YouMed

Mụn nhọt là gì? Mụn nhọt có nguy hiểm không?

bác sĩ nguyễn thị thảo
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo
Chuyên khoa: Da liễu

Mụn nhọt là một dạng nhiễm trùng da, gây đau đớn và đôi khi có thể để lại sẹo hay thậm chí có thể dẫn đến các trường hợp cần cấp cứu y tế. Nhận biết được thế nào là một mụn nhọt nguy hiểm giúp bạn có thể điều trị sớm và kịp thời. Vậy để trả lời cho câu hỏi “Mụn nhọt có gây nguy hiểm không?”, hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Mụn nhọt là gì?

Mụn nhọt là một tình trạng nhiễm trùng da bắt đầu trong một nang lông hoặc tuyến bã. Ban đầu vùng da bị nhiễm trùng chuyển sang màu đỏ và bạn sờ thấy một cục u mềm. Từ bốn đến bảy ngày sau, khối u gom mủ lại tạo thành hình ảnh ngọn núi với đỉnh là đầu mủ màu trắng hoặc vàng và viền đỏ xung quanh.1 2 3

Những vị trí phổ biến nhất để mụn nhọt xuất hiện là ở mặt, cổ, nách, vai và mông. Khi một hình thành trên mí mắt, nó được gọi là lẹo.3

Mụn nhọt là gì? Mụn nhọt có nguy hiểm không?
Mụn nhọt là một tình trạng nhiễm trùng da

Nguyên nhân gây nên mụn nhọt?

Hầu hết mụn nhọt là do chủng vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcal) gây ra. Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết nhỏ hoặc vết cắt trên da hoặc có thể đi từ lông đến nang lông.1

Những người có vấn đề sức khỏe sau đây dễ bị mụn nhọt hơn:3

  • Bệnh tiểu đường.
  • Hệ thống miễn dịch kém.
  • Dinh dưỡng kém.
  • Vệ sinh kém.
  • Tiếp xúc với các hóa chất gây kích ứng da mạnh.

Triệu chứng khi bị mụn nhọt

Nhọt có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da của bạn đặc biệt là những vùng có nhiều lông, nơi bạn dễ đổ mồ hôi hoặc bị ma sát nhất. Các triệu chứng thường thấy của nhọt bao gồm:2 3

  • Một vết sưng đỏ, đau đớn, bắt đầu nhỏ và có thể to hơn 5 cm.
  • Da đỏ, sưng tấy xung quanh vết sưng.
  • Vết sưng to dần trong một vài ngày vì nó chứa đầy mủ.
  • Mủ chuyển từ màu trắng sang vàng cuối cùng vỡ ra và cho phép mủ chảy ra.

Mụn nhọt có nguy hiểm không?

Hầu hết mụn nhọt có thể tự chăm sóc tại nhà mà không cần phải đến các cơ sở y tế. Điều quan trọng là bạn không nên chà xát vết mụn và giữ cho chúng sạch sẽ.

Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, đặc biệt là những người dễ bị mụn nhọt như được liệt kê ở trên. Mụn nhọt có thể gây nguy hiểm. Vi khuẩn từ mụn nhọt có thể xâm nhập, đi vào máu và di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể. Nhiễm trùng lan rộng, thường được gọi là nhiễm độc máu (nhiễm trùng huyết), có thể dẫn đến nhiễm trùng sâu bên trong cơ thể bạn, chẳng hạn như tim (viêm nội tâm mạc) và xương (viêm tủy xương).

Mụn nhọt là gì? Mụn nhọt có nguy hiểm không?
Khi xuất hiện các triệu chứng xấu hơn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ

Vậy khi nào mụn nhọt có thể gây nguy hiểm? Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp dưới đây, bạn có thể cần phải đến các cơ sở y tế:2 3

  • Bạn bắt đầu phát sốt.
  • Bạn bị sưng hạch bạch huyết.
  • Vùng da xung quanh nhọt chuyển sang màu đỏ thẫm hoặc xuất hiện các vệt đỏ.
  • Cơn đau trở nên nghiêm trọng.
  • Các nhọt khác xuất hiện.
  • Bạn có bệnh về tim mạch, tiểu đường, bất kỳ vấn đề nào với hệ thống miễn dịch của bạn hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ, corticosteroid hoặc hóa trị liệu).
  • Nhọt thường không phải là tình trạng cần cấp cứu ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu sức khỏe của bạn kém và sốt cao, ớn lạnh kèm theo nhiễm trùng, bạn cần phải đến phòng cấp cứu của bệnh viện.

Cách điều trị mụn nhọt tại nhà

Việc chăm sóc mụn nhọt tại nhà cũng rất quan trọng để đẩy nhanh quá trình làm lành, hạn chế sẹo do mụn nhọt để lại cũng như giảm nguy cơ mụn nhọt có thể gây nguy hiểm.

Nếu mụn nhọt của bạn không thuộc những trường hợp cần đến các cơ sở y tế như liệt kê ở trên. Bạn có thể điều trị nhọt ở nhà. Dưới đây là một số hướng dẫn chung:1 3

  1. Giữ cho khu vực này sạch sẽ và không thoa bất kỳ chất gây kích ứng nào
  2. Đừng chọt hoặc cố gắng làm bật nhọt.
  3. Đắp gạc ấm vào chỗ nhọt nhiều lần trong ngày.
  4. Không sử dụng lại hoặc dùng chung vải dùng để băng nhọt.

Một miếng gạc sạch khuẩn sẽ giúp kéo mủ bên trong nhọt ra ngoài. Điều này có thể giúp loại bỏ hết mủ trong nhọt và giúp chúng lành lại.

Nếu bạn cố gắng tự chích hay nặn mụn nhọt, bạn đang khiến khu vực này có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn và mụn nhọt có thể gây nguy hiểm.

Tại sao mụn nhọt lại tái phát

Đôi khi nhọt có thể tái phát. Sự hiện diện của vi khuẩn Staphylococcus aureus là nguyên nhân chính gây ra nhiều trường hợp nhọt tái diễn.1

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy rằng khoảng 10% của những người bị nhọt hoặc áp xe bị nhiễm trùng lặp lại trong vòng một năm. Tuy nhiên trên thực thế con số này cao hơn nhiều vì nghiên cứu chỉ được thực hiện thông qua hồ sơ bệnh án. Những người bị mụn nhọt lặp đi lặp lại có thể không đến gặp bác sĩ mà điều trị tại nhà.1

Những người có nguy cơ bị mụn nhọt như người bị đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,… cũng là những đối tượng thường xuyên tái phát mụn nhọt.1

Cách phòng ngừa nhọt

Ngay cả khi đây là lần đầu tiên bạn xuất hiện mụn nhọt thì các biện pháp phòng ngừa mụn nhọt cũng rất cần thiết để ngăn ngừa chúng quay trở lại. Hãy làm theo các hướng dẫn sau để giúp ngăn ngừa nhọt tái phát:1 3

  • Giặt cẩn thận quần áo, giường chiếu, khăn tắm của bạn hay người thân trong gia đình bị bệnh nhọt.
  • Làm sạch và điều trị các vết thương nhỏ trên da.
  • Thực hành tốt vệ sinh cá nhân.
  • Giữ gìn sức khỏe tốt.
Mụn nhọt là gì? Mụn nhọt có nguy hiểm không?
Giữ gìn vệ sinh cá nhân là một phương án giúp ngăn ngừa lây nhiễm mụn nhọt

Rõ ràng là không phải mụn nhọt gây nguy hiểm, trái lại đa số chúng có thể khỏi khi được điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu bạn thuộc các trường hợp mụn nhọt gây nguy hiểm như trên, hãy đến các cơ sở y tế để được điều trị. Mong rằng bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo sẽ giúp ích cho bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Why Do I Keep Getting Boils?https://www.healthline.com/health/recurring-boils#home-treatment

    Ngày tham khảo: 27/12/2022

  2. Boils and carbuncleshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/boils-and-carbuncles/symptoms-causes/syc-20353770

    Ngày tham khảo: 27/12/2022

  3. Boilshttps://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/boils

    Ngày tham khảo: 27/12/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người