Mụn nhọt trong lỗ tai có thật sự nguy hiểm và cách xử trí phù hợp
Nội dung bài viết
Nếu một ngày bạn phát hiện tai có hiện tượng đau nhứt dữ dội. Hoặc bạn thấy có cục sưng trong tai thì có khả năng đó là mụn hay nhọt trong tai. Mụn nhọt trong tai có thể gây đau và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu bạn nghĩ mình đang bị mụn nhọt trong tai thì hãy cùng đọc bài viết sau về tình trạng mụn nhọt trong lỗ tai của YouMed để biết thêm thông tin nhé.
Cục sưng trong tai có phải là mụn nhọt không?
Nếu bạn bị mọc mụn ở tai, sưng gây đau nhiều trong tai, có thể đó là mụn nhọt trong lỗ tai. Mụn nhọt thường xuất hiện như một khối cứng, màu đỏ trong da. Chúng thường có xu hướng xuất hiện ở những chỗ có lông và mồ hôi.
Bạn có thể đang nghĩ là trong ống tai làm gì có lông, nhưng thực tế là có đấy. Lông trong tai, cùng với ráy tai, giúp ngăn cản bụi bẩn đi sâu vào trong màng nhĩ.
Đôi khi cục sưng nằm sâu trong tai và khó quan sát, nên có thể bạn sẽ khó phân biệt đó là mụn hay nhọt. Thường thì nếu cục sưng to hơn hạt đậu và sờ bập bềnh do có dịch bên trong thì nhiều khả năng không phải là mụn.
Nếu bạn có thể thấy được cục sưng khi nhìn qua gương, hãy chụp hình lại, hoặc nhờ ai đó xem dùm bạn. Nhờ vậy bạn có thể đánh giá xem cục sưng có to, đỏ hồng và có vùng trung tâm màu trắng hoặc vàng hay không. Nếu tổn thương này có các đặc điểm này thì có thể đó là nhọt trong tai. Nếu có nhọt trong tai, bạn có thể thấy đau ở tai, hàm hay nhức đầu. Đôi khi bạn có thể gặp vấn đề về sức nghe nếu mọc mụn trong ống tai là sưng ống tai.
Nổi mụn nhọt trong lỗ tai có nguy hiểm không?
Mụn là vấn đề thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên tình trạng này vẫn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Mụn nhọt có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào, nhưng thường là ở các khu vực tiết mồ hôi, bã nhờn nhiều. Các vùng này bao gồm khuôn mặt và lưng của bạn.
Cách xử lý mụn nhọt trong lỗ tai
Lưu ý
Bạn đừng bao giờ cố gắng nặn, bóp, chích, hay tự rạch mụn nhọt trong lỗ tai. Mun mọc trong tai, nhất là nhọt thường có chứa vi khuẩn và có thể lan rộng ra, gây nhiễm trùng nặng thêm hay gây ra nhiều nhọt tai hơn.
Đôi khi các nhọt trong tai có thể tự lành và không cần phải điều trị thuốc gì cả. Để giúp nhọt tự lành và thoát lưu mủ:
- Không cố gắng nắn bóp hay tự rạch nhọt trong tai
- Giữ vùng da quanh nhọt sạch sẽ và không để các chất bẩn rơi vào
- Sử dụng phương pháp chườm ấm trên nhọt khoảng vài lần một ngày
Cách điều trị đúng
Nếu bạn chườm ấm trong tai thì hãy đảm bảo vật dụng chườm ấm được sạch sẽ, tốt nhất là dùng gạc y tế. Bạn cũng cần đảm bảo vật dụng chườm ấm tương đối khô để tránh tạo môi trường thuận lợi dẫn đến viêm ống tai ngoài.
Nếu nhọt trong tai không tự lành trong vòng 2 tuần thì bạn cần đi khám bác sĩ.
Bác sĩ có thể sẽ làm thủ thuật nhỏ, tạo một vết rạch nhỏ trên bề mặt nhọt để dẫn lưu mủ tích tụ bên trong. Bác sĩ cũng sẽ kê cho bạn kháng sinh để chống nhiễm trùng.
Bạn nên đi khám bác sĩ để điều trị nhọt trong tai nếu:
- nhọt trong tai bị tái đi tái lại
- nhọt trong tai không giảm đi sau vài tuần
- bạn có sốt hay buồn nôn
- nhọt trong tai cực kỳ đau đớn
Đừng cố gắng gãi hay chạm vào nhọt trong tai bằng nhíp, ngón tay, bông ngoáy tay, hay bất cứ vật dụng gì khác. Ống tai rất nhạy cảm và dễ bị xước, điều này có thể làm nhiễm trùng nặng thêm.
Nguyên nhân gây mụn nhọt trong lỗ tai
Nhiều dạng mụn khác nhau có thể xuất hiện ở tai, như vành tai và ống tai ngoài. Vùng da ở đây bao phủ lấy sụn tai và một ít mỡ. Da ống tai cũng có lông, cũng như các tuyến tiết dầu nhờn và ráy tai.
Mụn nhọt là tình trạng tương đối thường gặp, xuất hiện do vi khuẩn, mưng mủ bên dưới da gần vị trí các nang lông. Vi khuẩn thường gặp nhất gây nhọt trong tai đó là tụ cầu. Tuy nhiên, nhọt trong tai cũng có thể gây ra do các loại vi khuẩn và nấm khác.
Nhiễm trùng xảy ra bên trong nang lông. Mủ và mô chết tích tụ sâu trong nang lông và được đẩy lên bề mặt, gây ra cục sưng mà bạn có thể thấy hay cảm nhận được. Sự tích tụ mủ, vi khuẩn có thể gây ra do một số yếu tố, chẳng hạn như đeo tai nghe không được lau chùi thường xuyên, hoặc dùng tay chọc ngoáy trong tai.
Những vùng có nguy cơ nổi mụn nhọt cao
Các vùng cơ thể có lông và đổ mồ hôi nhiều là các vùng dễ bị nổi nhọt chẳng hạn như:
- Nách
- Vùng mặt
- Mặt trong đùi
- Cổ
- Mông
- Lỗ mũi
Bạn cũng có thể phòng tránh nhọt xuất hiện ở tai bằng cách rửa tai nhẹ nhàng khi đi tắm.
Mụn nhọt trong lỗ tai có thể tự lành được. Hãy đảm bảo bạn giữ cho tai sạch sẽ và không cố gắng nặn hay bóp mụn nhọt. Nếu mụn nhọt gây ra nhiều đau đớn, cùng với các triệu chứng khác, hoặc không tự hết trong hai tuần thì bạn cần đi khám bác sĩ. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của bạn. Từ đó sẽ chỉ định hướng điều trị phù hợp. Hy vọng bài viết trên đây đã mang đến những kiến thức bổ ích cho quý độc giả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.