Bỏ túi bí kíp khiến mụn đầu đen không còn là nỗi phiền toái!
Nội dung bài viết
Mụn đầu đen là tình trạng rất thường gặp không chỉ ở các bạn nữ mà còn ở các bạn nam. Những chấm mụn nhỏ li ti màu đen xuất hiện khiến da trông sần sùi kém thẩm mỹ. Không chỉ vậy, nếu chăm sóc không phù hợp thì những chấm mụn đầu đen có thể phát triển thành mụn mủ. Vì vậy mụn đầu đen dường như là vấn đề gây phiền toái cho hầu hết những bạn mắc phải. Trong bài viết này, Bác sĩ chuyên khoa Da liễu Võ Thị Ngọc Hiền sẽ trình bày nguyên nhân và cách chăm sóc làn da có mụn đầu đen.
Mụn đầu đen là gì?
Rất dễ dàng để nhận biết làn da có bị mụn hay không. Khi quan sát làn da bạn sẽ thấy những vị trí lỗ nang lông có màu đen. Đó là những lỗ nang lông bị bít tắc và được gọi là mụn đầu đen.
Mụn đầu đen là một tình trạng bị mụn nhẹ và không viêm. Vì thế chúng không gây sưng đỏ hay gây đau nhức. Tuy nhiên chúng có thể phát triển thành mụn viêm sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu này.
Thông thường thì mụn đầu đen hay xuất hiện trên da mặt, đặc biệt là ở vùng mũi. Ngoài ra chúng có thể xuất hiện ở cổ, lưng, ngực, vai hay cánh tay. Chính những nơi này có nhiều tuyết bã nhờn hoạt động nên dễ dẫn đến bít tắc lỗ nang lông.
Xem thêm: 3 lời khuyên trị thâm mụn hiệu quả từ bác sĩ
Nguyên nhân nào hình thành nên mụn đầu đen?
Mụn đầu đen được hình thành do các nang lông bị tắc nghẽn. Mỗi nang lông trên da sẽ bao gồm một tuyến bã nhờn sản xuất dầu nhờn. Chính dầu nhờn này giúp cấp ẩm cho da, khiến cho làn da được mềm mại. Tuy nhiên khi tế bào chết và dầu nhờn tích tụ trong lỗ nang lông sẽ hình thành nên các nhân mụn.
Khi nhân mụn tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và chuyển sang màu đen. Lúc này chúng có tên gọi là mụn đầu đen. Còn đối với trường hợp nhân mụn không tiếp xúc với không khí và không bị oxy hóa. Khi đó chúng được gọi là mụn đầu trắng hay mụn ẩn.
Ngoài ra còn có một số tác nhân khiến mụn đầu đen xuất hiện đó là:
- Da sản xuất quá nhiều dầu thừa dễ làm các lỗ chân lông bị tắc nghẽn và gây nên mụn.
- Tế bào chết gây kích thích và tắc nghẽn lỗ nang lông.
- Vi khuẩn gây mụn (P. acnes) sống ở các lỗ nang lông tuyến bã kích thích sinh nhân mụn.
- Thay đổi hormone là nguyên nhân tăng tiết dầu thừa dẫn đến tắc nghẽn lỗ nang lông. Các giai đoạn có sự thay đổi của hormone như tuổi dậy thì, mãn kinh hoặc sử dụng thuốc ngừa thai.
- Sử dụng thuốc có chứa thành phần corticoid, lithium hay androgen có thể gây nên nhân mụn.
Một số ghi nhận cho thấy ăn nhiều các loại thức ăn chocolate, sữa, mỡ, kẹo… có thể khiến mụn bị bùng phát. Tuy nhiên cần có nhiều nghiên cứu hơn cho thấy sự liên quan giữa thức ăn hàng ngày và tình trạng mụn.
Khi nào nên đến khám bác sỹ?
Mụn đầu đen là tình trạng mụn nhẹ không gây sưng đỏ hay đau nhức. Tuy nhiên nếu không chăm sóc thì chúng có thể phát triển thành mụn viêm như mụn mủ hay mụn bọc. Chúng ta có thể chăm sóc và xử lý mụn tại nhà bằng nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng nếu bạn đã thử nhiều biện pháp mà không thấy hiệu quả. Lúc này bạn nên đến khám bác sỹ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và lựa chọn phương pháp phù hợp.
Bác sỹ có thể kê toa các loại thuốc bôi hoặc thuốc uống chứa vitamin A. Thành phần này giúp làm giảm tiết nhờn và ngăn chặn bít tắc lỗ nang lông bởi tế bào chết. Ngoài ra bác sỹ có thể sử dụng các công nghệ hỗ trợ như chemical peel hay laser giúp loại bỏ mụn đầu đen.
Xem thêm: Trị mụn bằng kem đánh răng có hiệu quả không?
Xử lý mụn đầu đen như thế nào?
Các biện pháp giúp loại bỏ mụn đầu đen hiệu quả đó là:
- Thuốc bôi. Một số loại thuốc bôi không cần kê toa và bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở những hiệu thuốc. Chúng chứa thành phần salicylic, benzoyl peroxide hay azelaic acid. Các hoạt chất này giúp diệt khuẩn, kháng viêm, giảm tiết dầu nhờn và loại bỏ tế bào chết. Sử dụng hàng ngày giúp cho tình trạng mụn đầu đen được cải thiện nhanh chóng.
- Xông mặt. Hơi nước nóng giúp làm giãn nở lỗ chân lông, nhờ vậy đào thải dầu nhờn dư thừa. Việc này giúp giảm tắc nghẽn lỗ nang lông sẽ giúp giảm hình thành nhân mụn. Lưu ý chỉ nên xông mặt 1 – 2 lần một tuần và không quá 10 phút mỗi lần để da không bị kích ứng.
- Chemical peel còn được gọi là tái tạo da bằng hóa chất hay thay da sinh học. Chemical peel sử dụng các loại acid có nguồn gốc từ trái cây bôi lên da trong một khoảng thời gian nhất định. Chính những acid này sẽ giúp loại bỏ tế bào chết trên da. Nhờ vậy lỗ nang lông được thông thoáng không bị tắc nghẽn. Ngoài ra peel da còn giúp giảm nhanh các nhân mụn, thu nhỏ lỗ chân lông và giảm các vết thâm mụn.
- Chiếu ánh sáng. Ánh sáng xanh là phương pháp phối hợp giúp điều trị mụn hiệu quả. Công dụng của ánh sáng xanh giúp diệt khuẩn, giảm tiết bã nhờn và làm giảm nhân mụn. Có thể chiếu ánh sáng xanh lên vùng bị mụn như mặt, cổ, ngực, lưng 1-2 lần một tuần để đạt hiệu quả.
Làm thế nào để ngăn ngừa mụn đầu đen xuất hiện?
Chúng ta có thể hoàn toàn ngăn ngừa mụn bằng nhiều cách khác nhau như:
- Rửa sạch mặt. Những yếu tố gây tắc nghẽn lỗ nang lông là dầu nhờn, tế bào chết hay bụi bẩn. Vì vậy rửa sạch mặt thường xuyên là biện pháp giúp loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn trên da mặt. Điều đó giúp lỗ nang lông được thông thoáng và ít xuất hiện mụn đầu đen. Các bạn nên rửa mặt ít nhất 2 lần/ngày và nhiều hơn khi ra nhiều mồ hôi hoặc tiếp xúc với nhiều bụi bẩn.
- Tẩy tế bào chết. Giúp loại bỏ các tế bào chết trên da nhờ đó giúp hạn chế tắc nghẽn lỗ nang lông. Các bạn có thể lựa chọn sản phẩm tẩy tế bào chết dạng hạt, dạng hóa học phù hợp với làn da của mỗi người. Lưu ý chỉ nên tẩy tế bào chết 1 – 2 lần/tuần và không nên làm nhiều lần hơn.
- Chọn sản phẩm phù hợp. Lựa chọn sản phẩm không chứa dầu nhờn để hạn chế gây bít tắc lỗ nang lông. Hạn chế chọn sữa rửa mặt có độ pH quá cao, sẽ làm cho da khô và tăng tiết dầu dư thừa. Đối với kem dưỡng ẩm nên chọn kết cấu mỏng nhẹ. Tránh sử dụng các loại có kết cấu quá dày và đặc sẽ khiến bít tắc lỗ nang lông và gây ra mụn. Có thể sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ như mặt nạ đất sét, mặt nạ bùn, giấy thấm hút dầu để làm giảm dầu dư thừa.
- Chế độ ăn uống. Uống đủ nước và ăn các thực phẩm giàu vitamin, chất xơ. Hạn chế các thực phẩm gây mụn như chocolate, sữa, mỡ, kẹo.
Mụn đầu đen là nỗi ám ảnh kinh hoàng cua nhiều người. Chúng khiến cho làn da trông sần sùi, kém mịn màng và gây mất thẩm mỹ. Không chỉ vậy, nếu chăm sóc không phù hợp thì những chấm mụn đầu đen có thể phát triển thành mụn viêm. Khi bị mụn đầu đen, các bạn có thể áp dụng những biện pháp xử lý tại nhà giúp loại bỏ một cách dễ dàng.
Đối với tình trạng mụn đầu đen cứng đầu, khó trị thì có thể tham khảo với bác sỹ da liễu phương pháp giúp giải quyết hiệu quả. Mặc khác mụn đầu đen có thể giảm và biến mất từ từ nếu chúng ta thay đổi những thói quen chăm sóc hàng ngày. Các bạn hãy áp dụng nhưng biện pháp giúp ngăn ngừa mụn đầu đen từ chuyên gia của YouMed nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Blackheadshttps://www.healthline.com/health/blackheads#prevention
Ngày tham khảo: 10/03/2020