn cóc
Thông thường mụn cóc sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian. Nhưng nếu không giữ gìn cẩn thận để mụn cóc lan rộng sẽ dẫn đến lâu khỏi. Do đó cần điều trị sớm khi:
- Tình hình trở nên phức tạp hơn khi mụn cóc lan rộng sang các vị trí lân cận.
- Bệnh nhân cảm thấy đau rát, khó chịu.
- Mụn cóc lâu ngày không khỏi đặc biệt với các trường hợp trên 2 năm.
- Bệnh nhân lo ngại vấn đề về thẩm mỹ; đối với mụn cóc nổi ở những vị trí dễ nhận diện như mặt, cổ, tay.
- Bệnh nhân muốn loại bỏ mụn cóc mà không lo để lại sẹo
- Để phòng ngừa lây lan mụn cóc cho người khác, tốt nhất bạn nên điều trị càng sớm càng tốt.
Cách điều trị mụn cóc
Tránh làm nặng thêm mụn cóc
Bệnh nhân cần tránh làm vỡ mụn cóc và ngăn virus lây sang những khu vực lân cận bằng cách:1
- Nếu mụn cóc mọc ở chân thì có thể lót đệm mềm trong giày, dép.
- Tránh đi giầy dép quá chật, nên chọn loại có chất liệu mềm để tránh đè vào các nốt mụn.
- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh tạo môi trường ẩm ướt để virus phát tán.
- Hạn chế đưa tay lên vết mụn gãi, làm vỡ hoặc chạm vào mụn cóc để tránh nhiễm trùng.
- Rửa tay sạch sẽ nếu bắt buộc phải tiếp xúc với mụn ví dụ khi bôi thuốc.
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên.
Sử dụng thuốc tự điều trị
Với tình trạng mụn cóc nhẹ có kích thước dưới 0.5 cm, bạn có thể tự điều trị với thuốc.
Các thuốc này phải có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, kháng virus. Một số thuốc bôi hay được sử dụng như duofilm, collomack có chứa acid salicylic. Các thành phần này giúp kháng virus, kháng viêm cũng giúp bong tróc các tế bào sừng.
Những người có mắc kèm các bệnh mạn tính cần lưu ý về tương tác thuốc.
Sử dụng phương pháp đặc trị2
Virus HPV xâm nhập sâu vào máu nên khó để điều trị tận gốc gây ra nên rất khó để tiêu diệt virut một cách tận gốc. Hiện nay, một số phương pháp hiện đại đã được áp dụng đặc trị cho mụn cóc như:
Đốt điện
Là phương pháp sử dụng dòng điện cao tần đốt nóng trực tiếp lên mụn cóc. Phương pháp chỉ định cho mụn cóc dưới 1 cm hoặc khó tiểu phẫu.
- Ưu điểm của đốt điện là nhanh chóng, đơn giản, chỉ cần chi phí thấp có thể diệt trừ sâu nhân mụn.
- Nhược điểm: lâu lành vết thương, nguy cơ tạo sẹo cao hơn so với dùng tia laser.
Sử dụng tia laser
Sử dụng tia laser chiếu trực tiếp vào nốt mụn cóc: Phương pháp này có thể điều trị dứt điểm mụn cóc nếu như lấy sạch được hết các tổ chức nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, nhược điểm là không thể phá hủy hoàn toàn virus.
Chấm nitơ lỏng:
Đây là phương pháp sử dụng khí nitrogen hóa lỏng có nhiệt độ -196°C.
- Ưu điểm: có thể khỏi hoàn toàn.
- Nhược điểm: gây khó chịu khi điều trị, gây rộp nước.
Tiểu phẫu
Đối với các nốt mụn cóc có kích thước dưới 2 cm ở vùng da bằng phẳng. Tương tự như dùng tia laser, tiểu phẫu có thể trị dứt điểm mụn cóc nếu các tổ chức nhiễm HPV được lấy sạch, nhưng nó lại không phá hủy hoàn toàn virus.
Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc mụn cóc có nguy hiểm không. Tuy không phải bệnh da liễu nghiêm trọng nhưng mụn cóc gây khá nhiều phiền phức trong trị liệu vì có thể tái phát và lây lan. Do đó nên điều trị sớm mụn cóc để có làn da đẹp và ngăn ngừa lây nhiễm cho cộng đồng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mụn cóc: Điều trị sớm để tránh lây lanhttps://suckhoedoisong.vn/mun-coc-dieu-tri-som-de-tranh-lay-lan-169155107.htm
Ngày tham khảo: 26/12/2022
-
WARTS: DIAGNOSIS AND TREATMENThttps://www.aad.org/public/diseases/a-z/warts-treatment
Ngày tham khảo: 26/12/2022