Mụn cóc ở chân: Không nên xem nhẹ
Nội dung bài viết
Mụn cóc có thể phát triển ở rất nhiều vị trí trên cơ thể. Trong đó mụn cóc ở chân thường gây trở ngại khi di chuyển. Chúng cũng có thể trở thành nguồn lây lan sang vị trí khác, vì vậy không nên xem nhẹ. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Da liễu Nguyễn Thị Thảo sẽ cung cấp thêm thông tin về mụn cóc ở chân. Mời bạn đọc cùng theo dõi!
Dấu hiệu bị mụn cóc ở chân
Mụn cóc ở chân hay còn được biết đến với tên gọi là mụn cóc Plantar có thể là loại mụn cóc phẳng hoặc loại sâu trong lòng bàn chân. Chúng có biểu hiện là những mảng cứng, tăng sừng trên lòng bàn chân. Mụn cóc có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên bàn chân, thường gặp hơn ở các vị trí lòng bàn chân như các gò, gót chân và đầu xương bàn chân. Mụn cóc ở chân gây vấn đề đau khi đi bộ. Vì vậy để giảm đau nên chọn loại giày dép rộng và có miếng lót mềm tránh cọ vào.1
Mụn cóc phẳng ở chân có đặc điểm bằng phẳng hoặc nhô ít, bề mặt mịn, nhẵn hoặc hơi tăng sừng. Mụn thường có màu da hoặc hồng đôi khi màu vàng và nâu nhạt. Chúng có kích thước từ 1 – 5 mm thường xuất hiện với số lượng nhiều từ 20 – 100. Chúng phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên.1
Mụn cóc sâu lòng dưới lòng bàn chân là là mụn sẩn nhỏ, bóng láng và tiến triển sâu xuống dưới da. Loại mụn này thường thô, tăng sừng, vùng da xung quanh gây đau và cơ cứng. Chúng thường xuất hiện ở lòng bàn chân như các gò, gót chân và đầu xương bàn chân.
Nguyên nhân mụn cóc ở chân
Đường tiếp xúc trực tiếp
Nguyên nhân mụn cóc ở chân thường do đi chân trần trên đất hoặc các môi trường ẩm ướt, đặc biệt là sàn nhà vệ sinh công cộng.
Chân thường nhiễm virus HPV khi đi chân trần trên đất, cũng có thể lây lan đến các vị trí khác. Đây là con đường lây nhiễm phổ biến nhất của mụn cóc. Khi chân nhiễm virus, nếu không vệ sinh sạch sẽ sẽ rất dễ lan qua tay khi tiếp xúc trực tiếp, như chạm vào chân, chạm vào vị trí mụn. Từ tay, virus lại dễ dàng lan đến các vị trí khác trên cơ thể, chẳng hạn như mặt,… Hiện tượng này gọi là tự lây nhiễm. Sau khi lây là giai đoạn ủ bệnh 2 – 3 tháng trước khi biểu hiện mụn cóc trên da.
Chính vì vậy, mụn cóc từ vùng nhỏ sẽ lan rộng sang lân cận và hình thành mụn cóc mới. Cộng thêm triệu chứng ngứa rát vùng mụn rất dễ khiến bệnh nhân gãi, cào, xát,… Điều này sẽ làm nặng thêm tình trạng mụn và dẫn đến lâu khỏi.
Lây qua đồ dùng cá nhân
Không giống mụn mủ hay mụn nước, mụn cóc không dễ vỡ và tiết dịch. Mụn cóc vỡ thường do người bệnh sờ hoặc cắt lể mụn, từ đó làm rơi rãi virus lên các đồ dùng cá nhân. Các vật dụng này có thể là tất, khăn tắm, quần áo,… Đây là điều kiện để phát tán virus không tiếp xúc. Khi ai đó chạm và những vật dụng này, virus sẽ tấn công lên các bề mặt da đang bị trầy xước, tổn thương của họ, kèm sức đề kháng cơ thể kém sẽ dễ bị nổi mụn cóc.
Mụn cóc ở chân có nguy hiểm không?
Mụn cóc ở chân không gây nguy hiểm nhưng mang lại nhiều khó khăn khi đi lại. Nhất là những mụn cóc ở lòng bàn chân, ngón chân rất dễ bị cọ xát gây đau và lây lan vì vậy không nên xem nhẹ.
Mức độ lay lan nhiều hay ít phụ thuộc vào sức đề kháng và cơ địa mỗi người. Sau khi tiếp xúc, trong giai đoạn ủ bệnh, người có sức đề kháng tốt có thể không biểu hiện bệnh. Ngược lại nếu vị trí tiếp xúc là các vết thương hở, cơ địa đề kháng yếu thì mụn cóc có thể lan rộng hơn. Càng để lâu mà không có biện pháp ngăn ngừa thì virus càng có khuynh hướng lây lan nhiều hơn. Do đó cần điều trị sớm để tránh mất thẩm mỹ cũng là để bảo vệ những người xung quanh.
Một vấn đề khó chịu nữa là mụn cóc rất dễ tái phát và trở thành nỗi lo dai dẳng. Vì vậy người bệnh cần được điều trị dứt điểm và hiệu quả từ những mụn cóc nhẹ nhất. Mụn cóc thường có 2 – 3 tháng ủ bệnh không triệu chứng trước khi có dấu hiệu đặc trưng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này virus vẫn có thể lây sang người khác nên cần ngăn ngừa hiệu quả.
Thông thường mụn cóc sẽ tự khỏi sau một khoảng thời gian. Một số tình trạng báo hiệu không được xem nhẹ, phải điều trị ngay:
- Tình hình trở nên phức tạp hơn khi mụn cóc lan rộng sang các vị trí lân cận.
- Bệnh nhân cảm thấy đau rát, khó chịu.
- Mụn cóc lâu ngày không khỏi đặc biệt với các trường hợp trên 2 năm.
Cách chữa mụn cóc ở chân
Giảm đau và lây lan
- Nếu mụn cóc mọc ở bàn chân thì có thể lót đệm mềm trong giày, dép.
- Tránh đi giầy dép quá chật, nên chọn loại có chất liệu mềm để tránh đè vào các nốt mụn.
- Giữ vệ sinh chân sạch sẽ, lau khô chân trước khi đi tất, giày, tránh tạo môi trường ẩm ướt để virus phát tán.
- Hạn chế gãi, làm vỡ hoặc chạm vào mụn cóc để tránh nhiễm trùng.
Điều trị tại nhà2
Với tình trạng mụn cóc nhẹ có kích thước dưới 0.5 cm, bạn có thể tự điều trị với thuốc. Các thuốc này phải có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, kháng virus. Một số thuốc bôi hay được sử dụng như duofilm, collomack có chứa acid salicylic và lactic. Các thành phần này giúp kháng virus, kháng viêm cũng giúp bong tróc các tế bào sừng. Những người có mắc kèm các bệnh mạn tính cần lưu ý về tương tác thuốc.
Điều trị tại bệnh viện3
Để điều trị nhanh mụn cóc ở chân, loại mụn sâu trong lòng bàn chân khó điều trị dứt điểm bằng thuốc, có thể áp dụng các biện pháp dưới đây.
Sử dụng tia laser chiếu trực tiếp vào nốt mụn cóc: Phương pháp này có thể điều trị dứt điểm mụn cóc nếu như lấy sạch được hết các tổ chức nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, nhược điểm là không thể phá hủy hoàn toàn virus.
Đốt điện: là phương pháp sử dụng dòng điện cao tần đốt nóng trực tiếp lên mụn cóc. Phương pháp chỉ định cho mụn cóc dưới 1 cm hoặc khó tiểu phẫu. Đốt điện có các ưu/khuyết điểm sau:
- Ưu điểm: nhanh chóng, đơn giản; chỉ cần chi phí thấp có thể diệt sạch virus.
- Nhược điểm: lâu lành vết thương, nguy cơ tạo sẹo cao hơn so với dùng tia laser.
Phương pháp ALA – PDT: sử dụng ánh sáng huỳnh quang. Do đó có khả năng loại trừ chính xác mà không làm ảnh hưởng đến những vị trí khác.
Chấm nitơ lỏng: là phương pháp sử dụng khí nitrogen hóa lỏng có nhiệt độ -196°C. Phương án này có:
- Ưu điểm: có thể khỏi hoàn toàn.
- Nhược điểm: gây khó chịu khi điều trị, gây rộp nước.
Tiểu phẫu: đối với các nốt mụn cóc có kích thước dưới 2 cm ở vùng da bằng phẳng. Tương tự như dùng tia liser, tiểu phẫu có thể trị dứt điểm mụn cóc nếu các tổ chức nhiễm HPV được lấy sạch, nhưng nó lại không phá hủy hoàn toàn virus.
Cách ngăn ngừa lây nhiễm mụn cóc ở chân
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Môi trường phát triển thuận lợi của virus HPV là nơi có độ ẩm, vậy nên hãy tránh xa những nơi có môi trường ẩm thấp.
- Không đi chân trần, lựa chọn giày dép không quá rộng hoặc quá chật.
- Giữ cho chân khô ráo.
- Vệ sinh giày dép một cách định kỳ.
- Hạn chế đi chung giày dép với người khác để đề phòng nhiễm bệnh.
- Không sử dụng chung dụng cụ cắt móng tay, móng chân với những người khác.
Mụn cóc ở chân không những gây khó khăn cho việc đi lại mà còn là yếu tố nguy cơ lây lan virus. Vì vậy không thể xem nhẹ và nên điều trị sớm bằng thuốc hoặc phương pháp đặc trị. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn và nhanh chóng thoát khỏi mụn cóc ở chân.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
7 loại mụn cóc thường gặphttps://suckhoedoisong.vn/7-loai-mun-coc-thuong-gap-169115447.htm
Ngày tham khảo: 23/11/2022
-
Mụn cóc và thuốc trịhttps://suckhoedoisong.vn/mun-coc-va-thuoc-tri-169124831.htm
Ngày tham khảo: 23/11/2022
-
WARTS: DIAGNOSIS AND TREATMENThttps://www.aad.org/public/diseases/a-z/warts-treatment
Ngày tham khảo: 23/11/2022